Hoàn cảnh sáng tác và cảm nhận về ca khúc Mùa Mưa Đi Qua (nhạc sĩ Hà Phương) – “Con đường buồn hun hút mắt em sâu…”

Trước 1975 có chùm 3 ca khúc về mưa với nét nhạc tương đồng nhau, được đông đảo khán giả yêu thích, đó là Mưa Đêm Tỉnh Nhỏ (sáng tác Hà Phương – Anh Việt Thanh), Mưa Qua Phố Vắng (sáng tác Hà Phương) và Mùa Mưa Đi Qua (sáng tác Du Uyên).

Nếu bạn là người yêu thích nhạc xưa, hãy theo dõi kênh YouTube này để nghe đọc các bài cảm nhận về âm nhạc (phân tích ý nghĩa, hoàn cảnh sáng tác, tiểu sử ca nhạc sĩ): LINK YOUTUBE  < Click

Sau này, người ta biết rằng cả 3 ca khúc này chỉ là của 1 mình nhạc sĩ Hà Phương sáng tác. Bút danh Du Uyên trong ca khúc Mùa Mưa Đi Qua xuất phát từ mối tình đầu tên Duyên của nhạc sĩ Hà Phương.

Ca khúc Mùa Mưa Đi Qua được ông sáng tác vào khoảng giữa thập niên 1960, khi đang sinh sống ở Mỹ Tho. Thời gian này ông đang trải qua cuộc tình với một nàng ca sĩ tại vùng tỉnh lẻ Định Tường giáp với Sài Gòn này.

Hàng đêm trên sân khấu, chàng đệm đàn cho nàng hát, rồi khi màn nhung khép lại cũng là lúc họ đưa nhau về trên con đường vắng thưa người trong những đêm mưa buồn nơi tỉnh lẻ:

Tôi dìu em về
Đường về nhà em qua phiến đá xanh xao
Con đường buồn hun hút mắt em sâu
Mưa nhạt mưa nhòa mưa đổ mưa mau.

Cuộc tình sau đó dù không thành, nhưng cũng để lại quá nhiều kỷ niệm sâu sắc cho người nhạc sĩ.

Rồi từng mùa mưa nối tiếp qua đi, gợi về ký ức những đêm mưa buồn ngày xưa, khi tình nhân được cùng sóng bước bên nhau trên con đường dài hun hút, trở thành niềm cảm hứng cho nhạc sĩ Hà Phương sáng tác những bài hát về mưa nổi tiếng.

Xưa nay, những cơn mưa thường gợi buồn, và những bài hát về mưa, về chuyện tình dang dở này đã nhận được đồng cảm của nhiều thế hệ yêu nhạc. Đó là lý do mà những ca khúc như Mùa Mưa Đi Qua, Mưa Qua Phố Vắng vẫn được yêu thích dù đã ra đời trên nửa thế kỷ trước.


Click để nghe Duy Khánh hát Mùa Mưa Đi Qua trước 1975

Tôi dìu em về
Đường về nhà em mưa ướt lá trên cao
Lưng đồi buồn heo hút gió kêu ca
Mưa nhạt mưa nhòa mưa đổ mưa sa…

Đôi tình nhân đưa nhau về từ con đường hun hút nơi thị thành để về tận nhà cô gái ở lưng chừng đồi heo hút, và cơn mưa vẫn đang nhạt nhòa giăng 8 hướng. Trong khoảnh khắc, thế gian dường như chỉ còn lại có 2 người, và cơn mưa như dầm ướt lạnh này cũng chỉ như là để đôi tình nhân có thêm lý do được sát gần nhau hơn, được cảm nhận hơi nồng ấm từ nhau, và chìm đắm trong những men say tình ái.

Mưa tuôn trên đá khô mòn
Mưa rơi trên bước em về
Mưa như nước mắt đêm nào
Mưa lem mất gót son rồi mưa ơi

Tôi dìu em về
Đường về nhà em mưa lất phất mưa bay
Con đường buồn hun hút đá xanh xao
Mưa nhạt mưa nhòa mưa đổ trên cao.

Trong cuộc tình tưởng như chỉ có toàn là những ngọt ngào, dịu êm, thì đến đoạn này nhạc sĩ đã cho biết đôi tình nhân cũng đã có những đêm trường đau khổ với toàn là nước mắt. Dường như đó là một chuyện tình không suôn sẻ và nhiều chướng ngại, để rồi cuối cùng họ không thể đi được cùng nhau cho đến cuối con đường.


Click để nghe Thuỵ Khanh hát trước năm 1975

Trước khi ca khúc này được ra mắt, làng nhạc miền Nam từng được đón nhận một ca khúc mưa nổi tiếng khác tên là Mưa Chiều Kỷ Niệm, ký tên tác giả là Duy Yên – Quốc Kỳ, và được ca sĩ Nhật Trường thu âm trong dĩa nhựa Sóng Nhạc. Cái tên Duy-Yên cũng có vẻ như là được tách từ tên Duyên giống tên Du-Uyên, nên khi gặp trực tiếp nhạc sĩ Hà Phương tôi đã hỏi về ca khúc này, và được ông xác nhận đây không phải là ca khúc của ông, cho dù nội 2 những ca khúc mưa này khá tương đồng nhau.

Bài: Đông Kha
Bản quyền bài viết của nhacxua.vn

Exit mobile version