Hoàn cảnh sáng tác “Nếu Xuân Này Vắng Anh” (Bảo Thu) – Ca khúc nhạc xuân bất tử

Nếu Xuân Này Vắng Anh là ca khúc nhạc vàng mùa xuân nổi tiếng của nhạc sĩ Bảo Thu sáng tác vào đầu năm 1968. Người trình bày ca khúc này đầu tiên là ca sĩ Trúc Ly, thu âm trong dĩa hát Việt Nam:

Nếu bạn là người yêu thích nhạc xưa, hãy theo dõi kênh YouTube này để nghe đọc các bài cảm nhận về âm nhạc (phân tích ý nghĩa, hoàn cảnh sáng tác, tiểu sử ca nhạc sĩ): LINK YOUTUBE  < Click

Xuân đã về Anh có hay
Hoa bướm vui mùa sum vầy
Nơi Phương trời Anh có nhớ
Một người luôn nhắc tên Anh
Và mơ duyên lứa đôi.

Nếu xuân về vắng Anh
Ong bướm thôi dệt duyên lành
Dây tơ chùng cung lỡ phím
Cho khúc hát ái ân
Từ đây lỡ tơ duyên.

Thu qua Đông tàn
Nàng xuân mới sang
Muôn sắc huy hoàng

Xuân này nếu vắng Anh
Lạc bầy chim Yến bay
Ngày Xuân như đông buồn.

Nếu xuân này vắng Anh
Như lá khô buồn xa cành
Như giao thừa im tiếng pháo
Mai úa sắc bên hiên
Thì đừng đến xuân ơi.

Có một điều thú vị ít người biết, đó là trong tờ nhạc bài này, câu hát đầu tiên là “Xuân đã về Anh có hay…” và “Nơi phương trời Anh có nhớ”, tác giả cố ý ghi hoa chữ “Anh”. Đó là tên của một người con gái (Phương Anh) mà nhạc sĩ yêu mến và viết tặng, chứ không phải “anh” là người con trai như nhiều người nhầm tưởng. Tuy nhiên vì ca khúc này hầu hết là do ca sĩ nữ trình bày: Trúc Ly, Hương Lan, Như Quỳnh… nên khán giả vẫn xem đây là một bài hát nói lên nỗi lòng của cô gái nơi hậu phương gửi về “người anh tiền tuyến”, giống như đa số các bài nhạc xuân lính nổi tiếng khác.

Nếu bạn nhìn lại bản nhạc tờ ở phía dưới, có thể nhận thấy lời của ca khúc này còn được viết hoa ở rất nhiều chữ khác, như là: Yến, Thu, Xuân, Đông, Mai… Nhạc sĩ Bảo Thu cho biết đó là tên của những người con gái (không phải là người yêu) mà ông tiếp xúc, gặp gỡ vào thời điểm đó. Đó là các ca sĩ Xuân Thu, Trang Kim Yến…

Nếu Xuân Này Vắng Anh là một trong những ca khúc xuân thành công nhất lịch sử nhạc vàng với lượng tiêu thụ dĩa nhạc và tờ nhạc rất lớn. Tuy nhiên trong một lần trò chuyện, nhạc sĩ bảo Thu nói rằng đây lại là ca khúc được nhạc sĩ viết rất gấp, và có phần “viết ẩu”, và lúc sáng tác xong, ông đã không nghĩ là bài hát này lại có được thành công lớn đến như vậy, vẫn được yêu thích dù hơn nửa thế kỷ đã trôi qua.


Click để nghe Phi Nhung hát Nếu Xuân Này Vắng Anh trên Làng Văn video

Nhạc sĩ Bảo Thu kể lại trên chương trình Jimmy Show về hoàn cảnh sáng tác ca khúc này, đó là vào một chiều cuối năm 1967, bà chủ hãng dĩa Việt Nam đã gọi điện cho ông để “đặt hàng” 1 bài nhạc xuân cho dĩa hát sẽ phát hành dịp Tết 1968. Khi đó ông đang nhậu với bạn nên nói đại là đã có sẵn bài hát và sáng hôm sau sẽ giao. Tối hôm đó ông nhậu đến khuya và ngủ quên.

Sáng hôm sau ông vẫn không nhớ và đi dạy ảo thuật như thường lệ, bởi vì lúc đó ngoài vai trò là nhạc sĩ, ông còn là 1 ảo thuật gia danh tiếng của Sài Gòn. Lúc đang dạy thì ông mới nhớ ra còn nợ hãng dĩa bài hát nên vừa dạy vừa sáng tác chóng vánh thành ca khúc mang tên Nếu Xuân Này Vắng Anh.


Click để nghe Như Quỳnh hát Nếu Xuân Này Vắng Anh trên Paris By Night

Khi giao bài hát cho hãng dĩa, Bảo Thu đã chọn 1 ca sĩ không chuyên và chưa nổi tiếng lúc đó là Trúc Ly, vốn là xướng ngôn viên cho đài quân đội. Ông nói rằng vì không tin tưởng vào sự thành công của ca khúc này nên không chọn ca sĩ đã thành danh để hát. Lúc đó ca sĩ Trúc Ly chưa được học nhạc lý, khi được giao bài hát đã phải phải luyện hát rất nhiều, nhạc sĩ Bảo Thu cho biết ông phải dợt cho cô hát cả tháng trời chỉ với 1 bài này.

Không ngờ rằng Nếu Xuân Này Vắng Anh với tiếng hát Trúc Ly vốn mộc mạc, đơn giản và lạ đối với công chúng đã thành công vang dội, làm nên tên tuổi Trúc Ly, và bản thân bài hát đã trở thành vượt thời gian, được yêu thích hơn 50 năm qua.

Mời bạn nghe lại giọng hát Trúc Ly thu âm hơn nửa thế kỷ trước:


Click để nghe

Qua trường hợp ca khúc Nếu Xuân Này Vắng Anh, có thể thấy rằng một ca khúc được nhạc sĩ viết với nhiều tâm huyết vẫn chưa chắc có thể “ăn khách”. Ngược lại, 1 ca khúc dù được viết vội vàng, nhưng đánh trúng vào tâm tư, tình cảm của công chúng thì lại được đón nhận nồng nhiệt.

Bài: Đông Kha
Bản quyền bài viết của nhacxua.vn

Exit mobile version