Nhạc sĩ Hoài An là một trong những nhạc sĩ tiêu biểu nhất của dòng nhạc vàng, tác giả của những bài hát nổi tiếng là Trước Giờ Tạm Biệt, Tấm Ảnh Không Hồn… Khi nhắc đến nhạc sĩ Hoài An, người ta cũng thường nhớ đến những bài hát tình tự quê hương được ông sáng tác vào những năm đầu của sự nghiệp là Trăng Về Thôn Dã, Tình Lúa Duyên Trăng, Tình Mùa Hoa Nở… và những bài nhạc xuân bất hủ là Câu Chuyện Đầu Năm, Tâm Sự Ngày Xuân, Ngày Xuân Thăm Nhau.
Nhạc sĩ Hoài An tên thật là Nguyễn Đắc Tịnh, sinh năm 1929 tại Hải Phòng, là một trong những nhạc sĩ thế hệ đầu tiên của nhạc vàng. Ngoài sáng tác với bút danh Hoài An, ông còn ký tên Trang Dũng Phương trong một số bài nhạc đại chúng như Trước Khi Trả Lời, Chúng Mình Vẫn Còn (viết chung với Lê Hoài), Thiên Duyên Tiền Định (viết chung với Nguyên Lễ – tức nhạc sĩ Hoài Linh)… Đặc biệt các ca khúc Ngày Xuân Thăm Nhau, Ngày Về Thăm Quê Anh, Không Bao Giờ Nhạt Phai… được ông ghi tên sáng tác là Hoài An – Trang Dũng Phương.
Nhà văn Nguyễn Đình Toàn đã nhận xét về nét nhạc của Hoài An như sau:
“Nhạc Hoài An mộc mạc nhưng trữ tình, giản dị, dễ thuộc, gần như ai cũng có thể nhớ và hát được, dù người ta có không phải là ca sĩ chăng nữa. Có thể coi nhạc Hoài An một nửa là dân ca, một nửa là tình ca”.
Nhắc về mảng dân ca, nhạc sĩ Hoài An là 1 trong số những nhạc sĩ tiên phong sáng tác thể loại nhạc đồng quê sử dụng nhịp điệu Nam Mỹ như là rumba, mambo, với các ca khúc tiêu biểu là Trăng Về Thôn Dã, Tình Lúa Duyên Trăng, Dựng Một Mùa Hoa, Hương Nhạc Đồng Quê… Đó là thời gian từ giữa thập niên 1950, bên cạnh Hoài An còn có các nhạc sĩ Lam Phương, Hoàng Thi Thơ và cả nhạc sĩ Phạm Duy cùng nhau hăng say sáng tác những bài ca yêu đời, ca ngợi quê hương có đồng lúa và trăng thanh, mô tả cuộc sống yên lành thanh bình trên mảnh đất miền Nam hiền hòa hiếu khách.
Về mảng tình ca của nhạc sĩ Hoài An, ông có những bài hát đã trở thành bất hủ là Trước Giờ Tạm Biệt hay Tấm Ảnh Không Hồn… và những bài hát mà đã hơn nửa thế kỷ qua luôn được nhớ đến vào những mùa xuân: Câu Chuyện Đầu Năm, Tâm Sự Ngày Xuân, Ngày Xuân Thăm Nhau, Thiên Duyên Tiền Định.
Trong các ca khúc ca khúc nhạc xuân này, đặc biệt là Thiên Duyên Tiền Định (viết chung với nhạc sĩ Hoài Linh) chúng ta có thể bắt gặp các hình ảnh quen thuộc trong ngày xuân năm xưa là xem bói, khấn nguyện… và thật trùng hợp là trong 15 năm cuối đời, nhạc sĩ Hoài An đã chuyên tâm nghiên cứu về tử vi.
Sau năm 1975, nhạc sĩ Hoài An ở lại trong nước, sống rất kín tiếng tại nhà riêng ở quận Tân Bình, ít gặp gỡ công chúng, và qua đời trong lặng lẽ vào năm 2012. Thời điểm đó nhạc vàng chưa bùng nổ như hiện nay, các nhạc sĩ xưa chưa được truyền thông chú ý tới như hiện nay nên không nhiều người biết về đời tư của nhạc sĩ Hoài An.
Chỉ biết rằng nhạc sĩ Hoài An từng có thời gian tham gia trong ban nhạc hát trên đài phát thanh là ban hợp ca Lửa Hồng được thành lập từ trước năm 1954 ở Hải Phòng, ban nhạc này còn có 1 danh ca thế hệ đầu của tân nhạc là ca sĩ Ánh Tuyết (đã qua đời năm 2017).
Ông cũng tham gia trong ban nhạc Sông Ngự với nhiều nhạc sĩ nổi tiếng khác là Phó Quốc Lân, Huyền Linh. Thời gian này ông cùng Phó Quốc Lân sáng tác Dựng Một Mùa Hoa, cùng Huyền Linh sáng tác Hương Nhạc Tình Quê, là những bài hát ca ngợi cuộc sống mới trên vùng đất mới mà họ vừa di cư vào từ giữa thập niên 1950
Sau năm 1975, nhạc sĩ Hoài An có sáng tác thêm nhiều ca khúc, nhưng dĩ nhiên là không được phổ biến. Mời bạn nghe lại 1 trong số những ca khúc đó, có tên rất lạ là Anastasia:
Click để nghe một ca khúc được nhạc sĩ Hoài An sáng tác sau năm 1975
Hình ảnh nhạc sĩ Hoài An sau năm 1975:
Đông Kha (nhacxua.vn) biên soạn