Hoàn cảnh sáng tác ca khúc Tâm Sự Nàng Buram (nhạc sĩ Ngân Giang)

Trong dòng nhạc vàng, có một chủ đề nhạc có thể ít người để ý đến, nhưng có khá nhiều bài hát quen thuộc đã trở thành bất tử, đó là nhạc viết về xứ Thượng, nhắc về những sơn nữ vùng cao nguyên. Nét đẹp tự nhiên, mộc mạc và thuần khiết như những bông hoa núi rừng của các cô gái miền sơn cước thường dấy lên những xúc cảm dạt dào của những người nhạc sĩ, rồi đi vào thi ca, âm nhạc, trở thành bất tử với thời gian.

Kể từ thời tiền chiến đó có những ca khúc như Sơn Nữ Ca, sau đó là Trăng Sơn Cước, Nương Chiều, Nụ Cười Sơn Cước… Sang đến thập niên 1960, 1970, có thêm nhiều bài nhạc vàng viết về xứ Thượng và sơn nữ, nổi tiếng nhất là Nỗi Buồn Châu Pha, Thương Về Xứ Thượng, Chiều Lên Bản Thượng, Tiếng Hát Mường Luông (nhạc sĩ Lê Dinh), Người Tình La Lan (nhạc sĩ Hàn Châu), và Tâm Sự Nàng Buram của nhạc sĩ Ngân Giang – Ca khúc đã gắn liền với tên tuổi của ca sĩ Giao Linh.

Rừng đêm âm u, ghềnh cheo leo dưới non mịt mù
Suối nước tuôn róc rách chảy quanh co nước ngọt lại lành.
Nước chảy về đâu, nước chảy về đâu?
Tiếng hát ai nỉ non với tiếng khèn như ru lòng người
Tiếng hát buồn làm sao…

Nàng Buram thẩn thờ, ngồi ưu tư dưới trăng lạnh mờ
Khoé mắt xanh lóng lánh lệ rưng rưng với tâm sự buồn
Có người nào hay nỗi lòng nàng không?
Với trái tim đầu tiên, đã trót đem dâng cho một người, nhưng người vẫn vô tình.

Bài hát viết về một nàng sơn nữ nơi núi rừng, đến tuổi yêu đương nàng biết mộng mơ và trao tình yêu cho một người, nhưng vì chàng trai vô tình không đáp lời nên nàng lúc nào cũng mang một nỗi trầm tư, lệ rưng khóe mắt, nỗi buồn sầu hiện diện trong giọng hát nỉ non của nàng ở nơi núi rừng.


Click để nghe Giao Linh hát Tâm Sự Nàng Buram trước 1975

Ít người biết rằng đây là câu chuyện của thật của nhạc sĩ Ngân Giang. Theo vợ của nhạc sĩ kể lại, câu chuyện xảy ra tại một buôn làng xứ thượng ở Long Khánh vào khoảng giữa thập niên 1960. Lúc đó nhạc sĩ Ngân Giang đóng quân tại đây có chơi thân với một người bạn người đồng bào thiểu số, và người bạn này có người em gái là một sơn nữ xinh đẹp tuổi tròn trăng. Ban đầu nhạc sĩ Ngân Giang bị nàng thu hút, đôi bên bắt đầu chớm thân thiết thì ông chợt nhận ra rằng có nhiều sự khác biệt giữa 2 người đến từ 2 nền văn hóa khác nhau, nếu đến được với nhau thì sẽ khó có được hạnh phúc. Vì vậy chàng rút lui mà không biết rằng người sơn nữ đã đem lòng yêu thương sâu đậm chàng lính người miền xuôi. Sau đó anh của cô gái (cũng là bạn của nhạc sĩ Ngân Giang) nói lại với nhạc sĩ rằng cô đã rất đau khổ vì chuyện tình không thành.

Nhạc sĩ Ngân Giang

Thời gian sau này, nhớ về mối tình sơn nữ, thương cảm cho người xưa, nhạc sĩ Ngân Giang sáng tác ca khúc Tâm Sự Nàng Buram. Theo vợ của nhạc sĩ cho biết thì Buram là tên của buôn làng của cô gái.

Rồi một ngày chàng trai kia đem nhiều lễ vật kết hôn cùng người sóc PRAI.
Nào ai biết rằng có một người đau nhói trong tim đang úp mặt khóc ròng,
Thương xót duyên phận mình, đó là nàng Buram…

Có thể thấy, ở đoạn sau của bài hát, nội dung chàng trai kết hôn với cô gái làng bên là không đúng sự thật, nhưng dù vậy thì sự mô tả nỗi đau khổ của sơn nữ là đều dựa vào hoàn cảnh thật sự: Từng đêm trăng lên, nàng một mình ra suối vắng để than van với loài cỏ dại. Đó là mối tình dị tộc mà nếu có thành thì chắc gì đã được buôn làng ủng hộ, nên nàng chỉ có thể ôm nỗi đau cho riêng mình rồi cuối cùng là tuyệt vọng gieo mình xuống dòng suối vắng nơi rừng sâu.

Từng đêm trăng lên, nàng Buram vẫn hay một mình
Đến cuối con suối vắng ngồi than van với cây cỏ dại để tìm sầu vơi mối tình lẻ loi
Tiếng mõ khuya đổi canh với tiếng ngân vang xa tù và
Có thấu nỗi lòng nàng không?

Một đêm mưa thu vầng trăng êm lấp mây mịt mù
Nỗi đớn đau xé nát quả tim non sắt son tình đầu
Nước càng nỉ non, suối càng thở than.
Bóng tối đã vượt qua, sóc mới hay báo tin tìm nàng, nàng đã vĩnh biệt trần gian…

Đông Kha – nhacxua.vn

Exit mobile version