Hoàn cảnh sáng tác “Chuyện Loài Hoa Dang Dở” của nhạc sĩ Y Vũ – Chuyện tình đau thương trong trang sách cũ

Cùng với các loài hoa sim, hoa phượng, ti gôn thì hoa pensee là một trong những loài hoa được đi vào trong âm nhạc nhiều nhất.

Nếu bạn là người yêu thích nhạc xưa, hãy theo dõi kênh YouTube này để nghe đọc các bài cảm nhận về âm nhạc (phân tích ý nghĩa, hoàn cảnh sáng tác, tiểu sử ca nhạc sĩ): LINK YOUTUBE  < Click

Pensee là loài hoa có cánh mỏng mượt, tên gọi pensee theo tiếng Pháp nghĩa là sự nhớ nhung. Trong tiếng Pháp có một câu quen thuộc là “Pensé a moi”, nghĩa là Hãy nhớ đến tôi, tương tự như câu nói nổi tiếng trong tiếng Anh là Forget me not – Xin đừng quên tôi. Ý nghĩa của hoa pensee là nhớ về người yêu, là loài hoa tượng trưng cho tình yêu, nên thường được các đôi tình nhân hái tặng nhau để thể hiện tình cảm của mình.

Tuy nhiên, hoa pensee lại thường được nhắc đến trong những bài ca tình yêu dang dở với những niềm khắc khoải, day dứt, như trong các bài hát Cánh Hoa Yêu của nhạc sĩ Hoàng Trọng, Màu Hoa PenseeMùa Pensee Nở của nhạc sĩ Đài Phương Trang, và đặc biệt là ca khúc Chuyện Loài Hoa Dang Dở của nhạc sĩ Y Vũ.

Đọc xong trang sách cuối
hồn rưng rưng nước mắt
khóc loài hoa tím thương đau

Một loài hoa dở dang
Một tình yêu tan vỡ
cách chia chi đôi đường đời.


Click để nghe Phương Dung hát trước 1975

Hoàn cảnh sáng tác bài này được nhạc sĩ Y Vũ kể lại với người viết là vào khoảng năm 1968, ông được một người bạn cho mượn một cuốn sách gồm 10 truyện ngắn nước ngoài dịch tiếng Việt, trong đó ông ấn tượng nhất với 1 truyện có bối cảnh ở vùng Négro, một vùng đất ở Châu Phi xa xôi. Nơi đó có một đôi tình nhân cùng sống ở ngôi làng giữa rừng núi, họ yêu nhau tha thiết và thề non hẹn bể.

Còn gì đâu gì đâu
gió rung cây lá sầu
réo gọi tên ý trung nhân

Có ai hay chuyện cũ
chuyện màu pensée tím
hoa nhung nhớ vào tim

Người con trai trong sách
chiều kia bên suối vắng
sánh cùng vai bóng giai nhân

Chuyện trò trong tình yêu
nàng với tay muốn hái
cánh hoa nơi lưng chừng bờ.

Và chàng trai vì yêu
cố vươn tay giữa dòng
hái cành hoa tím cho ai
Lỡ chân sa dòng suối
và vùi chôn theo với khối tình đang đắm say.

Một lần đôi tình nhân đưa nhau đi dạo ở ven suối vắng, thấy một cành hoa tím pensee mọc ở lưng chừng, nàng với tay như muốn hái. Để chiều lòng giai nhân, chàng vươn tay hái nhưng bị lại trượt chân trôi giữa dòng. Suối ở Châu Phi thường là những thác ghềnh lớn với nước chảy xiết mạnh, chôn vùi cả cuộc đời của chàng thanh niên kia.

Chuyện tình yêu buồn và kết thúc bi thảm như một định mệnh. Tưởng như mối tình tha thiết và lý tưởng đó không có gì chia cách nổi, nhưng chỉ vì một cành hoa giản đơn kia mà đến nỗi phải sinh ly tử biệt.

Ôi trong cánh hoa kia tim héo hon thêm
Ân tình chàng còn vẹn
Nhưng anh đã ra đi như khói mây tan biết bao giờ còn về.

Ôi hoa tím Pensée
nhung nhớ dâng lên đã thành màu tưởng niệm
Bao ân ái trao nhau nay đã phôi pha với linh hồn người tình.

Hoàng hôn chưa tắt nắng nàng hay ra suối vắng
đứng nhìn dòng nước trôi xa
Tưởng niệm cho tình xưa
và màu hoa tím đó
đã ăn sâu trong lòng người.

Người con gái ôm niềm hối hận vô bờ, con tim trở thành lạnh băng, bao nhiêu ngày qua nàng vẫn thường tìm ra lại bờ suối vắng để ngồi khóc âm thầm tưởng niệm người, tưởng niệm cuộc tình và màu hoa tím đau thương năm xưa.

Từng chiều qua chiều qua
sắc hoa xưa vẫn còn
bóng người xưa đã ra đi
Xót cho duyên tình cũ
nhìn màu pensée tím khẽ gọi hoa nhớ nhung.

Đọc xong câu chuyện trong sách, nhạc sĩ Y Vũ thấy cảm xúc ùa về, thương cho chuyện tình của 2 nhân vật ở xứ sở xa xôi kia và đặt bút viết thành bài ca Chuyện Loài Hoa Dang Dở, là một ca khúc giai điệu bolero hiếm hoi của ông.

Bài hát này được đôi song ca Trang Mỹ Dung, Giang Tử hát lần đầu trong dĩa Asia Sóng Nhạc năm 1969. Đến năm 1973, ca sĩ Phương Dung hát lại trong băng Thương Ca 6.


Click để nghe Trang Mỹ Dung và Giang Tử hát

Sau năm 1975, hầu như không có ca sĩ nào hát lại ca khúc này, cho đến năm 2020 thì ca sĩ Đàm Vĩnh Hưng đã bất ngờ thực hiện MV cho bài hát này:


Click để nghe

Bài: Đông Kha
Bản quyền bài viết của nhacxua.vn

Exit mobile version