Hoàn cảnh sáng tác và cảm nhận về ca khúc “Anh Cho Em Mùa Xuân” (Kim Tuấn – Nguyễn Hiền)

Mùa xuân nữa đang trở lại, lòng người nao nao, rộn rã trước những âm thanh, sắc màu của xuân thì đang ùa về. Những khúc ca mùa xuân tình tự vang lên khắp các ngõ ngách từ phố phường đô hội tới thôn quê xa vắng. Trong những khúc xuân nồng ấy, hẳn không thể thiếu nhạc phẩm Anh Cho Em Mùa Xuân của nhạc sĩ Nguyễn Hiền, phổ từ bài thơ Nụ Hoa Vàng Ngày Xuân của Kim Tuấn.

Nếu bạn là người yêu thích nhạc xưa, hãy theo dõi kênh YouTube này để nghe đọc các bài cảm nhận về âm nhạc (phân tích ý nghĩa, hoàn cảnh sáng tác, tiểu sử ca nhạc sĩ): LINK YOUTUBE  < Click

Ca khúc ra đời từ hơn 60 năm trước mà theo lời kể của nhạc sĩ Nguyễn Hiền, khi nhận được bài thơ và đặt bút viết những nốt nhạc đầu tiên, cái không khí mê say, ngọt lịm của mùa xuân, của Tết đang tràn ngập xung quanh, lâng lâng trong lòng nhạc sĩ:

“Đó là ngày mùng Năm Tết 1962, tôi đi làm trong một không gian vẫn còn hơi hướm Tết. Đến sở, trên bàn làm việc của tôi có một tập thơ còn thơm mùi giấy mới. Tập thơ mỏng, có tựa là Ngàn Thương, gồm khoảng 40 bài của các nhà thơ Vương Đức Lệ, Định Giang, Kim Tuấn và một người nữa tôi quên tên. Tôi lần giở, đọc lướt qua từng bài và dừng lại ở bài thơ Nụ hoa vàng ngày Xuân, một bài thơ 5 chữ đầy ắp hình tượng và rất giàu cảm xúc : “Anh cho em mùa Xuân. Mùa Xuân này tất cả. Lộc non vừa trẩy lá. Thơ còn thương cõi đời. Con chim mừng ríu rít. Vui khói chiều chơi vơi. Đất mẹ gầy có lúa. Đồng ta xanh mấy mùa. Con trâu từ đồng cỏ. Khua mõ về rộn khua. Ngoài đê diều thẳng cánh. Trong xóm vang chuông chùa. Chiều in vào bóng núi. Câu hát hò vẳng đưa. Tóc mẹ già mây bạc. Trăng chờ trong liếp dừa. Con sông dài mấy nhánh. Cát trắng bờ quê xưa…”. Vậy là chỉ trong buổi sáng hôm đó tôi phổ nhạc xong bài thơ. Điều buồn cười là tôi lấy luôn 3 câu thơ đầu tiên phổ thành một câu nhạc (Anh cho em mùa Xuân, nụ hoa vàng mới nở, chiều đông nào nhung nhớ…), thấy rất “ngọt” nên cứ thế mà phát triển bài thơ thành ca khúc.

Sáng hôm sau, có một nhà thơ còn rất trẻ, xưng tên là Kim Tuấn đến gặp tôi, hỏi : “Có gởi cho nhạc sĩ một tập thơ, không biết đã nhận được chưa?”. Tôi trả lời : “Nhận được rồi và riêng bài thơ Nụ hoa vàng ngày Xuân của Kim Tuấn thì tôi đã phổ thành ca khúc”. Kim Tuấn rất ngạc nhiên và sau khi nghe tôi hát thì anh rất vui. Tình cờ ông Giám đốc Hãng đĩa Asia cũng có mặt. Ông ấy lấy bài hát giao cho ca sĩ Lệ Thanh thâu đĩa và sau đó hát trên đài phát thanh. Từ đó, tôi và Kim Tuấn đã có một mối quan hệ – mối duyên văn nghệ rất tốt đẹp… Ba ngày trước khi tôi lên máy bay sang định cư ở Mỹ (1988), Kim Tuấn rủ tôi đi uống cà phê, chúng tôi đã chia tay nhau thật vui vẻ. Ai ngờ đó là lần cuối cùng của chúng tôi…”.


Click để nghe Lệ Thu hát trước 1975

Mối duyên gặp gỡ, tương thông của nhà thơ và nhạc sĩ nhẹ nhàng, thơm thảo như chính bài thơ, chính ca khúc và như chính cái cách mà tác phẩm nghệ thuật này đi vào lòng người, ngự trị mãi nơi trái tim người Việt dù là trong nước hay ngoài nước mỗi độ xuân về, suốt mấy chục năm qua. Năm 2007, trong một cuộc bình chọn do toà soạn báo Tuổi Trẻ Online thực hiện, Anh Cho Em Mùa Xuân được độc giả bình chọn là ca khúc hay nhất và được yêu thích nhất trong các nhạc phẩm viết về chủ đề mùa xuân. Cho đến nay, bài hát vẫn giữ được nét tươi mới dù đã có tuổi đời hơn nửa thế kỷ, bởi vì niềm yêu đời, yêu cuộc sống và yêu con người đó sẽ mãi mãi không bao giờ là cũ.

Với nhạc sĩ Nguyễn Hiền và cả nhà thơ Kim Tuấn, ca khúc Anh Cho Em Mùa Xuân phổ nhạc từ bài thơ Nụ Hoa Vàng Ngày Xuân có thế được coi là một trong những tác phẩm quan trọng và nổi tiếng nhất trong suốt sự nghiệp sáng tác của cả hai người.

Nguyên tác bài thơ Nụ Hoa Vàng Ngày Xuân của nhà thơ Kim Tuấn sáng tác năm 1961:

Anh cho em mùa Xuân.
Nụ hoa vàng mới nở.
Chiều đông nào nhung nhớ.

Đường lao xao lá đầy.
Chân bước mòn vỉa phố.
Mắt buồn vin ngọn cây.

Anh cho em mùa xuân.
Mùa xuân này tất cả.
Lộc non vừa trẩy lá.

Thơ còn thương cõi đời.
Con chim mừng ríu rít.
Vui khói chiều chơi vơi.

Đất mẹ gầy có lúa.
Đồng ta xanh mấy mùa.
Con trâu từ đồng cỏ.
Giục mõ về rộn khua.

Ngoài đê diều thẳng cánh.
Trong xóm vang chuông chùa.
Chiều in vào bóng núi.
Câu hát hò vẳng đưa.

Tóc mẹ già mây bạc.
Trăng chờ trong liếp dừa.
Con sông dài mấy nhánh.
Cát trắng bờ quê xưa.

Anh cho em mùa xuân.
Bàn tay thơm sữa ngọt.
Dải đất hiền chim hót.

Người yêu nhau trọn đời.
Mái nhà ai mới lợp.
Trẻ nô đùa nơi nơi.

Hết buồn mưa phố nhỏ.
Hẹn cho nhau cuộc đời.
Khi hoa vàng sắp nở.

Trời sắp sang mùa xuân.
Anh cho em tất cả.
Tình yêu non nước này.
Bài thơ còn xao xuyến.
Nắng vàng trên ngọn cây.

Và ca khúc Anh Cho Em Mùa Xuân được nhạc sĩ Nguyễn Hiền phổ nhạc sáng mùng 5 tết năm 1962:

Anh cho em mùa xuân, nụ hoa vàng mới nở, chiều đông nào nhung nhớ
Đường lao xao lá đầy, chân bước mòn vỉa phố, mắt buồn vịn ngọn cây
Anh cho em mùa xuân, mùa xuân này tất cả, lộc non vừa trẩy lá
Lời thơ thương cõi đời, bầy chim lùa vạt nắng trong khói chiều chơi vơi.

Đất mẹ gầy có lúa, đồng ta xanh mấy mùa
Ngoài đê diều căng gió, thoảng câu hò đôi lứa
Trong xóm vang chuông chùa, trăng sáng soi liếp dừa
Con sông dài mấy nhánh, cát trắng bờ quê xưa

Anh cho em mùa xuân, trẻ nô đùa khắp trời, niềm yêu đời phơi phới
Bàn tay thơm sữa ngọt, dải đất hiền chim hót, mái nhà xinh kề nhau

Anh cho em mùa xuân, đường hoa vào phố nhỏ, nhạc chan hòa đây đó
Tình yêu non nước này, bài thơ còn xao xuyến rung nắng vàng ban mai
Anh cho em mùa xuân, nhạc thơ tràn muôn lối

Có thể thấy nhạc sĩ Nguyễn Hiền đã không thay đổi nhiều về ca từ khi phổ nhạc cho bài thơ của nhà thơ Kim Tuấn, bởi ông đã nhìn thấy được chất nhạc nhịp nhàng đã có sẵn của bài thơ ở ngay từ những câu đầu tiên, nên nhạc sĩ chỉ thay đổi một chút về ngôn từ, thêm chút ít gia vị cho phù hợp với nhịp điệu âm nhạc, và làm rực sắc cho bài thơ của Kim Tuấn được tình tứ hơn, thắm thiết hơn.

Anh cho em mùa xuân,
nụ hoa vàng mới nở
chiều đông nào nhung nhớ

Đường lao xao lá đầy,
chân bước mòn vỉa phố,
mắt buồn vin ngọn cây

Đó là những ngày đầu xuân, đất trời vừa chuyển mình thức giấc sau một giấc ngủ đông dài. Những nụ hoa mới nở còn e ấp, chúm chím một màu vàng tinh khôi, không gian vẫn còn đượm hơi hướm của những ngày cuối đông bàng bạc, se se lạnh. Lòng người cũng đổi sắc theo những bước chuyển chậm rãi của thời gian và đổi thay của không gian. Bước chân của nhân vật tự sự cũng là bước chân của đứa con xa xứ đang ráo riết rảo những “bước chân mòn vỉa phố” tất bật với những mưu sinh nơi phố phường đô hội. Nhưng mùa xuân mới đã thấp thoáng ùa về khiến lòng người “lao xao lá đầy” một niềm nhớ thương da diết về nơi chốn sum vầy, đoàn tụ.  “Mắt buồn vin ngọn cây” để những giọt nước mắt đừng rơi xuống, để neo mình lại trước những cảm xúc nhớ nhung, bồn chồn, xao động. Đó là một hình ảnh ẩn dụ rất đẹp, rất thơ, buồn mà không bi luỵ, không suy sụp, cái buồn loáng thoáng, man mác cõi lòng.

Với người Việt xa xứ nói chung, trong mỗi dịp Tết đến xuân về thì quê hương, xứ sở vẫn là nơi khiến người ta hướng về, nhớ về nhiều nhất. Bởi ở đó có gia đình, bè bạn, có những ký ức ngọt ngào mà chỉ mùa Xuân, mùa Tết mới có thể cảm nhận được. Và không ai thấm thía hơn điều đó bằng những đứa con xa xứ trong thời khắc xuân thì ùa về.

Anh cho em mùa xuân,
mùa xuân này tất cả,
lộc non vừa trẩy lá

Lời thơ thương cõi đời,
bầy chim lùa vạt nắng
trong khói chiều chơi vơi.

Tình yêu và tình xuân hoà quyện tinh tế, dịu dàng trong không gian hoa mộng vừa nảy nở của mùa xuân, với những lời thì thầm mật ngọt của đôi tình nhân được kín đáo ẩn giấu dưới lớp áo xuân tình.

“Bầy chim lùa vạt nắng trong khói chiều chơi vơi” là một sự hoà quyện mềm mại của sự vật và không gian. Sắc xuân nhè nhè đến, êm êm, xinh đẹp, lả lướt tựa như một mảnh lụa dịu dàng cuốn lấy tâm hồn người nghe, đưa về vùng quê mẹ hiền hoà của thi nhân.

Đất mẹ gầy có lúa, đồng ta xanh mấy mùa
Ngoài đê diều căng gió, thoảng câu hò đôi lứa
Trong xóm vang chuông chùa, trăng sáng soi liếp dừa
Con sông dài mấy nhánh, cát trắng bờ quê xưa

Nhà thơ Kim Tuấn từng chia sẻ khá kỹ về những lời thơ này của mình như sau: “Tôi viết bài thơ Nụ Hoa Vàng Ngày Xuân để nhớ về quê mẹ Hà Tĩnh, vùng đất sỏi đá nhiều hơn cơm gạo, với ước mơ “đất mẹ gầy CÓ lúa”. Vậy mà nhiều người hát sai quá, cứ “đất mẹ gầy… cỏ lúa”, hoặc “đất mẹ gầy… cỏ úa”, hoặc “đất mẹ… đầy cỏ lúa”?! Cỏ lúa thì phải nhổ đi chứ, ai lại mơ ước có thêm. Câu thứ hai “đồng ta xanh mấy mùa” cũng là một ước mơ khác, được nhiều ca sĩ đổi thành “đồng xa xanh mấy mùa”, hoặc “đồng xanh xa mấy mùa”?! Làm mất hẳn ý nghĩa của nguyên tác”.

Sự kỹ càng, chỉn chu của ông trong lời thơ chính là tình yêu và sự trân trọng không gì có thể thay đổi của Kim Tuấn dành cho quê hương, làng xóm. Tình yêu đó khiến bức tranh quê hương trong ký ức của đứa con xa xứ hiện lên thật đẹp, thật thơ và cũng thật nhân ái. “Đất mẹ gầy có lúa, đồng ta xanh mấy mùa” là tâm nguyện, là ước mơ, là tấm lòng của đứa con xa xứ luôn móng ngóng về quê mẹ, luôn ước mơ quê hương thêm giàu đẹp, thanh bình. Từng cảnh sắc quê hương hiện lên qua lời hát như những ô cửa ký ức dày đặc, ngọt lịm tình yêu quê hương, đất Việt mà những có lẽ bất kỳ người con Việt Nam nào cũng thấy gần gũi, thân thương.

Anh cho em mùa xuân, trẻ nô đùa khắp trời, niềm yêu đời phơi phới
Bàn tay thơm sữa ngọt, dải đất hiền chim hót, mái nhà xinh kề nhau

Anh cho em mùa xuân, đường hoa vào phố nhỏ, nhạc chan hòa đây đó
Tình yêu non nước này, bài thơ còn xao xuyến rung nắng vàng ban mai
Anh cho em mùa xuân, nhạc thơ tràn muôn lối

Nhạc sĩ Nguyễn Hiền đã rất tinh tế khi thêm thắt cho lời thơ một chút nhạc, một chút tình xuân, thêm “niềm yêu đời phơi phới” để thăng hoa xuân tình ý mộng đang rộn rã trong lòng nhà thơ Kim Tuấn, dệt lên một tấm thảm âm nhạc mượt mà từ những ý thơ của Kim Tuấn. Chẳng hạn như trong nguyên tác, nhà thơ viết “Bài thơ còn xao xuyến. Nắng vàng trên ngọn cây”, nhạc sĩ dệt lại thành lời hát rất lả lướt “bài thơ còn xao xuyến rung nắng vàng ban mai”.

Nếu Kim Tuấn chẳng hề nhắc đến những khúc nhạc xuân trong bức tranh mùa xuân của mình, thì Nguyễn Hiền lại thêm vào rất nhiều và rất tự nhiên, chẳng hạn như trong câu hát “Anh cho em mùa xuân, đường hoa vào phố nhỏ, nhạc chan hòa đây đó”, hay trong câu hát cuối cùng nhạc sĩ viết: “Anh cho em mùa xuân, nhạc thơ tràn muôn lối”.

Có thể nói ca khúc Anh Cho Em Mùa Xuân với những giai âm tình tự hoà quyện với những lời ca giản dị, hiền hoà thuần Việt từ ý thơ đến ngôn từ và cả lối thơ ngũ ngôn quen thuộc đã thu trọn cả tâm tình, ký ức, tình yêu quê hương xứ sở của những người con Việt. Chính sự dung dị, thân thuộc đó mà ca khúc dù 60 năm đã trôi qua vẫn được hát lên, hoà quyện vào tâm hồn người Việt từ già tới trẻ mỗi dịp tết đến xuân về.

Bài: Niệm Quân
Bản quyền bài viết của nhacxua.vn

Exit mobile version