Trong nền tân nhạc Việt Nam giai đoạn trước năm 1975, danh ca Hà Thanh là một tên tuổi quan trọng, để lại dấu ấn sâu đậm trong dòng chảy âm nhạc Việt, được rất nhiều người mê say và mến mộ. Tuy nhiên, mấy chục năm qua, cái tên Hà Thanh thường bị chìm dưới những tên tuổi khác như Thái Thanh, Lệ Thu, Khánh Ly, Thanh Tuyền, Phương Dung,… Bởi ngay từ khi còn trẻ, dù là một giọng ca nổi tiếng, được săn đón, Hà Thanh vẫn luôn giữ vẻ khép nép, khiêm nhường, chừng mực của một cô gái con nhà trâm anh thế phiệt, gia giáo nơi đất Thần Kinh (xứ Huế). Hà Thanh thường từ chối các show diễn và hầu như không tiếp xúc với báo chí. Càng về sau này, Hà Thanh càng rời xa ánh đèn sân khấu, chọn một cuộc sống thanh tịnh, ẩn mật vì vậy đời tư và tên tuổi của bà càng ít được nhắc tới trên báo chí.
Ngày 1 tháng 1 năm 2014, Hà Thanh qua đời tại Boston, tiểu bang Massachusetts, Mỹ sau một thời gian chống chọi với bệnh ung thư máu. Trong điếu văn đưa tiễn, em gái danh ca Hà Thanh là Trần Thị Phương Thảo đã công bố sơ lược tiểu sử của bà với nhiều chi tiết lần đầu được hé lộ, nguyên văn như sau:
“Chị Hà Thanh tên thật là Trần thị Lục Hà, sinh ngày 25 tháng 7 năm 1937, chánh quán làng Liểu Cốc Hạ, huyện Hương Trà, tỉnh Thừa Thiên, nhưng sinh ra tại làng An Đô, nơi một nông trại của gia đình dưới chân dãy núi Trường sơn. Tên chị được cảm hứng từ một bài thơ cổ, nói lên phong thái thi vị của người xưa, vì Ba là nhà giáo Trần Kiêm Phổ, vừa là một nhà nho xuất thân từ trường Quốc Tử Giám:
Xuân du Phương Thảo địa,
Hạ thưởng Lục Hà trì.
Thu ẩm hoàng hoa tửu,
Đông ngâm bạch tuyết thi.
Thừa hưởng được giòng máu của Ba, uyên bác vừa hán học vừa tây học, và của Mẹ, đảm đang, nhân hậu biết thương người và rất sùng đạo Phật, nên chị Hà Thanh đã có một cuộc đời an nhàn thanh khiết của một Phật tử thuần chính. Khi còn nhỏ Chị đã gia nhập gia đình Phật tử Hương Từ, được đức Tăng Thống Thích Tịnh Khiểt đặt cho pháp danh Tâm Tú và sau này thầy Nhất Hạnh gọi chị với cái tên Ka Lăng Tần Già.
Năm 1963, nhân một chuyến viếng thăm Saigon, chị có cơ hội tiếp xúc với các văn nghệ sĩ, tiếng hát của chị đã được nhiều người ngùỡng mộ và chị đã nhanh chóng hội nhập vào giới văn nghệ Saigon. Chị bắt đầu hát ở các đài phát thanh Saigon, đài Quân Đôi, đài Tự do, trong các ban nhạc Tiếng Tơ Đồng, Tiếng Thời Gian, và được các hãng thâu thanh mời cộng tác như Sóng Nhạc, Việt Nam, Continental, Tân Thanh… Có một điều là chị không bao giờ hát ở phòng trà. Từ đó tiếng hát Hà Thanh được bay bổng khắp nơi trong giọng hát ngọt ngào tha thướt, đượm màu sắc mượt mà của đất Thần Kinh. Trước năm 1975, chị đã tham gia vào nhiều đoàn văn nghệ đi trình diễn ở Châu Âu và Lào.
Năm 1970, chị lập gia đình với Trung Tá Thiết giáp Bùi Thế Dung, sanh hạ được một cháu gái, Kim Huyên, nay đã thành gia thất, và chị có được hai cháu ngoại.
Chị đến định cư tại Mỹ ở Boston từ năm 1984. Từ đó đến nay, trọng tâm hoạt động của chị là Đạo Ca và Từ thiện, hăng say tham gia văn nghệ tổ chức trong công tác từ thiện bất cứ ở đâu. Chị đã đi hát cho các chùa nhiều nơi trên khắp nước Mỹ, Canada và Châu Âu. Thời gian này chị hát và sáng tác nhiều bài về đạo Phật.
Trong cuộc đời đơn sơ khiêm tốn của một phật tử chí tâm, chị đã có hai sự lựa chọn, hai sự đam mê trên tất cả mọi thứ, đó là âm nhạc và kinh kệ, cả hai đều hoà hợp để đi đến chỗ tuyệt vời, không những đã đem lại sự bình an trong tâm hồn chị, mà còn truyền lại cho người đời những niềm vui, những niềm an lạc làm cho cuộc sống tươi thắm hơn, an bình hơn, lành mạnh hơn.
Chị Hà Thanh đã ra đi lúc 7g25 phút ngày 1 tháng 1 năm 2014 một cách nhẹ nhàng thanh thảng trong tiếng cầu kinh của các ni cô và của những người thân yêu, cũng như nghe chính tiếng tụng êm ái truyền cảm của chị, thì chắc chắn trong cái giây phút siêu thoát chị đã hưởng được những cái gì trong lành nhất để đưa linh hồn chị về cỏi Vĩnh Hằng.
Đó là tất cả tài sản mà chị Hà Thanh đã để lại cho chúng ta, mà rồi đây qua những tiếng hát, qua những bài cầu kinh sẽ còn lưu lại, văng vẵng bên tai làm tưởng nhớ lại những cái gì thoang thoảng nhẹ nhàng như chị Hà Thanh đang hát cho ta nghe từ một cõi hư vô nào đó. Chị Hà Thanh vẫn sống mãi nơi Đất Phật, và còn sống mãi với chúng ta”.
Click để nghe nhạc Hà Thanh thu âm trước 1975
Sinh ra trong một gia đình Phật tử, trọn đời quy y theo Phật, ăn chay, sáng tác và hát nhiều bài ca về Đạo Phật bởi vậy không khó hiểu khi nhiều người gọi Hà Thanh là “hoạ mi hót trên vai đức Phật”. Tại Boston – Mỹ, Hà Thanh phát hành nhiều đĩa nhạc Phật giáo, trong đó nổi bật nhất là CD Nhành dương cứu khổ, được cộng đồng Phật tử và người Việt tại Mỹ mến mộ.
Khác với nhiều danh ca cùng thời, sinh ra trong những gia đình có truyền thống nghệ thuật, Hà Thanh là người duy nhất trong gia đình đi vào con đường âm nhạc, và có lẽ cũng là một trong những nghệ sĩ hiếm hoi chọn đứng ngoài ánh hào quang của showbiz, giữ cho mình một tâm thái thanh tịnh đến tận cuối đời.
Giọng oanh vàng số 1, sang trọng bậc nhất dòng nhạc Bolero thế kỷ 20
Nhà nghiên cứu Nguyễn Xuân Đắc từng đưa ra nhận định: “Hà Thanh với giọng oanh vàng số 1 được xem là nữ ca sĩ tiêu biểu nhất của Huế thế kỷ 20“. Hà Thanh có một giọng hát và tài năng thiên bẩm, không qua trường lớp âm nhạc. Ngay từ lúc còn nhỏ, đang theo học tại trường nữ Trung Học Đồng Khánh, vốn có năng khiếu và đam mê ca hát, Hà Thanh đã được chọn hát trên Đài phát thanh Huế, trong chương trình Tiếng nói học sinh Quốc học – Đồng Khánh.
Năm 1953, Hà Thanh khi đó mới chỉ 16 tuổi nhưng người nhà đã giúp bà khai tăng thêm 1 tuổi để tham gia cuộc thi tuyển lựa ca sĩ do Đài phát thanh Huế tổ chức. Tiếng hát của trong trẻo, cao vút của bà đã chinh phục ban giám khảo bằng 6 nhạc phẩm rất khó và đoạt giải nhất năm đó. Sau sự kiện này, Hà Thanh trở thành ca sĩ trong ban nhạc Nắng Mới của Đài phát thanh Huế. Nghệ danh Hà Thanh cũng hình thành sau cuộc thi, mà theo nhiều lời đồn đoán, thì do khi đi thi bà đã thể hiện xuất sắc ca khúc “Dòng Sông Xanh” nổi tiếng của nhạc sĩ Johann Strauss nên tên bài hát đã được đem đặt cho tên người hát. Tuy nhiên, cũng có nhiều nguồn tin cho rằng, Hà Thanh được đặt theo tên gốc của danh ca là Lục Hà, cũng mang ý nghĩa là “Dòng Sông Xanh”.
Như đã nói ở trên, mãi đến năm 1963, Hà Thanh mới bắt đầu tiếp xúc với giới văn nghệ sĩ Sài Gòn và có những bước tiến xa hơn trong sự nghiệp âm nhạc. Và người đã nhìn ra tài năng vượt trội của Hà Thanh chính là nhạc sĩ Nguyễn Văn Đông. Sau khi chủ động mời Hà Thanh đến hát với ban nhạc Tiếng thời gian ca khúc Về mái nhà xưa, nhạc sĩ Nguyễn Văn Đông đã viết thư ra Huế mời bà vào Sài Gòn cộng tác với hãng đĩa Continental. Hai năm sau, năm 1965, Hà Thanh vào Sài Gòn và nhanh chóng trở thành giọng ca hàng đầu của Sài Gòn thời đó. Những nhạc phẩm của nhạc sĩ Nguyễn Văn Đông như Phiên Gác Đêm Xuân, Hải Ngoại Thương Ca, Hàng Hàng Lớp Lớp, Chiều Mưa Biên Giới,… đã theo tiếng hát Hà Thanh vang xa trên khắp các đài phát thanh của Sài Gòn và trên các chương trình Đại nhạc hội.
Hà Thanh được đánh giá là một trong những giọng ca hiếm hoi đem đến một hồn cốt khác biệt cho dòng nhạc Bolero. Cách luyến láy vô cùng đặc biệt, tự nhiên của Hà Thanh thường khiến cho các khúc nhạc trở nên sang trọng, mượt mà, cuốn hút kỳ lạ.
Nhạc sĩ Nguyễn Văn Đông từng nhận xét: “Tôi cho rằng Hà Thanh không chỉ hát mà còn sáng tạo trong khi hát. Hà Thanh đã tạo thêm những nốt luyến láy rất truyền cảm, rất mỹ thuật làm cho bài hát của tôi thêm thăng hoa, trong giai điệu cũng như trong lời ca. (…) Hà Thanh có giọng hát thiên phú, cô hát rất thoải mái, dễ dàng, không cầu kỳ, không cường điệu, không gò bó nhưng nó cuốn hút ta đi trong cái bềnh bồng không gò ép đó.”
Nghệ sĩ Kim Cương từng tâm sự: “Cứ mỗi lần nghe ca khúc Sắc Hoa Màu Nhớ của nhạc sĩ Nguyễn Văn Đông, tôi lại bâng khuâng nhớ về giọng hát Hà Thanh. Tiếng hát của những hoài niệm và nhớ mong. Những năm cuối đời, chị Hà Thanh luôn tạm trú ở chùa do ni sư Chơn Đạo trụ trì. Tôi cho rằng nữ danh ca này có chất giọng thiên phú, chị hát rất thoải mái, không cầu kỳ, không cường điệu, gò bó mà cuốn hút đến lạ kỳ”.
Năm 1969, Hà Thanh là một trong những văn nghệ sĩ hàng đầu của Sài Gòn thời đó, được chọn vào Đoàn Văn Nghệ của Bộ thông tin VNCH, để đi lưu diễn và giao lưu văn hoá ở Pháp. Đoàn gồm có hai nhóm, cải lương và tân nhạc. Bên cải lương thì có đoàn Thanh Minh Thanh Nga của gia đình nữ hoàng sân khấu Thanh Nga, còn bên tân nhạc thì có ca sĩ Hà Thanh, ca sĩ Hoàng Oanh và ban AVT. Trong suốt 2 tháng lưu diễn ở Pháp, đoàn đã tham gia nhiều show diễn ở 8 tỉnh, nhưng chủ yếu là biểu diễn cho kiều bào và sinh viên Việt Nam tại Pháp.
Nhiều người cho rằng, tiếng hát thanh nhã, cao quý và nội lực hiếm có trong giọng hát Hà Thanh, khi lên cao thì chót vót, trong trẻo khi xuống thấp thì dịu dàng, mượt mà, đầy tự sự, được phát tiết ra từ chính con người thực của bà. Một nữ ca sĩ mà từ tài năng, phẩm hạnh đến thân thế đều có sự đồng nhất, luôn sang trọng và quý phái.
Ngoài nhạc sĩ Nguyễn Văn Đông, giọng hát oanh vàng của Hà Thanh được rất nhiều nhạc sĩ nổi tiếng thời đó yêu thích và gửi gắm nhạc phẩm của họ. Hà Thanh từng được biết đến là người bạn ca sĩ đầu tiên của nhạc sĩ Trịnh Công Sơn và là người đầu tiên hát nhạc của ông. Những nhạc sĩ như Dương Thiệu Tước, Hoàng Trọng, Tuấn Khanh, Phạm Duy,… cũng đều rất yêu thích tiếng hát của Hà Thanh.
Tiếng hát và tên tuổi của Hà Thanh gắn liền với rất nhiều ca khúc “kinh điển” của âm nhạc Việt Nam như: Đêm Tàn Bến Ngự (Dương Thiệu Tước), Suối Mơ, Bến Xuân (Văn Cao), Ai Lên Xứ Hoa Đào và Tà Áo Tím (Hoàng Nguyên), Hoa Xuân (Phạm Duy), Em Đến Thăm Anh Một Chiều Mưa (Tô Vũ), Từ Đàm Quê Hương Tôi (Văn Giảng), Khúc Tình Ca Xứ Huế (Trần Đình Quân), Đêm Đông (Nguyễn Văn Thương),…
“Nàng thơ” của nhiều văn nghệ sĩ nổi tiếng Sài Gòn
Bên cạnh tài năng ca hát, khí chất tao nhã, khiêm cung, Hà Thanh còn sở hữu một vóc dáng nhỏ nhắn, thanh thoát và một nhan sắc tươi tắn, dịu dàng khiến bao trái tim văn nghệ sĩ Sài Gòn thời bấy giờ xao động.
Nhà thơ Bùi Giáng trong những cơn mê và cả khi tỉnh đều dành cho Hà Thanh một tình cảm trân quý đặc biệt. Ông từng viết: “Kim Cương Nương tử đẹp một cách thoải mái, Hà Thanh Công chúa đẹp một cách cởi mở, Trí Hải Ni cô đẹp một cách không lời”. Trong một bài thơ, bất thình lình Bùi Giáng viết:
“Ði về phố rộng mà ra
Đi tu giản dị cô Hà Thanh ôi”
Dường như nhà thơ kỳ tài Bùi Giáng đã thoáng nhận ra đâu đó trong nhan sắc và con người Hà Thanh những căn duyên và đường nét thoát tục. Tuy nhiên, trước tình cảm của thi sĩ, danh ca Hà Thanh chỉ im lặng.
Nhà văn Mai Thảo là một trong những người trồng “cây si” Hà Thanh mạnh mẽ nhất. Mai Thảo từng lặn lội từ Sài Gòn ra Huế để gặp cha mẹ Hà Thanh xin cưới người đẹp nhưng không thành. Một người cháu của nhà văn Mai Thảo sau này là Orchid Lâm Quỳnh đã có những lý giải như sau:
“Thời đó khi muốn cưới vợ, phải nhờ một người mai mối, người này phải quen biết cả hai gia đình và quan trọng là người này phải cùng vai vế với hai bên bố mẹ. Không ai tự mình thưa chuyện như thế…
Nên đương nhiên bố mẹ cô Hà Thanh không chịu được cái lối hỏi cưới đường đột của Bác, nhất là gia đình cô Hà Thanh là gia đình trâm anh thế phiệt ở đất Thần Kinh!”.
Hà Thanh cũng là “nàng thơ”, là nguồn cảm hứng sáng tác cho hai vị nhạc sĩ tài năng của âm nhạc Việt là nhạc sĩ Tuấn Khanh với ca khúc Nhớ Nhau và nhạc sĩ Phạm Thế Mỹ với ca khúc Áo Lụa Vàng.
Năm 1970, Hà Thanh lấy chồng là trung tá thiết giáo Bùi Thế Dung. Hai người có một người con gái chung tên Kim Huyên sinh năm 1972. Năm năm sau ngày cưới, biến cố tháng 4/1975 xảy ra, chồng Hà Thanh phải đi học tập cải tạo trong nhiều năm liền. Đến năm 1984, Hà Thanh cùng con gái được bảo lãnh sang Mỹ định cư. Năm 1990, chồng Hà Thanh cũng đến Mỹ đoàn tụ cùng vợ con, nhưng chỉ được một thời gian ngắn ngủi thì gia đình tan vỡ. Sau khi chia tay chồng, Hà Thanh không đi bước nữa mà ở vậy tới tận lúc mất vào năm 2014. Những năm tháng cuối đời, có những khoảng thời gian, Hà Thanh ở hẳn trong một ngôi chùa ni ở Mỹ để tu học.
Bài: Niệm Quân (nhacxua.vn)