Từ khoảng thập niên 1950, một số nhạc sĩ nổi tiếng của Việt Nam đã bắt đầu soạn lời Việt cho các ca khúc nổi tiếng của Mỹ và châu Âu, nhưng có lẽ không ai soạn lời Việt cho nhạc ngoại nhiều bằng nhạc sĩ Phạm Duy. Chỉ tính riêng các ca khúc nhạc cổ điển bất hủ được ông viết lời Việt thì đã có thể xếp thành một dòng nhạc riêng, với rất nhiều ca khúc quen thuộc với nhiều thế hệ người Việt: Dòng Sông Xanh, Chủ Nhật Buồn, Trở Về Mái Nhà Xưa, Chiều Tà, Dạ Khúc, Khúc Hát Thanh Xuân…
Nhạc sĩ Phạm Duy bắt đầu soạn lời Việt cho nhạc nước ngoài từ khi ông còn rất trẻ, ở tuổi chưa đến 20. Vào thời điểm mà các nhạc sĩ lúc bấy giờ thường chọn nhạc bình dân Pháp để soạn lời, thì Phạm Duy là người tiên phong viết lời Việt cho nhạc cổ điển Âu – Mỹ, bắt đầu với những tác phẩm của nhà soạn nhạc lừng danh người Áo là Johann Strauss. Theo Phạm Duy giải thích thì những bài điệu valse của Johann Strauss tuy là nhạc cổ điển nhưng có bài được phổ biến dưới hình thức ca khúc phổ thông.
Ngoài bài valse bất hủ là Le beau Danube bleu (Dòng Sông Xanh), Johann Strauss có một bài valse khác cũng được nhiều người biết đến là When We Were Young, đã được Phạm Duy viết lời Việt có tựa Khúc Hát Thanh Xuân với những ca từ tươi vui:
“Ngày ấy khi xuân ra đời, một trời bình minh có lũ chim vui
Có lứa đôi yêu nhau rồi hẹn rằng còn mãi không nguôi…”
Trong hồi ký của mình, nhạc sĩ Phạm Duy giải thích về cơ hội được tiếp cận với nhạc cổ điển để rồi sau đó tiếp tục tìm hiểu và viết lời Việt như sau:
“Vào tuổi tôi, ai mới bước vào âm nhạc thì cũng đều mê nhạc cổ điển Tây Phương. Tôi có cái may là có một người anh đi du học bẩy năm ở bên Pháp. Khi hồi hương, người anh mang về nhiều đĩa hát loại 78 tours, tất cả là nhạc cổ điển. Tôi đã nghe và đã thuộc lòng nhiều bài được coi như bất tử, chẳng hạn bài SÉRÉNATA của Toselli. Bản nhạc Ý đại lợi này thì quá đẹp, lại có thêm lời ca tiếng Pháp rất hay”.
Người anh mà nhạc sĩ Phạm Duy nói đến là Phạm Duy Khiêm, một người du học ở Pháp 7 năm, là người Việt Nam đầu tiên lấy bằng tú tài văn chương Pháp. Nhờ người anh tài giỏi đỗ đạt này mà khi chỉ mới 14,15 tuổi, nhạc sĩ Phạm Duy đã được tiếp xúc và yêu nhạc cổ điển.
Năm 1949, nhạc sĩ Phạm Duy đã lập gia đình với danh ca Thái Hằng. Theo lời ông nói trong hồi ký: “Vì Thái Thanh lúc đó còn bé lắm, thích hát nhạc cổ điển cho nên tôi soạn lời cho những bài Dạ khúc – Serenade (Schubert), Dòng sông xanh (Johann Strauss), Sầu – Tristesse (Chopin)… để cho cả hai chị em hát”.
Bài nhạc Ý nổi tiếng vào thế kỷ 19 là Come Back to Sorrento (do 2 anh em nhà Curtis soạn) cũng được Phạm Duy đặt lời Việt trong giai đoạn này, với tựa đề Trở Về Mái Nhà Xưa. Ở nguyên tác, khúc hát mang tên Come Back to Sorrento là những lời ngợi ca quê nhà Sorrento thật đơn sơ mà tha thiết như một dạ khúc.
Lúc ấy thành phố Sorrento còn sơ sài với những mái nhà tường đất, những con đường lót đá và đầy bụi ven vực biển, người thưa thớt và dịch vụ nghèo nàn. Nhưng Sorrento lúc ấy cũng rất đẹp trong nét hoang sơ và ngút ngàn của sóng biển ngàn khơi, những ngọn đồi cao chênh vênh cách mặt biển 50m như cánh cung nhìn ra vịnh Napoli tràn ngập trong ánh nắng miền Địa Trung Hải.
Ở phần lời Việt, nhạc sĩ Phạm Duy giữ được phần nào tinh thần của bài gốc, nói lên ước mơ được trở về với những điều bình dị nhất của đời người. Ngoài ra ông còn nói rằng bài soạn lời Việt đã được “thêm chút không khí Bồ Tùng Linh, vì tôi là người Á Ðông”.
Trở Về Mái Nhà Xưa cũng là ca khúc mà cố danh ca Mai Hương chọn làm bài hát mở đầu cho CD nhạc cổ điển mà bà đã thực hiện cách đây khoảng 20 năm. CD đã chọn ra hầu như tất cả những bài nhạc cổ điển lời Việt quen thuộc nhất với người Việt, như Chủ Nhật Buồn, Dạ Khúc, Dòng Sông Xanh…
CD có 11 bài hát nhạc cổ điển bất hủ lừng danh thế giới, tất cả đều được nhạc sĩ Phạm Duy viết lời Việt, và cho đến nay, CD này vẫn được xem là album nhạc cổ điển lời Việt hay nhất. Mời các bạn nghe lại sau đây:
Click để nghe CD Dạ Khúc – Mai Hương
Đông Kha (nhacxua.vn)