Nghệ sĩ guitar Vô Thường và tuyệt kỹ ngón đàn tay trái

Giáo sư Trần Văn Khê đã nhận xét về tiếng đàn của nghệ sĩ Vô Thường như sau:

“Tiếng đàn có sức hấp dẫn lạ thường, nghe câu đầu muốn nghe tiếp câu sau, và liên tục như thế đến khi dứt bài mà cũng còn vọng lại dư âm. Những bản nhạc phần nhiều rất quen thuộc với người nghe. Nhưng qua ngón đàn của Vô Thường, mỗi bài mỗi tươi thắm với một sắc thái mới, đậm đà với một hương vị mới. Có phải chăng nhờ phong cách đàn độc đáo, không phải chỉ đàn bằng ngón tay mà đàn bằng con tim, không phải chỉ phô trương kỹ thuật mà áp dụng nghệ thuật, biểu diễn như Vô Thường không phải lặp lại mà tái tạo…”

Nhạc sĩ Vô Thường tên thật là Võ Văn Thường, pháp danh Thiện Quả, sinh năm 1940 tại Phan Rang, tỉnh Ninh Thuận; mất năm 2003 tại California, thọ 63 tuổi.

Trước năm 1975, quán cà phê Diễm của Vô Thường cũng khá nổi tiếng, là nơi họp mặt nhiều văn nghệ sĩ tỉnh nhà như: Nguyên Minh, Ngy Hữu (Trần Hữu Ngũ), Võ Tấn Khanh (Tôn Nữ Hoài My), Tô Đình Sự, Chu Trầm Nguyên Minh, Nguyễn Phan Thịnh… để hàn huyên và bàn chuyện văn chương.

Nhạc sĩ Vô Thường tốt nghiệp khóa 9 trường Sĩ Quan Thủ Đức, phục vụ ngành tâm lý chiến thuộc tỉnh nhà. Thời gian phục vụ trong quân đội, ông được giải “người đánh đàn mandoline hay nhứt quân khu”. Nhưng vào năm 1966, ông chuyển từ mandoline qua tây ban cầm. Điều độc đáo là Vô Thường đàn guitar bằng tay trái, vì vậy phải học mò, không học ký âm pháp nhiều và tự đàn một mình khi còn nhỏ. Nhờ trí nhớ tốt, những bản nhạc nghe qua một hai lần là ông đánh được, dầu không đúng hẳn. Sau đó Vô Thường đàn trong ban nhạc trình diễn ở các club Mỹ tại Phan Rang, Nha Trang, Đà Nẵng.

Sau năm 1975, Vô Thường đến Mỹ mà không kịp đem theo vợ con, phải làm nhiều nghề để kiếm sống, sau đó là mở cửa hàng bán bàn ghế ở Quận Cam và có lúc phát triển đến bốn cơ sở. Vốn tâm hồn nghệ sĩ, chỉ khi nào về với tiếng đàn của mình thì ông mới thấy thực sự hứng thú và hạnh phúc. Khi có điều kiện thuận lợi, ông hùn với một người bạn mở khiêu vũ trường RITZ vào tháng 3-1983; nhưng hai năm thì sau lại sang cho nhạc sĩ Ngọc Chánh.

Trong một bài viết, giáo sư Trần Quang Hải cho biết Vô Thường đã sáng tác nhạc tổng cộng 11 bài, thể hiện qua các chủ đề: thương nhớ quê hương, nuối tiếc hạnh phúc và tuyệt vọng trong kiếp sống lưu vong. Đó là các nhạc phẩm: Giọt Nước Mắt Lưu Đày, Hạnh Phúc Phù Du, Hạnh Phúc Nửa Vời, Tình Khúc Cho Sài Gòn… với chủ đề mang tên Hạnh Phúc Nửa Vời được phát hành giữa năm 1987. Đặc biệt nhạc phẩm “Khi Tôi Đến Nơi Đây” do chính giọng hát trầm buồn, khàn đục của ông lột tả nỗi cay đắng, chán chường, uất hận của kẻ tha hương:

Khi tôi đến nơi đây, đôi tay trắng vai gầy
Chợt đời ngu ngơ, muộn màng trên đất mới
Kỷ niệm mang theo nước mắt tù đày
Bỏ lại sau lưng trăm ngàn nỗi đắng cay

Vô Thường chú tâm nhiều hơn trong việc luyện tiếng đàn tây ban cầm với những nhạc phẩm quen thuộc của miền Nam, kể cả nhạc ngoại quốc. Bạn bè nghe thấy hay và khuyến khích, ông thu lại tiếng đàn trong băng cassette để gởi bán thử, chỉ trong vòng vài tháng trong năm 1987 mà đã gây tiếng vang lớn, được thính giả khen ngợi nhiệt liệt. Cuối cùng ông quyết định sống chỉ bằng tiếng đàn của mình.

Vô Thường tự sản xuất CD nhạc không lời đủ loại: tình ca, hòa tấu, khiêu vũ, country music, ngoại quốc… Ngay trong thị trường Mỹ, mỗi tuần ông nhận được nhiều thư hỏi mua, hoặc viết lời khen, cám ơn ông đã mang lại cho họ những giây phút hạnh phúc qua tiếng đàn điêu luyện của ông thể hiện những nhạc phẩm nổi tiếng.

CD của Vô Thường trình bày trang nhã, nghệ thuật, khác hẳn những CD có trên thị trường. Đôi khi ở bìa sau CD, ông còn tóm tắt rất súc tích về cuộc đời của các nhạc sĩ có bản nhạc mà ông đàn. Cầm CD lên xem đã thấy đẹp mắt, còn nội dung bên trong thì có tiếng đàn độc đáo, lúc réo rắt êm dịu, lúc tha thiết ảo não, âm thanh rót vào tai như mật ngọt làm xúc động đến tận cùng lòng người.

Mười sáu năm hoạt động trong lĩnh vực ưa thích với hết khả năng của mình, Vô Thường đã thu âm được 150 CD về đủ thể loại và rất đa dạng: Tình Khúc Tiền Chiến, Tác Giả & Tác Phẩm, Tình Ca Cho Nhau, Tình Ca Của Lính, Lính và Kỷ Niệm, Thơ Nhạc, Tình Ca Xuân, Nhạc Hòa Tấu, Nhạc Khiêu Vũ, Nhạc Ngoại Quốc, Country Music… Nội dung các thể loại trên giới thiệu hầu hết các nhạc sĩ và nhạc phẩm danh tiếng một thời, kể cả nhạc ngoại quốc mà ai cũng ưa thích. Trung bình mỗi CD tối thiểu 10 bản nhạc, 150 CD tính ra hơn 1500 nhạc phẩm. Đó là một số lượng không nhỏ để lại cho đời, vì toàn là tuyển chọn những bản nhạc hay và nổi tiếng.

Nhiều người, nhiều giới không tiếc lời khen ngợi tiếng đàn bất hủ của ông, nhạc sĩ Trần Quang Hải cho rằng tiếng đàn Vô Thường không có “đối thủ”, còn nhà nhạc học nổi tiếng, Giáo sư Trần Văn Khê, đã thẩm âm và nhận xét:

“Tiếng đàn có sức hấp dẫn lạ thường, nghe câu đầu muốn nghe tiếp câu sau, và liên tục như thế đến khi dứt bài mà cũng còn vọng lại dư âm. Những bản nhạc phần nhiều rất quen thuộc với người nghe. Nhưng qua ngón đàn của Vô Thường, mỗi bài mỗi tươi thắm với một sắc thái mới, đậm đà với một hương vị mới. Có phải chăng nhờ phong cách đàn độc đáo, không phải chỉ đàn bằng ngón tay mà đàn bằng con tim, không phải chỉ phô trương kỹ thuật mà áp dụng nghệ thuật, biểu diễn như Vô Thường không phải lặp lại mà tái tạo…”

Gần cuối đời, Vô Thường chú tâm trở lại đến việc viết ca khúc, ông chuẩn bị thực hiện một CD gồm những bản tình ca (Tình Ca Vô Thường) qua tiếng hát của Vô Thường, Quỳnh Lan, Đức Minh. Riêng bài “Nhớ chút tình bỏ quên” do Bạch Yến hát cả lời Việt và Pháp (“Souvenir d’un amour oublié”, Bạch Yến dịch). Nhưng công việc chưa xong thì ông đã ra đi.

Nhạc sĩ Vô Thường đã lập gia đình với nhạc sĩ Lê Tín Hương (tác giả của bài hát Có Những Niềm Riêng). Trong thời gian quen nhau lúc tình còn nồng, nhạc sĩ Trần Quang Hải có kể lại: “Khi anh sang thăm chúng tôi tại Paris vào đầu thập niên 90, anh Vô Thường giới thiệu Tín Hương, một người đàn bà miền Trung rất đẹp. Một bài nhạc đã được viềt ra trên đất Pháp, dọc sông Seine, giữa thành phố Paris hoa lệ”. Đó là bài “Một Chút Tình Bỏ Quên” nêu trên, trong đó có đoạn:

Paris dường như đã
Nghe tình lên trong ta
Từ Anh lặng lẽ tới
Cho nhung nhớ đầy vơi
Cho mộng tràn chăn gối

Vô Thường đã khuyến khích Lê Tín Hương sáng tác nhạc và tạo điều kiện thuận lợi cho vợ đưa các nhạc phẩm đó đến thính giả. Trong thời gian hai người sống chung, Vô Thường có làm một CD hòa tấu toàn nhạc của Lê Tín Hương, ghép tên hai người làm tên CD: Hương Vô Thường. Riêng nhạc sĩ Lê Tín Hương cũng thực hiện được những CD riêng: Con Đường Tôi Về, Dòng Đời Mong Manh, Có Những Niềm Riêng…

Đến cuối năm 1999, Vô Thường và Tín Hương chia tay. Nữ nhạc sĩ có sáng tác ca khúc “Vùi Trên Lối Mòn”, có lẽ để kỷ niệm cho một cuộc tình không trọn vẹn:

Giờ ta chia phôi, cố quên tháng ngày
Hạnh phúc trong tay, giờ đã xa bay
Như giấc cô miên mối tình muộn phiền

Hãy cố quên những lời thề ước
Hãy xóa đi những lời yêu nồng
Ôi trái tim đầy những nát tan
Cơn bão yêu càng thêm phũ phàng

Hãy cố quên mối tình đã lỡ
Hãy xoá đi mối tình hững hờ
Ôi trái tim giờ đây héo hon
Như cỏ non vùi trên lối mòn

Nhạc sĩ Vô Thường tính tình hiền lành, nếu có tranh cãi thì chỉ đến câu thứ ba thứ tư là ông chịu phần thua. Chính vì vậy mà ngày ông nằm xuống, tất cả mọi người đều thương tiếc. Theo ước nguyện, gia đình đã không nhận phúng điếu nhưng gần 100 vòng hoa được gởi đến để chật cả nhà quàng và dọc theo hai đường đi.

Vô Thường cũng sống khiêm cung và chu đáo. Trên CD của ông thường có những lời cảm tạ chân tình:

“Cảm tạ ơn Trên, Cảm tạ Cha Mẹ, Cảm ơn Đời, Cảm ơn các Nhạc sĩ sáng tác, Cảm ơn Quí thính giả mến mộ, Cảm ơn những tình bạn bè… Với một chút nghệ sĩ tính do ơn trên và cha mẹ đã ban cho tôi, nếu tiếng đàn lời nhạc có chia xẻ và mang lại chút vui chút buồn nào đó, Vô Thường xin cảm tạ và ghi nhớ mãi những thân thương này”.

Nghệ sĩ Vô Thường đã thực sự dốc hết tài năng và tâm huyết tạo ra những âm thanh tuyệt diệu để lại cho đời. Giáo sư Trần Văn Khê đã diễn tả tiếng đàn đó như sau:

“Vô Thường không cần đọc nhạc. Chỉ nghe qua một nhạc khúc rồi nhớ nằm lòng. Nét nhạc tan vào huyết quản, biến thành máu thịt, thân xác và cả tâm hồn Vô Thường. Và từ đó trong người, trong tim, trong hồn của Vô Thường nét nhạc trở ra mang theo một xúc cảm, một say mê đặc biệt của Vô Thường. Người nghe hẳn nhận thấy bản nhạc tuy quen mà rất lạ, tuy cũ mà rất mới, nhạc theo nguồn hứng của nghệ sĩ mà tuôn như suối, bay như mây, lướt như gió, ngân như tiếng chuông…”

Chắc chắn tếng đàn của của Vô Thường sẽ mãi mãi ngân vang ở những nơi nào có người Việt sinh sống và yêu những giai điệu du dương của ông.

Nguồn: T.V.Phê (Học Xá)

Exit mobile version