Lệ Thanh và Hà Thanh – Đôi “Song Thanh” nổi tiếng của nhạc vàng miền Nam

Lệ Thanh thỉnh thoảng được nhắc đến với nhiều luyến tiếc vì cô là một giọng ca lẫy lừng của miền Nam từ giữa thập niên 50 đến giữa thập niên 60. Cô được biết đến như một người kín tiếng và sợ xuất hiện trước máy ảnh. Giữa Hà Thanh và Lệ Thanh thì Lệ Thanh là người đến trước nhưng Hà Thanh thì được nhắc đến nhiều hơn vì tuy cũng ngại ống kính, nhưng Hà Thanh ca hát đến tận cuối đời, tuy với một mức độ ngày càng giới hạn.

Ai đã từng nghe cả hai nghệ sĩ này hát đều công nhận cả hai có cách luyến láy rất đặc biệt và giống nhau. Hay nói một cách công bằng hơn là Hà Thanh chịu nhiều ảnh hưởng từ Lệ Thanh. Nhưng thật may cho người yêu nhạc, sự trùng hợp dừng lại ở đó vì họ tô điểm cho các ca khúc bằng những âm sắc và cảm xúc khác nhau.

Nói về chất giọng thì Hà Thanh là soprano, Lệ Thanh thì không. Nhiều người cho rằng ở giai đoạn cao điểm của thập niên 1960, giọng Hà Thanh là lyric soprano (theo định nghĩa là loại giọng soprano đầy đặn và có thể hát với dàn nhạc lớn), nhưng theo tôi thì giọng cô thuộc loại soubrette soprano vì nó rất mỏng và nhẹ (The voice has a lighter vocal weight than other soprano voices with a brighter timbre- Wikipedia).

Hàng ngồi, từ phải sang: nhạc sĩ Mai Trường, ca sĩ Lệ Thanh, nhạc sĩ Phạm Duy, ca sĩ Thanh Lan (của thập niên 50) và nhạc sĩ Lê Thương

Lệ Thanh thì là giọng nữ trung, tuy khỏe nhưng nasal/ nghẹt mũi và chính điểm này đã khiến cô trở nên đặc biệt khi so với những giọng ca nữ đương thời.

“Lệ Thanh và Thanh Thuý là 2 ngôi sao ăn khách nhất của các phòng trà và đại nhạc hội, có nguy cơ lấn át các bậc đàn chị như Thái Thanh, Thuý Nga, Ánh Tuyết. Nàng có một chất giọng nghẹt mũi thật đặc biệt, phát ra những âm thanh tựa như người bị nghẹt mũi mà giọng vẫn vang lộng và chắc nịch mê hoặc lòng người” (Hồ Trường An).

Khi phải vói lên những nốt nhạc ở ngoài âm vực của mình thì Lệ Thanh chuyển qua một loại giọng óc (head voice) bị yếu hẳn đi, nên có thể gọi là falsetto (giọng giả, nhiều người gọi là giọng mái). Trong khi đó, lúc lên cao, âm lượng của Hà Thanh vẫn không bị suy giảm mà còn thánh thót hơn vì nhờ vào những cái rung (vibrato) tuy kín đáo nhưng rất vững vàng. Ca sĩ Quỳnh Giao nhận xét về tiếng hát Hà Thanh: “Khi lên cao, giọng lồng lộng, thoải mái cho ta cảm tưởng chiếc diều phơi phới trên nền trời xanh ngắt”.

Về biểu cảm thì Lệ Thanh rất ngẫu hứng và kịch tính. Tác giả Hà Đình Nguyên viết: “…không hát liên tục một câu mà thường chia câu hát ra làm hai đoạn để ngừng và láy ở giữa câu rồi mới tiếp tục hát cho đến hết câu. Cô còn láy qua láy lại tiếng cuối của câu hát, tạo nên cảm giác mới lạ cho nhạc phẩm được trình bày. Đã vậy cô ưa chẻ từng câu hát, chỗ không phải ngừng thì cô ngừng. Chơi ngẫu hứng như thế nên nhiều khi ý nhạc sai lệch hẳn đi. Các nhạc sĩ nhăn nhó, nhưng khán giả cứ vỗ tay rần rần…”

Hà Thanh thì dường như đã rất yêu cách luyến láy của Lệ Thanh và học theo rất giống nhưng lại tiết chế hơn nên gần như không hề bay bổng quá xa bản nhạc gốc.

Từ trái sang: Lệ Thanh, Anh Bằng và Hà Thanh tại Hoa Kỳ trong thập niên 1990

Lệ Thanh và Hà Thanh, không biết do tình cờ hay cố ý, đã hát và thâu vào băng đĩa rất nhiều bài giống nhau, từ Anh Cho Em Mùa Xuân, Nhớ Một Chiều Xuân cho đến Tiễn Em, Tà Áo Tím…. Trong tiếng hát Lệ Thanh ta dễ dàng nghe những vỡ òa của cảm xúc. Với Hà Thanh thì thường là một tâm trạng chịu đựng và một phong cách nhẹ nhàng, quí phái. Hai giọng ca vừa nghe thoáng qua tưởng chừng giống nhau nhưng thực ra là hai tông màu khác nhau được dùng để điểm tô cho nhưng nốt nhạc thêm phong phú và đa dạng.

Tác giả Lê Hữu đã viết: “Hát đi chị Lệ Thanh! Mùa xuân đang đến, hát một bài nhạc xuân hay bài nào vui vui, một vài câu cũng được. Nhiều người đang muốn nghe chị hát.”

“Giọng ca trìu mến” nở nụ cười thật hiền, cất tiếng hát, khe khẽ:

Chiều nay hoa xuân bay nhiều quá…

Và người viết bài này cũng ước gì được nghe tiếng hát khe khẽ của ca sĩ Hà Thanh khi chiều nay, trong cơn bão Nor’easter, chỉ thấy Chiều nay mưa xuân bay nhiều quá…


Lệ Thanh hát Nhớ Một Chiều Xuân


Hà Thanh hát Nhớ Một Chiều Xuân

Nguồn: Trịnh Bối

Exit mobile version