Nhạc sĩ Y Vũ được biết đến nhiều nhất với các ca khúc Tôi Đưa Em Sang Sông (đồng tác giả với Nhật Ngân), Ngày Cưới Em, Kim, Những Tâm Hồn Hoang Lạnh, Thuỷ Thủ Và Biển Cả, Điên, Hận…
Nhạc sĩ Y Vũ tên thật là Trần Gia Hội, sinh năm 1940 tại Hà Nội, là con út trong gia đình có 4 anh chị em. Trong đó người chị đầu đã mất sớm tại Hà Nội, người thứ 2 là Trần Tấn Hậu – tức nhạc sĩ Y Vân nổi tiếng, người chị kế là Tường Vi – chuyên viên hoá trang điện ảnh của thập niên 1990 tại Sài Gòn.
Năm 1954, Y Vũ theo gia đình di cư vào Nam và sinh sống ở Sài Gòn. Ông không được sinh ra trong gia đình có truyền thống văn nghệ, nhưng may mắn có được người anh nổi tiếng là nhạc sĩ Y Vân, được Y Vân chỉ dạy về sáng tác – hoà âm và có ca khúc đầu tay là Tôi Đưa Em Sang Sông khi vừa tròn 20 tuổi.
Nhạc sĩ Y Vũ sáng tác bài hát này để dành cho một mối tình buồn để lại nhiều day dứt, sau đó ông còn viết thêm 2 ca khúc khác nữa cho mối tình này là Ngày Cưới Em và Chuyện Tình Đầu.
Bút danh khi sáng tác là Y Vũ được ông tự chọn dựa theo cái tên Y Vân của người anh mà ông lúc nào cũng yêu mến. Gương mặt của 2 anh em ông cũng rất giống nhau, đến nỗi nhiều trang báo, các show ca nhạc, thậm chí là đài truyền hình đã lấy hình Y Vũ để minh hoạ cho bài viết hoặc bài hát Y Vân, làm cho Y Vũ phải nhiều lần lên tiếng đính chính. Điển hình là tấm ảnh ở bên trên của Y Vũ, nhưng bị nhầm thành Y Vân.
Cũng theo chân anh trai Y Vân, nghề đầu tiên của nhạc sĩ Y Vũ là nhạc công, chơi đàn contrabass trong ban nhạc Y Vân, thường tham gia ở các đại nhạc hội, như nhạc hội ở rạp Quốc Thanh nổi tiếng.
Nhạc sĩ Y Vũ cũng học được nghề hoà âm từ anh trai, nhưng không nổi tiếng bằng, chủ yếu là hoà âm cho tác phẩm của một vài bạn bè thân thiết.
Click để nghe những ca khúc của nhạc sĩ Y Vũ thu âm trước 1975
Trước năm 1975, công việc mưu sinh chính của nhạc sĩ Y Vũ là viết nhạc, chơi nhạc, dạy nhạc và dạy khiêu vũ. Có một thời gian ông tham gia trong Biệt Đoàn Văn Nghệ Trung Ương. Ông nói rằng cuộc sống của ông thời đó rất thoải mái và có phần phóng túng, thường đi nhậu và nhảy đầm cùng bạn bè.
Về lĩnh vực khiêu vũ, ông mua sách nước ngoài về tự học, sau đó học từ những vũ công chuyên nghiệp trong vũ trường, và học từ các bạn bè là vũ sư.
Cũng vì thường đi vũ trường, nhạc sĩ Y Vũ quen biết nhiều vũ nữ, trong đó có một cô người yêu tên Kim mà ông đã viết tặng cho ca khúc nổi tiếng tên là Kim. Ngoài ra ông cũng sáng tác bài Những Tâm Hồn Hoang Lạnh với nội dung thương xót cho thân phận của những người vũ nữ.
Tuy nổi tiếng với rất nhiều ca khúc sáng tác từ trước năm 1975, nhưng nhạc sĩ Y Vũ chưa bao giờ nhận mình là nhạc sĩ mà chỉ tự gọi mình là một người chơi nhạc, và danh hiệu nhạc sĩ là do những nhà sản xuất âm nhạc, những khán giả yêu mến gán cho.
Sau năm 1975, nhạc sĩ Y Vũ gần như bị mất hết tài sản vì thời cuộc, nên phải làm đủ nghề để mưu sinh. Có thời gian ông phải mỗi ngày dậy từ 4h đi làm công nhân hứng mủ cao su ở Bù Đăng, Bù Đốp ở Sông Bé (nay thuộc Bình Phước). Sau đó ông về Sài Gòn làm phụ hồ cho công trường xây dựng Tân Quy Đông 2, đó là thời kỳ vất vả nhất vì mỗi ngày ông phải kéo hàng chục chuyến xe chất đầy bao xi măng.
Không trụ nổi với nghề khuân vác, sau đó Y vũ chuyển sang đi buôn ve chai gần 10 năm trời.
Đến năm 1990, ông mới được trở lại nghề nhạc khi được nhạc sĩ Nhật Bằng gọi về phụ trách chung ban nhạc ở CLB Bến Nghé.
Sau đó có một người bạn bên Mỹ về mở nhà hàng Arnold, nhạc sĩ Y Vũ sang phụ trách ban nhạc tại đây và được cấp một căn phòng nhỏ để ở. Trong cùng thời gian đó, ông cũng bắt đầu sáng tác trở lại nhờ sự đặt hàng của nhạc sĩ Vinh Sử.
Nhạc sĩ Y Vũ kể rằng đã có rất nhiều người phụ nữ đi qua đời, có nhiều người yêu, nhưng rồi sau đó tất cả đều ra đi. Chỉ đến năm ông 66 tuổi thì mới tìm thấy được người phụ nữ của cuộc đời. Bà tên là Hồng Loan, đang sống cùng ông những ngày tháng êm đềm giản dị trong một căn nhà ở ngoại ô Sài Gòn.
Bài: Đông Kha
Bản quyền bài viết của nhacxua.vn