Cuộc đời và sự nghiệp của nhạc sĩ Xuân Tiên – “Cây trường sinh” của tân nhạc Việt Nam

Nhạc sĩ Xuân Tiên là tác giả của những ca khúc nổi tiếng là Hận Đồ Bàn, Khúc Hát Ân Tình, Về Dưới Mái Nhà, Duyên Tình, Chờ Một Kiếp Mai, Mong Chờ… Ông là nhạc sĩ sống thọ nhất của tân nhạc Việt Nam, đã mừng đại thọ 100 tuổi hồi đầu năm 2021.

Tuy là tác giả của nhiều bài hát nổi tiếng, nhưng nhạc sĩ Xuân Tiên tự nhận rằng đối với ông sáng tác chỉ là nghề tay trái, và nghề chính của ông là nhạc công chơi đàn trong các ban nhạc, với khả năng sử dụng nhuần nhuyễn đến 25 loại nhạc cụ khác nhau, cả nhạc cụ cổ truyền lẫn của Tây, trong đó thành thạo nhất là kèn saxophone.

Nhạc sĩ Xuân Tiên tên thật là Phạm Xuân Tiên, sinh ngày 28 tháng 1 năm 1921 tại Hà Nội, trong gia đình có 6 anh em trai, người anh kế của ông chính là nhạc sĩ Xuân Lôi (sinh năm 1917) nổi tiếng với ca khúc Nhạt Nắng (viết chung với Y Vân).

Nhạc sĩ Xuân Tiên thuở ấu thơ

Cha của ông từng có thời gian qua Trung Quốc để học một số nhạc cụ cổ truyền Trung Hoa, giống với nhạc cụ của Việt Nam nhưng khác một chút về âm điệu, sau đó về lại Việt Nam dạy nhạc ở hội Khai Trí Tiến Đức của Phạm Quỳnh (cha của nhạc sĩ Phạm Tuyên) và Phạm Duy Tốn (cha của nhạc sĩ Phạm Duy). Từ năm 6 tuổi, nhạc sĩ Xuân Tiên đã được cha dạy về nhạc cụ cổ truyền, nhưng chỉ là học về âm điệu, còn lại thì đa phần là do ông mày mò tự học, đầu tiên là đàn mandoline.

Tuy biết đàn nhưng ban đầu nhạc sĩ Xuân Tiên vẫn không biết nốt, nhờ có anh cả là Xuân Thư tốt nghiệp Viễn Đông Nhạc Viện của Pháp ở Hà Nội nên đã hướng dẫn căn bản cho ông về ký âm pháp, sau đó ông mua tờ nhạc của Pháp về tự nghiên cứu thêm về ký âm.

Lớn hơn một chút, nhạc sĩ Xuân Tiên mua kèn saxo cũ về tự học, và đó trở thành nhạc cụ mà ông yêu thích và chơi thành thạo nhất. Thời điểm đó hầu như không có người Việt Nam chơi saxo, ngoại trừ một số ít người Pháp chơi trong ban nhạc. Không có người để theo học hỏi, thầy dạy người Pháp thì học phí quá đắt, nên ông lại chủ yếu tự mày mò để học.

Có một thời gian vào thập niên 1930, anh cả Xuân Thư của ông vào Huế để lấy vợ là một khuê nữ hoàng tộc, Xuân Tiên đã theo vào sống một thời gian. Nhân lúc này có gánh hát cải lương Phụng Hảo danh tiếng của miền Nam ra Hà Nội diễn đi ngang qua Huế, Xuân Tiên đi xem và thấy trong đoàn hát có một ban nhạc người Phi Luật Tân có người thổi kèn saxo, ông liền xin theo gánh hát, tham gia ban nhạc, mà chủ yếu là để theo học lỏm môn kèn saxo, chỉ bằng cách nhìn và bắt chước theo. Được một thời gian, gánh hát trở lại vào Nam, ông vào theo được ít tháng thì trở lại ra Hà Nội tham gia gánh cải lương Tố Như năm 1940.

Cùng trong năm 1940, ở tuổi 19, nhạc sĩ Xuân Tiên lấy vợ cùng tuổi là Hoàng Thị Hương và chung sống hạnh phúc với nhau suốt hơn 80 năm. Có thể nói vợ chồng nhạc sĩ Xuân Tiên là đôi vợ chồng cùng sống hơn trăm tuổi hiếm hoi trên thế giới. Cụ bà Hoàng Thị Hương đã qua đời ở tuổi 100 vào ngày 18/6/2021.

Vợ chồng nhạc sĩ Xuân Tiên năm 2015, được chính quyền ở Úc trao chứng nhận 75 năm bên nhau

Cuối năm 1942, nhạc sĩ Xuân Tiên cùng anh trai là nhạc sĩ Xuân Lôi theo gánh hát Tố Như vào miền Nam trình diễn ở Sài Gòn và lục tỉnh. Trong quá trình đi trình diễn nhạc và sinh sống ở nhiều miền, ông đã thu thập được kiến thức về các loại hình nhạc của các miền khác, có điều kiện tìm hiểu và nghiên cứu thêm âm nhạc cổ truyền của các vùng miền.

Thời trẻ, những anh em Xuân Tiên đều chăm chỉ tập luyện thể thao và đều có thân hình lực lưỡng. Vì siêng năng luyện tập, đặc biệt là vật tay, nhạc sĩ Xuân Tiên lúc đó đi diễn thường xuyên thách đấu vật tay với dân địa phương, đều thắng cả. Sau này, có võ sĩ Trung Quốc sang Việt Nam thấy vậy cũng thi với Xuân Tiên, thì sau đó Xuân Tiên cũng thắng nốt.

“Lực sĩ” Xuân Tiên

Từ năm 1942 đến 1946, ông trở về Hà Nội và chơi nhạc trong các ban ở vũ trường đang mọc lên rất nhiều.

Năm 1946, trong thời gian đi tản cư, Xuân Tiên và anh trai Xuân Lôi lập ban nhạc Lôi Tiên đi diễn lưu động và đàn cho gánh cải lương Bích Hợp.

Thời gian theo gánh hát của Bích Hợp

Từ năm 1949 tới 1950, hai anh em lên tận vùng Thái Nguyên nhập vào ban văn hoá vụ với trưởng ban là Hoài Thanh. Ông có dịp gặp gỡ các văn nghệ sĩ nổ tiếng như: Phan Khôi, Tố Hữu, Thế Lữ, Văn Cao, Canh Thân, Lê Hoàng Long, Quốc Vũ, Nguyễn Tuân.

Ðỗ Thế Phiệt, Xuân Khuê, Xuân Lôi, Xuân Tiên – Ðống Nam 1948.

Năm 1951 hai anh em ông đi Nam Ðịnh làm việc ở dancing Văn Hoa. Ít lâu sau với một thành phần 12 nhạc sĩ, ông cùng họ làm việc tại nhà hàng Le Coq d’Or.

Ðỗ Văn Ngọc, Xuân Tuấn, Xuân Lôi, Xuân Tiên, Văn Bính, Lê Chuyên. Dancing Văn Hoa năm 1952

Năm 1952, một người bạn cũ của Xuân Tiên là nhạc sĩ Ngọc Bích vào Nam, sau đó viết thư gửi ngược lại cho Xuân Tiên mời vào Sài Gòn tham gia chung ban nhạc đang cần người ở Cinema Văn Cầm. Nhạc sĩ Xuân Tiên viết trong hồi ký:

“Tôi đã từng đi và từng sống ở mọi miền đất nước, thấy miền nam khí hậu ấm áp, dân tình hiền hòa, trong khi Hà Nội lạnh lắm không thích. Lòng tôi đã muốn đổi vào Sài Gòn làm ăn, có dịp sẽ vào làm trước để thăm thú công việc, rồi sẽ dời cả gia đình vào sau.

Thế là tôi vào Sài Gòn với Ngọc Bích. Bấy giờ thì tôi đã có thể thuê nhà, sắm sửa đồ đạc đầy đủ sẵn sàng để đón vợ con vào, tiếp đó đón anh Xuân Lôi, rồi sau đó đón cha mẹ vào. Ông bà thân sinh tôi không chịu đi vì còn bà nội già không muốn rời xa quê hương. Các anh em tôi kẻ trước người sau đều vô Sài Gòn làm nhạc và sinh sống tại đây từ năm 1952 ngoại trừ anh cả Xuân Thư. Thế là ông bà thân sinh và anh Xuân Thư ở lại miền Bắc rồi kẹt luôn ở đó sau khi chia đôi đất nước.”

Bài hát đầu tiên của nhạc sĩ Xuân Tiên được phát hành là tại Sài Gòn, đó là bài Chờ Một Kiếp Mai, do Ngọc Bích viết lời. Tuy nhiên việc viết nhạc chỉ là công việc phụ nên ông sáng tác không nhiều, mà công việc chính là tham gia trong nhiều ban nhạc và làm việc cho tất cả các đài phát thanh tại Sài Gòn, chơi nhạc cho các hãng phát hành băng và đĩa hát, đến đêm thì đến chơi nhạc tại các vũ trường cho đến năm 1975. Ông là trưởng ban nhạc tại các phòng trà – vũ trường là Kim Sơn, Văn Cảnh. Blue Diamond, Eden Rock, Mỹ Phụng, Palace Hotel, Bách hỷ, Tour d’Ivoire, Đại Kim Đô, Maxim’s.

Thời gian làm trong ban nhạc đài Tiếng Nói Quân Đội, ông có dịp theo đoàn đi trình diễn ở nhiều nước:

– Năm 1955 sang Lào dự hội chợ That Luang, cùng đi và cùng biểu diễn chung với ban nhạc của Mỹ.

– Năm 1956 sang Thái Lan trình diễn nhạc tại đài phát thanh Bangkok.

– Năm 1961 sang Phi Luật Tân biểu diễn tại trường đại học Manila.

Thời gian cuối thập niên 1960, vì tình trạng an ninh phòng trà bị chính quyền đóng cửa một thời gian, ban nhạc Xuân tiên chuyển sang chơi nhạc tại các club Mỹ.

Ban nhạc Xuân Tiên

Tuy sáng tác không nhiều nhưng các ca khúc của nhạc sĩ Xuân Tiên rất đa dạng và có nhiều bài nổi tiếng, đặc biệt là đều mang đậm tính dân tộc, được cảm hứng từ những làn điệu của quê hương của cả 3 miền. Bài hát nổi tiếng có âm điệu xứ Bắc của ông là Duyên Tình, Khúc Hát Ân Tình, còn làn điệu âm hưởng dân ca Nam Bộ có Cùng Một Mái Nhà Khúc Hát Đồng Xanh. Nhạc âm hưởng Huế có các ca khúc Mong Chờ, Tiếng Hát Trong Sương. Ngoài ra ông còn có ca khúc nổi tiếng Hận Đồ Bàn mang hơi thở của dân Chàm vùng Nam Trung Bộ.


Click để nghe Việt Ấn hát Hận Đồ Bàn. Việt Ấn cũng là một thành viên trong ban nhạc Xuân Tiên

Nói về hoàn cảnh sáng tác Hận Đồ Bàn, nhạc sĩ Xuân Tiên kể lại rằng trong thời gian theo gánh hát, ông và anh là nhạc sĩ Xuân Lôi có điều kiện đi dọc đất nước và tìm hiểu về các âm điệu nhạc dân tộc các miền. Một lần đi qua vùng Bình Định, ông ấn tượng với những tháp Chàm rêu phong đứng chơ vơ hiu quạnh. Sau nay khi đã vào Sài Gòn và làm việc trong đài phát thanh, vì muốn sáng tác một ca khúc có chủ đề khác biệt so với các nhạc sĩ đồng nghiệp đa số viết về tình yêu đôi lưa, nhạc sĩ Xuân Tiên nhớ lại Tháp Chàm năm xưa, nên quyết định ra lại miền Trung để tìm hiểu dân Chàm, nghiên cứu sâu hơn về âm điệu, về phong tục lịch sử nơi đây để viết Hận Đồ Bàn.

Riêng bài hát Mong Chờ, nhạc sĩ Xuân Tiên kể lại hoàn cảnh sáng tác như sau:

“Thời gian tham gia ban nhạc đài Tiếng Nói Quân Đội, toàn ban văn nghệ ra Huế biểu diễn một đêm. Sau khi diễn xong, có ông nhạc sĩ đàn Huế có con gái ông là ca sĩ của Đài Phát Thanh Huế vì thích bản nhạc Khúc Hát Ân Tình mà mời tôi và ông Vĩnh Phan xuống thuyền chơi với ông một đêm. Cùng đi có một ông bạn nhạc sĩ cũng chơi đàn Huế tại Đài Phát Thanh Huế, cùng xuống thuyền hòa nhạc chơi. Tôi cũng chơi nhạc Huế với các ông ấy và cô ca sĩ ca, ăn uống, có các hàng quà ở thuyền đi bán đêm.

Ăn xong chúng tôi chia nhau ngủ ở hai thuyền ghép lại với nhau. Ông Vĩnh Phan, cô ca sĩ và tôi ngủ một thuyền. Cô ca sĩ và tôi thức không ngủ nói chuyện đến sáng, rồi bố con cô ca sĩ mời tôi và Vĩnh Phan về nhà ăn quà sáng rồi tiễn chúng tôi ra máy bay để về Sài Gòn.

Tôi về Sài Gòn rồi cứ nhớ mãi buổi gặp gỡ đó với dư âm Huế và cô ca sĩ đó, nên tôi mới sáng tác ra bản nhạc Mong Chờ.”


Click để nghe Hoàng Oanh hát Mong Chờ trước 1975

Bài hát nổi tiếng nhất trong sự nghiệp của nhạc sĩ Xuân Tiên phải kể đến là Khúc Hát Ân Tình, được sáng tác khoảng năm 1958, trong bối cảnh nhiều người dân miền Bắc di cư vào Nam sinh sống sau Hiệp định Genève năm 1954. Bài hát kêu gọi mọi người dù là từ miền nào thì cũng hãy sống thân ái với nhau, đồng thời cũng ngợi ca tình yêu không phân biệt Bắc-Nam.


Click để nghe Phương Dung hát Khúc Hát Ân Tình trước 1975

Nói về quan điểm sáng tác của mình, nhạc sĩ Xuân Tiên nói trong một lần trả lời phỏng vấn:

“Nói chung thì trong sáng tác, tôi rất chú trọng đến giai điệu và thể điệu của bài hát. Giai điệu được giải nghĩa một cách nôm na là cấu trúc của những câu nhạc sao cho có đầy đủ nhạc tính và phẩm chất của hòa âm, để mình nghe thấy hay, dù cho không cần lời hát, chỉ hòa tấu nbng nhạc cụ không thôi cũng thấy hay. Nếu không có giai điệu hay thì không thể có bài hát hay được.

Còn thể điệu thì ví dụ như điệu valve, tango, rumba… Nhạc Việt mình vốn nghèo về thể điệu, cho nên tôi chủ trương dùng nhiều thể điệu khác nhau cho những ca khúc để tạo những đổi mới ngay trong chính những tác phẩm của mình.

Tôi thích những âm hưởng lạc quan yêu đời, tôi yêu những lời hát ca ngợi quê hương dân tộc. Tôi cũng có làm những loại nhạc tình yêu lứa đôi và nhạc buồn nhưng không có sầu thương ủy mị quá. Có buồn những cũng chỉ là chớm buồn chút thôi.

Đối với tôi, điều quan trọng nhất trong sáng tác là mình không được lặp lại của người khác, mà mình cũng không được lặp lại chính mình, nghĩa là mỗi một tác phẩm của mình phải hoàn toàn không giống ai.”

Sau năm 1975, nhạc sĩ Xuân Tiên ở lại Việt Nam. Ông kể về thời gian khó khăn đó như sau:

“Tất cả các nghệ sĩ đều phải đi học tập 21 ngày tại nhà hát lớn. Tất cả các nghệ sĩ đều lao đao sống chật vật gượng gạo. Chúng tôi, một số nhạc sĩ giỏi họp nhau lại thành lập một ban nhạc để hợp tác với ban kịch nói Kim Cương. Trình diễn phần đầu, phần thứ 2 là kịch. Đi trình diễn khắp trong nước, rất được công chúng hoan nghênh nhưng đồng lương thì rẻ lắm. Cố gượng gạo làm để sống qua ngày. Làm nhiều mà không đủ tiền nuôi gia đình, may mà vợ tôi buôn bán tạm để nuôi gia đình. Vậy mà ban nhạc chúng tôi cũng kéo dài được 5 năm mới nghỉ được gánh Kim Cương.

Ban hát cải lương Minh Tơ thấy tôi nghỉ ở ban Kịch Nói Kim Cương, mới mời tôi về làm. Tôi cùng Lang Thoại Nguyên và Xướng người Trung Hoa về làm Minh Tơ, là ban hát cải lương Hồ Quảng.

Được hơn một năm thì tôi nghỉ về làm phòng trà tại một tụ điểm được mấy tháng thì có giấy gọi đi định cư ở Úc.”

Mười năm đầu nhạc sĩ Xuân Tiên sống tại Canberra, được ban nhạc người Úc mời chơi nhạc tại các club. Nhưng chỉ được một thời gian ngắn, ông nghỉ và ở nhà nhận sửa chữa tất cả các loại kèn sáo, khách hàng là các trường học, trường nhạc, các ban nhạc tư nhân. Nghề này không có trường dạy ở Úc, mà nhờ Xuân Tiên phải tự sửa những nhạc cụ của mình trong bao nhiêu năm theo nghề nhạc mà thành thạo và có kinh nghiệm. Làm được 10 năm thì ông dọn về Sydney mà nghỉ hưu từ đó đến nay.

Ngoài đóng góp lớn cho âm nhạc miền Nam trong 2 mảng sáng tác và trình diễn, nhạc sĩ Xuân Tiên còn là người có nhiều cải tiến và sáng tạo các loại nhạc cụ dân tộc.

Sáo tre vốn dĩ chỉ có sáu lỗ. Năm 1950, ông đã cùng với anh là Xuân Lôi cải tiến loại nhạc cụ này thành hai loại là 10 lỗ và 13 lỗ có khả năng chơi được nhiều âm giai khác nhau. Người chơi sáo 10 lỗ cần dùng 10 ngón tay và có thể chơi tất cả những bán cung, vì thế sáo không bị giới hạn trong bất cứ âm giai nào. Sáo 13 lỗ dùng để tạo ra những âm thanh thấp hơn khi cần. Hiện hai loại sáo này đang được trưng bày tại Musée de l’Homme, Paris, Pháp.
Năm 1976, ông chế tác cây đàn 60 dây chơi được tất cả âm giai. Tiếng đàn tương tự tiếng đàn tranh nhưng mạnh và chắc hơn.

Năm 1980, ông cải tiến cây đàn bầu cổ truyền với thân đàn làm từ trái bầu dài làm hộp khuếch âm. Đàn này đã nhiều lần được đem đi triển lãm ở Úc, thường được gọi là Đàn bầu Xuân Tiên.

Đàn bầu Xuân Tiên

Gia đình Xuân Tiên sau khi di cư vào Sài Gòn năm 1952 có thể gọi là một đại gia đình, với 2 vợ chồng, mẹ vợ, 8 người con, ngoài ra ông còn nhận nuôi 4 người cháu ruột (con của người anh thứ 2) và 2 người làm, tổng cộng 17 người, một tay Xuân Tiên làm việc để chu toàn cho tất cả bằng sức lao động hăng say và miệt mài, bằng tài năng và cố công nghiên cứu trau dồi kiến thức. Nhạc sĩ Xuân Tiên nói rằng ông có quan niêm có tiền là để xài cho thoải mái đời sống, cho nên ông không bao giờ giàu, cũng không bao giờ mang tiếng keo kiệt. Bao giờ cũng sung túc, nhưng không bao giờ lo lắng giữ của. Tới bây giờ ông càng cảm thấy thoải mái, không phải là một thứ gì trong đời sống. Có lẽ là vì sự thoải mái trong suy nghĩ đó là một phần bí quyết cho sự trường thọ của ông.

Ngoài ra, điều quan trọng hơn cả là ông vẫn giữ thói quen tập thể dục thường xuyên từ thời trẻ cho đến tận lúc bách niên, và nếu hình thân hình lực lưỡng của ông như trong tấm ảnh này, không ai nghĩ đó là một cụ già đã ngoài 90.

Sáng ngày 2/6/2023, nhạc sĩ Xuân Tiên tạ thế ở tuổi 102.

Bài: Đông Kha
Bản quyền bài viết của nhacxua.vn

Exit mobile version