Trong làng nhạc Sài Gòn trước 1975, nhạc sĩ Lê Hựu Hà là người đã có nhiều đóng góp cho nhạc Việt nói chung và nhạc trẻ nói riêng, với những bước đi tiên phong mang tính khai phá. Ông là một trong những người Việt hoá nhạc trẻ Âu – Mỹ đầu tiên ở Việt Nam, ban đầu là soạn lời Việt cho nhạc ngoại, sau đó là tự sáng tác hoàn toàn nhạc Việt theo phong cách pop-rock.
Khi mà làng nhạc trẻ Sài Gòn thập niên 1970 hầu hết là các ban hát nhạc nước ngoài, hoặc hát lời Việt của các nhạc nước ngoài nổi tiếng, thì nhạc sĩ Lê Hựu Hà kiên định theo con đường sáng tác nhạc trẻ Việt, với nhiều ca khúc tiêu biểu: Tôi Muốn, Yêu Em, Yêu Đời Yêu Người, Hãy Vui Lên Bạn Ơi, Hãy Ngước Mặt Nhìn Đời… Có thể xem Lê Hựu Hà cùng những người bạn trong ban Phượng Hoàng đã đặt nền móng cho loại nhạc rock Việt sau này, và ban Phượng Hoàng (với 2 nhân vật chủ chốt là Lê Hựu Hà và Nguyễn Trung Cang) cũng được xem là ban nhạc rock Việt đầu tiên.
Theo quan điểm của nhạc sĩ Tuấn Khanh thì Lê Hựu Hà là một trong những nhạc sĩ bị “underrated” (bị đánh giá thấp hơn giá trị đóng góp) nhất trong làng nhạc Việt từ xưa đến nay, khi giá trị mang tính tiền phong và khai phá của ông vẫn đang xuất hiện ở mọi nẻo của âm nhạc hiện đại, nhưng công lao đó lại bị phủ lấp vì nhiều lý do.
Nhạc sĩ Lê Hựu Hà sinh ngày 5 tháng 6 năm 1946 tại Sài Gòn trong một gia đình Phật giáo, với Pháp danh là Đồng Thành. Ông là con thứ 2 trong gia đình, cha mẹ đều là công chức và nhà giáo, hoàn toàn không có ai yêu thích và theo đuổi nghệ thuật, vì vậy dù yêu thích âm nhạc ngay từ nhỏ nhưng Lê Hựu Hà luôn bị cha cấm đoán và ngăn cản. Theo lời kể của những người em trong gia đình, ngay từ thời trung học, Lê Hựu Hà thường phải nói dối cha là đi học văn hoá nhưng thực chất là lén đi tập đàn. Chính vì hoàn cảnh éo le này mà Lê Hựu Hà không được học hành bài bản, chủ yếu là tự học.
Vì giỏi Tiếng Anh nên nhạc sĩ Lê Hựu Hà thường nghe rất nhiều các loại nhạc Âu – Mỹ, đến năm 17 tuổi bắt đầu tập tành sáng tác những ca khúc đầu tay theo phong cách trẻ trung, nhưng gia đình vẫn không hay biết.
Gia đình chỉ biết chuyện Lê Hựu Hà chơi đàn và sáng tác nhạc trong một lần tình cờ nhìn thấy ông xuất hiện trên truyền hình, đang trình diễn cùng ban nhạc Hải Âu ông thành lập. Tuy nhiên, việc này vẫn không làm lay chuyển quan điểm của cha Lê Hựu Hà đối với giới nghệ sĩ và nghệ thuật. Do vậy, trong suốt nhiều năm, nhạc sĩ Lê Hựu Hà phải luôn sống trong hai vai trò, ban ngày là một viên chức ngân hàng mẫn cán, còn ban đêm thì trở thành một nghệ sĩ đúng với đam mê của mình.
Ông từng tâm sự:
“Tôi sinh năm 1946, là dân Sài Gòn chính gốc. Gia đình rất khó nên không dễ gì đến với âm nhạc. Từ nhỏ đến lớn ông bà già chỉ muốn tôi làm viên chức nhà nước. Thế là tôi trở thành một viên chức ngân hàng mấy chục năm. Tuy nhiên vì yêu âm nhạc từ thuở nhỏ, nên ban ngày thì làm việc, ban đêm tôi lén học nhạc, rồi làm nhạc công ở các club và sau đó chính thức hoạt động âm nhạc chủ yếu ở lĩnh vực biểu diễn. Còn sáng tác ca khúc, trước tiên tôi viết cho chính tôi. Tôi dùng âm nhạc để giải toả những tình cảm khi vui, khi buồn của chính mình”.
Ngược lại với người cha hà khắc, mẹ Lê Hựu Hà lại rất thương con. Bà âm thầm ủng hộ con bằng cách ngồi canh cửa hàng đêm, chờ Lê Hựu Hà đi diễn khuya về để mở cửa cho con vào nhà.
Từ cánh chim báo bão Hải Âu…
Năm 1966, khi đang là sinh viên trường Đại học văn khoa Sài Gòn, ban nhạc Hải Âu do Lê Hựu Hà thành lập từ năm 1965 có dịp trình diễn tại Đại nhạc hội Học sinh – Sinh viên diễn ra ở Trường trung học Lasan Taberd (này là trường Trần Đại Nghĩa ở đường Nguyễn Du). Trong số thành viên ban nhạc, có một giọng ca nữ mới chỉ học lớp 11 sau này trở thành nữ ca sĩ nổi tiếng Thanh Lan. Trong buổi diễn này, ban nhạc Hải Âu có dịp trình diễn một số ca khúc Việt hoá mang phong cách trẻ trung, hiện đại với dàn nhạc điện tử. Những thể nghiệm táo bạo này của Lê Hựu Hà và nhóm bạn chính là khởi đầu cho trào lưu âm nhạc Việt mới mẻ, cuồng nhiệt và sôi động tại Sài Gòn.
Một số ca khúc đầu tay của Lê Hựu Hà cũng được ban nhạc Hải Âu đem ra trình diễn nhưng không đủ độ ép phê với khán giả trẻ thời bấy giới vốn chỉ thần tượng và đam mê các bản nhạc ngoại quốc.
Có thể nói, mặc dù ban nhạc Hải Âu không gây được sự phấn khích cần có trong giới trẻ để phát triển mạnh mẽ như nhiều ban nhạc chuyên trình diễn nhạc ngoại thời đó như Spotlights của Tuấn Ngọc, Les Fanatics của Công Thành, Les Vampires của Đức Huy,… nhưng việc một ban nhạc trẻ dám mạo hiểm thử sức với loại nhạc trẻ sôi động thuần Việt đã gây ra nhiều bất ngờ cho giới thưởng nhạc.
Sau buổi trình diễn cuối cùng tại Đại nhạc hội nhạc trẻ, ban Hải Âu tan rã, Lê Hựu Hà vẫn kiên định với con đường sáng tác nhạc trẻ Việt cho người Việt.
…đến ban nhạc Phượng Hoàng huyền thoại
Đầu thập niên 1970, hầu hết các ban nhạc trẻ tại Sài Gòn đều tham gia vào trào lưu “Việt hoá” các ca khúc nhạc ngoại để trình diễn. Lê Hựu Hà có cơ duyên gặp gỡ với nhạc sĩ Nguyễn Trung Cang khi đó đang là nhạc sĩ của ban Rolling Sound.
Ngày 15 tháng 6 năm 1971, tại phòng trà Đêm Màu Hồng của nhạc sĩ Phạm Đình Chương, đôi bạn nhạc sĩ tâm đầu ý hợp Lê Hựu Hà và Nguyễn Trung Cang chính thức cho ra mắt ban nhạc Phương Hoàng với chủ trương Người Việt chơi nhạc Việt. Tinh thần này được thể hiện ngay từ tên gọi của ban nhạc là Phượng Hoàng, chứ không phải là một tên gọi ngoại quốc nào đó như nhiều ban nhạc khác. Ngoài việc trình diễn các ca khúc nhạc ngoại lời Việt, ban Phượng Hoàng còn nổi tiếng với các ca khúc nhạc Pop, Rock thuần Việt do chính hai nhạc sĩ Lê Hựu Hà Và Nguyễn Trung Cang sáng tác.
Tuy nhiên, khi vừa mới ra mắt, Ban Phượng Hoàng đã chọn địa điểm là phòng trà Đêm Màu Hồng, không phải là môi trường thích hợp cho nhạc trẻ, vì không mấy khi sinh viên – học sinh vào phòng trà nghe nhạc, và họ cũng không đủ tiền để vào những nơi sang trọng đó. Nhạc cho sinh viên – thanh niên phải là sân trường đại học, sân khấu ngoài trời, nơi có thể tiếp cận được số lượng đông đảo khán giả cùng hòa nhịp theo những giai điệu sôi động. Tuy nhiên những sân chơi như vậy không có thường xuyên, nên Ban Phượng Hoàng dời sang hoạt động ở các phòng trà khác là Queen Bee hoặc Maxim’s.
Lúc này hai giọng ca chính của nhóm là Hoài Khanh và Mai Hoa, vốn là ca sĩ riêng của phòng trà Đêm Màu Hồng, không thể đi theo cùng ban nhạc nên phải rời nhóm.
Click để nghe Elvis Phương hát Yêu Em (Lê Hựu Hà) trước 1975
Tại Queen Bee, nhạc sĩ Lê Hựu Hà gặp được giọng ca đầy nội lực, nam tính và trẻ trung của Elvis Phương. Sau khi Elvis Phương thu thanh ca khúc Yêu Em của Lê Hựu Hà và khiến ca khúc trở thành bản hit trong giới trẻ, Lê Hựu Hà quyết định mời Elvis Phương tham gia vào ban nhạc Phượng Hoàng. Từ đây, ban Phượng Hoàng bắt đầu hành trình chinh phục giới trẻ Sài Gòn bằng những nhạc phẩm thuần Việt.
Những năm 1972 – 1973, trên sân trường Lasan Taberd, các chương trình Đại nhạc hội nhạc trẻ liên tục được tổ chức với sự tham gia của hàng vạn khán giả trẻ cuồng nhiệt (đỉnh điểm là 20.000 người tham dự). Hầu hết những ban nhạc trẻ đình đám của Sài Gòn thời kỳ này đều được mời đến sân khấu âm nhạc khổng lồ này. Đây chính là nơi đưa ban nhạc Phượng Hoàng đến với đông đảo khán giả trẻ Sài Gòn, đưa các thành viên của ban nhạc trở thành những tên tuổi huyền thoại trong lòng người yêu nhạc.
Những ca khúc nhạc trẻ của Lê Hựu Hà như: Tôi Muốn, Hãy Ngước Mặt Nhìn Đời, Yêu Em, Lời Người Điên, Hãy Vui Lên Bạn Ơi, Bài Hát Cho Người Tuổi Trẻ, Huyền Thoại Người Con Gái, Yêu Người Và Yêu Đời,…… được giới trẻ Sài Thành thời đó đặc biệt yêu thích.
Sau 4 năm hoạt động, ban Phượng Hoàng tan rã. Đầu năm 1974, nhạc sĩ Lê Hựu Hà cùng một vài thành viên của nhóm thành lập ban Mây Trắng và trình diễn một số ca khúc mới của ông như: Đôi Khi Ta Muốn Khóc, Hãy Ngước Mắt Nhìn Đời,.. Tuy nhiên, ban nhạc chỉ hoạt động được một thời gian thì biến cố 30-4-1975 xảy đến.
Cuối thập niên 1970, Lê Hựu Hà thành lập ban nhạc Hy Vọng. Đây cũng là một trong những ban nhạc nổi tiếng, có nhiều hoạt động nổi bật hơn cả ở giai đoạn này. Sau khi ban Hy Vọng tan rã, Lê Hựu Hà tiếp tục ra mắt ban nhạc Phiêu Bồng trình bày nhiều ca khúc khúc nổi tiếng của chính mình như: Hãy Yêu Như Chưa Yêu Lần Nào, Vị Ngọt Đôi Môi, Ngỡ Đâu Tình Đã Quên Mình…
Trong sự nghiệp âm nhạc của mình, Lê Hựu Hà còn viết lời Việt cho khoảng 100 ca khúc nhạc ngoại, nổi tiếng nhất trong số đó là Người Đến Từ Triều Châu, Đồng Xanh, Tình Bạn…
Giai đoạn từ sau năm 1998, Lê Hựu Hà hợp tác với nhạc sĩ Tùng Châu thực hiện một số ca khúc độc quyền của Thuý Nga trong chương trình Paris By Night như: Khổ Vì Yêu Nàng, Hai Chiếc Bóng Cô Đơn, Tình Yêu Muôn Thuở, Vị Ngọt Đôi Môi… Các nhạc phẩm này, chủ yếu do Tùng Châu viết nhạc, Lê Hựu Hà viết lời.
Những góc quanh trớ trêu
Đầu năm 1968, như hầu hết người trai thời loạn khác, Lê Hựu Hà nhập ngũ theo lệnh tổng động viên của chính quyền. Sau thời gian học tại trường Thủ Đức, ông được phân về Cục Quân Nhu Gò Vấp, tuy nhiên, ông được giải ngũ sau một thời gian ngắn vì mắt yếu.
Sau ngày 30 tháng 4 năm 1975, do nhầm lẫn ban nhạc Phượng Hoàng của Lê Hựu Hà chính là chương trình Phượng Hoàng của quân đội VNCH, Sở Văn hoá Thông Tin Thành phố đã triệu tập Lê Hựu Hà đi học tập cải tạo tư duy và viết bản tự kiểm điểm. Đồng thời, với lý lịch từng là “nguỵ quân”, từng học và làm việc cho quân đội cũ nên Lê Hựu Hà cũng gặp khá nhiều khó khăn, cản trở trong công việc và đời sống. Đến đầu thập niên 2000, mặc dù đã có thời gian tham gia hoạt động nghệ thuật khá dài trong nước, nhưng nhiều ca khúc Lê Hựu Hà sáng tác trước 1975 vẫn bị cấm lưu hành.
Về đời tư gia đình, Lê Hựu Hà nổi tiếng là tài hoa nhưng đồng thời ông cũng đào hoa không kém.
Người vợ đầu tiền của Lê Hựu Hà là một phụ nữ tên Mai Hương. Hai người quen nhau và kết hôn khi Lê Hựu Hà còn trẻ, vừa bắt đầu sáng tác. Bà chính là nguồn cảm hứng để ông sáng tác ca khúc mang tên Mai Hương được nam ca sĩ Elvis Phương trình bày vào đầu thập niên 1970. Hai người chia tay chỉ sau vài năm kết hôn và cùng có với nhau 2 người con chung.
Sau khi chia tay người vợ đầu, Lệ Hựu Hà còn có thêm 3 đời vợ nữa trước khi đến với người vợ cuối cũng là nữ ca sĩ Nhã Phương (em của ca sĩ Bảo Yến). Theo lời kể của em gái Lê Hựu Hà, trong số 5 người phụ nữ này thì chỉ có 3 người là chính thức trở thành vợ của Lê Hựu Hà, trong đó có tình đầu Mai Hương và ca sĩ Nhã Phương.
Tình cuối với ca sĩ Nhã Phương
Nhạc sĩ Lê Hựu Hà gặp gỡ ca sĩ Nhã Phương lần đầu tiên vào năm 1979 khi Nhã Phương chuyển về công tác tại Ban Văn Nghệ, Đài truyền hình Tp. HCM. Hai người cộng tác với nhau trong một số chương trình văn nghệ của đài, người đàn kẻ hát. Vốn yêu thích nhạc Lê Hựu Hà từ lâu nên sau khi gặp gỡ, cô ca sĩ trẻ nhanh chóng có cảm tình với chàng nhạc sĩ tài danh dù ông đã trải qua tới 4 đời vợ trước đó và lớn hơn cô tới 14 tuổi. Hai người bắt đầu yêu nhau khi Lê Hựu Hà thành lập ban nhạc Hy Vọng, rồi mời Nhã Phương và Bảo Yến cùng tham gia. Trong mắt nhiều nghệ sĩ đồng nghiệp, dù chênh lệch tuổi tác khá lớn, Nhã Phương và Lê Hựu Hà là một cặp đôi đẹp, tài năng tương xứng. Họ đến với nhau không chỉ vì tình yêu mà còn vì mê đắm tài năng của nhau.
Ca sĩ Nhã Phương sau này thừa nhận tình cảm cô dành cho chồng khi đó không chỉ là tình yêu mà còn là sự ngưỡng mộ và thần tượng đối với một tài năng âm nhạc. Cô tâm sự: “Anh ấy rất tài năng. Tôi yêu anh lúc nào không hay!”
Hai người chính thức kết hôn vào năm 1985 khi Nhã Phương vừa tròn 25 tuổi, rồi dọn về sống chung trong căn nhà của cha mẹ Lê Hựu Hà tại số 89 Hồ Hảo Hớn, P. Cô Giang, Q.1 (trước năm 1985 là đường Huỳnh Quang Tiên). Thời gian đầu mới kết hôn, họ sống rất vui vẻ và hạnh phúc. Nhã Phương lần lượt sinh được hai cô con gái Phương Uyên và Phương Khánh.
Theo lời kể của danh ca Bảo Yến, sau 10 năm chung sống, cô đã thấy em gái khổ sở, không hạnh phúc. Lê Hựu Hà dù chung thuỷ với vợ nhưng có phần bảo thủ, gia trưởng và ghen tuông vô lý. Cô đã khuyên Nhã Phương nên chia tay nếu không còn yêu. Nhưng Nhã Phương tâm sự: “Sống với nhau, anh Hà cứ o ép em nhưng anh ấy có quá nhiều kinh nghiệm. Mỗi lần càm ràm, la mắng em xong, anh ấy lại vuốt ve, để em yêu thương anh ấy trở lại. Sau đó, anh ấy lại hành em, cứ lặp đi lặp lại. Anh ấy cao cơ quá”.
Năm 1995, trong một lần đi diễn về, Nhã Phương phát hiện Lê Hựu Hà mắc bệnh tim mạch và huyết áp, bị lịm đi trong nhà không thể ra mở cửa cho cô. Căn bệnh khiến Lê Hựu Hà nhiều lần bị đứng tim, hơi thở rất khó khăn. Lo sợ căn nhà cũ ngột ngạt không tốt cho sức khoẻ của Lê Hựu Hà, Nhã Phương bàn với chồng chuyển về căn nhà số 349 Nguyễn Thượng Hiền của cha mẹ cô. Có lẽ cũng phần vì gia đình con cái, phần vì sức khoẻ của Lê Hựu Hà mà Nhã Phương cứ lần nữa không muốn kết thúc cuộc hôn nhân với chồng. Cô tâm sự:
“Tôi đến với anh Hà và chấp nhận cuộc sống đơn giản, an phận, vượt qua mọi gian nan trong cuộc sống. Danh tiếng hay tiền bạc, giàu có, tôi không màng đến, chỉ muốn sống vui và hạnh phúc bên chồng. Quan điểm cổ hủ ngày xưa chồng chúa vợ tôi cứ ăn sâu trong tâm thức mọi người thời đó. Người đàn ông đối xử với vợ thiếu tôn trọng, gần như áp bức vậy. Và cũng chính điều này đã đánh mất đi hạnh phúc tốt đẹp của nhiều cặp vợ chồng…
Nhưng phải nhìn nhận rằng, sống với anh Hà thật thú vị. Anh ấy như một người thầy, một người anh dạy dỗ cho tôi biết bao điều. Trong những bài hát, lời văn ý nhạc anh Hà viết, đối với tôi là cả sự khâm phục. Anh ấy đã hỗ trợ rất nhiều trong nghề nghiệp của tôi, nhưng giá như anh Hà đừng yêu tôi nhiều quá, như vậy sẽ tốt hơn…“.
Tuy nhiên, càng về sau, trong khi danh tiếng của Nhã Phương càng ngày càng lên cao, thì sự nghiệp của Lê Hựu Hà vì nhiều lý do càng lúc càng đi xuống, báo chí trong nước gần như quên mất tài năng âm nhạc Lê Hựu Hà. Trong giới nghệ thuật, bầu show, Lê Hựu Hà gần như bị cô lập, ông không còn được mời đi diễn, cũng không có sáng tác mới nào đáng nhớ ngoài một số ca khúc viết lời chung với nhạc sĩ Tùng Châu cho trung tâm Thuý Nga. Lê Hựu Hà hầu như thất nghiệp, để lại gánh nặng kinh tế gia đình cho một mình vợ.
Thất chí kèm theo bệnh tật đã biến Lê Hựu Hà thành một người chồng càng lúc càng khắc nghiệt, thường mỉa mai, ghen tuông và đôi khi cả bạo lực. Dù kinh tế không dư dả, nhưng Nhã Phương đi diễn ở đâu, kể cả lưu diễn ở nước ngoài, Lê Hựu Hà nhất định phải đi theo. Hai người nghệ sĩ với hai cái tôi cá nhân va đập vào nhau trong một cuộc hôn nhân bấp bênh. Họ dần không còn tìm được tiếng nói chung:
“Khi sống với anh Hà, đôi khi nghĩ lại, tôi thấy mình đã làm việc quá sức. Có những lúc ốm đau, tôi chẳng được nghỉ ngơi, cứ lao vào đi hát và kiếm tiền trả tiền nhà, trang trải cuộc sống. Tôi làm việc như một cái máy, tất tả chạy từ miền Trung ra Hà Nội rồi lại xuống tận Rạch Giá, Cà Mau… Có lúc rất mệt, người không còn chút sức lực, tôi cũng không được nghỉ ngơi. Anh Hà cứ nói: “Thôi em ráng hát nhé, hát để có tiền trả tiền nhà”. Thế là những lúc bệnh, tôi vẫn đi hát. Có một điều sai lầm với nhiều người làm nghệ thuật, trong đó có cả anh Hà là cứ sống trong mơ tưởng hão huyền. Họ cứ ngỡ mình là nhân vật gì đó quan trọng lắm, nổi tiếng lắm, tên tuổi lắm… Thật hoang tưởng!
Suốt thời gian sống với tôi, anh Hà thường thất nghiệp. Tôi là người lo toan mọi thứ trong gia đình.
Nói như vậy để thấy rõ hơn cuộc sống bấp bênh, nghèo nàn của nhạc sĩ, nhất là lúc ấy luật bảo vệ tác quyền chưa có. Càng lúc, gia đình tôi càng khốn đốn về kinh tế. Điều này khiến anh Hà mệt mỏi, chán chường và thường hay nổi giận vô cớ”. – Nhã Phương bộc bạch
Cũng theo lời kể của ca sĩ Nhã Phương, dẫu không còn hạnh phúc trong hôn nhân. Lê Hựu Hà vẫn là một người đàn ông tử tế, yêu thương con cái. Đầu năm 2003, hai người quyết định ly hôn sau 23 năm bên nhau. Ba mẹ con Nhã Phương ở lại nhà cha mẹ cô trên đường Nguyễn Thượng Hiền, còn Lê Hựu Hà dọn về căn nhà cũ của cha mẹ ông trên đường Hồ Hảo Hớn. Buổi sáng trước khi mất, Lê Hựu Hà còn tới đưa ba mẹ con Nhã Phương đi ăn sáng, chở con đi học rồi mới trở về nhà ở Hồ Hảo Hớn để viết nhạc quảng cáo cho một sản phẩm của Nhật theo đơn đặt hàng.
Qua đời trong cô độc
Ngày 11-5-2003, Lê Hựu Hà được phát hiện đã ra đi tại nhà riêng ở Hồ Hảo Hớn trong tư thế nằm ngửa dưới sàn nhà. Khi cảnh sát đến khám nghiệm hiện trường, cửa nhà đóng kín nhưng đồ đạc vẫn còn ngổn ngang trong phòng, tivi và quạt vẫn còn bật. Ông được kết luận là đã qua đời trước đó vài ngày do tai biến mạch máu não ở tuổi 57. Trước đó không lâu, Lê Hựu Hà còn khoe với bạn bè đã nhận được giấy báo chấp thuận cho ông sang California để đoàn tụ với hai con chung với người vợ đầu.
Sinh thời, Lê Hựu Hà được bạn bè nhắc đến là một người vui vẻ, hoà nhã, lạc quan và luôn yêu đời. Âm nhạc của ông chính vì vậy mà chưa bao giờ sầu muộn, bi luỵ. Tuy nhiên, sự ra đi bi thảm, thương tâm của Lê Hựu Hà trong cô độc đã dấy lên luồng dư luận xót xa và cả hoài nghi, đổ lỗi. Mọi ác cảm, cay độc của miệng đời đổ dồn lên đầu người vợ cuối cùng là Nhã Phương khiến cô lao đao suốt một thời gian dài.
nhacxua.vn biên soạn