Trong làng nhạc trữ tình thời kỳ 1954-1975, hiếm có ca khúc nào đẹp và lãng mạn, từ giai điệu cho đến lời ca, nét đẹp kiều diễm, thoát tục ngay từ tựa đề bài hát: Giáng Ngọc – một ca khúc nổi tiếng của nhạc sĩ Ngô Thụy Miên.
Bài hát này được nhạc sĩ viết cho một người con gái có thực, mang một vẻ kiêu sa, đặc biệt là có đôi bàn tay rất đẹp: bàn tay năm ngón em vẫn kiêu sa…
Click để nghe Ngọc Lan hát Giáng Ngọc
Nhạc sĩ Ngô Thụy Miên kể lại:
“Ngày đó cô là một nữ sinh của trường trung học nổi tiếng ở Sài Gòn là Trưng Vương, còn tôi là một anh sinh viên lang thang ở trường đại học. Cô là nguồn cảm hứng cho tôi viết bài Dấu Tình Sầu và dĩ nhiên là cả bài Giáng Ngọc. Đã nhiều năm trôi qua, tất cả đã đi vào quên lãng, nhưng bàn tay, mái tóc và dáng người đó đã cho tôi niềm cảm hứng để viết bài hát với những câu “bàn tay năm ngón em vẫn kiêu sa, vẫn tóc mây bay má môi hồng thắm…”
Nhạc sĩ Ngô Thụy Miên đã tình cờ thấy cô gái tên là Minh Ngọc đó tại thư viện của Trung Tâm Văn Hóa, dáng vóc ngọc ngà của cô làm say mê chàng nhạc sĩ hay mơ mộng, nên ông đã ca ngợi thành “giáng ngọc” (hay là Dáng Ngọc?). Cách dùng từ “giáng” của ông cũng gợi đến hình tượng một người tiên giáng trần, là nét đẹp ngọc ngà thanh khiết được ban xuống trần.
Lúc đó cô Minh Ngọc đang học đệ nhất (lớp 12) trường Trưng Vương, còn chàng nhạc sĩ là sinh viên trường Khoa Học. Vì bản tính hiền lành nên ông chỉ đi theo và ngơ ngẩn nhìn thôi chứ chưa bao giờ dám ngỏ lời.
Bàn tay năm ngón em vẫn kiêu sa
Vẫn tóc mây bay má môi hồng thắm
Gót bước nhẹ vương ý thơ
Tình yêu nào vương mắt ngọc
Mơ ước vẫn chưa phai nhòa…
Để mô tả hình dáng người con gái đẹp, hiếm có ngôn từ nào hay hơn những câu hát này nữa, với dáng người, tà áo, bước chân tha thướt, mái tóc xõa dài, má môi hồng thắm, đặc biệt là bàn tay đẹp, làm trái tim người nhạc sĩ thổn thức rung động, gợi những mơ ước thầm kín.
Và một lần thôi xin mắt em cay
Xin hết đi hoang những chiều buồn say
Và xin rằng mưa vẫn bay
Tình yêu nầy dâng mắt ngọc
Son phấn xin đừng ướt mi…
Khi trái tim người bị xiêu đổ, cũng là lúc bắt đầu có những nghịch lý ở đời. Bóng dáng người có thể làm ta lâng lâng niềm vui sướng khi được nhìn thấy, khi nghĩ về, những cũng hình dáng đó có thể làm ta đau khổ, dằn vặt.
Muốn nhìn thấy môi nàng cười xinh đẹp, nhưng cũng xin một lần cho mắt nàng cay vì cảm giác biết xót xa, để ta có thể được vội vàng đến trước dáng ngọc kiêu sa và lau đi giọt châu của tuổi buồn hoang hoải, để ta có thể được nguyện dâng hết tình yêu này lên mắt ngọc đang chực chờ ướt mi.
Nhưng rồi khi choàng tỉnh giấc mê, ta mới biết rằng đó chỉ là mơ ước xa vời. Dáng ngọc vẫn ở ngoài tầm tay với, và ta vẫn muôn đời một mình bước chân âm thầm lang thang từng chiều, ghép nỗi niềm buồn tủi vào nốt nhạc và nghe như giọt mưa rơi (hay cũng chính nỗi lòng mình) đang khóc trên cung đàn:
Chiều buồn mưa bay gió lay
Một mình cô đơn bước chân âm thầm
Và tình yêu dâng nhớ nhung trong lòng
Mộng mơ giăng kín nét môi Thiên Thần…
Nhạc chiều lang thang rũ say
Từng hạt mưa rơi khóc trên cung đàn
Rượu nồng ai say ngất ngây vì nhớ
Và tình yêu đó xin ngừng bước chân…
Đến cuối cùng, ngay cả trong mộng mị đi chăng nữa thì hai người cũng không thể nào sánh bước vì đến từ hai thế giới khác nhau. Vốn dĩ “dáng ngọc” đã như là dáng của người tiên, của thiên thần với nét đẹp không tì vết. Còn ta chỉ kẻ phàm trần, đành thôi từ bỏ những giấc mơ, và tìm quên bằng men say của ý nhạc:
Lặng nghe xa vắng nghe tiếng cô liêu
Tôi vẫn đi hoang những chiều buồn say
Tình yêu đành thôi ước mơ
Tìm quên bằng men ý nhạc,
Duyên ước xin đành kiếp sau…
Ca khúc này lần đầu tiên được giới thiệu trong băng nhạc Tình Khúc Ngô Thụy Miên năm 1974 qua tiếng hát Lệ Thu. Mời các bạn nghe lại:
Click để nghe Lệ Thu hát
Giáng Ngọc là một trong những ca khúc hay nhất của nhạc sĩ Ngô Thụy Miên, và hầu như ca sĩ nào hát cũng hay, cũng để lại nét riêng. Nguyên thủy bài hát là điệu slow rock, như phiên bản của Lệ Thu, Ngọc Lan hát, sau này một số phiên bản khác được phối lại thành tango và cũng rất được yêu thích, mời các bạn nghe lại:
Click để nghe Khánh Ly hát Giáng Ngọc
Click để nghe Lưu Hồng hát Giáng Ngọc
Bài: Đông Kha
(Bản quyền bài viết của nhacxua.vn)