Trong ký ức của nhiều người, đặc biệt là dân quê, thì hình ảnh của xe đò gợi lại những hoài niệm không thể nào quên. Người dân quê thời xưa, trừ số rất ít sở hữu “xe con”, còn lại đa số đều là di chuyển xe bằng phương tiện xe đò.
Với người lớn thì xe đò gắn với những sự hối hả ngược xuôi, những lần di chuyển mệt mỏi, những chuyến đi làm ăn dài như là bất tận trên chiếc xe đò đầy mùi mồ hôi, mùi xăng dầu giữa nắng và gió. Đối với trẻ con thì xe đò lại gắn với những chuyến du hành đầy thú vị.
Trẻ con ngày xưa ít khi được đi chuyển xa bằng xe đò, trừ những chuyến về quê được thấy phong cảnh đồng lúa xanh tươi chạy dài hai bên đường, hoặc những lần ít ỏi được theo cha mẹ đi “xì gòn” để mở mang tầm mắt, và đó đều là những chuyến đi đầy háo hức và tràn đầy niềm vui.
Tất cả những lần di chuyển đó đều gắn với 2 chữ “xe đò”.
Vì sao gọi là xe đò?
Nếu như ở miền Bắc, miền Trung gọi là “xe khách”, “xe ca”, thì người miền Nam thường gọi là “xe đò”. Vì sao lại như vậy? Theo giải thích của nhà văn Sơn Nam, đồng bằng Nam bộ sông nước chằng chịt, ngày xưa phương tiện đi lại chủ yếu bằng đò ghe. Cho đến thập niên 1930, người Pháp thành lập một số hãng xe chở khách đi miền Tây. Thời ấy đường bộ chưa phát triển, xe đến bến khách phải chuyển tiếp bằng đò ghe nên người ta gọi là xe đò cho tiện.
Thời gian đầu xe đò chạy bằng than củi tràm, bỏ vào cái thùng tròn đặt bên hông xe phía sau. Trước khi cho xe nổ máy thì quạt cho than tràm cháy, hơi ga ấy bị đốt, gây sức ép cho máy xe chạy. Thời gian sau này mới bắt đầu có xe chạy bằng xăng dầu, các hãng xăng dầu của Pháp, rồi Mỹ lần lượt vào Việt Nam và mở ra kỷ nguyên mới của xe cơ giới ở Việt Nam. Tuy nhiên sau năm 1975, xăng dầu rất khan hiếm do các công ty năng lượng Mỹ rút hết khỏi miền Nam, từ đó hình ảnh những chiếc xe đò nhỏ chạy bằng than đốt trong cái thùng phía sau xe được lặp lại từ năm 1975 đến tận cuối thập niên 1980 (thông tin chi tiết sẽ được nói thêm ở đoạn sau).
Trước năm 1975, Xa cảng miền Tây là bến tập trung các xe đò về các tỉnh đồng bằng sông Cửu Long, bên cạnh đó lại có bến xe Chợ Lớn đi về Cần Giuộc, Gò Công, Lý Nhơn, về sau bến xe này gộp lại với Xa cảng miền Tây mở rộng thành Bến xe miền Tây nằm trên đường Kinh Dương Vương quận Bình Tân.
Còn bến Miền Ðông dành cho xe đi các tỉnh miền Đông Nam Bộ, miền Trung trên đường Petrus Ký trước kia (nay là đường Lê Hồng Phong) thì gộp lại với các bến xe nhỏ là Nguyễn Cư Trinh đi lộ trình cao nguyên và Nguyễn Thái Học đi Long Hải – Vũng Tàu – Phan Thiết, bến xe Ngã 6 Phù Đổng, sau đó vài năm chuyển về bến xe Văn Thánh, và cuối cùng yên vị tại Bến xe miền Ðông trên đường Ðinh Bộ Lĩnh. Tuy nhiên hiện nay bến xe trên đường Đinh Bộ Lĩnh đã quá tải và đang được chuyển dần về bến xe Miền Đông mới ở giáp Thủ Đức – Dĩ An.
Tại sao gọi là ”Lơ” xe đò?
Đầu thế kỷ 20, Saigon chỉ mới nhập một vài chiếc xe ô tô sử dụng cho ngành bưu chính để chuyên chở thư từ và bưu phẩm đi các tỉnh lân cận: Biên Hòa, Thủ Dầu Một, Tây Ninh, Tân An do người Pháp lãnh thầu. Tới năm 1908 tại Sài Gòn đã có khoảng 30 xe đò kiểu còn thô sơ, để chở khách tuyến Lục tỉnh. Thường một chiếc xe có 1 phụ xế lo soát vé, bốc vác hành lý cho hành khách. Chữ ”Lơ” xe đò là từ tiếng Pháp: Contrôleur, có nghĩa là người soát vé.
Vào những năm 1980, do tình trạnh thiếu xăng dầu trầm trọng nên loại xe Renault Goelette 1400 của Pháp rất phổ biến trước 1975 đã được chế lại để chuyển sang chạy bằng than. Từ đó, phía sau những chiếc xe này có thêm một bộ phận phụ trợ với buồng đốt phía dưới và than nằm phía trên tự rơi vào buồng.
Thực chất, đây là cách dùng than đốt cháy ở môi trường yếm khí tạo ra CO và dẫn vào buồng đốt. Xe vẫn chạy bằng động cơ đốt trong chứ không phải chạy bằng hơi nước như nhiều người lầm tưởng.
Vì chạy bằng than nên xe thường chạy những quãng đường ngắn dưới 100km. Không những vậy, thời kỳ này xe Renault Goelette 1400 còn chạy các tuyến cố định từ tỉnh này sang tính khác trong khu vực Duyên hải miền Trung.
Vì chạy bằng than nên xe thường có vận tốc không cao và hay hỏng vặt dọc đường. Những hành trình trên dưới 100km mà đi mất cả ngày là chuyện rất bình thường vào thời điểm hiếm xe cộ ngày trước. Vé ngồi gần khu vực “lò than” phía sau xe thường có giá rẻ hơn so với các chỗ ngồi khác trong xe, bởi khu vực đó rất nóng. Đa phần những chiếc Renault Goelette 1400 tại Việt Nam vào thời điểm đó đều được gia cố gầm, sắt – xi và những chiếc bánh lớn hơn để tăng tải. Đầu xe không có cửa lên xuống bên hông nhưng do đặt “lò than” phía sau nên phải mở cửa phụ bên hông cho xe.
Loại xe này chạy khá chậm, có lúc phải ì ạch vì than cháy không hết, lơ xe phải dùng thanh sắt mở lò đốt cời than. Thỉnh thoảng gặp đường xóc, than văng ra khỏi cửa thông không khí, rớt xuống đường cháy đỏ rực. Trên mui phía đầu xe thường có thùng phuy nước dùng để làm nguội máy, bên cạnh thùng nước là hàng hóa, xe gắn máy, xe đạp cho khách buôn và khách đi tỉnh xa.
Dưới đây là một số hình ảnh xe đò Renault Goelette 1400 khi chưa được “chế lại”. Đây là loại xe rất thịnh hành thời trước 1972 ở Miền Nam. Trong hình bên dưới là xe của hãng Nam Lộc chạy tuyến Đà Nẵng – Qui Nhơn năm 1968.
Sau đây, mời các bạn xem lại những hình ảnh khác của các chuyến xe đò xưa đãchuyên chở đầy hoài niệm:
Xe đò sau năm 1975:
Đông Kha (nhacxua.vn) biên soạn