Khi nhắc đến những ca khúc nhạc vàng viết về xứ Huế nổi tiếng nhất, người ta thường nghĩ đến các bài quen thuộc như Mưa Trên Phố Huế, Ai Ra Xứ Huế, Thương Về Miền Trung… là những ca khúc nhắc trực tiếp đến các địa danh ở Huế.
Có một ca khúc ít người chú ý đến hơn trong dòng nhạc viết về Huế, nhưng luôn được yêu thích suốt hơn 60 năm qua, đó là bài Mong Chờ của nhạc sĩ Xuân Tiên, rất nổi tiếng qua giọng hát Hoàng Oanh:
Click để nghe Hoàng Oanh hát Mong Chờ trước 1975
Kìa trăng lên cao đang soi sáng
Giòng Hương Giang kia như lơ đãng,
Mặc thuyền bập bềnh theo bóng thời gian.
Thuyền ơi sao lênh đênh trôi mãi,
Về đâu? Ngang qua hãy dừng lại,
dừng lại để tôi nhắn ai vài câu!
Nội dung bài hát này là nỗi lòng lãng đãng và man mác buồn của một người đứng ngóng ở bên bờ sông Hương, mong thuyền hãy trôi về bến chứ không theo cơn gió còn đi mãi. Thuyền kia cũng chính là người thương, nên lòng người trên bến “mong chờ” cuộc đời cho thuyền và bến được hợp nhau ở một bến bờ hạnh phúc vẫn còn ở xa hun hút.
Nhìn bóng thuyền lướt trôi, tâm tư của người trên bến dường như cũng thả bồng bềnh trôi theo.
Mặc dù nội dung bài hát khá đơn giản, nhưng cảm xúc được nhạc sĩ thả vào trong đó rất nhiều. Cả người hát lẫn người nghe nhạc như là cũng được trôi lênh đênh để thả hồn theo từng nốt nhạc. Cảm xúc của bài hát cũng chính là cảm xúc thực của tác giả, khi nhạc sĩ Xuân Tiên được trải qua một quãng thời gian ngắn ngủi nhưng đáng nhớ nhất trong đời mình. Ông kể lại hoàn cảnh sáng tác bài Mong Chờ như sau:
Đó là những năm cuối thập niên 1950, khi thi sĩ Đinh Hùng thành lập chương trình Thơ Tao Đàn phát thanh trên đài Sài Gòn. Những nghệ sĩ trong chương trình Tao Đàn này cũng thường thực hiện những chuyến đi đến khắp các vùng để giao lưu thi-nhạc. Có một thời gian nhạc sĩ Xuân Tiên cũng tham gia vào nhóm Tao Đàn với vai trò là người thổi sáo cho nghệ sĩ ngâm thơ.
Trong lần đến Huế giao lưu cùng các nghệ sĩ của đài phát thanh Huế, nhóm nghệ sĩ Tao Đàn gồm có Hồ Điệp, Hoàng Thư… ngâm thơ, có nghệ sĩ Vĩnh Phan phụ họa đàn tranh, nhạc sĩ Xuân Tiên thổi sáo.
Tại Huế, Xuân Tiên được gặp gỡ một nữ ca sĩ nổi tiếng của đài phát thanh, vốn là người rất mến mộ bài Khúc Hát Ân Tình của Xuân Tiên sáng tác. Đêm hôm đó nữ ca sĩ này mời Xuân Tiên, Vĩnh Phan ghé xuống thuyền và lênh đênh trên sông Hương để cùng hòa nhạc Huế với các nhạc sĩ cổ nhạc ở Huế. Trong đêm này, nữ ca sĩ người Huế kia cũng hát bài Khúc Hát Ân Tình.
Sau đêm giao lưu nhạc, tất cả các nghệ sĩ ngủ ngay trên 2 con thuyền được ghép vào nhau và cùng cắm sào trên sông Hương. Lúc đó 3 nhạc sĩ cổ nhạc Huế ngủ trên 1 thuyền, còn Xuân Tiên, Vĩnh Phan cùng nữ ca sĩ Huế ngủ trên 1 thuyền. Nghệ sĩ Vĩnh Phan vì quá mệt nên ngủ trước, chỉ còn lại nhạc sĩ Xuân Tiên và người nữ ca sĩ thì không thể nào ngủ được.
Nhạc sĩ Xuân Tiên kể lại trên chương trình Paris By Night, nói rằng có lẽ vì tâm đầu ý hợp nên họ thao thức và tâm sự với nhau suốt cả đêm, và đó là đêm ngắn nhất trong đời của ông. Tâm sự chưa vơi hết nỗi lòng thì trời đã vội sáng, họ đành chia tay để nhạc sĩ Xuân Tiên đáp máy bay về lại Sài Gòn.
Khi về đến nơi, vì còn day dắt và lưu luyến hoài mùi hương khó phai của một o Huế dịu dàng, đằm thắm, nhớ hoài những giờ phút được trò chuyện thâu đêm như đã là tri âm tri kỷ từ thuở nào, nhạc sĩ Xuân Tiên bắt tay vào viết ngay một ca khúc mang âm điệu Huế, đặt tên là Mong Chờ, là những dòng tâm sự của một người bơ vơ trước mênh mông sông nước Hương Giang:
Kìa chim ăn đêm kêu xao xác,
Lòng tôi đang bâng khuâng, ngơ ngác
nhìn mây, mây bay tan tác về đâu!
Đàn ai buông tơ bên trăng sáng
hòa theo câu ca thêm nhịp nhàng
nhịp nhàng lời ca, tiếng nhạc còn vang?
Ơi… ơi, mong chờ con thuyền trôi
Thuyền trôi về bến, bến ni.
Ơi… ơi, Con thuyền.
Ơi, thuyền đừng, thuyền đừng theo gió, gió đi.
Thuyền ai trôi êm trên sông vắng,
dường như vô tư không lo lắng,
hồn còn ngập ngừng trong ánh vàng tan?
Nhìn theo xa xa ai buông lái
mà đi đi sao không dừng lại
để người chờ như hoa héo màu phai?
Nhạc sĩ không nhắc cụ thể đến người con gái Huế kia, mà ví nàng như là con thuyền lênh đênh trên dòng Hương mờ ảo, còn ông thì đứng chờ trên bến đợi, thả hồn lãng đãng trôi theo bóng thuyền không đích hướng.
Ca khúc này dường như chỉ dành cho tiếng hát Hoàng Oanh. Giọng hát của cô thủ thỉ, tâm tình, như ru hồn người trong một tuyệt phẩm giàu cảm xúc. Ngoài ca sĩ Hoàng Oanh ra thì sau này có rất ít người hát lại bài này, bởi vì dường như ca sĩ nào cũng hiểu rằng rất khó để vượt qua cái bóng quá lớn của Hoàng Oanh với “Mong Chờ”.
Mời các bạn nghe lại một phiên bản khác của Hoàng Oanh hát trên Paris By Night năm 2006, với phần thổi sáo của chính tác giả Xuân Tiên, lúc này ông đã 85 tuổi:
Click để nghe
Đông Kha