Nhạc sĩ hòa âm Lê Văn Thiện, thường được giới nghệ sĩ gọi là “nhạc sư Lê Văn Thiện”, là một trong những nhạc sĩ hòa âm hàng đầu của Việt Nam từ trước năm 1975, và cũng là thầy của rất nhiều nhạc sĩ hòa âm trong làng văn nghệ Việt Nam từ trong nước cho đến khi sang hải ngoại.
Trước năm 1975, nhạc sĩ Lê Văn Thiện là trưởng ban của nhiều ban nhạc, từ đài phát thanh, truyền hình cho đến các phòng trà. Ông đã soạn hòa âm cho gần hết các trung tâm băng nhạc như Shotguns, Asia Sóng Nhạc, Thương Ca, Hương Quê, Trường Sơn, Diễm Ca, Nhã Ca, Họa Mi, Hoàng Oanh…
Sau 1975, sau khi sang đến Mỹ đầu thập niên 1980, ông đã hòa âm cho nhiều trung tâm lớn ở hải ngoại như Làng Văn, Giáng Ngọc, Diễm Xưa, Thanh Thúy, Thanh Lan, Asia…
Chỉ trong vòng hơn 20 năm, nhạc sĩ Lê Văn Thiện đã hòa âm cho hơn một ngàn cuốn băng/CD ở hải ngoại, chưa kể các loại băng dĩa trước 1975. Đó là một kỷ lục chưa từng có của thế giới.
Trước thời kỹ thuật số hiện đại như ngày nay, các nhạc sĩ hòa âm ngày xưa phải viết nhạc ra giấy rồi mời các nhạc sĩ trình diễn tới phòng thu chơi đàn và thu âm trực tiếp, đòi hỏi nhiều công phu. Không như hiện nay, kỹ thuật hòa âm đã được sự trợ giúp rất nhiều của công nghệ và máy tính.
Nhạc sĩ Lê Văn Thiện được nhiều nghệ sĩ khác kính trọng, yêu mến vì tính tình hiền lành, khiêm nhường và họ xem ông như một người anh trong gia đình.Không phải tự nhiên khi nhắc đến nhạc sĩ Lê Văn Thiện, hầu hết các ngôi sao ca nhạc của “Sài Gòn xưa” đều gọi ông là “Sư Phụ”.
Nhận xét về nhạc sư Lê Văn Thiện, xin trích lời của nhạc sĩ Kỳ Phát (chủ bút tập san Trẻ Magazine): “Nhạc sĩ Lê Văn Thiện là một người hiền lành, luôn nhã nhặn với anh em nhạc sĩ, ca sĩ. Ông sẵn sàng giúp đỡ, đào tạo những ca sĩ mới vào nghề và chẳng bao giờ làm buồn lòng ai. Trong giới nghệ sĩ chúng tôi, ai cũng quý mến ông”. Còn cố nghệ sĩ Hoàng Thi Thao nói: “Gần như suốt ngày ông Thiện sống trong phòng thu thanh”.
Nhạc sư Lê Văn Thiện sinh năm 1928 tại Sài Gòn. Cha của ông chơi đàn accordeon và flute, thường tổ chức hòa nhạc tại gia cùng với những người bạn, chính vị thân sinh đã gieo niềm đam mê âm nhạc và những nền tảng nhạc lý đầu đời cho Lê Văn Thiện.
Năm 1942, ông có dịp gặp gỡ nhạc sĩ Võ Đức Tuyết (là anh của các nhạc sĩ Võ Đức Thu, Võ Đức Hảo, Võ Đức Phấn), là một dương cầm thủ nổi tiếng thời đó, nên liền xin theo học. Khi đã thông tạo ngón đàn piano, ông bắt đầu tham gia những buổi hòa nhạc thường xuyên tại gia cùng với cha của mình.
Đến năm 1948, khi gặp gỡ nhạc sĩ Trần Văn Lý, ông được học thêm về contre bass và rèn luyện thêm kỹ năng piano thuần thục và cùng nhau đi biểu diễn các phòng trà thời bấy giờ. Cũng trong thời gian này, ông tìm hiểu và học cách thức hòa âm, nhờ chơi được nhiều loại nhạc cụ khác nhau và am hiểu sâu về từng loại, Lê Văn Thiện học nghề hòa âm được rất nhanh, nhờ vậy mà những buổi hòa nhạc của ông trở nên linh động, hấp dẫn và cuốn hút.
Vào năm 1950, ông đã được mời trình diễn tại hầu hết các phòng trà ca nhạc, vũ trường lớn như Grand Monde, Arc en Ciel, Văn Cảnh, Olympia, Tour d’Ivoire, Croix du Sud… Thời điểm đó, ông là người đệm đàn cho hầu hết những danh ca ở Sài Gòn, tiêu biểu là Mạnh Phát, Minh Diệu, Minh Trang và ban hợp ca Thăng Long với Thái Thanh, Thái Hằng, Hoài Trung, Hoài Bắc.
Đầu thập niên 1960, Lê Văn Thiện cộng tác với vũ trường Đại Nam, đệm đàn các ca sĩ như Bích Chiêu, Yến Hương, Jo Marcel… làm say mê giới yêu nhạc Saigon. Thời gian này thành phần ban nhạc đã phát triển phong phú hơn, với Đan Thọ chơi saxophone, Văn Ba chơi trompette, Huỳnh Anh đánh trống, Văn Hạnh guitar… Ông cùng với các nhạc sĩ Nguyễn Quí Lãm, Nguyễn Hiền và một số nhạc sĩ khác biểu diễn trong chương trình “Tiếng Tơ Đồng” của nhạc sĩ Hoàng Trọng trên đài truyền hình.
Hoạt động thành công nhất của Lê Văn Thiện phải kể đến công việc hòa âm cho các hãng băng dĩa nhạc. Cùng với các nhạc sĩ Nghiêm Phú Phi, Văn Phụng và Y Vân thì nhạc sĩ Lê Văn Thiện là nhạc sĩ hòa âm nổi tiếng nhất trước 1975, nhận được sự tin cậy của nhiều hãng thu âm, đầu tiên là các hãng dĩa lớn nhất Sài Gòn ngày đó là Asia, Hãng Dĩa Việt Nam, Continental, rồi sau này là các trung tâm Shotguns, Trường Sơn, Diễm Ca, Nhã Ca, Thương Ca, Hương Quê, Trường Sơn, Nhã Ca, Họa Mi, Hoàng Oanh…
Đến năm 1971, khi nhạc sĩ Ngọc Chánh cùng ban nhạc Shotguns hợp tác với Thanh Thúy khai thác phòng trà Queen Bee, và Quốc Tế, ông đã được mời làm trưởng ban nhạc, hoà âm và đàn piano biểu diễn hàng đêm…
Trước nbăm 1975, vợ của nhạc sư Lê Văn Thiện là ngôi sao điện ảnh Ngọc Thúy, người đã không may bị nạn trong vụ nổ ở phòng trà Tự Do của ca sĩ Khánh Ly. Dưới đây là hình của bài báo nói về vụ việc đầy thương tiếc này:
Sau năm 1975, ông làm trưởng ban nhạc đoàn cải lương Kim Cương một thời gian dài cho đến năm 1982 thì được Thanh Thúy bảo lãnh sang Mỹ. Tại đây ông tiếp tục sự nghiệp hoà âm, trở thành người hòa âm nhiều nhất cho các loại băng đĩa phát hành ở hải ngoại.
Như nhà thơ Nguyên Sa từng viết rằng: Băng nhạc nào muốn bán chạy, phải có mấy chữ “Hòa âm Lê Văn Thiện” thì mới làm người mua băng chú ý tới.
Ông đã cộng tác với hầu hết các trung tâm lớn nhất ở hải ngoại là Làng Văn, Giáng Ngọc, Diễm Xưa, Thanh Thúy, Thanh Lan, Asia…
Sáng sớm ngày 1 tháng 11 năm 2009, nhạc sư Lê Văn Thiện đã trút hơi thở cuối cùng, hưởng thọ 81 tuổi.
Mời nghe 1 trong hàng ngàn CD do nhạc sĩ Lê Văn Thiện hòa âm:
Click để nghe
Hình ảnh một số băng dĩa nhạc do Lê Văn Thiện hòa âm:
nhacxua.vn tổng hợp và biên soạn