Hoàn cảnh sáng tác bài hát “Lệ Đá” (Trần Trịnh – Hà Huyền Chi) và phần lời nhạc ít người biết đến

“Lệ Đá” là một nhạc phẩm có một hoàn cảnh sáng tác khá đặc biệt. Khác với các ca khúc nhạc phổ thơ khác, bài hát Lệ Đá có giai điệu nhạc được nhạc sĩ Trần Trịnh sáng tác trước, lời được thi sĩ Hà Huyền Chi soạn ra sau. Bài hát đã có sức sống mãnh liệt và được nhiều thế hệ yêu thích sau hơn 50 năm kể từ khi bài hát được ra đời.

Nếu bạn là người yêu thích nhạc xưa, hãy theo dõi kênh YouTube này để nghe đọc các bài cảm nhận về âm nhạc (phân tích ý nghĩa, hoàn cảnh sáng tác, tiểu sử ca nhạc sĩ): LINK YOUTUBE  < Click

Có một điều ít người biết, đó là bài Lệ Đá có 5 lời khác nhau chứ không chỉ có 1 lời như các ca sĩ đã hát từ trước đến nay.

Nhạc sĩ Trần Trịnh là một nghệ sĩ piano chuyên chơi đàn cho các phòng trà, vũ trường Sài Gòn cả trước và năm 1975, ông giỏi về giai điệu, nhưng có lẽ là không phải là người có thế mạnh về đặt lời, nên sau này đã cùng nhạc sĩ Nhật Ngân hợp thành nhóm Trịnh Lâm Ngân để sáng tác những ca khúc nhạc vàng hay cả về giai điệu lẫn lời ca, như là Qua Cơn Mê, Người Tình Và Quê Hương, Yêu Một Mình…

Cũng vì không giỏi đặt lời, nên nhạc sĩ Trần Trịnh sáng tác rất ít, và ca khúc nổi tiếng trong sự nghiệp của ông là Lệ Đá do một người khác viết lời, đó là Hà Huyền Chi – là nhà thơ, nhà văn và cũng là diễn viên xuất hiện trong nhiều cuốn phim nổi tiếng trước 1975.

Thông thường thì các nhạc sĩ thường phổ nhạc cho bài thơ có sẵn, riêng bài hát Lệ Đá được nhạc sĩ Trần Trịnh soạn ra giai điệu trước, sau đó thông qua một người bạn, ông nhờ nhà thơ Hà Huyền Chi đặt giúp lời.

Sau này Hà Huyền Chi kể lại, ban đầu ông từ chối vì “mù nhạc”, nhưng sau đó vì nể bạn ông đã đồng ý và mọi người cùng kéo nhau lên đài phát thanh để nghe Trần Trịnh ngồi vào Piano dạo một đoạn nhạc. Một giai điệu buồn ngất ngây dịu nhẹ rất tha thiết và ngọt ngào đó ngay lập tức gây ấn tượng với Hà Huyền Chi. Nhưng vì nhà thơ không biết nhạc lý, không đọc được ký âm nên họ cùng bàn nghĩ ra cách nhạc sĩ sẽ ký hiệu dưới các nốt nhạc; dấu 0 cho những từ không có dấu (bình thanh), dấu huyền cho những từ mang dấu huyền, hỏi, nặng, dấu sắc cho những từ mang dấu sắc và huyền.

Hà Huyền Chi viết:

“Tôi nghe Trần Trịnh đàn thêm vài lần nữa và cố gắng nhập tâm cái âm hương của bản nhạc. Sau đó tôi bắt đầu “chơi ô chữ”: đặt lời vào giai điệu có sẵn.

Kết quả ngoài sức tưởng tượng tôi, không biết bằng cảm hứng nào đó, tôi đã hòa được cái rung cảm đích thực của thơ tôi cho nhạc của Trần Trịnh:

“Hỏi đá xanh rêu bao nhiêu tuổi đời
Hỏi gió phiêu du qua bao đỉnh trời”

Lập tức tôi viết lời 2 cho Lệ Đá. Buổi trưa nắng gắt, dưới mái tôn thấp lè tè của quán cơm lính trong trại. Trên chiếc bàn bọc nhôm nóng bỏng, cáu bẩn, tôi thả hồn bay với Lệ Đá. Tôi viết thật dễ dàng, và khóc cũng dễ dàng với:

“Người đi, đi mãi không về
Thời gian xóa vội câu thề
Bóng anh nhạt nhoà bóng núi
Em với tình yêu trăng soi

Tượng đá kiên trinh ru con đợi chồng
Nhạc lá thu mưa hay chân ngựa hồng…”

Tôi cứ vừa viết vừa khóc như thế đó, như khi ngồi chép lại những dòng này…”

Ca khúc Lệ Đá với tiếng hát Nhật Trường đã làm mưa làm gió một thời Sài Gòn cuối thập niên 1960, từ vũ trường, phòng trà, quán xá đến khuê phòng.

Ngoài 2 lời nhạc đã được viết vào ngay lúc ban đầu, thi sĩ Hà Huyền Chi còn viết thêm 3 lời nữa vào các năm 1968, 1974 và 1992.

Đến năm 1971, đạo diễn Võ Doãn Châu lấy tên Lệ Đá đặt cho một bộ phim ông thực hiện, trong đó nhạc nền là bài Lệ đá do Khánh Ly hát. Cuốn phim Lệ Đá rất ăn khách và đoạt giải tại Đại hội điện ảnh lần thứ 3 năm 1971, góp phần làm cho bài Lệ Đá trở nên rất thịnh hành vào thời đó.

Nghe Lệ Thu hát Lệ Đá trước năm 1975 với 3 phần lời khác nhau:


Click để nghe Lệ Thu hát lời 1


Click để nghe Lệ Thu hát lời 2,3

Lời nhạc:

Lời 1

Hỏi đá xanh rêu bao nhiêu tuổi đời
Hỏi gió phiêu du qua bao đỉnh trời
Hỏi những đêm sâu đèn vàng héo hắt
Ái ân bây giờ là nước mắt
Cuối hồn một thoáng nhớ mong manh

Thuở ấy tôi như con chim lạc đàn
Xoải cánh cô đơn bay trong chiều vàng
Và ước mơ sao trời đừng bão tố
Để yêu thương càng nhiều gắn bó
Tháng ngày là men say nguồn thơ

Tình yêu đã vỗ cánh rồi
Là hoa rót mật cho đời
Chắt chiu kỷ niệm dĩ vãng
Em nhớ gì không em ơi

Mầu áo thiên thanh thơ ngây ngày nào
Chìm khuất trong mưa, mưa bay rạt rào
Đọc lá thư xưa một trời luyến tiếc
Nhớ môi em và mầu mắt biếc
Suối hẹn hò trăng xanh đầu non

Lời 2

Tượng đá kiên trinh ru con đời đời
Là nét đan thanh nêu cao tình người
Là ánh chiêu dương đẩy lùi bóng tối
Tháng năm xa trùng trùng sóng gối
Ngóng nhìn từ bát ngát chân mây

Bài hát ca dao theo tôi vào đời
Và giữ cho tim tôi xanh nụ cười
Nào biết trong em còn nhiều trống vắng
Trái yêu đương chỉ là trái đắng
Gã tật nguyền buông trôi niềm tin

Tình yêu đã vỗ cánh rồi
Là hoa rót mật cho đời
Chắt chiu kỷ niệm dĩ vãng
Em nhớ gì không em ơi

Tượng đá kiên trinh ôm con đợi chồng
Nhạc lá thu mưa hay chân ngựa hồng
Lệ đá tuôn rơi dòng dòng nối tiếp
Ngóng chinh phụ đời đời kiếp kiếp
Suối vọng tìm trăng xanh đầu non

Lời 3

Từ những đam mê xa trong cuộc đời
Từ những cơn vui tan theo nụ cười
Từ phút trao đi cuộc tình thứ nhất
giá băng khi tuổi hồng đã mất
dấu bèo chìm giữa sóng xa khơi

Giòng tóc mây thơ trên vai rũ mềm
Mười ngón tay em đan trong tủi phiền
Lời hứa cao bay cuộc tình cút bắt
Giấc mơ hoa đầu đời đã tắt
Có gì vừa trôi qua tầm tay

Người đi đi mãi không về
Thời gian xóa vội câu thề
Bóng anh nhạt nhòa bóng núi
Em với tình yêu trăng soi

Lạy Chúa ngôi ba nghe con nguyện cầu
Và giúp cho con quên đi tình sầu
Lời thánh ru êm giọt đàn thống hối
Chúa trên cao mỉm cười thứ lỗi
Những giọt đàn vang trong trời tin

 

 

Đông Kha (nhacxua.vn) biên soạn

Exit mobile version