Cuộc đời và sự nghiệp của nhạc sĩ Ngọc Sơn (trước 1975) – Tác giả của 100 Phần Trăm, Nét Son Buồn…

Nhạc sĩ Ngọc Sơn (thế hệ trước 1975) nổi tiếng với nhiều ca khúc nhạc vàng như 100 Phần Trăm, Nét Son Buồn,… Ngoài sáng tác với tên thật là Ngọc Sơn, ông còn dùng bút danh khác là Tú Nguyệt.

Nếu bạn là người yêu thích nhạc xưa, hãy theo dõi kênh YouTube này để nghe đọc các bài cảm nhận về âm nhạc (phân tích ý nghĩa, hoàn cảnh sáng tác, tiểu sử ca nhạc sĩ): LINK YOUTUBE  < Click

Từ thập niên 1980 có xuất hiện thêm một ca sĩ Ngọc Sơn thế hệ sau này, cũng có sáng tác 1 số bài hát, nên nhiều người đã nhầm lẫn tưởng rằng các ca khúc của nhạc sĩ Ngọc Sơn trước 1975 là của Ngọc Sơn sau năm 1975.

Nhạc sĩ Ngọc Sơn tên thật là Thái Ngọc Sơn, sinh năm 1934 ở Sài Gòn. Ngoài vai trò là nhạc sĩ, ông còn được biết đến như là một vũ công, nhiếp ảnh gia và là giám đốc hãng dĩa Dư Âm nổi tiếng.

Thuở nhỏ, nhạc sĩ Ngọc Sơn sinh sống ở vùng Vĩnh Lộc A, Bình Chánh ngày nay. Gia đình ông rất nghèo, cha phải làm ăn xa, đi tận Nam Vang ở Cao Miên làm nghề cá ở Biển Hồ, lâu lâu mới về một lần. Mẹ của ông hàng ngày mang theo người con trai nhỏ đi nhờ xe ngựa của lối xóm từ vùng ngoại ô lên Chợ Lớn để bán chè gánh hàng rong. Dù nhà nghèo và không được sinh ra trong gia đình nghệ thuật nhưng từ nhỏ Ngọc Sơn đã yêu thích âm nhạc.

Không có tiền đi học và theo đuổi đam mê, ông đã đến với nghệ thuật ở tuổi 20 bằng cách nhờ một người bạn giới thiệu với nghệ sĩ Trần Văn Trạch để xin vô ban Sầm Giang. Dù lúc đó Ngọc Sơn chưa biết một chút gì về âm nhạc, nhưng vì nể bạn nên “quái kiệt” Trần Văn Trạch vẫn nhận Ngọc Sơn vào hát chung trong ban hợp xướng để đi diễn ở các nhạc hội vào thập niên 1950.

Được theo đoàn hát, dù chỉ là hát chung trong hợp ca nhưng chàng trai Thái Ngọc Sơn vẫn thấy thoả nguyện vì được sống nhờ nghệ thuật, nhưng dần dần ông cũng nhận thấy giọng hát của mình không thể thành danh được. Trong các lần đi diễn, ông quen với vũ sư Lưu Hồng, kết nghĩa và thân như anh em và xin theo Lưu Hồng để học khiêu vũ, sau đó gia nhập đoàn vũ Lưu Bình Hồng.

Trở thành vũ công nhưng Ngọc Sơn vẫn chưa dứt niềm đam mê ca nhạc. Lúc đó các ca khúc của nhạc sĩ trẻ Lam Phương đang nổi đình đám khắp miền Nam, Ngọc Sơn rất hâm mộ Lam Phương và thường ra sạp bán nhạc tờ của nhà xuất bản Minh Phát để xem, rồi mua rất nhiều bản nhạc yêu thích về tự nghiên cứu. Ông đã học sáng tác những nốt nhạc đầu tiên bằng cách mua sách kẻ nhạc về rồi ký âm lại dựa theo các bài hát nổi tiếng, nhưng cách này không thành công.

Một hôm nhạc sĩ Ngọc Sơn gặp nhạc sĩ Thăng Long (tác giả bài Quen Nhau Trên Đường Về) và được nhạc sĩ này chỉ cho một cách là mua cuốn sách dạy viết nhạc tên là Để Sáng Tác Một Bài Nhạc Phổ Thông của nhạc sĩ Hoàng Thi Thơ xuất bản năm 1955. Đây có thể xem là cuốn sách “gối đầu giường” của rất nhiều nhạc sĩ miền Nam thời đó, như là Thanh Sơn, Thăng Long… Nhờ sách của nhạc sĩ Hoàng Thi Thơ mà cả một thế hệ nhạc sĩ đã thành danh, trong đó có nhạc sĩ Ngọc Sơn.

Sau một thời gian dài mày mò tự học theo cuốn sách này, những ca khúc đầu tiên của nhạc sĩ Ngọc Sơn được thành hình. Ca khúc đầu tiên của ông được xuất bản là Ngõ Vào Đời, được viết dựa theo điệu hát ru con, nhưng không bán được.


Click để nghe Hoàng Oanh hát Ngõ Vào Đời

Sau đó, nhờ có nhạc sĩ Thu Hồ giới thiệu, Ngọc Sơn được nhạc sĩ Nguyễn Văn Đông nhận vào làm trong hãng dĩa Continental, và ca khúc Ngõ Vào Được được đưa cho ca sĩ Hoàng Oanh thu âm. Ngay sau đó ông viết Đầu Năm Đi Lễ và được Hà Thanh thu âm vào dĩa nhạc Continental. Từ lúc đó, nhạc sĩ Ngọc Sơn có những bước đi vững vàng hơn trong sự nghiệp sáng tác nhờ có sự nâng đỡ của nhạc sĩ Nguyễn Văn Đông.

Cũng tại hãng Continental, nhạc sĩ Ngọc Sơn được giao cho kèm cặp ca sĩ Giao Linh. Trước đó nhạc sĩ Nguyễn Văn Đông đã nhận cô ca sĩ mới 16 tuổi này làm học trò, lên chương trình đào tạo để lăng xê, nhưng ông không trực tiếp dạy nhạc mà giao xuống cho cấp dưới phụ trách, từ đó ca sĩ Giao Linh theo học Ngọc Sơn và được ông tập cho nhiều bài hát đã làm nên tên tuổi của cô, như Màu Tím Pensee, Đom Đóm, Không Bao Giờ Quên Anh.

Được một thời gian, nhạc sĩ Ngọc Sơn rời Continental và chuyển sang làm giám đốc nghệ thuật cho hãng dĩa Dư Âm. Đây là hãng dĩa mới thành lập cho người chủ của hãng Tân Thanh (hãng dĩa chuyên về cải lương, cổ nhạc) bỏ vốn thành lập, mời nhạc sĩ Ngọc Sơn về phụ trách. Vì hãng dĩa còn mới nên ngoài chức danh giám đốc, nhạc sĩ Ngọc Sơn còn kiêm luôn biên tập, giám sát thu âm và sản xuất…

Dĩa hát Dư Âm

Ngoài ra, vào thập niên 1970, nhạc sĩ Ngọc Sơn còn mở một lớp dạy nhạc lớp dạy nhạc ở đường Phạm Ngũ Lão gần rạp Khải Hoàn. Lớp nhạc có 400 học viên, ông mời thêm các nhạc sĩ Y Vũ, Phượng vũ và Đài Phương Trang (là cháu ruột) về phụ dạy nhạc.

Xin nói thêm về trường hợp nhạc sĩ Ngọc Sơn viết nhạc chung với Đài Phương Trang. Nhiều người đã biết rằng có 3 ca khúc nổi tiếng được ký tên chung Đài Phương Trang – Ngọc Sơn, đó là Hoa Mười Giờ, Màu Tím Pensee Mùa Pensee Nở. Tuy nhiên khi trao đổi với người viết, nhạc sĩ Ngọc Sơn nói cả 3 bài này đều của Đài Phương Trang sáng tác. Lúc đó Đài Phương Trang mới chỉ là nhạc sĩ trẻ vô danh, nên khi viết nhạc xong thì đã để thêm tên người cậu ruột là Ngọc Sơn vào để thuận tiện hơn trong việc được chọn thu âm và phát hành.

Trong chương trình Jimmy Show, nhạc sĩ Ngọc Sơn nói rằng dù ông có nhiều sáng tác, nhưng có 3 bài hát mà ông nhớ nhiều nhất, được viết cho một mối tình khắc cốt ghi tâm: 100 Phần Trăm, Còn Gì Nói Đêm Nay Nét Son Buồn.


Click để nghe Hùng Cường hát 100%

Cả 3 bài hát đều được viết cho một mối tình sâu sắc của ông dành cho một nữ sinh mà sau này ông không hề giấu giếm với ai, ngay cả với vợ của mình. Ông kể lại vào năm 1968, xảy ra biến cố Mậu Thân diễn ra ở đô thành, lúc đó ông ở trong quân ngũ và đơn vị đóng quân ở Trường trung học Bác Ái Học viện (Collège Fraternité), nay là Đại Học Sài Gòn ở đường Nguyễn Trãi. Thời điểm đó bên quận 8 có trận đánh, người dân chạy loạn qua bên trường để tản cư và tạm trú, đơn vị của nhạc sĩ Ngọc Sơn nhận được lịnh sắp xếp cho những người này có chỗ ở tạm thời, chịu trách nhiệm bảo vệ an toàn cho người dân.

Nhạc sĩ Ngọc Sơn trong quân ngũ

Trong số những người chạy loạn này có một cô gái còn rất trẻ, 17-18 tuổi, đang học trung học ở trường Hưng Đạo ở đường Cống Quỳnh (nay là trường Sân Khấu Điện Ảnh). Ngọc Sơn và cô gái phải lòng nhau. Tuy nhiên cô gái trẻ này không hề biết gì về chuyện những người lính đang bị cấm trại 100% ở vào lúc dầu sôi lửa bỏng đó (Mậu Thân), không người lính nào được ra đường. Cô gái rủ đi xem phim, rủ đi Vũng Tàu… nhưng chàng lính Ngọc Sơn không thể đi được. Sợ người yêu giận nên ông đã viết thành bài 100 Phần Trăm để giải thích cho người yêu, mong sự thông cảm của cô gái:

Một trăm em ơi chiều nay một trăm phần trăm
Người yêu anh ơi giờ đây lại cấm trại rồi…

Họ yêu nhau được hơn 1 năm thì phải chia tay vì gia đình của cô gái không đồng ý, một phần là do không muốn cô gái quen với nghệ sĩ. Đêm chia tay, họ đứng yên lặng bên nhau trong sân trường Bác Ái. Cô gái đã khóc không ngừng. Dù rất yêu nhưng cô cùng đành vì chữ hiếu mà lìa xa. Sau đêm đó, nhạc sĩ Ngọc Sơn đã viết ca khúc Còn Gì Nói Đêm Nay để ghi dấu một đêm buồn định mệnh.

Đêm chia ly, họ đã khóc rất nhiều. Dường như chỉ một ca khúc Còn Gì Nói Đêm Nay thì không thể nói hết được tâm tư đau đớn của mình, nhạc sĩ Ngọc Sơn viết tiếp Nét Son Buồn để gửi cố nhân:

Khóc đi khóc cho vơi sầu
Em khóc đi, khóc duyên hững hờ.
Để lại dấu tích trong đời…

Ngoài vai trò là nhạc sĩ, ca sĩ, vũ công, Ngọc Sơn còn là một nhiếp ảnh gia từ năm 19 tuổi. Cho đến nay, dù đã ở tuổi gàn 90, ông vẫn miệt mài cầm máy để đi khắp các vùng để chụp lại những khoảnh khắc đẹp. Ông còn là một hoạ sĩ vẽ minh hoạ cho các tạp chí, và đó cũng là nghề ông đã mưu sinh trong thời gian khó khăn sau năm 1975: vẽ tranh thuỷ mặc, sơn mài, sơn dầu, vẽ áo dài…

Hiện nay, ông đang sống những năm an nhàn bên người vợ hiền lâu năm tại căn nhà nhỏ ở đường Vũ Tùng phía sau lưng lăng tả quân Lê Văn Duyệt. Sức khoẻ tuổi U90 của ông vẫn rất tốt và minh mẫn. Thậm chí ông vẫn còn làm việc, thường xuyên viết nhạc phim cho các phim truyền hình hiện nay. Ông cũng là hội viên PSA (Photographic Society of America) Mỹ, hội viên ISF (Image Sans Frontiere) Pháp và hội viên Câu Lạc bộ nhiếp ảnh Gia Định.

Bài: Đông Kha
Bản quyền bài viết của nhacxua.vn

Exit mobile version