Hoàn cảnh sáng tác và cảm nhận về ca khúc Sang Ngang (Đỗ Lễ) – “Mối tình ngày xưa chôn xuống tuyền đài…”

Ngay từ năm 1973, nhạc sĩ Phạm Duy đã có những nhận xét rất xác đáng về âm nhạc của nhạc sĩ Đỗ Lễ:

Ai từng yêu nhạc mà không âm thầm nghĩ đến Đỗ Lễ, cái lặng lẽ âm thầm ấy là sự đau thương trong tình khúc reo hờn trầm buồn đi thẳng vào cuộc đời. Từ muôn trùng, mỗi lần nghe tiếng nhạc trỗi vang là mỗi lần cảm thấy lòng bùi ngùi se sắt lại, tình bâng khuâng với giòng nước, hồn lơ lửng theo mây gió. Trong những phút tuyệt vời ấy, người ta lại thầm nghĩ tới người nghệ sĩ đã soạn thành những tình khúc dang dở của tình yêu, hình dung đến cái đẹp hào hoa tao nhã của con người nhiều lãng mạn và mộng mơ, để lòng thổn thức với thế nhân.

Những hình ảnh đẹp rực rỡ huy hoàng của chàng nhạc sĩ Đỗ Lễ là người mang đầy những thơ mộng dày đặc những đau thương và sầu khổ đã phủ kín đời anh. Đỗ Lễ ra đời năm 1941 tại Hà nội, Trời đã phú cho Đỗ Lễ từ thuở nhỏ, năm 14 tuổi đã sáng tác, đến năm 18 tuổi nổi tiếng nhạc phẩm đầu tiên Tan Vỡ & Sang Ngang, tiếng nhạc trở nên réo rắt và tâm hồn trở nên tha thiết trong mối tình đầu dang dở ấy.

Những tiếng nhạc buồn như mời mọc, van xin và sự sầu khổ man mác tạo thành những ca khúc tuyệt vời là tiếng lòng thổn thức của Đỗ Lễ. Tôi yêu nét nhạc đậm đà của Đỗ Lễ và Đỗ Lễ tiếp tục hát, nghe em!”

Trong đó, nhiều ý kiến cho rằng, nhạc phẩm Sang Ngang của nhạc sĩ Đỗ Lễ có thể được coi là “đệ nhất thất tình” trong số những ca khúc thất tình trước năm 1975. Đây là một nhạc phẩm được hoài thai từ chính mối bi tình đẫm lệ của nhạc sĩ Đỗ Lễ dành cho nữ ca sĩ nổi tiếng Lệ Thanh.


Click để nghe đọc về hoàn cảnh sáng tác ca khúc Sang Ngang

Những năm cuối thập niên 1950 – đầu thập niên 1960, khi Lệ Thanh đã là một ngôi sao sáng trên bầu trời âm nhạc thì Đỗ Lễ vẫn còn là một tên tuổi mờ nhạt, ngày ngày “trồng cây si” theo người đẹp khắp các phòng trà ca nhạc Sài Gòn. Nhưng nữ ca sĩ nổi tiếng là ngoan hiền, kín đáo, thường tránh né các đám đông, và cũng né tránh mối tình si của Đỗ Lễ. Nàng đột ngột bỏ dở sự nghiệp ca hát khi đang ở trên đỉnh cao danh vọng để cất bước “sang ngang” theo chồng, để lại rất nhiều sự nuối tiếc cho khán giả mến mộ, và người bị đau buồn, hụt hẫng lớn nhất chính là Đỗ Lễ.

Rất nhiều lần, ngồi ngắm nhìn Lệ Thanh biểu diễn trên sân khấu, chỉ cần thấy Lệ Thanh mỉm cười là trái tim Đỗ Lễ đã thắt lại. Chàng trai trẻ tưởng như người đẹp đang cười riêng với mình, hát riêng cho mình nghe. Tâm trạng não nề, Đỗ Lễ tìm tới men say rượu đắng, mơ tưởng ra một cuộc tình bi luỵ không thành của mình và Lệ Thanh, rồi viết thành ca khúc Sang Ngang với những lời ca chia ly sầu muộn:

Thôi nín đi em
Lệ đẫm vai rồi
Buồn thương nhớ ơi! 

Em hỡi đôi mình
Mộng này đã tan
Tình đã dở dang 


Click để nghe Thái Thanh hát Sang Ngang trước 1975

Bức tranh chia ly thê thiết của đôi tình nhân được vẽ lên bằng những lời ca dịu dàng mà chua xót. Trong bức tranh mờ mịt, mơ hồ ấy chỉ có hai người tình ngồi cạnh nhau, xen giữa tiếng khóc nức nở của cô gái là những lời vỗ về đứt quãng, nghẹn đắng của chàng trai:

Em khóc những chiều
Anh xót xa nhiều
Thương cho tình yêu 

Nỗi buồn chua cay
Khi lòng đổi thay
Thôi hết sum vầy 

Nước mắt của cô gái thì tuôn trào trên khoé mắt, ướt đẫm vai chàng trai, còn nước mắt của chàng trai thì chảy ngược vào trong “chua cay” và “xót xa”. Từng câu hát thả rơi chầm chậm hàm chứa những ẩn ức sâu kín của một cuộc tình đã “đổi thay”. Người yêu đã đổi thay, đã quyết dứt áo đi lấy chồng nhưng chàng trai chẳng thể oán trách, chẳng thể giận hờn chỉ có thể câm lặng vỗ về cô gái đang chìm trong suối lệ, chua xót cho cuộc tình đã rơi vào ngõ cụt.

Những giọt nước mắt chảy ra của cô gái có thể làm vơi phai đi nỗi sầu muộn của chính cô, phần lại cứu chuộc tội lỗi nhưng những giọt nước mắt chảy ngược vào trong của chàng trai thì chỉ khiến cõi lòng thêm tái tê, đau đớn, khiến cho sự phẫn uất, oán hờn càng thêm dữ dội:

Nếu biết rằng tình là giây oan
Nếu biết rằng hợp rồi sẽ tan
Nếu biết rằng yêu là đau khổ
Thà dương gian đừng có chúng mình 

Chàng trai vùng vẫy, mong đào thoát khỏi kiếp sống nhân sinh: “thà dương gian đừng có chúng mình”, nhưng nào có dễ dàng gì buông bỏ một kiếp người. Vậy nên càng vùng vẫy lại càng đau khổ, càng muốn buông sầu lại càng sầu như trong hai câu thơ nổi tiếng của nhà thơ Lý Bạch khi xưa:

Rút dao chém xuống nước, nước càng chảy mạnh
Nâng chén tiêu sầu, càng sầu thêm

Nhưng dù có khổ đau, phẫn nộ, chàng trai vẫn nhớ rằng, có một cô gái đang khóc lả trên vai chàng.

Lau mắt đi em
Gần hết đêm rồi
Buồn thêm nữa sao?

Mai bước sang ngang
Lòng thêm nát tan
Tình đã dở dang 

Trong đêm đen mờ mịt như hiện thực phũ phàng của cuộc tình hoa mộng, chàng trai nén lòng, dìu đỡ cô gái dậy, lau nước mắt cho cô, vỗ về cô bằng những lời ca dịu dàng mà kiên quyết, băng lạnh. Bởi tình yêu nồng nhiệt, ấm áp trong chàng giờ đây đã chỉ còn lại những chua chát, đớn đau:

Thôi khóc làm gì?
Đã lỡ duyên thề
Thương nhau làm chi? 

Nỗi buồn ai hay?
Khi mình chia tay
Xa cách nhau rồi

Hàng loạt câu hỏi thả xuống: Buồn thêm nữa sao? Thôi khóc làm gì? Thương nhau làm chi? Nỗi buồn ai hay? nghẹn đắng những dằn dỗi. Chàng quyết định buông tay, quyết định quay lưng bước đi bởi chẳng còn hy vọng gì nữa, bởi “lòng đổi thay” rồi, bởi người ấy “mai bước sang ngang”, còn gì nữa đâu để mà níu giữ?


Click để nghe Lệ Thu hát Sang Ngang trước 1975

Hẳn là nhạc sĩ Đỗ Lễ cũng đã tự nhủ lòng mình hãy “buông bỏ” khi người đẹp Lệ Thanh đột ngột “sang ngang” lên xe hoa, nhưng con tim nào có chịu ngủ im theo sự sắp đặt của lý trí, vẫn thổn thức không thôi những nhịp đập trái ngang. Vậy nên, ông lại viết thêm lời 2 để hát tiếp về cơn mộng tình bi luỵ:

Năm tháng trôi qua!
Nay bỗng nhớ lại
Chuyện tình đắng cay

Anh nuốt thương đau
Nhìn tình dở dang
Lòng thêm khóc than 

Ôi xót xa nhiều
Lệ bỗng tuôn trào
Thương cho tình côi 

Trách thầm người yêu
Nỡ phụ tình tôi
Không nói nên lời 

Ở phần lời 2 này, đã chẳng còn nước mắt, chẳng còn bóng dáng của cô gái năm xưa. Chỉ có tiếng khóc và những giọt lệ tuôn trào của chàng trai sau bao nhiêu năm tháng ôm mối tình xưa ngậm ngùi, cay đắng giấu chặt trong lòng. Khi chia tay nhau, chàng trai câm lặng bước đi chẳng buông một lời trách móc với cô gái “thay lòng” thì bây giờ chàng đã biết “trách thầm người yêu nỡ phụ tình tôi”. Dù là lời trách móc chỉ lặng lẽ âm thầm “không nói nên lời” nhưng chàng trai dường như đã bắt đầu thả lỏng với cõi lòng mình, không còn nín nhịn mà bộc bạch, bày tỏ, bung xoã cõi lòng.

Nếu biết rằng cuộc đời ngang trái
Nếu biết rằng tình này chóng phai
Cho chúng mình mang nhiều đau khổ
Thì yêu đương đành cố chôn vùi 

Những ẩn ức, oán thán cũng phần nào dịu lại, không còn phẫn uất, cuồng nộ, vùng vẫy nữa mà bình thản chấp nhận.

Thôi nhé em ơi
Tình đã lỡ rồi
Buồn cũng thế thôi 

Anh nén chua cay
Nhìn em khóc than
Tình duyên bẽ bàng 

Thôi nhắc làm gì
Cho xót xa nhiều
Bao nhiêu hận căm

Mối tình ngày xưa
Xóa dần trong mơ
Chôn xuống tuyền đài 

Thay cho hàng loạt câu hỏi giằng xé, đớn đau, băng lạnh ở cuối cuộc chia tay trong phần lời 1, là những lời ca mềm mại, đầy ve vuốt. Câu hát “thôi nhé em ơi” đầy ngọt ngào, trìu mến tưởng như viết cho cô gái năm xưa nhưng không có bóng dáng người em nào trong phần hồi nhớ này, chỉ có cõi lòng nuối thương, chua cay của nhạc sĩ đang dậy sóng, nên đành viết để ve vuốt, vỗ về cõi lòng của chính mình.

Có thể thấy nhạc sĩ đã dùng một loạt chữ “thôi” trong những lời hát sau cuối này:

Thôi nhé em ơi, tình đã lỡ rồi

…. 

Buồn cũng thế thôi

… 

Thôi nhắc làm gì?

Những lời hát như những lời nhắc nhở, dằn xuống những đau thương xưa cũ, chôn vùi những đốm lửa le lói vừa bất chợt loé lên giữa đống tro tàn.

Bạn bè đương thời nhận xét, Đỗ Lễ mặc dù là một người quảng giao, vui vẻ nhưng đồng thời cũng là một nhạc sĩ có tâm hồn nhạy cảm, đa sầu đa cảm. Mối tình đầy tuyệt vọng với nữ ca sĩ Lệ Thanh vừa đẩy nhạc sĩ rơi vào hố sâu sầu thảm nhưng đồng thời cũng đẩy âm nhạc của ông thăng hoa rực rỡ như một vầng pháo hoa trên bầu trời nghệ thuật khiến bao người ngưỡng mộ và cảm mến.

Trước năm 1975, bài Sang Ngang được cả 3 nữ danh ca nổi tiếng nhất Sài Gòn hát, đó là Thái Thanh, Lệ Thu và Khánh Ly:


Trước 1975, Khánh Ly chỉ hát lời 2 của ca khúc

Sau năm 1975, phiên bản được yêu thích nhất có lẽ là giọng hát đượm buồn của Ngọc Lan:


Click để nghe Ngọc Lan hát Sang Ngang

Vào những năm cuối đời, trong những lần tâm sự với bè bạn, nhạc sĩ Đỗ Lễ từng nói rằng chuyện tình của ông với Lệ Thanh năm xưa không phải là “tình đơn phương” như người đời đồn thổi. Tuy nhiên vì nhà ông nghèo nên không “môn đăng hộ đối”, và lần chia ly trong bài Sang Ngang đã đẫm lệ sầu bi.

Thời gian sau đó, nhạc sĩ Đỗ Lễ còn sáng tác thêm ca khúc mang tên Chia Ly, cũng nhắc đến lần tạ từ đó:

Mai lên xe hoa em sầu trong áo cưới
Mai lên xe hoa còn thương nhớ một người
Ai gieo đau thương đếm từng đêm tiếc nuối
Em đã đi rồi, em đã quên người tình rồi…

Bài: Niệm Quân
Bản quyền bài viết của nhacxua.vn

Exit mobile version