Hoàn cảnh sáng tác và cảm nhận về ca khúc “Người Đi Qua Đời Tôi” (Trần Dạ Từ – Phạm Đình Chương) – Thất tình ca một thuở

Đầu thập niên 1960, sau khi chia tay vợ sau 7 năm mặn nồng, nhạc sĩ Phạm Đình Chương mang một vết thương lòng đau đớn, rồi sống những ngày gần như cắt đứt mọi sự liên lạc, chỉ tiếp xúc giới hạn với 1 vài bằng hữu thân thiết. Cũng từ đó trở về sau, ông sáng tác rất ít, nếu có thì cũng là những ca khúc u sầu như Đêm Cuối Cùng, Khi Cuộc Tình Đã Chêt, Nửa Hồn Thương Đau, và Người Đi Qua Đời Tôi…

Nếu bạn là người yêu thích nhạc xưa, hãy theo dõi kênh YouTube này để nghe đọc các bài cảm nhận về âm nhạc (phân tích ý nghĩa, hoàn cảnh sáng tác, tiểu sử ca nhạc sĩ): LINK YOUTUBE  < Click

Khác với nhiều người đã tưởng, những ca khúc này không phải là được nhạc sĩ sáng tác ngay sau khi bị tan vỡ hôn nhân. Thực tế là dư chấn của thảm kịch kia đã giảm thiểu mọi hoạt động của Phạm Đình Chương trong một thời gian khá dài, và ông chỉ sáng tác Nửa Hồn Thương Đau Người Đi Qua Đời Tôi sau đó đúng 10 năm (1970), và cả 2 bài hát đều đã được sử dụng trong cuốn phim điện ảnh nổi tiếng Chân Trời Tím (vai chính là Hùng Cường và Kim Vui).

Riêng ca khúc Người Đi Qua Đời Tôi được phổ từ bài thơ Thơ Cũ Của Nàng (thi sĩ Trần Dạ Từ).

Người đi qua đời tôi trong những chiều đông sầu.
Mưa mù lên mấy vai gió mù lên mấy trời
Người đi qua đời tôi, hồn lưng miền rét mướt,
Vàng xưa đầy dấu chân, đen tối vùng lãng quên.

Khi người đã vụt đi qua đời rồi, không còn những ngày êm đềm hạnh phúc vui tươi nữa, chỉ còn lại một người quạnh quẽ với những chiều đông sầu lạnh giá. Ngày xưa bên nhau càng nồng ấm bao nhiêu thì bây giờ càng buồn tủi cô đơn bấy nhiêu.

Hình ảnh “Mưa mù lên mấy vai gió mù lên mấy trời” đã vẽ nên cảnh đời gió mưa mù mịt bao quanh đời từ khi mất người. Tiếng lòng đầy giá buốt xót xa bật lên từng nốt chầm chậm u hoài trên bức nền xám lạnh mùa đông.

Những dấu chân kỷ niệm ghi đầy thuở vàng son trên đường ngày xưa, bây giờ đã chìm vào “đen tối vùng lãng quên”. Có khổ đau có day dứt lắm mới trải lòng lên phím nhạc những giai điệu muộn phiền cô quạnh như vậy. Người đi qua đời tôi, nghe “hồn lưng miền rét mướt”. Tâm trạng bi ai của kẻ bị thất tình nhìn đời qua màn mưa xám, ở nơi đâu cũng buốt lạnh mùa đông. Người nghe cảm được từ sau lời trần tình trầm uẩn còn hoài vọng với một ttâm tình yêu lắm, diết da lắm với mối tình đã chia xa.


Click để nghe Thái Thanh hát Người Đi Qua Đời Tôi

Bàn tay mềm khói sương,
tiếng hát nào hơ nóng.
Và ai qua đời tôi,
chiều âm vang ngàn sóng.

Trên lối về nghĩa trang
Nghe những lời linh hồn,
nghe những lời linh hồn,
Trong mộ phần đen tối đen.

Tâm sự đau buồn của người bị phụ tình trải lên lời rét mướt cô liêu cho người nghe, nhưng tuyệt không có lời oán trách nào dành cho người tình phụ. Trong miên man lời nhạc như viết trong men đắng tình sầu, người xưa cũ vẫn thấp thoáng đẹp dịu hiền qua hình ảnh “bàn tay mềm khói sương, tiếng hát nào hơ nóng”. Tiếng hát của người hay là tiếng hát của tình yêu ngày nào bây giờ đã xa khuất ngàn sương khói…

Chiều nay chợt quay về với kỷ niệm, nghe “âm vang ngàn sóng” những ngày đẹp đẽ ngày xưa dội về. Cuộc sống không còn ý nghĩa gì khi người đã đi xa, cuộc đời không còn vàng nắng hy vọng nữa mà ở đâu cũng đen tối một màu. Trên đường về hiu hắt như là đang “nghe những lời linh hồn” trên bãi tha ma, là tâm trạng bi ai của kẻ lụy tình, vì yêu quá nên khi bị mất người yêu tưởng như là mất tất cả.

Người đi qua đời tôi, không nhớ gì sao nguời,
mưa nào lên mấy vai, gió nào lên mấy trời.
Người đi qua đời tôi, đường xưa đầy lá úa,
Vàng xưa đầy dấu chân, đen tối vùng lãng quên.
Em đi qua đời anh không nhớ gì sao em?

“Người đi qua đời tôi, không nhớ gì sao người” – Nghe trong lời cuối của bản thất tình ca, tình yêu sầu khổ vẫn còn đằm thắm thiết tha. Thay vì lời trách móc, câu “không nhớ gì sao người” như nhẹ nhàng nửa trìu mến nửa bi thương, đem đến cảm nhận cho người nghe một tấm tình còn sâu nặng của người tình si, dẫu mối tình chung của mình đã bị người tình phụ bạc bẽo.

Và câu cuối kết thúc bài hát, bỗng không còn xưng “tôi” gọi “người” nữa mà là “Em đi qua đời anh không nhớ gì sao em”, vẫn là lời lẽ êm đềm như chưa từng có sự lìa tan. Cho người nghe một lần nữa nhận ra trong chuỗi thất vọng cô đơn của những ngày mùa đông u tối bị phụ bạc tình yêu, trong lòng của chàng trai vẫn còn nhớ, còn yêu tha thiết một thuở nào người đi qua đời…


Click để nghe Julie hát Người Đi Qua Đời Tôi

Thực tế là những ca từ trong bài hát này phần lớn là của thi sĩ Trần Dạ Từ, nhạc sĩ Phạm Đình Chương chỉ sửa lại đôi chút để phù hợp với nhạc. Nhưng như là sự đồng cảm tương thông của những người nghệ sĩ với nhau, nhạc sĩ Phạm Đình Chương bắt gặp tâm trạng của mình trong bài thơ, rồi thêm vào giai điệu để trở thành một ca khúc bất tử nói lên được nỗi lòng của hàng triệu kẻ đã từng gặp phải nỗi đau tình.

Bài: Trương Đình Tuấn
Bản quyền bài viết của nhacxua.vn

Exit mobile version