Cuộc đời và sự nghiệp của nhạc sĩ Khánh Băng – Người nhạc sĩ sáng tác nhiều thể loại nhất trước 1975

Nhạc sĩ Khánh Băng là một trong những nhạc sĩ nổi tiếng của dòng nhạc vàng, tác giả của những bài hát nổi tiếng như Vườn Tao Ngộ, Sầu Đông, Nếu Một Ngày, Sáu Tháng Quân Trường, Giờ Này Anh Ở Đâu…

Ông tên thật Phạm Văn Minh, sinh năm 1935 tại Thắng Tam, Vũng Tàu. Nghệ danh Khánh Băng là được ông ghép từ tên 2 cô bạn thân, một tên Khanh, một tên Băng, thêm dấu sắc tên đầu, từ đó có tên Khánh Băng. Ngoài ra ông còn sử dụng tên con trai của mình là Nhật Hà để làm bút danh trong bài Vườn Tao Ngộ, và bút danh Anh Minh trong bài Nỗi Buồn Đêm Đông.

Khánh Băng được xem như là một trong những nhạc sĩ chơi guitar điện đầu tiên trên những sân khấu Sài Gòn vào thập niên 60. Ông cũng là một trong những nhạc sĩ sáng tác nhiều thể loại nhạc nhất, và ở thể loại nào cũng để lại dấu ấn tiêu biểu.

Nhạc sĩ Khánh Băng và danh ca Bạch Yến trên bìa nhạc bài Sầu Đông


Click để nghe Hùng Cường hát Sầu Đông trước 1975

“Chiều nay gió đông về
dừng chân trên bến xưa…”

Ca khúc được nhiều người biết đến nhất của nhạc sĩ Khánh Băng có lẽ là Sầu Đông, được viết theo điệu Twist rất thịnh hành ở Mỹ vào thập niên 1960. Thể loại này được du nhập và phổ biến ở Sài Gòn với cái tên là “nhạc kích động”. Một ca khúc nhạc sôi động nổi tiếng khác của ông là “Có Nhớ Đêm Nào”, có thể được hát theo điệu Swing hoặc Twist nổi tiếng với tiếng hát gằn giọng đặc biệt của “nữ hoàng kích động nhạc” Mai Lệ Huyền:

“Có nhớ đêm nào?
Về chung với nhau nơi này
Tìm đến hòa khúc sum vầy
Tình xuân ngất ngây ta cùng say…”


Click để nghe Mai Lệ Huyền hát Có Nhớ Đêm Nào trước 1975

Mặc dù nổi tiếng với những ca khúc theo “phong cách Mỹ” như vậy, nhưng trước đó, vào năm 1956, bài hát đã làm nên tên tuổi của Khánh Băng lại mang phong cách êm đềm trữ tình của dòng nhạc tiền chiến, đó là Vọng Ngày Xanh. Bài hát này được nhà văn nữ nổi tiếng Françoise Sagan viết lời Pháp, và nhờ vậy Khánh Băng được Hội Tác quyền Thế giới mời gia nhập. Ca khúc bất hủ này có giai điệu day dứt chậm buồn, với âm vực trầm bổng, là một bài dành cho những giọng ca điêu luyện, điển hình là tiếng hát Thái Thanh hoặc Lệ Thu:

“Trời mưa gió lá cây tơi bời khắp nơi,
Tan nát bao cánh hoa tươi bên thềm gió chiều thét gào não nề
Ôi trời mưa gió điêu tàn gieo bao đau thương…”


Click để nghe Lệ Thu hát Vọng Ngày Xanh trước 1975

Ngoài nhạc kích động, nhạc phong cách tiền chiến, nhạc sĩ Khánh Băng còn sáng tác nhạc tình với lời ca đẹp như thơ trong ca khúc Nếu Một Ngày, với một phong cách quen thuộc của dòng nhạc tình ca thập niên 1960-1970:

“Nếu một ngày không có em
Thì niềm cô đơn dài như năm tháng…”


Click để nghe Thái Châu hát Nếu Một Ngày trước 1975

Ngoài ra, không thể không nhắc đến một dòng nhạc khác mà Khánh Băng đóng góp 2 ca khúc rất tiêu biểu là Giờ Này Anh Ở ĐâuVườn Tao Ngộ, đó là dòng nhạc vàng viết về người lính. Chỉ trong đoạn mở đầu này của Giờ Này Anh Ở Đâu, nhạc sĩ đã nhắc đến đầy đủ những quân trường khắc nghiệt nhất của một thời.

“Giờ này anh ở đâu?
Quang Trung nắng cháy da người

Giờ này anh ở đâu?
Dục Mỹ hay Lam Sơn?

Giờ này anh ở đâu?
Đồng Đế nắng mưa thao trường…”


Click để nghe Thanh Tuyền hát Giờ Này Anh Ở Đâu trước 1975

Ngoài ra, ở thể loại nhạc quê hương, âm hưởng dân ca Nam Bộ, nhạc sĩ Khánh Băng còn đóng góp các bài hát hát nổi tiếng như Trên Nhịp Cầu Tre, Chiều Đồng Quê, và đặc biệt là Chờ Người (sáng tác sau năm 75):

“Một người con gái đứng nghiêng nghiêng vành nón lá
Đường chiều bờ đê lối xưa kỷ niệm thiết tha…”


Click để nghe Như Quỳnh hát Chờ Người

Trong số những nhạc sĩ nổi tiếng của miền Nam, có rất ít nhạc sĩ viết nhạc với đề tài phong phú đến như vậy. Nói về sự nghiệp sáng tác của mình, nhạc sĩ Khánh Băng lúc sinh thời đã ước lượng rằng: “…500 thì quá ít mà 1000 lại hơi nhiều…”. Đó quả là một gia tài âm nhạc đồ sộ.

Từ thuở nhỏ nhạc sĩ Khánh Băng đã yêu thích âm nhạc và tự luyện đàn Mandolin. Năm 1948, khi được 14 tuổi, ông bắt đầu tập sáng tác. Ông quen biết với nhạc sĩ Võ Đức Hảo (tác giả ca khúc Có Những Người Anh), vì vậy được giới thiệu với người anh là nhạc sĩ Võ Đức Thu – trưởng ban nhạc nổi tiếng ở Sài Gòn. Khi sáng tác xong bài hát nào, ông đều gửi cho Võ Đức Thu để được góp ý, sửa chữa những chỗ sai sót, từ đó dần dần ông được tiến bộ hơn qua cách học hàm thụ này.

Học hết trung học đệ nhất cấp, mùa hè năm 1949, Khánh Băng lên Sài Gòn để học trường Huỳnh Khương Ninh ở Dakao, vì lúc đó ở Vũng Tàu không có bậc trung học đệ nhị cấp. Năm 1954, vì bạn bè khuyến khích, ông tham gia cuộc thi tuyển lựa tài tử (là cuộc thi trình diễn văn nghệ, đàn và hát) của Đài Pháp Á tổ chức ở Sài Gòn. Từ cuộc thi này, Khánh Băng được tuyển làm nhạc công ở đài phát thanh Pháp Á, sau đó trở thành đài phát thanh Sài Gòn, với sở trường là chơi đàn mandoline.

Sau đó, vì nhận thấy đàn mandoline không thể phát huy tối đa bằng cây đàn guitar nên tôi bắt đầu tập khổ luyện thêm đàn guitar từ năm 1953-1954.

Ngày 15 tháng 3 năm 1955 trở thành ngày đáng nhớ nhất trong sự nghiệp của nhạc sĩ Khánh Băng mà ông không bao giờ quên. Đó là ngày mà lần đầu tiên đài phát thanh thủ đô Sài Gòn phát một ca khúc của ông sáng tác, 2 danh ca Minh Trang và Anh Ngọc đã hát Nụ Cười Ngây Thơ trên đài phát thanh.

Ban nhạc Khánh Băng với Lê Duyên, Phùng Trọng, Khánh Băng, Duy Mỹ

Cùng trong năm 1955, Khánh Băng gia nhập ban Sầm Giang của nghệ sĩ Trần Văn Trạch và ban kịch Dân Nam của Anh Lân và Túy Hoa với sự giới thiệu của Tùng Lâm.

Năm 1956, ông bắt đầu nổi tiếng và được công chúng yêu nhạc biết đến nhiều với bài Vọng Ngày Xanh. Bài hát này được nhà văn nữ nổi tiếng Françoise Sagan viết lời Pháp và nhờ vậy, ông được Hội Tác quyền âm nhạc Pháp mời gia nhập.

Ban nhạc Khánh Băng – Phùng Trọng

Từ năm 1955-1959 ông thường xuất hiện trên các sân khấu Đại Nhạc Hội và phụ diễn ca nhạc với tiết mục độc tấu guitar thùng. Năm 1960 Khánh Băng chuyển sang chơi guitar điện và biểu diễn hàng đêm tại các phòng trà ca nhạc do chính ông làm chủ trong khu giải trường Thị Nghè.

Khoảng cuối thập niên 1950, Khánh Băng gia nhập lực lượng công binh và gặp tay trống Phùng Trọng cùng đơn vị. Cả hai bàn bạc cùng nhau lập ban nhạc Khánh Băng – Phùng Trọng lấy tên là ban Thời Đại.

Buổi sáng họ vẫn làm việc trong văn phòng, buổi tối cùng biểu diễn ở các phòng trà Olympia, Văn Cảnh… Tiếng trống Phùng Trọng, tiếng guitar Khánh Băng, tiếng bass Duy Khiêm, tiếng mandolin Lê Duyên, tiếng dương cầm Nguyễn Ánh 9, tiếng harmonica Tòng Sơn phối hợp với các giọng ca Kiều Loan, Ngọc Mỹ, Mary Linh, Kiều Oanh, Ngọc Vân, Hoàng Hạc, Duy Mỹ… đã tạo thành một sắc thái rất đặc biệt của ban Khánh Băng – Phùng Trọng, đặc biệt là dòng nhạc kích động với các điệu Swing, Agogo, Twist, Cha cha cha…

Khánh Băng và Ban Thời Đại cũng có vinh dự được trình diễn đầu tiên trong dịp khai trương đài truyền hình năm 1965. Từ sau đó, ban Khánh Băng – Phùng Trọng trở thành ban nhạc thường trực của đài truyền hình với nhiều lần thay đổi thành viên, nhưng luôn luôn có 2 thành viên trụ cột là Khánh Băng và Phùng Trọng.

Năm 1966, ban nhạc với những thành viên là Khánh Băng, Phùng Trọng, Nguyễn Ánh 9, Duy Khiêm cùng với 2 nữ ca sĩ Mary Linh và Phước Vân được trao tặng Huy Chương Vàng do Hội ký giả tổ chức tạp rạp Quốc Thanh.

Thời gian này ban nhạc Khánh Băng – Phùng Trọng cũng chơi nhạc rất nhiều lần trong các club Mỹ, chính tại đây Khánh Băng gặp ca sĩ Mai Lệ Huyền lúc này chủ yếu hát nhạc ngoại, ông đề nghị Mai Lệ Huyền chuyển sang hát nhạc Việt tại đại nhạc hội Việt Nam, và kết hợp Mai Lệ Huyền với Hùng Cường để để hát kích động nhạc, từ đó hình thành nên một đôi song ca huyền thoại.

Từ tháng 3 năm 1973, nhạc sĩ Khánh Băng nhận lại mặt bằng nhà hàng kiêm vũ trường Hawaii lầu 4 số 6 đường Bùi Viện để tự khai thác biểu diễn hàng đêm cho đến ngày 20 tháng 3 năm 1975 thì bị đình chỉ hoạt động vì tình hình an ninh ở Sài Gòn.

Sau 1975, nhạc sĩ Khánh Băng ở lại Việt Nam và sống tại quận Bình Thạnh.

Trong khoảng thời gian từ 1991 đến 1996, trước khi bị mù do ảnh hưởng của bệnh tiểu đường, ông vẫn còn sáng tác được hơn 100 bài, trong đó có những bài hát phổ biến như Chờ Người, Chiều Đồng Quê, Trên Nhịp Cầu Tre,… mang phong cách dân ca Nam Bộ.

Ông mất ngày 9 tháng 2 năm 2005 (mùng một Tết Ất Dậu) tại nhà riêng quận Bình Thạnh, Sài Gòn, được gia đinh an táng ở quê nhà Vũng Tàu.

Bài: Đông Kha
Bản quyền bài viết của nhacxua.vn

Exit mobile version