Nhạc sĩ Hoài Linh là một trong những nhạc sĩ nổi tiếng nhất của dòng nhạc vàng với nhiều bài hát bất tử. Ngoài những bài được sáng tác riêng như Căn Nhà Màu Tím, Áo Em Chưa Mặc Một Lần, Nhịp Cầu Tri Âm, Lính Nghĩ Gì, Cô Bé Ngày Xưa, Hai Đứa Giận Nhau… ông còn nổi tiếng với việc đặt lời hát cho nhạc của người khác như Biệt Kinh Kỳ, Về Đâu Mái Tóc Người Thương, Chuyến Tàu Hoàng Hôn, Sầu Tím Thiệp Hồng…
Những sáng tác của nhạc sĩ Hoài Linh được nhận xét là có giai điệu lãng mạn, đầy chất thơ, ngoài ra thì lời ca cũng nhiều ý nghĩa, sâu sắc, mang một sắc thái rất riêng biệt so với nhiều ca khúc phổ thông đại chúng khác.
Hầu hết công chúng nghe nhạc vàng và các nhạc sĩ đồng nghiệp đều thừa nhận rằng nhạc sĩ Hoài Linh viết lời ca khúc hay nhất thời bấy giờ. Lời ca của Hoài Linh viết được đánh giá là bay bổng, có vần có điệu. Những người từng thân cận với nhạc sĩ Hoài Linh kể lại rằng ông thường viết ra giấy cả một lô danh từ hay tính từ cùng vần với câu bên trên để lựa chọn.
Vì có “biệt tài” viết lời nhạc như vậy nên đã có rất nhiều nhạc sĩ sáng tác nhạc xong đã nhờ nhạc sĩ Hoài Linh đặt lời, đó là nhạc sĩ Minh Kỳ với các ca khúc Biệt Kinh Kỳ, Cánh Buồm Chuyển Bến, Chuyến Tàu Hoàng Hôn, Khói Lam Chiều, Sầu Tím Thiệp Hồng… Nhạc Song Ngọc viết chung với Hoài Linh các ca khúc Chiều Thương Đô Thị, Nó Và Tôi, Một Chuyến Bay Đêm, Chúng mình 3 Đứa, Thiệp Hồng Anh Viết Tên Em, cùng với nhạc sĩ Tuấn Khanh có 3 ca khúc nổi tiếng Hai Kỷ Niệm Một Chuyến Đi, Nẻo Đường Kỷ Niệm, Quán Nửa Khuya, và với Mạnh Phát có ca khúc bất tử Nỗi Buồn Gác Trọ…
Danh ca Phương Dung chia sẻ: “Nhạc sĩ Hoài Linh có tài viết lời nhạc rất hay, dễ đi vào lòng người, mỗi câu từ đều có sự chau chuốt kỹ lưỡng. Trước khi đưa bài hát cho ai thể hiện ông đều chia sẻ cái ý sáng tác của mình để ca sĩ hiểu và truyền đạt rõ hơn, cảm xúc hơn”.
Đằng sau sự nghiệp âm nhạc lừng lẫy đó, thì trong gia đình, nhạc sĩ Hoài Linh còn là một người cha mẫu mực, hết lòng yêu thương vợ con. Con gái của cố nhạc sĩ còn khẳng định trong các bài hát của ông chỉ có một “nàng thơ” duy nhất là vợ.
Người con gái lớn của nhạc sĩ Hoài Linh kể lại về cha: “Ông rất thương gia đình. Ông có thói quen tự tay ủi hết quần áo mặc trong cả tuần và đi đâu vui, ăn gì ngon cũng sẽ dẫn vợ con theo”. Chính sự quan tâm và yêu thương của nhạc sĩ Hoài Linh dành cho tổ ấm nhỏ của mình nên các con đều ngưỡng mộ ông và chia sẻ: “Cha tôi là người đàn ông trách nhiệm và mẫu mực nhất”.
Là một nhạc sĩ nổi tiếng, công việc bận bịu nhưng nhạc sĩ Hoài Linh luôn tự tay vun vén, chăm sóc cho gia đình của mình: “Ông đi làm về là lo cho con đầu tiên, ông thích tự tay tắm giặt cho các con, mua đồ đẹp cho chị em tôi lúc nhỏ và cha tôi từng ước rằng lúc nào cũng được chăm sóc, chở che cho các con”. Người con gái thứ của nhạc sĩ chia sẻ thêm: “Ông đi làm về lúc nào cũng có bánh cho con. Trong mỗi bữa ăn, ông thường pha trò cho cả nhà vui. Đặc biệt dù thương con nhưng ông vẫn đánh đòn khi con hư và mua quà về bù cho con”.
Điều đặc biệt của nhạc sĩ Hoài Linh khác với những nhạc sĩ đương thời bấy giờ chính là nguồn cảm hứng sáng tác của ông không bắt đầu từ những mối tình thoáng qua, không có hình bóng giai nhân nào xuất hiết mà chỉ có một nàng thơ duy nhất là vợ mình. Từ chuyện tình của mình được ông biến tấu và xây dựng nên những chuyện tình khác nhau trong thơ ca. Chính con gái của nhạc sĩ Hoài Linh khẳng định: “Bên cạnh cha tôi không hề có một bóng hồng hay mối tình nào khác, ngoài mẹ tôi. Có lẽ chính tình yêu to lớn của ông dành cho các con giúp ông vượt qua mọi cám dỗ và làm động lực trong cuộc sống”.
Click để nghe nhạc Hoài Linh thu âm trước 1975
Theo lời kể của gia đình nhạc sĩ Hoài Linh, “bóng hồng” trong bài hát: Cho anh bông hồng còn thắm, cho anh trái ngọt vườn cấm… của Căn Nhà Màu Tím cũng là người vợ yêu thương của nhạc sĩ. Thời gian ông viết bài hát này năm 1968 cũng là lúc xây căn nhà mới sau gần 20 năm sáng tác và dành dụm tiền. Vợ chồng ông dỡ bỏ căn nhà màu tím cũ để xây lại nhà mới 2 tầng trong một con hẻm nhỏ đường Trương Minh Giảng (nay là Lê Văn Sĩ). Vì căn nhà cũ có màu tím và chứa nhiều kỷ niệm thuở ban đầu của hai vợ chồng, nên nhạc sĩ Hoài Linh đã sáng tác Căn Nhà Màu Tím để ghi nhớ kỷ niệm ngày cũ.
Sau năm 1975, một phần cũng vì luyến tiếc “căn nhà màu tím” kỷ niệm đã ghi dấu một phần đời của mình mà nhạc sĩ Hoài Linh quyết định ở lại quê hương.
Vì có mối tình trọn vẹn với nàng thơ duy nhất, nên nhạc tình yêu của Hoài Linh thường kết thúc có hậu như trong Căn Nhà Màu Tím, Cô Bé Ngày Xưa, Nhịp Cầu Tri Âm, Hai Đứa Giận Nhau…
Ngoài ra, những bài có kết thúc buồn hoặc thất tình như Về Đâu Mái Tóc Người Thương hay Áo Em Chưa Mặc Một Lần… là được nhạc sĩ sáng tưởng tượng ra, hoặc là dựa theo hoàn cảnh của người khác mà ông được chứng kiến.
Tổng hợp