Bài hát Quán Nửa Khuya được nhạc sĩ Tuấn Khanh hợp soạn cùng nhạc sĩ Hoài Linh vào khoảng đầu thập niên 1960. Đây là sự hợp tác thú vị, vì trước đó nhạc sĩ Tuấn Khanh nổi tiếng với dòng nhạc âm hưởng tiền chiến mà ông gọi là kiểu nhạc thính phòng, như trong các bài hát Hoa Soan Bên Thềm Cũ, Chiếc Lá Cuối Cùng… còn nhạc sĩ Hoài Linh là một tên tuổi nổi bật của dòng nhạc vàng đại chúng.
Nhạc sĩ Hoài Linh cũng là người nổi tiếng có tài viết lời ca khúc hay nhất lúc bấy giờ. Lời ca của ông được đánh giá là bay bổng, có vần có điệu. Mỗi lần soạn nhạc, Hoài Linh thường viết ra giấy cả một lô danh từ hay tính từ cùng vần với câu trên để ông để lựa chọn. Không chỉ có Tuấn Khanh, mà còn nhiều nhạc sĩ khác nữa cũng đã nhờ Hoài Linh viết lời nhạc của mình, như nhạc sĩ Minh Kỳ, Song Ngọc, Mạnh Phát, Nguyễn Hiền…
Có không ít người nhầm tưởng rằng những bài nhạc vàng nổi tiếng như Về Đâu Mái Tóc Người Thương, Sầu Tím Thiệp Hồng… của nhạc sĩ Hoài Linh (sinh năm 1920) là sáng tác của “cây hài” Hoài Linh, tuy nhiên cần phần biệt rõ, vì những ca khúc này đã ra đời trước năm sinh của Hoài Linh diễn hài (năm 1969).
Khoảng đầu thập niên 1960, nhạc sĩ Tuấn Khanh làm việc ở đài phát thanh Sài Gòn, phụ trách trông coi về mặt văn nghệ cho các ban nhạc ở bên ngoài vào hát ở đài phát thanh. Tại đây Tuấn Khanh đã quen biết với nhạc sĩ Hoài Linh – một thành viên của ban Vì Dân của nhạc sĩ Nguyễn Văn Đông. Hai nhạc sĩ đã quyết định hợp tác chung trong một số nhạc phẩm, và đều rất được yêu thích, tiêu biểu đó là Quán Nửa Khuya và Hai Kỷ Niệm Một Chuyến Đi. Nhạc sĩ Tuấn Khanh cho biết trong 2 bài hát này, phần nhạc đều hoàn toàn do ông viết, còn nhạc sĩ Hoài Linh thì đóng góp phần lời hát, dựa trên nội dung do ông yêu cầu.
Về nội dung bài hát Quán Nửa Khuya, nhạc sĩ Tuấn Khanh kể rằng khi bắt đầu sáng tác ca khúc này, ông đã nhớ lại một quán cà phê nhỏ ở vùng quê miền Bắc vào khoảng thời gian hơn 10 năm trước đó, lúc ông vẫn còn ở Bắc Phần, nhưng chưa hồi cư về Hà Nội mà vẫn đang ở vùng tản cư.
Nói thêm về vấn đề tản cư và hồi cư của những người dân ở phía Bắc lúc đó. Từ sau cuộc chιến nổ ra năm 1946, dân cư đô thị Hà Nội biến động mạnh khi chιến tranh nổ ra và giảm sút nhanh chóng khi Pháp bắt đầu thiết lập chế độ kiểm soát. Số đông cư dân Hà Nội tản cư ra các vùng xung quanh rất nhiều. Cho đến khi chính phủ Quốc Gia Việt Nam được quốc trưởng Bảo Đại thành lập năm 1948, khi đó mới có các đợt “hồi cư về Hà Nội”. Kể từ đầu năm 1950, trung bình mỗi tháng có 7000 người hồi cư về Hà Nội. Với uy tín ngày càng tăng của chính phủ Quốc Gia Việt Nam, số người hồi cư sau đó đã tăng vọt, trong những người hồi cư về Hà Nội thời điểm đó có nhạc sĩ Tuấn Khanh.
Trở lại với nội dung bài hát Quán Nửa Khuya, nhạc sĩ Tuấn Khanh nói về một quán cà phê nhỏ ở chợ Ô Mễ, nay thuộc tỉnh Thái Bình, mở cửa đến tận 2 giờ sáng, nên gọi là quán nửa khuya. Ông mô tả lại cái quán nhỏ đó để nhạc sĩ Hoài Linh viết lời cho bài hát.
Quán nhỏ này bán cà phê và cháo gà xuyên đêm, với khách quan là nhiều người ở các chiến khu về thăm nhau, kéo nhau ra quán nửa khuya ngồi trò chuyện. Thời điểm đó nếu nói chuyện về tản cư, hồi cư… đều phải giữ kẽ vì sợ tai mách. Ở quán nhỏ giữa khuya này, mọi người được nói năng tự do, không sợ ai nghe lén cả.
Nhớ về kỷ niệm quán nửa khuya, nhớ về quãng thời gian ngày nào cũng đến tận 2 giờ sáng, phải băng qua một cánh đồng đề trở về nhà từ quán nhỏ chợ Ô Mễ, nhạc sĩ Tuấn Khanh đã viết thành một bản nhạc, ông cũng viết luôn 1 câu hát đầu tiên của bài hát, đó là: Quán nửa khuya đèn mờ theo hơi khói… Sau đó ông mô tả lại câu chuyện năm xưa để nhạc sĩ Hoài Linh viết tiếp lời cho bài hát.
Click để nghe Thanh Thúy hát Quán Nửa Khuya trước 1975
Quán nửa khuya đèn mờ theo hơi khói
Trút tâm tư vào đêm vắng canh dài
Quãng đời tôi tàu đêm vắng không người, vẫn lặng trôi
Tôi là người tha hương đi bốn phương
Anh là người quân nhân vui gió sương
Câu chuyện tâm tình vui theo khói bay, tay cầm tay
Nói bạn nghe từ khi say viễn xứ
Gót chân in ngàn muôn lối sông hồ
áo sờn vai tìm đôi mắt u hoài bóng hình ai?
Hoa nào mà không phôi pha sắc hương,
ân tình nào mà không gây vấn vương?
Lê đôi gót trên khắp chốn ngàn phương để tìm thương.
Dĩ vãng tìm đâu thấy, như bóng mây chiều đang lững lờ theo gió bay
Cốt xóa tình xưa ấy
Ngân tiếng tơ chùng để tìm quên hương đắng cay
Muốn nhắn nhủ thời gian
Ai mãi phong trần để đi tìm hương cố nhân
áo trắng màu sương gió
Ngưng gót xuôi ngược để tìm về nơi bến mơ.
Quán nửa khuya bạn tôi chia tay nhé
Nhớ nhau chăng là mỗi lúc đêm về
Siết chặt tay để ghi phút phân kỳ tiễn người đi.
Sa trường anh lại đi vui gió sương
Sông hồ gợi trong tôi bao luyến thương
Tôi ghi nhớ giây phút ấy nào nguôi bạn đường ơi…
Nội dung bài hát là hình ảnh hai người bạn gặp mặt ở trong quán vào lúc nửa khuya để cùng nhau “câu chuyện tâm tình”. Tình bằng hữu của họ rất thân thiết, đến mức “tay cầm tay”, thể hiện trong câu hát: Câu chuyện tâm tình vui theo khói bay, tay cầm tay… Làm cho nhiều người nghe nhạc tưởng rằng 2 nhân vật chính ở đây là 1 nam và 1 nữ. Tuy nhiên nếu để ý cụ thể lời bài hát, thì nhân vật “anh” là một “quân nhân vui gió sương”, còn nhân vật “tôi” là “người tha hương đi bốn phương” và “sông hồ gợi trong tôi bao luyến thương”. Nếu nhân vật “tôi” là nữ thì không thể là người tha hương bốn phương khắp sông hồ được.
Hơn nữa, trong cả hai hình bìa nhạc bài này phát hành trước năm 1975 đều để hình 2 người con trai:
Giải thích cho lý do vì sao không tự viết lời cho nhạc của mình mà phải nhờ nhạc sĩ Hoài Linh, nhạc sĩ Tuấn Khanh cho viết ông chỉ chuyên về dòng nhạc tình âm hưởng Tây phương. Những bài hát có lời ca sâu sắc, được gò từng chữ cẩn thận cho hợp với dòng nhạc. Khi chuyển qua sáng tác thể loại nhạc vàng đại chúng thì ông không chuyên, nên chỉ viết ra phần nhạc, còn phần lời thì nhờ cậy vào nhạc sĩ “nhà nghề” Hoài Linh, nổi tiếng là người viết lời hay nhất trong làng nhạc vàng.
Một điều thú vị nữa được nhạc sĩ Tuấn Khanh chia sẻ, tuy những bài nhạc được đánh giá là “sang cả” của ông như Chiếc Lá Cuối Cùng, Hoa Soan Bên Thềm Cũ được đánh giá cao về mặt nhạc thuật và ca từ, nhưng lại không thể nào ăn khách, không bán được nhiều tờ nhạc như các bài nhạc vàng đại chúng thời điểm đó như Quán Nửa Khuya và Hai Kỷ Niệm Một Chuyến Đi. Vì vậy để kiếm sống, ông đã tự viết thêm một số bài nhạc thời trang để tìm kiếm lợi ích thương mại, tiêu biểu là bài Vì Lỡ Thương Nhau, một bài hát có tựa đề mà ông tự nhận xét là rất “cải lương”, không có gì thể hiện đó là một bài hát của nhạc sĩ Tuấn Khanh cả. Ngay cả cái tên của người sáng tác bài này, ông cũng lấy bút hiệu khác là Trần Kim Phú, để tránh ảnh hưởng tới thương hiệu Tuấn Khanh đã được khẳng định với một dòng nhạc khác.
Bài hát Vì Lỡ Thương Nhau bán được nhiều đến nỗi nhạc sĩ Tuấn Khanh không chỉ được dư dả về tài chính mà còn mua được một chiếc xe hơi cũ.
Click để nghe bài hát Vì Lỡ Thương Nhau qua giọng hát Sơn Ca
Nói thêm trở lại về ca khúc Quán Nửa Khuya, cách đây không lâu người viết bài này có trò chuyện qua viber với nhạc sĩ Tuấn Khanh (đã định cư ở Mỹ từ hơn 40 năm qua), ông hỏi tôi rằng có thấy câu đầu bài hát Quán Nửa Khuya giống 1 bài hát nhạc đỏ nào không? Không chờ câu trả lời, ông khẽ hát: “Đuốc lồ ô bập bùng lên ánh lửa”… Khi đó tôi mới chợt nhận ra giai điệu của câu đầu tiên bài này rất giống với câu đầu trong bài Tiếng Chày Trên Sóc Bom Bo (nhạc sĩ Xuân Hồng) được sáng tác sau đó. Không rõ là nhạc sĩ Xuân Hồng có bị ảnh hưởng chút nào từ bài hát Quán Nửa Khuya khi sáng tác Tiếng Chày Trên Sóc Bom Bo hay không.
Đông Kha
(Bản quyền bài viết của nhacxua.vn