Ý Lan là một trong những nữ ca sĩ tiêu biểu nhất của dòng nhạc trữ tình ở hải ngoại từ sau năm 1975 cho đến nay. Cô tên thật là Lê Thị Ý Lan, sinh ngày 1-1-1958 tại Sài Gòn trong một gia đình gốc Hà thành nổi tiếng với truyền thống hoạt động nghệ thuật nhiều đời.
Ý Lan là chị cả trong gia đình có 5 chị em, với các em là Lê Xuân Việt, Lê Thị Quỳnh Giao, Lê Thị Thanh Loan và Lê Đại. Trong số đó, Quỳnh Giao cũng nổi tiếng với vai trò ca sĩ, MC với nghệ danh Quỳnh Hương (nghệ danh này do Ý Lan đặt theo tên bài hát của Trịnh Công Sơn). Ông bà ngoại Ý Lan là những nghệ nhân đàn ca của âm nhạc truyền thống, nổi danh một thời tại Hà Nội. Mẹ Ý Lan là nữ danh ca Thái Thanh, người được xưng tụng là giọng hát vượt thời gian, một đệ nhất danh ca có tài năng khó ai sánh bằng. Cha Ý Lan là tài tử Lê Quỳnh nổi tiếng của điện ảnh Sài Gòn từ thập niên 1950.
Trong địa hạt âm nhạc, đại gia đình Ý Lan đã đóng góp hàng loạt tên tuổi nổi danh, tài năng bậc nhất cả trong biểu diễn và sáng tác, đó là nhạc sĩ Phạm Đình Chương, danh ca Thái Hằng, Thái Thanh, Hoài Trung, Duy Quang, Mai Hương, Thái Hiền, Thái Thảo… Ngoài ra có thể kể đến nhạc sĩ Phạm Duy (chồng của bác ruột là Thái Hằng – theo cách gọi của người Hà Nội) và Tuấn Ngọc (chồng của chị họ là Thái Thảo).
Ý Lan học tiểu học và Trung học tại Sài Gòn. Sau đó, Ý Lan lập gia đình vào sinh sống tại Việt Nam cho đến năm 1985 thì cùng gia đình sang Mỹ định cư và ở lại Mỹ cho tới nay. Mặc dù, sinh ra trong một gia đình có truyền thống nghệ thuật nhưng Ý Lan bén duyên với âm nhạc khá trễ. Mãi đến cuối thập niên 1980, khi đã 32 tuổi, Ý Lan mới bắt đầu sự nghiệp âm nhạc chuyên nghiệp của mình.
Tuổi thơ êm đềm
Trong gia đình, Ý Lan là con gái đầu lòng của danh ca Thái Thanh. Bởi vậy, ngoài tình yêu thương, bảo bọc, ngay từ nhỏ, Ý Lan đã được mẹ dạy dỗ nghiêm khắc, rèn giũa gia phong, nề nếp đúng theo chuẩn mực của phụ nữ Hà thành xưa. Có lẽ vì vậy, mà sau này trên sân khấu âm nhạc, giọng hát và điệu bộ biểu diễn của Ý Lan đều rất “điệu đà” đoan trang, quý phái, chau chuốt kỹ lưỡng từ điệu bộ, vóc dáng đến lời ca. Điều này, tạo nên một Ý Lan rất riêng biệt, khó lẫn lộn với nhiều giọng ca khác.
Có một người mẹ danh ca và một người cha nghệ sĩ, tuổi thơ của chị em Ý Lan không được thoải mái rong chơi như những đứa trẻ Sài thành thời đó. Ý Lan chia sẻ:
“Nói là sống 23 năm tại Việt Nam nhưng hồi đó, tôi lại hay bị nhốt ở trong nhà. Mẹ tôi là danh ca Thái Thanh và bố tôi đều là người làm nghệ thuật nên không có thời gian để đưa tôi đi những nơi khác ngoài Sài Gòn, chỉ nhốt tôi trong nhà. Tôi chỉ sống tại Sài Gòn. Vì quá yêu con nên từ nhỏ mẹ Thái Thanh đã giữ chặt tôi bên cạnh, không cho chơi với các bạn bên ngoài giờ học nên dần cũng quen. Cả đời tôi chỉ có bạn trên ghế nhà trường chứ không có bạn thân để đi chơi hay tâm tình”
Tuy nhiên, về mặt âm nhạc, người mẹ Thái Thanh cũng đã trao truyền cho Ý Lan một giọng hát hiếm có, nuôi dưỡng nên một tâm hồn âm nhạc bay bổng ngọt ngào để rồi sau đó Ý Lan có thể thoải mái tung cánh trên bầu trời âm nhạc. Đồng thời, từ chính cuộc hôn nhân đổ vỡ của mẹ, những tâm sự cô đơn thầm kín của người mẹ nghệ sĩ một mình nuôi con cũng được san sẻ cho cô con gái đầu lòng, đã khiến Ý Lan mau chóng trở thành một người phụ nữ trưởng thành đằm thắm và sâu sắc. Sự đằm thắm, sâu sắc đó trong tâm hồn chính là chất liệu quý giá tự nhiên giúp giọng hát Ý Lan thăng hoa, đầy rung cảm trong các nhạc phẩm trữ tình, sâu lắng của dàn nhạc sĩ gạo cội. Nói về sự ảnh hưởng của người mẹ danh ca lên tài năng âm nhạc của mình, Ý Lan tâm sự:
“Tôi lớn lên trong giọng ca của mẹ. Và âm nhạc là sự thức dậy mỗi ngày. 7 tuổi tôi đã biết bắc ghế mở âm thanh trong đĩa nhạc thu âm tiếng hát của mẹ. Nghệ thuật đã đến với tôi tự nhiên như thế. Nhưng không lâu sau, bố mẹ tôi ly dị. Tôi sống với mẹ và có điều kiện gần gũi với bà. Mỗi đêm ngủ, tôi chia sẻ với mẹ – một người phụ nữ không có chồng ở bên với nhiều nỗi cô đơn thường trực. Và nỗi cô đơn ấy đã gắn liền với tuổi thơ, kết đọng lại thành hành trang giúp tôi trở thành nghệ sĩ sau này”.
Sống ở Sài Gòn 23 năm, rồi sau đó sang Mỹ, cuộc đời Ý Lan tưởng như chẳng có gì dính dáng tới Hà Nội gốc gác xa xưa từ đời cha mẹ, nhưng nếu ai đã từng gặp Ý Lan đều biết rằng cô có một giọng Hà Nội xưa chuẩn mực, rõ ràng, khúc chiết; từ giọng hát thanh thoát, bay bổng, tinh tế đến cách nói chuyện từ tốn, tao nhã, giàu hình ảnh, cầu kỳ, khéo léo, nói như rót mật vào tai. Bởi theo như chia sẻ của Ý Lan, trong gia đình cô, cha mẹ cô không chỉ rèn giũa con cái nề nếp, gia phong mà con chú ý dạy dỗ từng lời ăn tiếng nói trong giao tiếp, ứng xử.
Ý Lan kể có lần cô bị mẹ rầy la vì dám đổi giọng: “Mẹ từng hỏi tôi: “Giọng Hà Nội đâu?”. Tôi đáp: “Con đi học, thành thử con phải nói giọng Nam để không bị khác biệt”. Rồi mẹ cũng thông cảm, nhưng mẹ vẫn nhắc: “Ở trường có thể nói giọng Nam nhưng về nhà phải giữ giọng Hà Nội để không mất gốc. Giọng của ông bà quý lắm, sau này con lớn lên con sẽ hiểu những gì mẹ nói“.
Có lẽ chính nhờ sự kỹ càng đó cách dạy dỗ của gia đình mà mà sau này tiếng hát Ý Lan luôn có sự chau chuốt, lả lướt tự nhiên, cách nhả chữ rõ ràng, luyến láy bay bổng đầy bản năng mà nhiều người gọi là “điệu”.
Nói về cái sự “điệu” của mình trên sân khấu, Ý Lan cười nói: “Thực sự tôi cũng không biết bản thân mình điệu đến thế đâu. Khi tôi đứng trên sân khấu là lúc tôi chia sẻ bản thân mình với khán giả. Những gì là tự nhiên, là bản chất con người tôi cứ bộc lộ một cách tự nhiên như thế thôi. Hình ảnh của Ý Lan trên sân khấu hơn 15 năm trước có lẽ là “điệu chảy nước” nhưng đến nay đã 25 năm, khán giả vẫn nhớ đến tôi như thế thì có lẽ, cái chữ “điệu” ấy là một biệt danh đáng yêu mà khán giả yêu mến dành cho tôi”.
Nhưng chính cái sự điệu đàng đó trong giọng hát và phong cách biểu diễn mới chính là chất men say quyến rũ, khó quên mà bao người mê giọng hát Ý Lan phải thừa nhận.
Tình trường lận đận và cuộc tình cuối viên mãn
Năm 1977, khi mới 19 tuổi, trái với những kỳ vọng của mẹ cha, Ý Lan đột ngột rơi vào lưới tình trong một mối tình “sét đánh” và rất nhanh sau đó, cô bỏ học, lên xe hoa trong tiếng thở dài của mẹ. 20 tuổi, Ý Lan sinh con đầu lòng, rồi liên tục sau đó những đứa con khác lần lượt ra đời. Suốt mười mấy năm trời của cuộc hôn nhân đầu tiên, Ý Lan quay cuồng với cuộc sống gia đình, hoàn thành bổn phận của một người vợ, người mẹ, nuôi dưỡng và chăm sóc 5 người con.
Năm 1985, Ý Lan cùng gia đình đến Mỹ, vừa phải vất vả chăm sóc gia đình, vừa phải làm việc kiếm tiền phụ giúp gia đình nhưng giấc mơ ca hát vẫn luôn thôi thúc trong trái tim nghệ sĩ của cô. Đến năm 1989, Ý Lan quyết định dấn thân vào con đường ca hát chuyên nghiệp, đó cũng là lúc cuộc hôn nhân với người chồng đầu bắt đầu chênh vênh và đã không tránh khỏi kết cục ly hôn chỉ một năm sau đó (1990).
Cuộc tình thứ hai của Ý Lan ập đến khi cô đang ở trên đỉnh cao danh vọng. Chàng trai trẻ trong cuộc tình mê ấy chính là giọng ca trẻ Tuấn Cường, con trai nữ diễn viên Kiều Chinh. Mối tình của họ được se duyên từ sân khấu âm nhạc và thăng hoa cùng với những dự định gắn kết dài lâu trên sân khấu. Tuy nhiên, giọng hát Ý Lan càng hát càng thăng hoa, quyến rũ, vượt xa tiếng hát của người bạn đồng hành. Ý Lan đi xa bao nhiêu trên con đường âm nhạc, thì trái lại Tuấn Cường bị tụt lại bấy nhiêu. Sự xa cách trong âm nhạc, xa cách trong tâm hồn đã tạo thành một hố sâu ngăn cách không thể lấp liền giữa hai người đã đưa đến kết cục buồn 8 năm sau đó. Cuộc tình này đã để lại cho Ý Lan người con thứ 6.
Cuộc tình định mệnh thứ 3 của Ý Lan là một doanh nhân ở San Francisco, tên Lê Anh Tuấn. Khi bắt đầu để ý người đẹp, Lê Anh Tuấn đã ly hôn vợ và có 3 người con. Tuy nhiên, Ý Lan sau cuộc chia tay với mối tình thứ hai dường như đã quá thất vọng, e sợ với tình yêu, vậy nên, bao nhiêu thư từ, quà hoa Anh Tuấn gửi cô đều gom trả lại. Về phía Anh Tuấn, ngay từ lần gặp gỡ đầu tiên, người đàn ông từng trải gốc Bắc này đã cảm thấy có sự gắn bó với người phụ nữ dịu dàng, ý nhị và đầy truyền thống Ý Lan. Ông miệt mài theo đuổi người đẹp suốt hai năm trời, cho đến tận khi Ý Lan chịu mở lòng đón nhận tình cảm của mình. Mối tình của họ đã thăng hoa bằng một lễ cưới ấm cúng vào đúng ngày sinh nhật của nữ danh ca 1-1-2003, ở California.
Dẫu vậy, chỉ 9 tháng sau khi cưới, tin dữ bất ngờ ập đến thử thách tình cảm của họ. Ý Lan phát hiện mình bị ung thư vú. Nhiều lần trên sân khấu, Ý Lan vừa hát vừa run rẩy vì những cơn đau hành hạ, cô quyết định giấu kín bệnh tình với chồng con, sợ người nhà hoang mang, đau lòng. Bằng linh cảm của một người chồng nhất mực yêu thương vợ, Anh Tuấn đã phát hiện ra bệnh tình của vợ. Ông lập tức thu xếp công việc để có thêm thời gian kề cận bên vợ, động viên, giúp đỡ vợ chữa trị bệnh, lo toan chăm sóc mỗi khi Ý Lan đi diễn. Nhờ chữa trị sớm và sự chăm sóc tận tình của gia đình, bệnh tình của Ý Lan mau chóng giảm bớt.
Một điều vô cùng đặc biệt trong cuộc hôn nhân của họ là sau khi Ý Lan và Anh Tuấn kết hôn không lâu, hai đứa con riêng của hai người cũng xin phép được kết hôn với nhau. Giờ đây họ vừa là vợ chồng, vừa là “sui gia” của nhau. Đến nay, 18 năm đã trôi qua, cuộc hôn nhân của họ vẫn tròn đầy, viên mãn với 9 người con và một đàn cháu nội ngoại sum vầy. Nói về Anh Tuấn, Ý Lan từng tâm sự: “Chồng tôi là người luôn biết cho đi mà không đắn đo. Tôi biết ơn cuộc đời đã cho tôi gặp anh.”
Sự nghiệp được trải thảm đỏ
Mặc dù, bước lên sân khấu chuyên nghiệp biểu diễn khi đã 32 tuổi, đã có một gia đình đuề huề với 5 người con nhưng Ý Lan hầu như không gặp bất kỳ trở ngại nào trong sự nghiệp âm nhạc của mình.
Từ khi còn nhỏ, Ý Lan đã mơ ước được hát trên sân khấu giống mẹ. Nhưng danh ca Thái Thanh từ những trải nghiệm trong cuộc đời mình lại muốn con gái rẽ sang một con đường khác, với một gia đình trọn vẹn, đặc biệt là sau khi bà chia tay chồng là tài tử Lê Quỳnh. Sau khi kết hôn, Ý Lan cũng nhiều lần bày tỏ mong muốn được đi hát nhưng Thái Thanh luôn khuyên cô không nên đi hát sớm, bởi vì danh ca này là người biết rõ nhất rằng cuộc sống của một nghệ sĩ sẽ không cho phép người phụ nữ sinh hoạt theo giờ giấc thông thường, và không thể chu toàn cho gia đình. Bà mong Ý Lan trở thành một y sĩ chứ không phải ca sĩ.
Năm 1989, Thái Thanh quyết định giới thiệu giọng ca của con gái đến khán giả hải ngoại trong đêm nhạc của ca sĩ Duy Khánh tại một vũ trường. Lần đầu tiên bước lên sân khấu chuyên nghiệp, Ý Lan trình diễn ca khúc Mùa Thu Chết. Với tên tuổi của người mẹ, gia thế của gia đình, tài năng của Ý Lan nhanh chóng được biết đến và được khẳng định với những nhạc phẩm trữ tình bất hủ như: Mười Năm Tình Cũ, Bao Giờ Biết Tương Tư. Cuối năm 1989, Ý Lan ra mắt CD đầu tiên trong sự nghiệp âm nhạc của mình, bắt đầu ghi dấu tên tuổi trên bầu trời nghệ thuật.
Ngoài giọng hát truyền cảm, quyến rũ, phong cách trình diễn điệu đà, duyên dáng, Ý Lan còn sở hữu một sắc vóc mỹ nhân với vóc dáng thon thả, gương mặt sân khấu sang trọng, thanh nhã, là tên tuổi đắt giá trên sân khấu âm nhạc hải ngoại suốt mấy chục năm qua, được xếp ngang hàng với những tên tuổi nổi tiếng khác như Tuấn Ngọc, Khánh Hà, Ngọc Lan…
Nhạc sĩ Minh Châu từng có những nhận xét rất xác đáng dành cho Ý Lan như sau: “Ca sĩ Ý Lan có một giọng hát rất đặc biệt được thừa hưởng từ mẹ – danh ca Thái Thanh – với lối hát dân gian lả lơi, luyến láy. Sự dịu dàng, nữ tính ở cả vóc dáng lẫn giọng hát đã giúp chị tạo nên những hiệu ứng rất đặc biệt cho mình trên sân khấu”.
Trên sân khấu âm nhạc, nam ca sĩ Vũ Khanh có thể được coi là người bạn diễn lâu năm và ăn ý nhất của Ý Lan. Đồng thời, cô cũng được coi là một đàn chị tài năng, có ảnh hưởng tới nhiều thế hệ ca sĩ trẻ sau này, bởi lối hát đặc biệt, là truyền nhân của lối hát, của “trường phái” Thái Thanh.
Sau 30 năm đi hát, Ý Lan đã gầy dựng được một sự nghiệp âm nhạc đáng ngưỡng mộ. Cô hát nhiều dòng nhạc khác nhau từ nhạc quê hương, nhạc tiền chiến, nhạc ngoại,… nhưng thành công nhất phải kể đến những ca khúc trữ tình, đằm thắm, đó là Nha Trang Ngày Về, Hạnh Phúc Mang Theo, Lá Diêu Bông, Mất Nhau Mùa Đông, Nghìn Trùng Xa Cách, Tango Dĩ Vãng, Nghẹn Ngào, Hãy Cứ Là Tình Nhân, Đừng Bỏ Em Một Mình…
Bài: Niệm Quân (nhacxua.vn)