Click để Nghe podcast về ca khúc Một Cõi Đi Về
Một Cõi Đi Về là một nhạc phẩm khá đặc biệt của nhạc sĩ Trịnh Công Sơn được ông sáng tác vào khoảng năm 1974, nhưng mãi đến tận năm 1980 mới được phổ biến. Nữ danh ca Khánh Ly trong một cuộc trò chuyện đã kể lại kỷ niệm về lần cuối cùng bà gặp Trịnh Công Sơn tại Huế trước khi sang Mỹ định cư, đồng thời có những tiết lộ khá thú vị về nhạc phẩm đặc biệt này:
“Đó cũng là lần đầu tiên, ông Sơn dạy cho tôi hát ca khúc Một Cõi Đi Về. Ông ấy nói với tôi rằng, mỗi con người sinh ra ai cũng có một cõi để đi về. Nên khi còn rất trẻ, ông ấy đã viết Phôi Pha, trong đó có câu “Thôi về đi, đường trần đâu có gì, tóc xanh mấy mùa” để rồi sau này, ông lại viết “Bao nhiêu năm rồi còn mãi ra đi”, “Đi đâu loanh quanh cho đời mỏi mệt”.
Vì hoàn cảnh đặc biệt sau đó, Khánh Ly vội vã rời Việt Nam, còn Trịnh Công Sơn thì quay cuồng với những biến cố ở trong nước, mãi đến năm 1980 âm nhạc của ông mới dần được trở lại nhờ sự can thiệp của cố thủ tướng Võ Văn Kiệt (lúc đó là bí thư thành ủy), từ đó bài Một Cõi Đi Về mới có dịp được công chúng biết tới.
Click để nghe Khánh Ly hát Một Cõi Đi Về
Một Cõi Đi Về là một nhạc phẩm mang đậm tính triết lý nhân sinh với những lời ca huyền hoặc, đầy ẩn mật:
Bao nhiêu năm rồi còn mãi ra đi
Đi đâu loanh quanh cho đời mỏi mệt
Trên hai vai ta đôi vầng nhật nguyệt
Rọi suốt trăm năm một cõi đi về
Trịnh Công Sơn chỉ viết có hai chữ Đi và Về đầy bí ẩn, mà đã tiêu tốn biết bao tâm tư suy ngẫm, bao giấy mực của giới thưởng ngoạn, giới phê bình. Đi đâu? Và Về đâu? Trong một bài phỏng vấn, khi được hỏi về ca khúc Một Cõi Đi Về, nhạc sĩ Trịnh Công Sơn đã có những lý giải khá rõ ràng cho cái sự Đi – Về này:
“..Thuở nhỏ, tôi thích đến chùa vì sự tĩnh lặng, thanh khiết. Càng lớn tôi càng ít đi chùa và gần đây hầu như không có nhu cầu đó nữa. Lý do đơn giản là tôi đã may mắn tìm thấy sự yên tĩnh đó ở trong bản thân mình. Vì thế khi viết bài hát “Một cõi đi về” và nhiếu bài tương tự như thế, tôi không phải nhờ đến một bối cảnh ngoại giới nào cả. Đó chỉ là một bài thơ nhỏ tôi muốn hát về một cảnh giới mà trong mỗi người ai cũng có. Từ hư vô đến cuộc đời. Và từ cuộc đời trở về lại với hư vô. Đi – về là một lộ trình quen thuộc của cuộc sống mà ai cũng phải trải qua. Đó là một trò chơi vừa vui thú vừa ngậm ngùi mà tạo hóa đã bày ra cho con người và cho cả vạn vật.”
Ngoài nhạc về tình yêu, về thời cuộc, thì “thân phận con người” là một đề tài lớn trong âm nhạc của nhạc sĩ Trịnh Công Sơn. Những ám ảnh về sự sống và cái chết, về sự Đi và Về khiến âm nhạc Trịnh Công Sơn luôn lưng chừng ở tầng giữa hư vô và thực tại. Ông yêu đời sống, yêu con người bằng một tình yêu nồng nhiệt và bao dung nhất mực, nhưng đồng thời cũng chấp nhận thế giới bên kia như một phần của đời sống. Ông đem sự bình thản, tĩnh tại của tâm thức truyền vào âm nhạc, tạo thành thứ sinh khí lạc quan, ung dung, tự tại. Và cũng như thường lệ, Trịnh Công Sơn không truyền tụng thứ triết tự nặng nề, cao siêu, ông giản dị thả một dấu hỏi vu vơ vào cuộc đời, vào lòng người:
Bao nhiêu năm rồi còn mãi ra đi?
Đi đâu loanh quanh cho đời mệt mỏi?
Đời người ngắn ngủi, vô thường, chẳng ai có thể thoát khỏi vòng xoay của tạo hoá, chẳng ai có thể tồn tại mà đào thoát khỏi quầng sáng của “đôi vầng nhật nguyệt”, của thời gian, của năm tháng. Loài người đã có mấy trăm ngàn năm lịch sử để “đi”, để tìm kiếm sự sống vĩnh hằng, để tranh đua, giành giật, nhưng nào có được gì hơn, vậy sao còn cứ “mãi ra đi”, sao cứ phải vẫy vùng, phải “loanh quanh cho đời mệt mỏi”.
Chi bằng, hãy dừng lại, hãy tận hưởng đời sống này như nó hằng có:
Lời nào của cây lời nào cỏ lạ
Một chiều ngồi say, một đời thật nhẹ ngày qua
Vừa tàn mùa xuân rồi tàn mùa hạ
Một ngày đầu thu nghe chân ngựa về chốn xa
Vạn vật đều có một vòng tuần hoàn không suy chuyển, đời sống con người cũng vậy. Xuân – hạ – thu – đông bốn mùa chuyển sắc tuần tự như vòng quay của một kiếp người. Đời người hữu hạn trăm năm, hết mùa xuân, tàn mùa hạ là coi như đã sống hơn nửa đời người, đến “ngày đầu thu” thì ai cũng sẽ bắt đầu nghĩ về “mùa đông”, nghĩ về những ngày tháng cùng tận của kiếp người. Và ai cũng biết rằng, cỗ xe ngựa thời gian đang phi nước đại, những tiếng chân ngựa réo gọi “về chốn xa” đang ngày một vội vã, ráo riết.
Click để nghe Tuấn Ngọc hát Một Cõi Đi Về
Ở đoạn hát sau, mặc dù vẫn xoay quanh dòng tư tưởng Đi – Về đó, nhưng nhạc sĩ Trịnh Công Sơn đã đào sâu thêm nhiều ngõ ngách khác của triết thuyết thiền môn, với những hình ảnh, ca từ đầy tính ẩn dụ nhưng cũng vô cùng mỹ cảm, xoáy động tâm tư người nghe:
Mây che trên đầu và nắng trên vai
Đôi chân ta đi sông còn ở lại
Con tinh yêu thương vô tình chợt gọi
Lại thấy trong ta hiện bóng con người
Sinh thời, nhạc sĩ Trịnh Công Sơn đã nhiều lần giải thích về cái chất Huế độc đáo của từ “con tinh” trong câu hát này. Ông cho biết các cô gái nhỏ, xinh đẹp và nghịch ngợm ở Huế hay bị gia đình, người thân mắng yêu là “đồ yêu tinh”. Cái “con tinh” đó đã đi vào văn học và đi qua dòng nhạc Trịnh trong bài hát Một Cõi Đi Về mà ông yêu thích nhất, nhưng đa số ca sĩ thế hệ sau này lại hát là “con tim”, làm cho câu hát không còn gì đặc biệt.
Nghe mưa nơi nầy lại nhớ mưa xa
Mưa bay trong ta bay từng hạt nhỏ
Trăm năm vô biên chưa từng hội ngộ
Chẳng biết nơi nao là chốn quê nhà
Đường chạy vòng quanh một vòng tiều tụy
Một bờ cỏ non một bờ mộng mị ngày xưa
Từng lời tà dương là lời mộ địa
Từng lời bể sông nghe ra từ độ suối khe
Trong khi ta về lại nhớ ta đi
Đi lên non cao đi về biển rộng
Đôi tay nhân gian chưa từng độ lượng
Ngọn gió hoang vu thổi buốt xuân thì.
Click để nghe Trịnh Công Sơn hát Một Cõi Đi Về
Bản thân nhạc sĩ Trịnh Công mặc dù rất “ưu ái” nhạc phẩm này và đã nhiều lần tự mình thể hiện, cũng phải thừa nhận rằng thật khó để lý giải cho cặn kẽ những ca từ mà ông đã viết. Ông từng tâm sự rằng:
“Đây là một bài hát rất lạ, thực sự không dễ hiểu vì có những câu trong bài hát bản thân tôi cũng thấy khó giải thích. Viết thì viết vậy nhưng để giải thích thật rõ ràng thật khó. Khi tôi gặp không ít người dù họ học ít nhưng họ lại thích, hỏi họ có hiểu không, họ trả lời là không hiểu nhưng cảm nhận được có một cái gì đó ở bên trong. Khi nghe, khi hát lên có một điều gì đó chạm đến trái tim mình. Tôi nghĩ trong nghệ thuật điều quan trọng nhất là làm thế nào để mở ra một con đường ngắn nhất đi từ trái tim đến trái tim của người khác mà không cần cắt nghĩa gì thêm”.
Quả thực, với một ca khúc quá đặc biệt như Một Cõi Đi Về, mọi sự lý giải theo thiển ý của riêng ai đó đôi khi lại thành dở. Giai điệu thì giản dị, khiêm nhường nhưng ca từ thì như một pháo đài lộng lẫy, với quá nhiều ngã rẽ trong một mê cung các ngõ ngách. Việc tìm lối đi, tìm một con đường để thấu cảm, để dẫn lối vào trái tim, vào tâm tưởng mỗi người, xin được nhường lại cho người thưởng nhạc.
Bài: Niệm Quân
Bản quyền bài viết của nhacxua.vn