Cuộc đời và sự nghiệp của nhạc sĩ Hoàng Phương – Tác giả “Hoa Sứ Nhà Nàng” và dòng nhạc Gò Công một thời

Nhắc đến nhạc sĩ Hoàng Phương, hầu như ai cũng nhớ đến bài hát Hoa Sứ Nhà Nàng đầu tiên. Đó là ca khúc được sáng tác vào khoảng năm 1969 với tên ban đầu là Hoa Sứ Nhà Em, viết chung với nhạc sĩ Hoài Nam. Sau này nhạc sĩ Hoàng Phương còn tạo được một hiện tượng hiếm thấy vào cuối thập niên 1980 với “dòng nhạc Gò Công” rất được yêu thích qua giọng hát của Bảo Yến với nhiều bài hát viết về quê hương Gò Công như Chuyện Tình Hoa Muống Biển, Thuyền Giấy Chiều Mưa, Chung Một Dòng Sông, Chung Vầng Trăng Đợi…

Nhạc sĩ Hoàng Phương tên thật là Nguyễn Kim Hoàng, sinh năm 1943 trong một gia đình khá giả tại xóm Cầu Muống, xã Tân Thành, cách thị xã Gò Công khoảng 17km. Đây cũng là nơi ông sinh sống trong hầu hết cuộc đời nhiều biến cố của mình, và là nơi đặt phần mộ sau khi ông nằm xuống vì bạo bệnh năm 2002.

Thuở nhỏ, nhạc sĩ Hoàng Phương học trường tiểu học sơ cấp Tân Thành, sau đó là trường Nam Tiểu học Gò Công. Theo người con của nhạc sĩ Hoàng Phương kể lại thì thuở nhỏ cha mẹ ông không khuyến khích theo nghệ thuật, có lẽ chính vì vậy mà dù mê nhạc từ khi còn ngồi trên ghế nhà trường nhưng đến khoảng 1969 ông mới có sáng tác đầu tay là Hoa Sứ Nhà Nàng (Hoa Sứ Nhà Em – viết chung với Hoài Nam). Khi đó ông đã 26 tuổi.


Click để nghe Chế Linh hát Hoa Sứ Nhà Em trước 1975

Nhiều tài liệu ghi rằng nhạc sĩ Hoàng Phương theo học nhạc với nhạc sĩ Lê Dinh trong thời gian Lê Dinh dạy học ở Gò Công. Tuy nhiên chỉ được một thời gian ngắn vì đến năm 1956 thì Lê Dinh không đi dạy nữa mà lên Sài Gòn làm việc tại đài phát thanh. Sau đó nhạc sĩ Hoàng Phương cũng không học sáng tác nữa mà chuyển sang học guitar.

Hoàng Phương học trung học ở trường Bán công Gò Công, sau khi trượt tú tài 1 thì thôi học và không theo nghệ thuật mà chọn học nghề sửa chữa buôn bán đồng hồ và thợ bạc. Thời gian sau này ông có làm thơ, nhưng chưa biết sáng tác nhạc.

Nhạc sĩ Hoàng Phương thời trẻ (bên phải)

Trong một bài báo, con trai của nhạc sĩ Hoàng Phương cho biết năm 1968 là một dấu mốc quan trọng trong sự nghiệp âm nhạc, khi ông lên Sài Gòn tham gia vào ban nhạc cùng Vinh Sử, Quốc Dũng, Lê Hựu Hà, sau đó cho ra đời sáng tác đầu tiên và làm sáng mãi tên tuổi nhạc sĩ Hoàng Phương – ca khúc Hoa Sứ Nhà Nàng, viết chung cùng Hoài Nam. Những ca từ, xúc cảm về một mối tình dở dang trong bài hát đã nhanh chóng chiếm được cảm tình thính giả.

Tuy nhiên theo nhạc sĩ Phượng Vũ thì ông kể một câu chuyện tương đối khác, đó là khoảng thời gian năm 1969 ông về làm việc ở Gò Công và mở lớp dạy nhạc. Tại đây Phượng Vũ có gặp nhạc sĩ Hoàng Phương (lớn hơn Phượng Vũ 4 tuổi), và Hoàng Phương đã nhờ Phượng Vũ phổ nhạc cho 2 bài thơ, sau đó còn nhờ thêm việc hướng dẫn cơ bản về sáng tác. Chỉ một thời gian ngắn sau đó, nhạc sĩ Hoàng Phương đã có sáng tác đầu tay mang tên Hoa Sứ Nhà Em, trở thành ca khúc nổi tiếng nhất trong sự nghiệp của ông.

Sau đó nhạc sĩ Hoàng Phương sáng tác thêm một số ca khúc nữa, nhưng dường như Hoa Sứ Nhà Nàng là nhạc phẩm duy nhất được biết đến rộng rãi của ông vào trước năm 1975. Anh Nguyễn Hoàng Tùng – con trai của nhạc sĩ – cho biết là không như những nhạc sĩ khác, Hoàng Phương không chọn lĩnh vực âm nhạc làm nghề nuôi thân mà chỉ xem đó như một thú chơi tao nhã, thỏa niềm đam mê.

Có thông tin cho rằng nhạc sĩ Hoàng Phương được miễn đi lính vì ông có tật ở chân từ bé và đi khập khiễng và được miễn đi lính. Vì không vào quân ngũ nên năm 1975 ông không bị “lý lịch đen”, và sáng tác gần như là nổi tiếng duy nhất của ông trước 1975 là Hoa Sứ Nhà Nàng thì chỉ đơn thuần nhắc đến tình yêu, vì vậy có thể nói Hoa Sứ Nhà Nàng là bài “nhạc vàng duy nhất” không bị cấm sau thời điểm tháng 4 năm 1975. Nhạc phẩm này cũng có một số phận đặc biệt, dù không bị cấm nhưng lại bị đổi cả tựa đề lẫn lời nhạc, đến nỗi hiện nay hiếm người nhớ đến tên nguyên thủy của bài hát là Hoa Sứ Nhà Em, cũng như ít có người hát đúng với lời gốc ban đầu của bài hát.

Sau năm 1975, nhạc sĩ Hoàng Phương hầu như không sáng tác mà mở lại tiệm sửa đồng hồ, tích cóp tiền đến năm 1985 mở thêm hai tiệm vàng là Kim Hoàng và Toàn Tân và khá giả về tài chính. Chỉ một năm sau, ông trở lại với âm nhạc và trở thành một sự kiện đình đám trong dòng nhạc trữ tình ở trong nước với băng nhạc Gò Công cùng tiếng hát của chị em Bảo Yến, Nhã Phương. Khi đó ông đã sáng tác một loạt bài nhạc có giai điệu mượt mà, chủ yếu là điệu bolero dễ nghe, nội dung bài hát là nói về tình quê hương tha thiết, chuyện buồn của tình yêu… Sau đó ông lặn lội lên Sài Gòn nhờ nhạc sĩ Quốc Dũng hoà âm, đưa ca sĩ Bảo Yến hát thử, sau đó thu vào băng cassette để phát hành. Đó là thời điểm mà người dân đang rất thèm được nghe dòng nhạc trữ tình quê hương sau nhiều năm bị kỳ thị hoặc bị cấm, nên băng nhạc Gò Công (cùng tiếng hát nổi đình đám thời đó là Bảo Yến) như cá gặp nước, được tìm nghe và nổi tiếng không chỉ trong Nam mà cả ở ngoài Bắc.


Click để nghe Bảo Yến hát “nhạc Gò Công”

Năm 1989, ông bỏ lại hết nhà cửa và gia sản cho vợ để cưới người vợ thứ 2 là Mộng Vân, hai người cất một căn nhà nhỏ trên bãi biển Tân Thành và sống ở đó cho đến lúc ông qua đời năm 2002.

Sau này, bà Mộng Vân nói rằng cuộc đời nhạc sĩ Hoàng Phương trải qua đủ cả hai kiếp sống giàu nghèo. Vào thời vàng son, ông có hai tiệm vàng, một tiệm sửa đồng hồ, ba căn nhà phố. Tuy nhiên vì quá đam mê làm nghệ thuật và lại tiêu xài rộng rãi, phóng khoáng trong giao tiếp làm tiêu tan tài sản mà ông gầy công tạo dựng và sống những năm cuối đời trong tình trạng vô cùng nghèo khổ.

Di ảnh của nhạc sĩ Hoàng Phương. Ảnh: dongnhacvang.com

Trong cuộc đời ông, nghệ thuật không song hành với kinh tế. Về cuối đời, cuộc sống mỗi ngày khó khăn, ông lên Sài Gòn tìm đến các trung tâm băng nhạc để kiếm sống nhưng cũng không vực dậy kinh tế. Những năm cuối đời, người ta thường thấy hình ảnh nhạc sĩ Hoàng Phương trong tình trạng thất chí, suy sụp, hay uống rượu và một mình đi lang thang trên bãi biển. Cuộc sống của ông ngày càng cơ cực và trú ngụ cùng vợ trong một căn nhà vách nứa rất đơn sơ, bên trong hầu như không có gì đáng giá. Ông qua đời năm 2002 trong tận cùng của nghèo khổ. Bên dưới là hình ảnh vợ và con của nhạc sĩ trước căn nhà lúc ông qua đời:

Đông Kha (nhacxua.vn) biên soạn

Exit mobile version