Nhạc sĩ Mạnh Phát là một trong những tên tuổi tiêu biểu của nhạc vàng trước 1975 với nhiều ca khúc nổi tiếng: Nỗi Buồn Gác Trọ, Dấu Chân Kỷ Niệm, Hoa Nở Về Đêm, Sương Lạnh Chiều Đông… Ngoài bút danh Mạnh Phát, ông còn sáng tác với bút danh Thúc Đăng và Tiến Đạt.
Trước khi là nhạc sĩ nổi tiếng, Mạnh Phát còn là một trong những ca sĩ thời kỳ tiên phong của tân nhạc, ông kết hợp cùng với vợ là Minh Diệu để trở thành đôi song ca Mạnh Phát – Minh Diệu nổi tiếng trên đài phát thanh Pháp Á từ cuối thập niên 1940. Ngoài ra ông cũng được biết đến với vai trò là thầy dạy hát cho danh ca Thanh Tuyền và dạy nhạc cho nhạc sĩ Thanh Phương.
Ông tên đầy đủ là Lê Mạnh Phát, sinh năm 1926 tại Nghệ An. Năm 1940, Mạnh Phát cùng gia đình vào Sài Gòn định cư. Sau khi học xong bậc trung học, ông được mời hát cho hai hãng đĩa Béka và Asia.
Từ cuối năm 1949 đến năm 1955, Mạnh Phát bắt đầu soạn nhạc với bút danh Tiến Đạt và Thúc Đăng. Một số sáng tác của ông giai đoạn này là Ai Về Quê Tôi, Anh Đã Về, Hồn Trai Việt, Mong Người Trở Lại, Trăng Sáng Trong Làng,… Năm 1958, Mạnh Phát đóng vai chính trong phim “Tình Quê Ý Nhạc” (cũng là tên một bản nhạc của ông).
Đầu thập niên 1960, nhạc sĩ Mạnh Phát cùng với một số nhạc sĩ cùng thời khác như Hoàng Thi Thơ, Châu Kỳ, Hoài Linh, Minh Kỳ, Lam Phương, Trúc Phương…, là những nhạc sĩ đầu tiên sáng tác thể loại nhạc vàng đại chúng với các thể điệu bolero, rhumba, habanera… Những ca khúc tiêu biểu nhất của ông trong thể loại này là Hoa Nở Về Đêm, Ngày Xưa Anh Nói, Sương Lạnh Chiều Đông, Phố Vắng Em Rồi, Vọng Gác Đêm Sương,…
Năm 1962, giám đốc hãng Continental là nhạc sĩ Nguyễn Văn Đông đưa cô gái trẻ tên là Phạm Như Mai từ Đà Lạt về Sài Gòn lăng-xê và giao cho Mạnh Phát – Minh Diệu đào tạo và luyện giọng để trở thành ca sĩ. Như Mai ở nhờ nhà của Mạnh Phát – Minh Diệu để từ đó bắt đầu tạo nên một sự nghiệp ca hát lẫy lừng, trở thành danh ca nhạc vàng là Thanh Tuyền.
Ngoài ra, Mạnh Phát còn phụ trách chương trình “Tiếng Ca Gửi Người Tiền Tuyến” trên Đài Tiếng nói Quân đội của VTVN.
Ca sĩ Phương Dung là người trình bày thành công nhiều ca khúc của nhạc sĩ Mạnh Phát là Nỗi Buồn Gác Trọ, Sương Lạnh Chiều Đông, Hoa Nở Về Đêm… cho biết ông là một người thầy rất khó tính, mỗi khi có bài hát mới ông đều đến nhà và tập cho Phương Dung hát đúng ý, đúng tâm tình của từng ca khúc riêng biệt.
Khi đang ở đỉnh cao của sự nghiệp, nhạc sĩ Mạnh Phát qua đời ngày 2 tháng 1 năm 1973 tại Sài Gòn, khi mới 47 tuổi.
Sau đây, mời các bạn nghe lại những ca khúc hay nhất của nhạc sĩ Mạnh Phát được thu âm trước 1975:
Nỗi Buồn Gác Trọ
Ca khúc Nỗi Buồn Gác Trọ của nhạc sĩ Mạnh Phát, lời của nhạc sĩ Hoài Linh được sáng tác khoảng đầu năm 1960, nổi tiếng qua tiếng hát Phương Dung cả trước và sau năm 1975. Phương Dung đã hát bài này khi cô mới 16 tuổi (năm 1961), sau đó bài hát được đưa vào phim Saigon By Night năm 1962 của hãng phim Alpha (giám đốc Thái Thúc Nha). Từ đó ca khúc này nổi tiếng vang dội khắp miền Nam và làm nên tên tuổi ca sĩ Phương Dung, lúc đó mới 17 tuổi.
Hoàn cảnh sáng tác ca khúc này được ca sĩ Phương Dung kể lại rằng thời đó nhạc sĩ Mạnh Phát có quen biết một anh sinh viên nghèo, ở trọ trong một căn gác nhỏ. Mỗi mùa trôi qua, chàng sinh viên lại thấy một người thiếu nữ trong xóm trọ đi lấy chồng. Dù anh có thầm thương trộm nhớ cô gái nào thì tình cảm đó cũng không thành hoặc chưa kịp thổ lộ thì họ đã lên xe hoa. Nhạc sĩ Mạnh Phát thấu hiểu tâm trạng của chàng thanh niên đó nên tức cảnh sáng tác nên ca khúc Nỗi Buồn Gác Trọ…
Gác lạnh về khuya cơn gió lùa
trăng gầy nghiêng bóng cài song thưa
nhớ ai mà ánh đèn hiu hắt
lá vàng nhè nhẹ đưa tưởng như bước lê hè phố
Click để nghe Phương Dung hát Nỗi Buồn Gác Trọ trước 1975
Hoa Nở Về Đêm
Ca khúc Hoa Nở Về Đêm là một sáng tác rất nổi tiếng của nhạc sĩ Mạnh Phát, viết về tình yêu với một người con gái tên Hoa. Người nhà của nhạc sĩ tiết lộ hoàn cảnh sáng tác bài hát là vào khoảng thời gian ở Huế, ông quen biết và say đắm trước nhan sắc của cô gái trẻ tên Hoa ấy. Vì công việc nên hai người chỉ gặp nhau, hẹn hò vào buổi tối nên nhạc sĩ Mạnh Phát lấy đó làm cảm hứng mà viết nên nhạc phẩm ngọt ngào, da diết của Hoa Nở Về Đêm.
Chuyện từ một đêm cuối nẻo một người tiễn một người đi
Đẹp tựa bài thơ nở giữa đêm sương nở tận tâm hồn…
Click để nghe Dạ Hương hát Hoa Nở Về Đêm trước 1975
Sương Lạnh Chiều Đông
Bài hát Sương Lạnh Chiều Đông của nhạc sĩ Mạnh Phát, mô tả giờ phút tiễn đưa nghẹn ngào của một đôi tình nhân: Nắng lưa thưa của buổi chiều đông sương lạnh làm cho đôi bóng in nghiêng trên mặt đường, bóng người vẫn quấn quít không muốn rời, vì ngay sau đó sẽ là giờ phút của chia ly, và rất có thể đó là lần sau cùng còn được gặp gỡ…
Chiều xưa phai nắng dấu mòn đưa lối.
Soi bóng chung đôi mà hóa chia phôi.
Sương lạnh chiều đông vương tiếng thở
của người nguyện đợi chờ, nghẹn ngào giờ tiễn đưa.
Click để nghe Phương Dung hát Sương Lạnh Chiều Đông trước 1975
Phố Vắng Em Rồi
Phố Vắng Em Rồi là một trong những ca khúc nổi tiếng nhất của nhạc sĩ Mạnh Phát được sáng tác vào thập niên 1960 dựa theo ý thơ của Hoàng Ngọc Liên:
Mưa khuya hắt hiu xuyên qua mành tình ngăn cách rồi
Đêm qua trắng đêm mơ thương hình bóng cũ xa xôi
Em ơi bước đi xa nhau rồi ngày vui đâu còn
Đèn vàng nhòa sương chưa tắt, khu phố xưa lạnh buồn tênh
Click để nghe Thanh Tuyền hát Phố Vắng Em Rồi trước 1975
Dấu Chân Kỷ Niệm
Ca khúc Dấu Chân Kỷ Niệm được nhạc sĩ Mạnh Phát sáng tác với bút danh Thúc Đăng, là một trong những bài nhạc vàng buồn nhất vì nói về sự sinh ly tử biệt của đôi lứa tuổi còn xuân…
Chuyện tình đôi mươi chan chứa không bao giờ vơi
Như dòng suối tình êm ái
Có anh và em còn ai còn ai nữa,
đã yêu nhau trong cuộc đời
Click để nghe Thanh Tuyền hát Dấu Chân Kỷ Niệm trước 1975
Ngày Xưa Anh Nói
Đây cũng là một ca khúc khác được nhạc sĩ Mạnh Phát sáng tác với bút danh Thúc Đăng. Trong tờ nhạc phát hành, bài hát ghi tên 2 người là Thúc Đăng – Thanh Tuyền. Trong Jimmy Show, ca sĩ Thanh Tuyền cho biết nội dung bài hát Ngày Xưa Anh Nói là cô có ý tưởng sáng tác với cảm xúc từ rung động mối tình chớm nở của chính mình, sau đó cô phác thảo thành một bài hát, rồi nhờ thầy là nhạc sĩ Mạnh Phát hoàn thiện.
Ngày xưa anh nói: Anh thương có em thôi không ai ngoài em nữa
Ngày xưa anh nói: Em như áng mây trôi theo anh về cuối trời
Muôn kiếp xây đời, dựng lều hoa bên suối, sống cho nhau mà thôi
Những lúc sương chiều rơi và khi gió lơi
Rồi mùa đông băng giá em không ngại sầu côi.
Click để nghe Thanh Tuyền hát Ngày Xưa Anh Nói trước 1975
Vọng Gác Đêm Sương
Vọng Gác Đêm Sương là một sáng tác rất nổi tiếng của nhạc sĩ Mạnh Phát được viết vào khoảng đầu thập niên 1960. Ca khúc có nội dung là câu chuyện tình yêu nhẹ nhàng, chất chứa những ước vọng tương phùng của một người lính lên đường ra trận lúc tuổi đời còn rất trẻ, gác lại những mộng mơ yêu đương của lứa tuổi đôi mươi.
Buông khói gây thơ, tôi kể người nghe một chuyện tâm tình
Nửa đêm giá lạnh, bỗng nghe ấm một tình thương trong tim
Sương rớt trên vai, qua ngõ hồn trai vào lòng đêm dài
Gác súng biên thùy một cơn gió buốt khơi chuyện ngày qua.
Click để nghe Phương Dung hát Vọng Gác Đêm Sương trước 1975
Đêm Không Trăng Sao
Click để nghe Phương Dung hát Đêm Không Trăng Sao trước 1975
Đợi Sáng
Click để nghe Phương Dung hát Đợi Sáng trước 1975
Hoa Nở Một Lần Thôi
Click để nghe Trúc Mai hát Hoa Nở Một Lần Thôi trước 1975
Gửi Cánh Mây Trời
Click để nghe Phương Dung hát Gửi Cánh Mây Trời trước 1975
Trăng Sáng Trong Làng
Click để nghe Thanh Lan hát Trăng Sáng Trong Làng trước 1975
Đông Kha (nhacxua.vn) biên soạn