Đôi nét về nhạc sĩ Quốc Dũng và những ca khúc nổi tiếng: Mai, Lối Thu Xưa, Em Đã Thấy Mùa Xuân Chưa…

Nhạc sĩ Quốc Dũng thuộc thế hệ sau cùng của làng nhạc trước 1975, khi đó ông vừa là ca sĩ, vừa là nhạc sĩ với những bài hát quen thuộc với giới trẻ Sài Gòn: Mai, Điệp Khúc Mùa Xuân, Quê Hương Và Mộng Ước, Cơn Gió Thoảng, Em Đã Thấy Mùa Xuân Chưa, Hoang Vắng…

Nhạc sĩ Quốc Dũng tên thật là Nguyễn Quốc Dũng, sinh năm 1951 tại Thái Lan. Năm 1954, gia đình ông hồi hương trở về Sài Gòn sinh sống theo lời kêu gọi của chính quyền miền Nam gửi đến kiều bào ở nước ngoài.

Là người có năng khiếu âm nhạc từ nhỏ nên khi mới 10 tuổi, Quốc Dũng được gửi vào học tại trường Quốc gia Âm nhạc ở Sài Gòn, đồng thời theo học nhạc trong Ban Tuổi Xanh của kịch sĩ Kiều Hạnh. Năm 15 tuổi ông được đã trình diễn mandolin trên truyền hình trong dàn nhạc đại hòa tấu, và đến năm 16 tuổi đã tốt nghiệp thủ khoa môn nhạc pháp Tây phương.

Nhạc sĩ Quốc Dũng ngoài cùng bên phải, chụp với Ban Tuổi Xanh

Nhạc sĩ Quốc Dũng sáng tác từ rất sớm, mới 11 tuổi đã soạn bản nhạc đầu tiên, nhưng đó là nhạc không lời. Đến khi tốt nghiệp trường nhạc thì ông mới hoàn thành một tác phẩm hoàn chỉnh và đặc tên là Em Đã Thấy Mùa Xuân Chưa, trở thành tác phẩm tiêu biểu nhất trong sự nghiệp của ông.


Click để nghe Dạ Hương hát Em Đã Thấy Mùa Xuân Chưa thu âm trước 1975

Từ thập niên 1960, phong trào nhạc trẻ bắt đầu phổ biến ở miền Nam, ban đầu là sự xuất hiện của các ban nhạc trẻ chủ yếu hát nhạc nước ngoài tại các club Mỹ. Sau đó, những giai điệu sôi động của nhạc ngoại bắt đầu gây được ảnh hưởng đối với giới trẻ Việt Nam, vì vậy từ cuối thập niên 1960 bắt đầu xuất hiện nhạc ngoại lời Việt để phục vụ cho nhu cầu nghe nhạc pop-rock bằng tiếng Việt của khán giả trẻ.

Sang thập niên 1970, các nhạc sĩ Nguyễn Trung Cang, Lê Hựu Hà, Tùng Giang… đã tiên phong soạn các ca khúc nhạc trẻ hoàn toàn bằng tiếng Việt, và Quốc Dũng cũng góp mặt với những ca khúc nổi tiếng: Mai, Cơn Gió Thoảng, Thoát Ly, Hoang Vắng, Điệp Khúc Mùa Xuân, Quê Hương Và Mộng Ước, Bên Nhau Ngày Vui…

Không chỉ thành công trong lĩnh vực sáng tác, Quốc Dũng còn là một ca sĩ, một thời cùng với Thanh Mai tạo thành một đôi song ca nổi tiếng nhất của nhạc trẻ Sài Gòn nhờ sự kết hợp của nhạc sĩ Nguyễn Ánh 9 (thầy của ca sĩ Thanh Mai).

Thanh Mai và Quốc Dũng

Ngoài ra, nhạc sĩ Quốc Dũng có ca khúc tên là Mai rất nổi tiếng:

Mai! Anh đã quen em một ngày
Anh đã yêu em một ngày
Một tình yêu quá không may…

Cho đến nay vẫn có rất nhiều người nhầm tưởng ông viết ca khúc này cho Thanh Mai. Bản thân nhạc sĩ Quốc Dũng cũng chưa bao giờ xác nhận ông viết ca khúc này cho ai, nhưng ca sĩ Thanh Mai nói rằng cô gặp Quốc Dũng năm 1972, trong khi ca khúc Mai đã nổi tiếng từ năm 1971.

Sau này ca sĩ Phượng Mai đã xác nhận cô có thời gian quen biết với Quốc Dũng, và ông viết ca khúc này trong thời gian đó.


Click để nghe Elvis Phương hát Mai trước 1975

Khi xuất hiện trên chương trình Paris By Night, nhạc sĩ Quốc Dũng nói rằng khi sáng tác ca khúc này, ông có quen với nhiều cô Mai khác nhau, và 1 trong số các cô Mai đó đã để lại cho ông niềm rung động để sáng tác thành ca khúc đã gắn liền với sự nghiệp của mình.

Quốc Dũng trong phim Trường Tôi năm 1973

Ngoài vai trò ca sĩ, nhạc sĩ, Quốc Dũng còn là diễn viên, từng đóng vai nam chính trong bộ phim Trường Tôi của đạo diễn Lê Dân thực hiện năm 1973.

Với khả năng sáng tác, biểu diễn và sử dụng mandolin, guitar, piano, trống, bass, keyboard, organ thuần thục, Quốc Dũng được đánh giá là một trong những gương mặt tiêu biểu của nhạc trẻ trước năm 1975. Thập niên 1980-1990, nhạc sĩ Quốc Dũng còn là một trong những nhạc sĩ hòa âm nổi tiếng nhất ở trong nước, đã thực hiện hàng trăm băng dĩa nhạc.

Nhạc sĩ Quốc Dũng được nhiều người nhận xét là rất hiền, nhưng cũng là người rất đào hoa. Vợ của ông là ca sĩ nổi tiếng Bảo Yến từng nhiều lần nói trên truyền thông là cô đã từng rất buồn phiền vì Quốc Dũng yêu quá nhiều người. Trước khi lập gia đình với ca sĩ Bảo Yến năm 1983 và có hai người con trai, nhạc sĩ Quốc Dũng từng trải qua cuộc hôn nhân 6 năm với người vợ đầu.

Bảo Yến và Quốc Dũng thập niên 1980

Sau năm 1975, Quốc Dũng ở lại Việt Nam và bắt đầu sáng tác nhiều bài nhạc vàng nổi tiếng là Chuyện Hợp Tan, Ngại Ngùng, Chuyện Ba Người, Mắt Huế Xưa… Lối Thu Xưa.


Click để nghe Bảo Yến hát Lối Thu Xưa

Nhiều người tưởng rằng bài Lối Thu Xưa là bài hát sau năm 1975, tuy nhiên thực ra ca khúc này đã được nhạc sĩ Quốc Dũng sáng tác trước năm 1975 với tựa đề là Anh Không Dám Nói Yêu Em. Tuy nhiên lời bài hát ban đầu… không được hay. Vì vậy vào thập niên 1990, khi nhạc sĩ Quốc Dũng chơi thân với nhà thơ Nguyễn Đức Cường, nhạc sĩ đã nhờ bạn sửa lại lởi cho bài hát, đồng thời đổi tựa đề thành Lối Thu Xưa.

Nhà thơ Nguyễn Đức Cường cũng là tác giả phần lời của những ca khúc nổi tiếng khác của nhạc sĩ Quốc Dũng, đó là Đường Xưa, Chuyện Hợp Tan, Hạt Mưa Và Nỗi Nhớ…

Vào cuối thập niên 1980, nhạc sĩ Quốc Dũng cũng phổ nhạc cho thơ của thi sĩ Xuân Kỳ thành những bài hát nổi tiếng: Ngại Ngùng, Chuyện Ba Người, Kẻ Đau Tình. 

Thập niên 1990, nhạc sĩ Quốc Dũng cũng có nhiều sáng tác nhạc trẻ ăn khách, tiêu biểu là Người Về Từ Lòng Đất, Cho Em Ngày Nắng Xanh, 9 Con Số 1 Linh Hồn, Chợt Như Năm 18…

Bài: Đông Kha
Bản quyền bài viết của nhacxua.vn

Exit mobile version