Đôi nét về nhạc sĩ Hà Phương và những ca khúc nhạc vàng nổi tiếng: Mưa Đêm Tỉnh Nhỏ, Mùa Mưa Đi Qua, Em Về Miệt Thứ…

Nhạc sĩ Hà Phương được biết đến với những ca khúc nhạc vàng, trữ tình trước năm 1975, và những bài hát mang âm hưởng dân ca Nam Bộ sau năm 1975. Trong số những ca khúc nổi tiếng nhất trong sự nghiệp của nhạc sĩ Hà Phương, tiêu biểu nhất là chùm ca khúc viết về mưa: Mưa Qua Phố Vắng, Mùa Mưa Đi Qua, Mưa Đêm Tỉnh Nhỏ. Sau năm 1975 ông sáng tác nhiều ca khúc trữ tình: Chiều Mưa Qua Sông, Đò Đưa Bến Khác, Em Về Miệt Thứ, Bông Điên Điển…

Nếu bạn là người yêu thích nhạc xưa, hãy theo dõi kênh YouTube này để nghe đọc các bài cảm nhận về âm nhạc (phân tích ý nghĩa, hoàn cảnh sáng tác, tiểu sử ca nhạc sĩ): LINK YOUTUBE  < Click

Nhạc sĩ Hà Phương tên thật là Dương Văn Lắm, sinh năm 1938 tại huyện Chợ Gạo, tỉnh Mỹ Tho (nay là tỉnh Tiền Giang). Năm 7 tuổi, ông theo gia đình trôi dạt tới Mỹ Tho sinh sống.

Năm 19 tuổi, nhạc sĩ Hà Phương được học nhạc với nhạc sĩ Lâm Tuyền và học dự thính trường Quốc gia Âm nhạc Sài Gòn. Hai năm sau, ông về dạy nhạc cho Trường trung học Bình Phước ở Tầm Vu – Long An, sau đó về dạy nhạc tại Trường trung học Đốc Binh Kiều ở Cai Lậy và bắt đầu sáng tác, với ca khúc đầu tay mang tên “Đường khuya”.

Nhạc sĩ Hà Phương năm 1972 bên Hòn Phụ Tử

Ông chọn bút danh Hà Phương là để bày tỏ ước mơ muốn được tung hoành, đi đây đó của ông cho thỏa chí tang bồng. Và thực tế thì sau này cuộc đời ông cũng trôi dạt qua nhiều nơi khi phải trải qua nhiều thăng trầm trong cuộc sống, từng có lúc gặp những hoàn cảnh rất khó khăn.

Cho đến khi ngoài 80 tuổi, ở tuổi sống an nhàn thì ông vẫn tiếp tục bỏ thời gian để đi đây đi đó nhiều nơi để du lịch khắp các miền đất nước.

Nhạc sĩ Hà Phương năm 2020, ở tuổi 82

Sau đây, mời các bạn nghe lại những ca khúc nổi tiếng nhất của nhạc sĩ Hà Phương, trước và sau năm 1975.

Mưa Đêm Tỉnh Nhỏ


Click để nghe Trường Vũ hát Mưa Đêm Tỉnh Nhỏ

Trời đổ mưa
Cho phố vắng mênh mông
Khơi lòng bao nỗi nhớ.
Trời làm mưa, cho ướt áo em thơ
Mưa rơi tự bao giờ.

Đó là lời bài hát phổ biến và được nhiều người thuộc của Mưa Đêm Tỉnh Nhỏ. Tuy nhiên đó không phải là lời nguyên thủy của bài hát này. Trước năm 1975, đây là 1 ca khúc viết về người chinh nhân và được ca sĩ Giang Tử hát lần đầu tiên, với lời hát như sau:

Trời đổ mưa cho ướt áo chinh nhân, mưa về trên đồn vắng.
Trời làm mưa cho ướt áo em thơ mưa rơi từ bao giờ?
Mùa mưa đó anh đi vào sương gió
những đêm mưa tỉnh nhỏ gợi nhớ thuở học trò, tâm tình thường hay ngỏ
trường tan về chung phố những lúc trời chiều đổ mưa.


Click để nghe Giang Tử hát Mưa Đêm Tỉnh Nhỏ trước 1975

Mùa Mưa Đi Qua

Ca khúc này được nhạc sĩ Hà Phương sáng tác vào khoảng giữa thập niên 1960 khi đang ở Mỹ Tho. Thời gian này ông đang trải qua cuộc tình với một nàng ca sĩ tên là Duyên tại vùng tỉnh lẻ Định Tường (nay là tỉnh Tiền Giang).

Hàng đêm trên sân khấu, chàng đệm đàn cho nàng hát, rồi khi màn nhung khép lại cũng là lúc họ đưa nhau về trên con đường vắng thưa người trong những đêm mưa buồn nơi tỉnh lẻ:

Tôi dìu em về
Đường về nhà em qua phiến đá xanh xao
Con đường buồn hun hút mắt em sâu
Mưa nhạt mưa nhòa mưa đổ mưa mau.


Click để nghe Duy Khánh hát Mùa Mưa Đi Qua trước 1975


Click để nghe Chế Linh hát Mùa Mưa Đi Qua sau 1975

Mưa Qua Phố Vắng

Sau thành công với 2 ca khúc về mưa, nhạc sĩ Hà Phương tiếp tục sáng tác Mưa Qua Phố Vắng trong tâm trạng buồn nhớ về chuyện tình đã xa, chỉ còn là kỷ niệm:

Mưa hắt hiu mưa buồn qua phố vắng
Chiều mưa tuôn cho giá buốt tâm hồn
Niềm cô đơn theo nhung nhớ dài thêm
Mưa kỷ niệm mưa tìm về dĩ vãng

Anh đã yêu em mười mùa mưa trước
Một mùa mưa hai đứa bước song hành
Tình yêu đương khi thương vẫn còn thương
Em đã vội bỏ trường xa phố phường


Click để nghe Như Quỳnh – Mạnh Đình hát Mưa Qua Phố Vắng

Nói về cảm hứng sáng tác những ca khúc về mưa, nhạc sĩ Hà Phương tâm sự như sau: “Ai lớn lên cũng có một mối tình đầu. Thời trai trẻ, tôi yêu và chia tay người yêu dưới cơn mưa. Hình ảnh cơn mưa gắn liền với kỷ niệm của mối tình đầu đã thấm sâu vào ký ức tôi. Chính vì thế, nhiều ca khúc của tôi đều có hình ảnh cơn mưa ..”

Hai Sắc Hoa Ti Gôn

Hoa Ti gôn là một trong những loài hoa nổi tiếng nhất trong thơ và nhạc, khởi nguồn từ bài thơ nổi tiếng mang tên Hai Sắc Hoa Ti Gôn của tác giả bí ấn có bút hiệu là TTKH. Từ bài thơ này, có đến 3 nhạc sĩ phổ thành ca khúc mang cùng tên, đó là nhạc sĩ Trần Thiện Thanh, nhạc sĩ Trần Trịnh và nhạc sĩ Hà Phương.

Riêng bài hát Hai Sắc Hoa Ti Gôn của nhạc sĩ Hà Phương đã được ca sĩ Hoàng Oanh hát trong 2 băng nhạc Kim Đằng và Nhã Ca, mời các bạn nghe lại:


Click để nghe Hoàng oanh hát Hai Sắc Hoa Ti Gôn trước 1975

Song Buồn Khép Kín Mắt Người Yêu


Click để nghe Phương Thu hát Song Buồn Khép Kín Mắt Người Yêu trước 1975

Đây là một bài hát đặc biệt được kết hợp với một giọng hát rất đặc biệt. Sở dĩ nói như vậy, vì đây là bài hát thật hay và tình cảm của nhạc sĩ Hà Phương, hay từ tựa đề cho đến giai điệu và lời ca, nhưng không nhiều người biết tới. Tương tự, giọng hát Phương Thu rất truyền cảm và đặc biệt, nhưng đáng tiếc là cô chỉ hát một thời gian ngắn rồi giải nghệ, nên không nhiều người biết về cô, cũng như là số lượng bản thu âm của Phương Thu hiện nay còn lại chỉ có vài bài hát.

Tình Mùa Hoa Phượng

Ca khúc học trò buồn của nhạc sĩ Hà Phương, có nội dung gần giống với những bài hát của nhạc sĩ Thanh Sơn:


Click để nghe Thanh Tuyền hát Tình Mùa Hoa Phượng trước 1975

Những ca khúc sáng tác sau năm 1975

Sau một thời gian dài kể từ biến cố 1975, tạm quên đi chuyện nghệ thuật để xoay sở mưu sinh, mãi đến những năm 1990 nhạc sĩ Hà Phương mới sáng tác trở lại. Đó là giai đoạn ông cùng người bạn thân là nhạc sĩ Thanh Sơn được Trung tâm băng nhạc Vafaco mời về hợp tác.

Nhạc sĩ Hà Phương kể: “Kể từ đó chúng tôi chuyển sang viết ca khúc mang đậm phong cách dân ca Nam bộ và cho ra đời những ca khúc Bông Điên Điển, Em Về Miệt Thứ, Nhớ Đất Quê, Chiều Mưa Qua Sông, Đồng Sâu Xứ Lạ, Bông Lục Bình, Chuyện Tình Hoa Cát Đằng… Điều đó cũng phù hợp với tâm tư, tình cảm dành cho quê hương miền Tây, nơi mà chúng tôi lớn lên bên dòng sông, bến nước thấm đẫm những câu hò điệu lý, những làn điệu dân ca đã nuôi nấng tâm hồn chúng tôi. Mỗi ca khúc ra đời là sự thật phát xuất từ tâm hồn do thường xuyên lang bạt, gắn bó với miền đất phương Nam: Láng Linh, An Giang bạt ngàn bông điên điển với bóng hình những cô gái chèo xuồng hái bông đẹp làm sao. Có những đêm nơi Miệt Thứ, Cạnh Đền mà những sinh hoạt về đêm đều diễn ra trong mùng bò (mùng lớn) mới tránh khỏi muỗi đốt…”


Click để nghe Hương Lan hát Chiều Mưa Qua Sông

Từ những cảm xúc đó, nhạc sĩ Hà Phương đã viết thành 2 ca khúc Bông Điên ĐiểnEm Về Miệt Thứ nổi tiếng qua tiếng hát Phi Nhung. Sau nay ca sĩ Phi Nhung đã luôn biết ơn nhạc sĩ Hà Phương vì 2 ca khúc này đã góp phần lớn làm nên tên tuổi của cô ở hải ngoại.


Click để nghe Phi Nhung hát Em Về Miệt Thứ


Click để nghe Phi Nhung hát Bông Điên Điển

Các nhạc sĩ còn lại ở trong nước vào thập niên 1990: Thanh Sơn – Ngọc Sơn – Hà Phương – Bảo Thu – Đài Phương Trang – Dzoãn Bình – Hoài Nam

Đông Kha (nhacxua.vn) biên soạn

Exit mobile version