ADVERTISEMENT
Nhạc Xưa
  • Trang Chủ
  • Nhạc Xưa
  • Cảm xúc âm nhạc
  • Xuất xứ bài hát
No Result
View All Result
Nhạc Xưa
No Result
View All Result
Home Bài viết Cảm xúc âm nhạc

Ca khúc “Tình Hoài Hương” (nhạc sĩ Phạm Duy) và nỗi niềm của người ly hương

2021/01/29
in Cảm xúc âm nhạc, Xuất xứ bài hát
Ca khúc “Tình Hoài Hương” (nhạc sĩ Phạm Duy) và nỗi niềm của người ly hương

Trong gia tài âm nhạc đồ sộ đa dạng và nhiều thể loại của nhạc sĩ Phạm Duy, có loạt ca khúc viết về quê hương mang những làn điệu âm hưởng dân ca mà ông gọi là những bài “dân ca mới”, những ca khúc được sáng tác từ 70-80 năm trước vẫn luôn được người yêu nhạc nhiều thế hệ nhớ đến. Một trong số đó là nhạc phẩm nổi tiếng Tình Hoài Hương đã gắn liền với giọng hát của nữ danh ca Thái Thanh.


Click để xem Thái Thanh hát Tình Hoài Hương trên Paris By Night 19 năm 1993

Năm 1952, ngay khi vừa mới đưa gia đình rời Hà Nội để vào sinh sống ở Sài Gòn, nhạc sĩ Phạm Duy sáng tác Tình Hoài Hương để thể hiện niềm nhớ cố hương đã xa ngút ngàn. Trong tập hồi ký được viết vào thập niên 1990, nhạc sĩ chia sẻ về nhạc phẩm này:

“Tôi soạn bài Tình Hoài Hương (1952) nằm trong loạt huyền thoại quê hương mà tôi tạo ra, nhờ có cơ hội đi khắp ba miền đất nước trong thời bình và trong thời ᴄhιến… bài hát này không còn là một bài đối cảnh sinh tình như trước đây nữa. Nó là một bài hát hoài cảm, là sự nhớ nhung của riêng tôi đối với một nửa mảnh đất quê hương mà tôi vừa phải xa lìa. Ngờ đâu nó sẽ là bài hát hoài hương của một triệu người di cư vào Nam hai năm sau đó”.


Click để nghe Thái Thanh hát Tình Hoài Hương trước 1975

Cái hay của Tình Hoài Hương là chất tự sự, hoài nhớ da diết trong từng lời hát. Về cuối đời, khi nhìn lại nhạc phẩm này của mình, chính nhạc sĩ Phạm Duy cũng đặt câu hỏi về “niềm nhớ lớn lao” mà ông có được trong bài hát được ông viết khi ngoài 30 tuổi, đã có gia đình nhưng còn rất phong lưu và chưa hề chồn chân mỏi gối trên con đường phiêu du: “Tại sao vào cuối năm 1952 này tôi có nổi một niềm nhớ quá lớn lao như vậy? Nhớ tất cả những chi tiết nhỏ nhất của dĩ vãng chưa đủ, còn phóng tâm tư đi tới những mối tình muôn đường của hàng ngàn phương trời mình chưa hề đặt chân tới. Cũng có thể vì sức sáng tác bị dồn nén sau gần hai năm bây giờ mới được toàn vẹn tung ra chăng?” (trích hồi ký Phạm Duy)

Xem bài khác

Hoàn cảnh sáng tác 2 ca khúc Đường Tình Đôi Ngả và Tình Nào Trong Mắt Em (nhạc sĩ Ngân Giang)

Ca khúc Kiếp Dã Tràng của nhạc sĩ Từ Công Phụng – Khi chuyện tình giống như loài dã tràng xe cát

Và chính nhờ “niềm nhớ lớn lao” đó, “nhớ tất cả những chi tiết nhỏ nhất của dĩ vãng” mà đã có một bức tranh quê hương ngọt ngào, sống động, bình dị mà thân thương phủ tràn trong lời hát Tình Hoài Hương:

Quê hương tôi, có con sông dài xinh xắn
Nước tuôn trên đồng vuông vắn
Lúa thơm cho đủ hai mùa
Dân trong làng trời về khuya vẳng tiếng lúa đê mê

Quê hương tôi có con sông đào ngây ngất
Lúc tan chợ chiều xa tắp
Bóng nâu trên đường bước dồn
Lửa bếp nồng, vòm tre non, làn khói ấm hương thôn!

Trong những lời kể về quê hương xứ sở của nhạc sĩ thấp thoáng một thứ tình yêu nồng nàn, vô điều kiện. Cụm từ “quê hương tôi” được lặp đi lặp như một sự đánh dấu chủ quyền, xen lẫn niềm tự hào sâu kín. Quê hương tựa như một người mẹ lớn mà mỗi người con xa quê khi nhắc nhớ về, tâm hồn đều bỗng như trẻ dại. Đó là thứ tình yêu không bao giờ đổi dời, không trầm bổng, éo le hay bội phản như tình yêu trai gái. Tình yêu đó nuôi dưỡng tâm hồn con người, ve vuốt, vỗ về trái tim mà bất cứ lúc nào, bất cứ thời khắc nào cũng có thể triệu hồi.

Và với tình yêu đó, nhạc sĩ như triệu hồi tất cả những gì ngọt ngào, thân thương nhất của quê mẹ vào trong ca từ, giai điệu. Từ cảnh sắc hiền hoà của làng quê với những con sông xinh xắn, những phiên chợ chiều xa tắp, những cánh đồng lúa thơm đủ hai mùa đến những người dân quê áo nâu rải bước trên đường chiều hay những ký ức thân thương với lửa bếp nồng, vòm tre non, làn khói ấm,… đến những làn điệu dân ca ngọt ngào tình tự hoà quyện, phảng phất trong lời hát.


Click để nghe Thái Thanh hát Tình Hoài Hương trước 1975 với phần hát bè của Mai Hương – Quỳnh Giao

Nhạc sĩ Phạm Duy từng nói rằng khi viết Tình Hoài Hương, ông không chỉ làm công việc thụ động là nhắc lại ca dao, mà còn tích cực hơn, đó là đối thoại với ca dao. Những câu ca dao mà nhạc sĩ muốn nhắc tới hẳn là ai cũng đã từng nghe, từng thuộc:

Mình về có nhớ ta chăng
Ta về ta nhớ hàm răng mình cười
Năm quan mua lấy miệng cười
Mười quan chẳng tiếc, tiếc người răng đen

Và cái sự đối đáp của ông cũng ngọt ngào, lênh láng tình tự không kém:

Ai về, về có nhớ, nhớ cô mình chăng?
Tôi về, về tôi nhớ hàm răng cô mình cười ơ ơ ớ!
Ai về mua lấy miệng cười
Để riêng tôi mua lại mảnh đời, thơ ngây thơ ơ ớ ơ ơ ờ!

Nếu chỉ nghe ca khúc Tình Hoài Hương mà không biết đến hoàn cảnh ra đời của ca khúc, có thể sẽ có người tưởng là nhạc sĩ Phạm Duy viết ca khúc khi ông đã là một người con tha hương nơi phía bên kia đại dương. Nhưng nếu nghe kỹ sẽ nhận ra, những hình ảnh quê hương, giai điệu và cả câu ca dao được đối đáp trong lời hát đều đậm chất Bắc Bộ. Bởi theo tâm sự của nhạc sĩ, bài hát “là sự nhớ nhung của riêng tôi đối với một nửa mảnh đất quê hương mà tôi vừa phải xa lìa”. 

Trong hoàn cảnh đất nước bị chia cắt, với một người đã có dịp đi khắp ba miền, thì bất kỳ nơi nào trên dải đất Việt Nam cũng là quê hương xứ sở, là máu thịt ruột rà, nên việc bị chia cắt không thể trở về một nửa quê hương ở xứ Bắc là điều đau đớn vô cùng. Huống hồ chi nửa quê hương ấy, còn là nơi chôn nhau cắt rốn, là tuổi thơ ngọt ngào êm đềm, là tuổi trẻ tung hoành ngang dọc. Có lẽ vì vậy mà nỗi nhớ về cố hương mới lớn lao, vời vợi đến vậy.

Nhưng cái hay của ca từ âm nhạc Phạm Duy là ông đã chắt lọc những gì tinh tuý nhất, trong trẻo nhất trong miền nhớ của mình để đưa vào âm nhạc. Ông không trải tràn nỗi đau chia cắt với một “nửa quê hương” lên mặt chữ, không than thở những lời u sầu, bi hoài, tuyệt vọng. Tất cả chỉ là những lời hát du dương, ngọt ngào, sâu lắng mà mỗi lần nghe người ta cảm thấy như tâm hồn được thanh lọc, tình yêu quê hương xứ sở bỗng trỗi dậy gần gũi, thân hương:

Quê hương ơi! Bóng đa ôm đàn em bé
Nắng trưa im lìm trong lá
Những con trâu lành trên đồi
Nằm mộng gì? Chờ nghe tôi thổi khúc sáo chơi vơi

Quê hương ơi! Tóc sương mẹ già yêu dấu
Tiếng ru nỗi niềm thơ ấu
Cánh tay êm tựa mái đầu
Ôi bóng hình từ bao lâu còn ghi mãi sắc mầu!

Bức tranh miền quê Bắc Bộ hiện ra thanh bình, êm ả với hình bóng mẹ già yêu dấu, bóng đa, đàn trâu, khúc sáo và những tiếng ru kéo người nghe trở về miền ký ức tuổi thơ êm đềm bên mẹ, bên gia đình. Tiếng gọi “quê hương ơi” vì thế cũng ngân dài ngân mãi ngọt ngào, da diết nhớ thương. Trong tiếng gọi ấy chứa đựng tình yêu, tấm lòng của người con xa xứ luôn hướng về quê hương:

Tình hoài hương!
Khói lam vương tâm hồn chìm xuống
Chiều xoay hướng!
Sống vui trong mối tình muôn đường

Tình ngàn phương!
Biết yêu nhau như lòng đại dương
Người phiêu lãng!
Nước mắt có về miền quê lai láng
Xa quê hương! Yêu quê hương 

Câu hát “chiều xoay hướng sống vui trong mối tình muôn đường” nghe có vẻ khó hiểu nên nhiều ca sĩ trẻ sau này đã hát sai làm thay đổi ý nghĩa. Hãy nghe nhạc sĩ Phạm Duy tâm sự để hiểu hơn đoạn nhạc này với những tâm sự mà ông gửi gắm vào:

“Ngày hôm nay nhắc tới bài hát Tình Hoài Hương tôi còn thấy từ lúc ngồi nhớ con sông đào ngây ngất ở chốn quê cũ vào năm 1952, tôi đã mơ ước có một chiều xoay hướng để tôi được vượt qua những đại dương sâu thẳm, đi khắp các lục địa bao la, sống vui trong mối tình muôn đường… Không ngờ 23 năm sau, tôi đi tị nạn chính trị là thực hiện giấc mơ vượt cầu biên giới trở thành con người phiêu lãng của bài hát hoài hương xa lơ xa lắc. Rồi từ đó, được đi khắp năm châu bốn bể, dù nhiều phen nước mắt có chẩy về miền quê lai láng, cũng xin cám ơn cuộc sống vô cùng.”


Click để nghe danh ca Anh Ngọc hát Tình Hoài Hương trước 1975

Có lẽ với Phạm Duy, Tình Hoài Hương là thứ tình trong trẻo, ngọt ngào nhất mà dù có đi đâu có làm gì ông vẫn luôn giữ nó lại trong trái tim mình như một thứ gia tài, một thứ bảo bối mà một người du ca như ông cần có để làm nguồn cội, gốc rễ, để thăng hoa trong cuộc sống và cả âm nhạc.

Bài: Niệm Quân
Bản quyền bài viết của nhacxua.vn

Tags: phạm duy
ShareTweetPin

Xem bài khác

Thơ Cung Trầm Tưởng và dòng nhạc phổ thơ của nhạc sĩ Phạm Duy qua bài viết năm 1959
Bàn Tròn Âm Nhạc

Thơ Cung Trầm Tưởng và dòng nhạc phổ thơ của nhạc sĩ Phạm Duy qua bài viết năm 1959

Thi sĩ Cung Trầm Tưởng là một trong những tên tuổi lớn của thi đàn miền Nam từ thập niên...

by admin
October 11, 2022
Ca khúc Chú Cuội (nhạc sĩ Phạm Duy) – Chuyện tình nàng tiên nga trong một đêm trăng rằm
Bàn Tròn Âm Nhạc

Ca khúc Chú Cuội (nhạc sĩ Phạm Duy) – Chuyện tình nàng tiên nga trong một đêm trăng rằm

Vào thuở đầu tân nhạc, Trung Thu và trăng rằm là một trong những chủ đề được các nhạc sĩ...

by admin
September 8, 2022
Câu chuyện về những bài nhạc phổ thơ nổi tiếng của nhạc sĩ Phạm Duy – Phần 3: Những ca khúc thập niên 1940-50
Bàn Tròn Âm Nhạc

Câu chuyện về những bài nhạc phổ thơ nổi tiếng của nhạc sĩ Phạm Duy – Phần 3: Những ca khúc thập niên 1940-50

Tiếp nối 2 phần trước, ghi lại những câu chuyện về bài nhạc phổ thơ của nhạc sĩ Phạm Duy,...

by admin
October 5, 2021
Câu chuyện về những bài nhạc phổ thơ nổi tiếng của nhạc sĩ Phạm Duy – Phần 2: Thơ Phạm Thiên Thư
Bàn Tròn Âm Nhạc

Câu chuyện về những bài nhạc phổ thơ nổi tiếng của nhạc sĩ Phạm Duy – Phần 2: Thơ Phạm Thiên Thư

Với thơ của Phạm Thiên Thư, nhạc sĩ Phạm Duy có 4 ca khúc nổi tiếng và được yêu thích...

by admin
October 5, 2021
Câu chuyện về những bài nhạc phổ thơ nổi tiếng của nhạc sĩ Phạm Duy (Phần 1)
Bàn Tròn Âm Nhạc

Câu chuyện về những bài nhạc phổ thơ nổi tiếng của nhạc sĩ Phạm Duy (Phần 1)

Nhạc sĩ Phạm Duy cũng là một trong những nhạc sĩ phổ thơ nhiều nhất, nổi tiếng nhất, điển hình...

by admin
October 5, 2021
Nghe lại 15 ca khúc nhạc Phạm Duy hay nhất qua giọng hát Tuấn Ngọc
Bàn Tròn Âm Nhạc

Nghe lại 15 ca khúc nhạc Phạm Duy hay nhất qua giọng hát Tuấn Ngọc

Năm 1994, ca sĩ Tuấn Ngọc trở thành con rể của nhạc si Phạm Duy sau khi cưới ca sĩ...

by admin
October 4, 2021
Next Post
Ý nghĩa của ca khúc “Bài Không Tên Số 6” (Vũ Thành An) – “Thắp đêm tìm nhau, ướp môi tìm nhau, với tay tìm nhau…”

Ý nghĩa của ca khúc "Bài Không Tên Số 6" (Vũ Thành An) - "Thắp đêm tìm nhau, ướp môi tìm nhau, với tay tìm nhau..."

Leave a Reply Cancel reply

Your email address will not be published. Required fields are marked *

NHẠC XƯA 360°

Thái Hằng – Người vợ mẫu mực, nhưng thầm lặng và bình dị đằng sau ánh hào quang của nhạc sĩ Phạm Duy

Cuộc đời và sự nghiệp của ca sĩ Quỳnh Giao – Giọng hát trong vắt như pha lê

Bài thơ Ngập Ngừng (Hồ Dzếnh) – Từ thơ đến nhạc: Tình mất vui khi đã vẹn câu thề…

Thi sĩ Nguyễn Tất Nhiên – Cuộc đời buồn như những bài thơ

Ca sĩ Kim Loan (Căn Nhà Ngoại Ô) lên tiếng về mối “oan tình” với tổng thống Nguyễn Văn Thiệu

MC Nguyễn Ngọc Ngạn kể về chuyện nghề và công việc ở trung tâm Thúy Nga – Paris Ny Night

TIỂU SỬ BÀI HÁT

Thi sĩ Nguyễn Tất Nhiên và người tình “hiền như Ma-soeur” – Em mang hồn vô tội, đeo thánh giá huy hoàng…

Áo lụa Hà Đông

Những giai thoại về hoàn cảnh sáng tác các bài nhạc Trịnh Công Sơn

Hoàn cảnh sáng tác ca khúc Lời Tạ Từ (nhạc sĩ Dzũng Chinh) – “Nhớ chăng là lúc em đến trong màu trắng…”

Hoàn cảnh sáng tác và cảm nhận về ca khúc Mùa Mưa Đi Qua (nhạc sĩ Hà Phương) – “Con đường buồn hun hút mắt em sâu…”

Những đồi hoa sim

CA TỪ TRONG NHẠC XƯA

Hoàn cảnh sáng tác bài Linh Hồn Tượng Đá: Trên dốc đá tôi tình cờ quen nàng

Ý nghĩa trong bài hát Giọng Ca Dĩ Vãng (nhạc sĩ Bảo Thu): “hoa mai giăng ngập nẻo đường em đi…”

Ca từ trong nhạc xưa: “Chiều Mưa Biên Giới” là biên giới nào?

Ca từ trong nhạc xưa: Cỏ ưu tư muộn phiền lên xám môi…

Ca từ trong nhạc xưa: Bàn tay thon ngón nhỏ, đan tay ‘rắn’ sông hồ

Ca từ trong nhạc xưa: “Trốn phong ba, em làm dâu nhà người”

Tags

anh bằng anh việt thu châu kỳ chế linh duy khánh giao tiên hoài linh hoàng nguyên hoàng oanh hoàng thi thơ hoàng trang hoàng trọng huỳnh anh khánh ly lam phương lê dinh lê thương lê uyên phương lệ thu minh kỳ mạnh phát nguyễn tất nhiên nguyễn văn đông ngân giang ngô thụy miên ngọc lan như quỳnh phạm duy phạm đình chương saigon collection song ngọc thanh sơn thanh thúy thái thanh tiểu sử ca sĩ tiểu sử nhạc sĩ trúc phương trường sa trầm tử thiêng trần thiện thanh trịnh công sơn từ công phụng văn cao vũ thành an y vân
Liên hệ Ban Biên Tập

bbt@nhacxua.vn

DMCA.com Protection Status

No Result
View All Result
  • Trang Chủ
  • Nhạc Xưa
  • Cảm xúc âm nhạc
  • Xuất xứ bài hát

© 2020 NhacXua.VN - Nhạc Xưa Thời Báo.