Hoa Sứ Nhà Nàng – Bài nhạc vàng nổi tiếng nhất trong nước thập niên 1980

Nhiều người cho rằng Hoa Sứ Nhà Nàng là bài nhạc vàng nổi tiếng nhất ở trong nước vào thập niên 1980, đó là vì sau năm 1975 hầu hết các bài nhạc vàng được sáng tác trước thời điểm đó đều bị cấm lưu hành, không chỉ là nhạc lính hay là nhạc liên quan đến chế độ cũ, mà ngay cả các bài nhạc viết về tình yêu, về quê hương cũng bị cấm vì những chính sách quản lý văn hóa khác biệt trong thời buổi giao thời. Theo một số bài báo thì thời gian đó có một nhạc phẩm được xem là ca khúc nhạc vàng duy nhất không bị cấm, đó chính là Hoa Sứ Nhà Nàng (tên gốc là Hoa Sứ Nhà Em). Vì là ca khúc duy nhất không bị cấm nên nhiều ca sĩ đã hát Hoa Sứ Nhà Nàng và được khán giả đón nhận nồng nhiệt ở thời kỳ rất khó được nghe nhạc vàng một cách công khai.

Nếu bạn là người yêu thích nhạc xưa, hãy theo dõi kênh YouTube này để nghe đọc các bài cảm nhận về âm nhạc (phân tích ý nghĩa, hoàn cảnh sáng tác, tiểu sử ca nhạc sĩ): LINK YOUTUBE  < Click

Lời hát quen thuộc của bài hát Hoa Sứ Nhà Nàng mà hầu như ai yêu nhạc vàng cũng đã từng nghe, thật ra có lời rất khác so với lời gốc của nhạc sĩ in trong tờ nhạc phát hành năm 1972. Sau đây xin chép lại lời gốc như sau:

Đêm đêm ngủ mùi hương mùi hoa sứ nhà nàng
hương nồng hoa tình ái
đậm đà gây nhớ gọi tên

Nhà nàng cách gần bên giàn hoa sứ ranh vườn
nhìn sang trộm nhớ thương thầm mơ ngày mai lứa đôi.
Hôm qua mẹ bảo tôi nhờ hoa sứ nhà nàng
ướp trà thơm đãi khách

họ hàng cô bác đều khen
nhờ nàng hái giùm tôi màu hoa thắm chưa tàn
nụ hoa còn giữ nhụy vàng chắc nàng hiểu tình tôi.

Nhưng đêm trở sầu
em bước qua cầu
cuộc tình tan đau bể dâu
Biết chăng ngày sau khi ngõ về gần nhau
tình ôi đóm lửa phai màu

Đêm đêm ngủ mùi hương mùi hoa sứ bẽ bàng,
hoa tình yêu rụng vỡ
một trời tim tím thở than
nhà nàng với nhà tôi tình thân thiết vô vàn
Làm sao nàng nỡ phụ phàng để tình tôi dở dang…

Tác giả bài hát này là nhạc sĩ Hoàng Phương, một người được mô tả là đã sống qua 2 số phận trái ngược: Giàu sang phú quý và nghèo khổ tận cùng. Thật đáng buồn là số nghèo lại đến sau và đeo đuổi ông cho đến tận lúc lìa đời. Ông vốn được sinh ra trong gia đình khá giả ở vùng Gò Công, vì không được cha mẹ khuyến khích theo nghệ thuật, nên dù yêu thích âm nhạc từ lúc còn ngồi ghế nhạc trường nhưng khi trưởng thành ông theo nghề buôn bán đồng đồ và kim hoàn. Đến năm 1969, khi đã 26 tuổi, ông mới có sáng tác đầu tay là Hoa Sứ Nhà Em, viết cùng với nhạc sĩ Hoài Nam.

Hoa Sứ Nhà Em (sau này được gọi bằng cái tên quen thuộc hơn là Hoa Sứ Nhà Nàng) là ca khúc đại chúng viết về một chuyện tình dở dang bằng giai điệu bolero cung thứ buồn man mác. Lời bài hát gần gũi với với đa số giới nghe nhạc bình dân, đồng cảm với tâm trạng của khán giả nhiều thế hệ, đặc biệt là các chàng trai thất tình. Hợp âm trong bài hát cũng khá đơn giản mà bất cứ ai đang tập tành guitar cũng có thể ôm đàn chuyển đổi nhịp nhàng.

Bài hát nói về loài hoa sứ với mùi hương nồng đặc trưng và quen thuộc với nhiều gia đình ở miền Nam (Miền Bắc cũng có nhưng gọi là hoa đại). Hoa sứ lừng hương khắp cả xóm, trở thành bắc cầu chắp nối cho mối tình thơ dại, nhưng tình cảm thời mới lớn đó nhanh chóng vụn vỡ vì nàng sớm bước qua cầu khi tình chàng còn chưa kịp ngõ, để lại cả một trời thở than.


Click để nghe Chế Linh hát

Bài hát được sáng tác vào cuối thập niên 1960, nhưng lúc đó không nhiều người chú ý đến sáng tác đầu tay của một nhạc sĩ chưa có tên tuổi. Phải đến năm 1972, Hoa Sứ Nhà Em mới được Chế Linh hát trong băng Kim Đằng 2 do Vinh Sử thực hiện, và giọng ca nức nở này đã nhanh chóng lan toả bài hát rất nhanh từ khắp thành thị đến thôn quê. Từ những thị dân nơi chốn phồn hoa cho đến thanh niên ở ruộng vườn chân chất đều dễ dàng tìm thấy phần nào tâm trạng của mình trong bài hát.

Sau năm 1975, một lần nữa Chế Linh thu âm lại ca khúc này trong băng nhạc của trung tâm Làng Văn, và bài hát được ghi thành Hoa Sứ Nhà Nàng, lời nhạc do Chế Linh hát cũng có nhiều sai khác so với Hoa Sứ Nhà Em do chính ông hát năm 1972. Không biết có phải đó là lý do mà cho đến nay bài hát vẫn không được hát đúng với lời gốc hay không. Chỉ biết rằng từ đầu thập niên 1980, khi hầu hết nhạc trước 1975 đều bị cấm, thì người yêu nhạc vàng đã tìm nghe Hoa Sứ Nhà Nàng xem bài hát như là một của báu hiếm quý trong thị trường âm nhạc vốn đã bị lắng trọng trong tình hình chung của xã hội khó khăn thời bấy giờ.


Click để nghe Chế Linh hát sau năm 1975

Theo những nhạc sĩ cùng thời thì người góp sức không nhỏ trong việc sáng tác Hoa Sứ Nhà Em là nhạc sĩ Hoài Nam, tác giả của những ca khúc nổi tiếng như Ba Tháng Quân Trường, Chín Tháng Quân Trường, Những Dòng Lưu Niệm, Sau Lần Hẹn Cuối… Thời điểm sáng tác bài Hoa Sứ Nhà Em là 1969, khi đó nhạc sĩ Hoàng Phương vẫn chưa có sáng tác nào. Sau thời gian ngắn sáng tác với một nhạc trẻ tuổi hơn là Phượng Vũ, nhạc sĩ Hoàng Phương có ý tưởng sáng tác Hoa Sứ Nhà Em và đã cùng với người bạn là nhạc sĩ Hoài Nam cùng sáng tác.

Vì ca khúc này quá phổ biến nên khoảng đầu thập niên 1990, nhạc sĩ Hoàng Phương đã viết thêm Hoa Sứ Nhà Nàng 2,3, tuy không thể nổi tiếng bằng bài hát đầu tiên, nhưng cũng được khán giả đón nhận:


Click để nghe Ngọc Sơn hát Hoa Sứ Nhà Nàng 2

 

Bài: Đông Kha
Bản quyền bài viết của nhacxua.vn

Exit mobile version