Trò chơi thuở bé, anh ưa kéo xe mo
Chở em trên ngõ chiều
Đó là những lời bài hát quen thuộc của một bài hát được nhiều người biết đến với cái tên là Người Phu Kéo Mo Cau của nhạc sĩ Vinh Sử. Tuy nhiên nếu xem lại băng nhạc Kim Đằng 1 phát hành khoảng đầu thập niên 1970, có thể thấy ca khúc này được ca sĩ Giao Linh hát với cái tên là Xe Mo Ngày Cũ, và tác giả Trường Giang Thủy, một cái tên nhạc sĩ đến nay vẫn là sự bí ẩn.
Trò chơi thuở bé, anh ưa kéo xe mo
Chở em trên ngõ chiều
Cô bé mỹ miều cười rung rung bờ vai
tay ôm chắc vành mo…
Click để nghe Giao Linh hát Mo Cau Ngày Cũ trước 1975
Bài hát nhắc về một chuyện thời thanh mai trúc mã ngày xưa, người con trai giả làm phu xe để chở cô bạn hàng xóm bằng chiếc tàu mo đi khắp trên nẻo đường thôn vắng. Ngày xưa, ở các vùng quê nghèo, vì ít có đồ chơi nên những thứ nhặt ngoài vườn, trước sân đều có thể trở thành đồ chơi, như là lá mít, lá chuối, lá dừa và mo cau…
Hình ảnh chiếc mo cau rất thân thuộc ở các miền quê
Một cái tàu mo thì có hai phần: phần mo cau và tàu cau. Mo cau làm được nhiều thứ, như là quạt (quạt mo của thằng Bờm), hay là cắt ra để làm dép. Hồi xa xưa, với nhà nghèo thì mỗi người chỉ có một đôi dép để mang khi ra ngoài, còn ở nhà chỉ có dép mo cau.
Nếu mo cau thường dùng để làm các vật dụng trong nhà thì phần tàu cau quý hơn vì có thể bán lấy tiền. Tàu cau có hình lông chim giống như tàu dừa, tước hết phần lá mểm ra còn lại phần cọng cứng người ta dùng để bó chổi quét nhà.
Vì quý giá với nhà nghèo như vậy nên có thể thấy mo cau đối với trẻ con như là một “gia tài”, với những tàu mo xấu, khó được trưng dụng thì sẽ được cho trẻ con chơi, như trong bài hát nổi tiếng của Trường Giang Thủy:
Chiếc tàu mo nhỏ bé
Anh giả làm phu xe, chở cô em bé bỏng.
Hoa nắng đổ đường hoàng hôn vắng tanh.
Xe mo anh vẫn kéo chở rong cô khách nghèo…
Giờ đây cây cau và mo cau vẫn còn, nhưng người ta chỉ quan tâm tới hương hoa cau thơm ngát thanh khiết, và trái cau để têm trầu cho các dịp cưới hỏi, chứ hầu như không còn ai quan tâm tới mo cau nữa. Trò chơi thuở bé cũng dần trôi xa theo năm tháng, những cô cậu bé rồi cũng lớn, chỉ biết đứng tần ngần quay nhìn về ngày cũ mà bồi hồi và lưu luyến đầy vơi:
Trò chơi ngày trước theo con nước trôi xa
từ ly năm tháng rồi.
Nhưng vẫn bồi hồi vùng thơ ngây còn đâu
Ôi lưu luyến đầy vơi.
Chiếc tàu mo còn đó nhưng chẳng còn ai đi
vì mai em gái nhỏ đi lấy chồng bỏ cuộc vui ấu thơ.
Em quên nhau từ đó mình anh mang kỷ niệm.
Em ơi! Em ơi!
Chuyện xưa chuyện xưa theo khói chiều mây bay.
Khi em sang ngang nào hay rằng có con bướm lụy bên sông.
Em ơi! Em ơi!
Chuyện xưa chuyện xưa anh nhớ hoài khôn nguôi.
Khi em qua sông làm sao mà nhớ cuộc vui xưa ấu thời.
Mười năm chuyện cũ anh phu kéo xe mo chở cô em khách nghèo.
Nay bỗng dạt dào nhẹ len len hồn anh nghe như mới chiều qua.
Người con gái bé nhỏ ngồi mo cau năm xưa nay đã bước theo chồng, không biết có bao giờ cô ngoảnh lại nhìn về con đường thôn vắng, nơi vẫn còn một người bùi ngùi nhìn theo nuối tiếc. Cô không còn ngồi mo cau anh kéo nữa mà thay bằng chiếc xe hoa để theo chồng. Chàng trai ở lại, tần ngần nhớ về những chuyến xe mo đầy ắp tiếng cười năm xưa, những tiếng động từ quá khứ vẫn còn vang vọng về trong không gian đầy ắp kỷ niệm như mới vừa hôm qua…
Kỷ niệm xưa còn mãi
đây lối mòn thân yêu
giờ xe hoa sẵn sàng.
Em lấy chồng bỏ gã phu kéo xe
cô đơn chân từng bước lòng miên man kỷ niệm.
Sau năm 1975, có một nhạc sĩ đã đổi tên bài hát này thành Người Phu Kéo Mo Cau, và lời bài hát cũng gần như thay đổi hoàn toàn. Ca khúc này rất thành công với các nam ca sĩ nhạc vàng sau năm 1975, đặc biệt là Trường Vũ, Quang Lê. Mời bạn nghe lại sau đây:
Click để nghe Trường Vũ hát Người Phu Kéo Mo Cau
Theo cảm nhận cá nhân, dù cho Xe Mo Ngày Cũ là một ca khúc được xem là phổ thông đại chúng, được tầng lớp bình dân yêu thích, nhưng lời nhạc trước 1975 được nhạc sĩ Trường Giang Thủy đặt rất hay, mượt mà và gợi nhiều cảm xúc, còn lời sau 1975 bị đổi thành gượng ép và khá ngô nghê. Ví dụ như câu hát:
Khi em sang ngang nào hay rằng có con bướm lụy bên sông.
…
Chuyện xưa chuyện xưa anh nhớ hoài khôn nguôi.
Khi em qua sông làm sao mà nhớ cuộc vui xưa ấu thời…
Đã bị đổi thành:
Khi em sang sông làm sao mà biết trời tan vì đêm mưa.
…
Chuyện xưa chuyện cũ ai có ngờ chia ly
Khi em vu quy làm sao em chợt nghĩ chuyện mo cau đáng gì.
Sau đây là toàn bộ phần lời của Người Phu Kéo Mo Cau sau năm 1975:
Trò chơi thuở bé, anh ưa kéo mo cau
Chở em quanh ngõ vườn
Cô bé mỹ miều cười run run bờ vai
Tay ôm chắc vành mo.
Chiếc tàu mo nhỏ bé
Anh giả người phu xe, hỏi đi đâu bé à
Em trả lời: nhà em ở cuối thôn
Mo cau anh lại kéo làm vui cô gái nghèo.*
Trò chơi ngày ấy theo năm tháng buông xuôi
Giờ em quên mất rồi
Mưa đổ liên hồi, kỷ niệm xưa mồ côi
Anh lưu luyến đầy vơi.
Chiếc tàu mo mòn mỏi nay chẳng còn ra chơi
Giờ đây em lấy chồng
May áo hồng bỏ cuộc chơi ngóng trông
Mo cau anh một bóng buồn nghe sao thắt lòng.
Em ơi, em ơi chuyện xưa chuyện cũ theo gió chiều mênh mông
Khi em sang sông làm sao mà biết trời tan vì đêm mưa
Em ơi, em ơi chuyện xưa chuyện cũ ai có ngờ chia ly
Khi em vu quy làm sao em chợt nghĩ chuyện mo cau đáng gì.
Hỏi ai còn nhớ tên phu kéo mo cau
Chở rong cô khách nghèo
Nay đã hết rồi tuổi thơ tìm đâu
Nghe tan tác bể dâu.
Kỷ niệm xưa hờn dỗi, anh lối mòn chở mo
Thì em say tiếng cười
Vui với người bỏ mặc phu lẻ loi
Ôm mo cau cằn cỗi
Tình bay xa cuối trời.
Đông Kha
Bản quyền bài viết của nhacxua.vn