Ca sĩ Hương Lan tên thật là Trần Thị Ngọc Ánh, sinh ngày 9 tháng 5 năm 1956 tại Sài Gòn, là con cả trong gia đình có năm người con. Thân phụ của cô là nghệ sĩ cải lương Hữu Phước, rất nổi tiếng ở miền Nam Việt Nam thập niên 1960.
Tiếng hát Hương Lan nổi tiếng với sự ngọt ngào đặc trưng, đặc biệt là với dòng nhạc quê hương âm hưởng dân ca Nam Bộ. Cô cũng nổi tiếng với dòng nhạc vàng từ khi còn nhỏ, lúc mới 12,13 tuổi cho đến tận ngày nay.
Khi lên 5 tuổi, ca sĩ Hương Lan đã lên sân khấu đoàn Thanh Minh – Thanh Nga với một vai phụ trong vở cải lương “Thiếu Phụ Nam Xương”. Đoàn Thanh Minh – Thanh Nga trong thời gian diễn vở cải lương này đã căng một một biểu ngữ lớn trước rạp, với hàng chữ “Vở tuồng có sự tham gia của thần đồng Hương Lan, ái nữ của nghệ sĩ Hữu Phước”. Dù bước lên sân khấu lần đầu tiên, nhưng Hương Lan đã tỏ ra dạn dĩ với vai trò được giao phó.
Hương Lan và nghệ sĩ Thanh Nga trong 1 tuồng cải lương
Ngay sau lần xuất hiện đó, Hương Lan đã được những ký giả kịch trường của hầu hết các nhật báo cũng như tạp chí ở Sài Gòn mệnh danh là “Thần Đồng”. Sở dĩ cô không sử dụng tên thật làm nghệ danh vì thời gian cô bắt đầu đi hát đã có một nghệ sĩ cải lương tên Ngọc Ánh.
Sau hội ý với thi sĩ Kiên Giang – Hà Huy Hà, thân phụ của cô là nghệ sĩ Hữu Phước đã đặt nghệ danh cho con gái là Hương Lan, với nguyên nhân như chính Hương Lan kể như sau:
Ông Kiên Giang hỏi Hữu Phước:
– Trong nghệ sĩ mày thích người nào nhất? (Thi sĩ Kiên Giang lớn hơn nghệ sĩ Hữu Phước 3 tuổi)
Hữu Phước trả lời:
– Dạ, em thích Út Bạch Lan với Thanh Hương
Kiên Giang bảo:
– Tao lấy tên 2 người này tao đặt nghệ danh cho con mày!
Hương Lan lúc nhỏ và thân phụ
Hương Lan được chỉ dẫn vọng cổ bởi nhạc sĩ Sáu Tửng, thân phụ nhạc sĩ Huỳnh Anh. Thầy Sáu Tửng, khi đó sống chung với gia đình cô, đã có công chỉ dẫn nhiều cho cô về nhịp điệu, trong khi thân phụ cô chỉ dẫn cách diễn trên sân khấu. Nhưng thật ra Hương Lan cho biết, cô học thẳng trên sân khấu nhiều hơn là học ở cha.
Nhưng ảnh hưởng quan trọng nhất cô thừa hưởng nơi người cha nổi danh là cách sắp chữ và lối hành văn bên ngành cải lương. Do từng hành nghề giáo viên, nên Hữu Phước rất kỹ lưỡng về cách phát âm của người miền Nam.
Khi lên 9 tuổi, Hương Lan đã phải chứng kiến sự chia tay giữa bố mẹ vào năm 1965, với lý do được cô nói là do “sự lả lướt của mấy ông nghệ sĩ, nên má em không thích”. Từ đó, gia đình Hương Lan lâm vào tình trạng khó khăn nên cô phải đi hát phụ với cha để giúp gia đình. Thời gian này, Hương Lan càng lúc càng gây được nhiều chú ý nơi khán thính giả qua các vai trong các vở cải lương như Thầy Cai Tổng Bồi, Lan Và Điệp. Cũng như sau này là Đôi Mắt Người Xưa, Bóng Chim Tăm Cá…
Lên 10 tuổi (1966), Hương Lan bắt đầu chuyển qua tân nhạc, sau khi được nhạc sĩ Trúc Phương nhận ra khả năng của giọng hát cô, và nhất là trước đó cô rất thích tiếng hát của Hoàng Oanh. Thời điểm đó Hoàng Oanh đã là một danh ca hàng đầu của nhạc vàng, Hương Lan thường nghe đàn chị hát rồi ê a hát theo. Một lần nhạc sĩ Trúc Phương đến nhà chơi, tình cờ nghe Hương Lan hát, ông khen là có giọng tốt và gợi ý cho nghệ sĩ Hữu Phước chuyển qua tân nhạc.
Thân phụ cô bằng lòng để rồi nhạc sĩ Trúc Phương lại nhà dạy nhạc cho cô. Dù là một nghệ sĩ cải lương tên tuổi, nhưng Hữu Phước có một chủ trương rất cởi mở để cho rằng “Nghề nào cũng là nghề, cũng là sân khấu”.
Thế là kể từ năm 1966, Hương Lan bắt đầu chuyển qua tân nhạc trong hình ảnh một cô bé mặc váy đầm xòe trên những chương trình Đại Nhạc Hội Duy Ngọc tổ chức thường xuyên tại rạp Quốc Thanh. Với hai nhạc phẩm “tủ” đầu tiên là Những Đồi Hoa Sim và Ai Ra Xứ Huế, “Bé Hương Lan” đã gây nhiều ngạc nhiên cho khán giả. Đặc biệt sau đó, “Bé Hương Lan” đã được khán giả nhiệt liệt hoan nghênh mỗi khi xuất hiện cùng với cha trong vở “Lan Và Điệp” qua những đoạn tân cổ giao duyên.
Hai năm sau, Hương Lan đã được mời ký hợp đồng với hãng đĩa Việt Nam để thu thanh những ca khúc tân nhạc cùng một số bản cải lương. Sau khi mãn hợp đồng với hãng đĩa Việt Nam vào năm 1970, cô sang hợp tác với trung tâm băng nhạc Trường Sơn do nhạc sĩ Duy Khánh chủ trương trong hai năm.
Trước khi về với trung tâm Trường Sơn, Hương Lan đã ít xuất hiện trên sân khấu để chỉ chú tâm theo đuổi việc học hành khi bắt đầu bước chân vào ngưỡng cửa trung học trường Nguyễn Bá Tòng. Nhưng vì quá đam mê nghệ thuật nên việc học vấn của Hương Lan đã chấm dứt rất sớm, khi cô mới học hết năm Đệ Ngũ (lớp 8): “Ba muốn em lấy bằng trung học mà lấy không nổi. Em học tới năm đệ ngũ. Năm lên đệ Tứ là em vọt rồi!”
Và cũng kể từ năm 1972, Hương Lan trở thành một ca sĩ tân nhạc độc lập, được mời thu thanh trên rất nhiều băng nhạc chung với nhiều nghệ sĩ khác, ngoài phần thỉnh thoảng vẫn thu một số băng cải lương. Cũng vào thời gian này, tiếng hát của “Bé Hương Lan” trở thành quen thuộc với những thính giả đài phát thanh, đặc biệt qua những chương trình ca nhạc của nhạc sĩ Châu Kỳ.
Sở dĩ có một thời gian khá dài, Hương Lan vắng bóng trên sân khấu cải lương vì cô ở trong lứa tuổi cô cho là lỡ cỡ, “không đóng được vai đào và cũng không đóng được vai con nít”, như cô kể. Hương Lan chỉ trở lại với cải lương vào năm 1973, khi được 17 tuổi.
Cuối năm 1974, nhạc sĩ Ngọc Chánh thảo luận với cô để chuẩn bị thực hiện băng nhạc đầu tiên mang tên “Tiếng Hát Hương Lan” riêng cho cô trong bộ băng nhạc nổi tiếng Shotguns. Nhưng rất tiếc việc thực hiện đã không thành do biến cố tháng 4 năm 1975.
Thời điểm này, thân phụ bà đã có quốc tịch Pháp từ trước nên đã sang Pháp định cư theo diện “hồi hương”.
Hương Lan lập gia đình với nghệ sĩ Chí Tâm vào năm 1976. Sau đó cô hoạt động trong lãnh vực cải lương hơn một năm với những buổi trình diễn tại Sài Gòn và các tỉnh qua một số soạn phẩm như Tình Yêu Và Bạo Chúa, Cây Sầu Riêng Trổ Bông…
Vợ chồng Hương Lan – Chí Tâm được nghệ sĩ Hữu Phước bảo lãnh sang Pháp vào năm 1978 với con trai đầu lòng tên Henri Dương Bảo Nhi và bắt đầu đi vào một giai đoạn mới trong cuộc sống cũng như trong sinh hoạt nghệ thuật.
Vợ chồng Chí Tâm – Hương Lan
Vợ chồng Hương Lan – Chí Tâm đã trải qua một thời gian rất chật vật trong những năm đầu tiên ở Pháp. Hai người cùng con trai đầu lòng cư ngụ ở Pontoise, vùng ngoại ô Paris, trong một căn phòng được chính phủ cấp. Để mưu sinh, Hương Lan hàng ngày phải đáp xe lửa lên Paris để cuốn chả giò cho một công ty Việt Nam ở đây ròng rã suốt 8 tiếng. Được một thời gian, cô chuyển qua làm cho một hãng kẹo. chỉ hoạt động theo từng mùa trong năm như lễ Phục Sinh hay Giáng Sinh, Tết Dương Lịch…
Một lần nữa, Hương Lan lại phải xoay qua làm thu ngân cho một siêu thị tại Paris. Thời gian này, hoạt động văn nghệ hải ngoại tại thủ đô nước Pháp còn rất ít, tuy vậy Hương Lan “vẫn bị chụp mũ là Việt Cộng” bởi một số tổ chức cực đoan ở hải ngoại. Lý do chỉ vì cô đã cộng tác với một đoàn văn nghệ của chế độ mới giống như hầu hết những nghệ sĩ còn ở lại Việt Nam sau tháng 4 năm 1975.
Hương Lan cho biết đến khi nhận thấy cô không hề dính líu đến đoàn văn nghệ của hội Sinh Viên Việt Kiều Yêu Nước ở Paris, sự chống đối mới không còn nhắm vào cô.
Song song với những công việc sinh nhai, Hương Lan bắt đầu đi hát vào những ngày cuối tuần từ năm 1979 tại những phòng trà và nhà hàng ca nhạc ở Paris như Paradis D’Asie, Palais D’Argent… cũng như những chương trình nhạc hội do nhà tổ chức Hải Phong thực hiện tại rạp Maubert.
Trong khi đó, cô ngưng hẳn mọi hoạt động về cải lương vì không có môi trường. Còn Chí Tâm, sau một thời gian làm việc với công ty sơn mài Thành Lễ, đã kiếm được một việc làm tương đối ổn định ở công ty Thompson cho đến ngày sang Mỹ.
Hai năm sau khi đến Pháp, cặp vợ chồng nghệ sĩ Hương Lan – Chí Tâm đi đến đổ vỡ vào ăm 1980, sau khi có thêm một con trai tên Patrick Dương Bảo Trang. Sự đổ vỡ cũng đến từ lý do Hương Lan cho là tính “nghệ sĩ bay bướm” của chồng. Nhưng sau khi chia tay, cả hai vẫn giữ cho nhau những cảm tình tốt đẹp: ”Em với Chí Tâm lúc nào cũng quí nhau. Anh Chí Tâm bây giờ đã lập gia đình, có vợ bên Việt Nam qua. Tụi em vẫn thân nhau như anh em từ xưa tới giờ. Đối với tụi em, điều quan trọng nhất vẫn là tình đồng nghiệp”.
Bây giờ nghĩ lại, Hương Lan cho rằng sự đổ vỡ đó đến từ sự thiếu chín chắn của cả hai trong lứa tuổi còn trẻ: “Thật sự mà nói thì cả hai lúc đó còn trẻ quá. Chí Tâm cũng còn trẻ. Em cũng còn trẻ. Chí Tâm có những việc làm không suy nghĩ và cái trẻ của em thì cũng không có thể tha thứ. Chứ đặt vào trường hợp bây giờ thì chắc là không đến nỗi “
Năm 1984, Hương Lan xuất hiện lần đầu tiên trên chương trình video Paris By Night với nhạc phẩm Ngày Về của nhạc sĩ Hoàng Giác. Rồi tiếp đó là những nhạc phẩm tình ca quê hương như Còn Thương Rau Đắng Mọc Sau Hè, Em Đi Trên Cỏ Non, Chiếc Áo Bà Ba, Điệu Buồn Phương Nam…
Năm 1985, Hương Lan đưa hai con sang Mỹ để tiến hành thủ tục cư trú do mẹ cô (đã sang đây từ năm 75) bảo lãnh. Đến năm sau, cô được chính thức cư ngụ tại Hoa Kỳ cùng với 2 con trai.
Cũng trong năm 1986, cô quen biết với người chồng hiện nay là Đặng Quốc Toản trong buổi tiệc mừng sinh nhật của Elvis Phương vào tháng 2. Họ chính thức thành hôn về mặt pháp lý vào tháng 12 năm 1988. Sau đó Hương Lan theo học đạo Công Giáo để đến năm 1989, cô cùng với Đặng Quốc Toản tổ chức lễ cưới tại nhà thờ thuộc thành phố Anaheim, miền nam California.
Ông Đặng Quốc Toản là người miền Bắc, sinh năm 1946, từng phục vụ trong quân đội trong những đơn vị tác chiến từ sau biến cố Mậu Thân cho đến tháng 4 năm 1975. Đối với Hương Lan, ông Toản “là một người đàn ông rất là rộng lượng và rất là hiểu biết và là một người có kiến thức rất rộng”.
Ngoài ra ông Toản cũng là người Hương Lan coi như điểm tựa của cuộc đời mình, khi phải đương đầu với những khó khăn, cụ thể là những sự chống đối cô gặp phải sau này: “em nhờ vào anh Toản thì em mới có được sự vững chắc và coi như là em cảm thấy mình không bị tổn thương, không bị khổ sở. Trong những lúc bị dồn dập thì anh Toản là một người bao giờ cũng bên cạnh an ủi và che chở cho em”.
Hương Lan và chồng hiện nay – ông Đặng Quốc Toản
Hương Lan trở về Việt Nam lần đầu tiên vào năm 1994 cùng với những nghệ sĩ hải ngoại Quốc Anh, Đức Huy và Thảo My, theo lời mời của một công ty điện toán Úc nhằm tổ chức những chương trình văn nghệ để quảng cáo cho những sản phẩm của công ty này với mục đích đưa những sản phẩm đó vào thị trường Việt Nam.
Cô nghĩ rằng niềm ao ước được trở lại hát ở quê hương có cơ hội thành hình vì cho là “dù sao cũng có cả một kỷ niệm, cả một tuổi thơ ở Việt Nam” như cô tâm sự. Nhưng thực tế Hương Lan đã gặp nhiều khó khăn vì không được cơ quan thẩm quyền về văn hoá trong nước cho phép trình diễn trước khán giả, ngoài việc cho phép cô thu băng đĩa hoặc video. Hương Lan vẫn không nản chí để năm sau quay trở lại Việt Nam tiếp tục xin phép để được hát trên sân khấu, nhưng một lần nữa cô chỉ nhận được sự từ chối.
Mãi đến năm 1996, Hương Lan mới được phép trình diễn trước khán giả tại quê nhà sau khi cô cho là nhờ ở “thiện chí phục vụ khán giả và niềm ước mơ tầm thường của mình“ được tiếp nhận. Sau khi trở ra hải ngoại, Hương Lan đã phải đương đầu với những sự khó khăn khác là sự chống đối mạnh mẽ quyết định về hát tại Việt Nam của cô.
Cô đã lên tiếng phân trần với dư luận tại hải ngoại, nói thật tất cả về những khó khăn gặp phải ở trong nước, nhưng hầu như không mấy được để ý. Hương Lan đã tỏ ra chán nản khi tuyên bố là phải chi cô về nước được đón tiếp và được hát rầm rộ thì không nói làm gì, nhưng ngược lại đã phải qua bao nhiêu khó khăn mới được hát mà vẫn bị chống đối.
Tuy vậy, Hương Lan đã tỏ ra thông cảm với dư luận chống đối và kết án mà cô cho rằng chỉ có một số nào đó. Hương Lan còn nhấn mạnh về quan niệm luôn tôn trọng tự do của cô: “Điều thứ nhất là mình phải tôn trọng sự tự do. Chỉ có điều đáng buồn là em tôn trọng sự tự do của người ta, mà người ta không tôn trọng sự tự do của em”.
Hương Lan cũng luôn tôn trọng lý do của những người chống đối: ”Mình đang ở xứ Hoa Kỳ là xứ tự do nhất thế giới. Em tôn trọng chuyện người ta chống đối. Em tôn trọng sự khó khăn của những người vượt biển, không bao giờ họ đồng ý cho ai về Việt Nam. Ngay cả gia đình họ, chứ đừng nói mình. Người ta cũng có lý của người ta, và cái điều người ta làm cũng có cái đúng của họ”.
Hương Lan nói rằng cô đã dùng tiếng hát của mình để nuôi sống gia đình và chính bản thân. Với những năm tháng còn lại, cô mong muốn dùng tiếng hát của mình vào những công tác từ thiện từng theo đuổi nhiều năm nay: ”để cảm thấy giọng hát của mình không phải chỉ để kiếm cơm mà phải làm gì cho có ý nghĩa trước ngày rời sân khấu”
Qua bài này, Hương Lan đã có dịp đề cập đến những hoạt động của cô, cũng như đã nói lên tất cả những điều muốn nói để những người yêu mến cô và cả những người chống đối cô có dịp hiểu rõ hơn về cô. Hương Lan hiện chỉ tâm niệm một điều là sẽ cố gắng nhiều hơn trong những ngày còn đứng trên sân khấu, trước khi giảm bớt những hoạt động nghệ thuật của mình để sống một cuộc sống bình thường, đặc biệt là để luôn chú trọng đến những công tác từ thiện.
Bài của cố nhà báo Trường Kỳ đăng trên TVTS năm 2004