Những người yêu nhạc guitar, instrumental, nhạc trữ tình, có lẽ không ai là không biết đến ngón đàn guitar bằng tay trái rất tuyệt vời của nghệ sĩ Vô Thường mà lúc sinh thời giáo sư Trần Văn Khê đã nhận xét:
“Tiếng đàn có sức hấp dẫn lạ thường, nghe câu đầu muốn nghe tiếp câu sau, và liên tục như thế đến khi dứt bài mà cũng còn vọng lại dư âm. Những bản nhạc phần nhiều rất quen thuộc với người nghe. Nhưng qua ngón đàn của Vô Thường, mỗi bài mỗi tươi thắm với một sắc thái mới, đậm đà với một hương vị mới. Có phải chăng nhờ phong cách đàn độc đáo, không phải chỉ đàn bằng ngón tay mà đàn bằng con tim, không phải chỉ phô trương kỹ thuật mà áp dụng nghệ thuật, biểu diễn như Vô Thường không phải lặp lại mà tái tạo…”
Click để nghe guitar Vô Thường
Người đánh đàn mandoline hay nhất quân khu
Nghệ sĩ Vô Thường tên thật là Võ Văn Thường. Ông sinh năm 1940 tại Phan Rang trong một gia đình không có truyền thống nghệ thuật. Ngay từ nhỏ, Vô Thường dù đã có thiên hướng đam mê âm nhạc nhưng ở quê nhà Phan Rang hoàn toàn không có trường lớp và điều kiện để ông theo học nhạc. Vì vậy, Vô Thường đành mày mò tự học chơi đàn mandoline.
Năm 1960, sau khi tốt nghiệp khoá 9 trường Sĩ Quan Thủ Đức, Vô Thường trở về Phan Rang làm việc ở bộ phận tâm lý ᴄhιến. Mặc dù là một quân nhân, Vô Thường vẫn kiên trì theo đuổi niềm đam mê riêng là âm nhạc của mình.
Năm 1962, trong một cuộc thi do quân khu tổ chức, Vô Thường đoạt giải “người đánh đàn mandoline hay nhứt quân khu”. Tên tuổi của Vô Thường theo đó mà cũng được biết đến nhiều hơn. Thời gian này, Vô Thường có dịp gặp gỡ và giao lưu với nhiều tay đàn mandoline nổi tiếng như Pierre Trần (Trần Anh Tuấn), Khánh Băng, Đức Quê, Lê Duyên, Văn Lạc, Nguyễn Mạnh,… Điều đặc biệt nhất là khác với các nghệ sĩ khác, Vô Thường đàn hoàn toàn bằng tay trái.
Nói về con đường học nhạc của mình, ông tâm sự:
“Tôi đàn tay trái, thành ra phải học mò và đàn lấy một mình khi còn nhỏ. Không học ký âm pháp nhiều, chỉ quọt quẹt chút ít, nên đôi khi nhìn bản nhạc mà đàn thì chẳng ra hồn. Tôi chỉ ân hận là những ngày còn nhỏ vứt đi những thời giờ quý báu, thành ra cho tới bây giờ, nghĩ cũng muốn để đi vào khuôn khổ. Tôi kỳ vọng gởi hồn vào những bản nhạc những khi hứng đàn, hát và viết nhạc. Đền bù vào đó, tôi rất nhớ dai và dễ học. Những bản nhạc nghe qua một lần hai lần là tôi mò ra và đánh được, dầu không đúng hẳn 100%”.
Năm 1966, Vô Thường chuyển sang học guitar và trở nên say mê thứ nhạc cụ mộc mạc và lãng tử này. Khi đã thuần thục ngón đàn guitar, Vô Thường tham gia các ban nhạc chuyên trình diễn tại các club Mỹ ở Phan Rang, Nha Trang, Đà Nẵng,…
Không chỉ mang trong mình dòng máu nghệ sĩ, Vô Thường còn rất giỏi kinh doanh. Tại Phan Rang, hầu như ai cũng biết đến quán cafe Diễm của ông chủ Bảy Rìu (Bạn bè thân hữu tại Phan Rang đều gọi Vô Thường bằng cái tên này). Nơi đây cũng là địa chỉ họp mặt, giao lưu của nhiều văn nghệ sĩ tại Phan Rang như Võ Tấn Khanh (Tôn Nữ Hoài My), Nguyên Minh, Trần Hữu Ngũ, Tô Đình Sự, Chu Trầm Nguyên Minh,…
Biến cố năm 1975, Vô Thường là một trong những người Việt đầu tiên di cư đến Mỹ, không kịp mang theo gia đình vợ con.
Thành danh nơi đất khách
Khi mới chân ướt chân ráo tới Mỹ, cũng như nhiều người Việt khác, Vô Thường phải bươm chải qua nhiều công việc cực nhọc để kiếm tiền sinh sống.
Một thời gian sau, khi đã quen thuộc với đất Mỹ, Vô Thường đưa ra một quyết định táo bạo, là mở một cửa hàng chuyên bán bàn ghế, giường tủ, đồ nội thất – Một lĩnh vực kinh doanh chưa từng có người Việt nào làm trước đó tại Quận Cam, tuy nhiên, công việc kinh doanh này của ông lại vô cùng phát đạt. Tới năm 1987, chuỗi cửa tiệm Kim’s Furniture của nghệ sĩ Vô Thường có tới 5 cửa hàng nằm rải rác khắp California.
Năm 1983, khi kinh tế đã dư dả, Vô Thường hợp tác với một người bạn mở vũ trường Ritz. Tuy nhiên, công việc kinh doanh ở vũ trường không hiệu quả như mong đợi. Hơn một năm sau, ông phải sang lại vũ trường cho nhạc sĩ Ngọc Chánh.
Dù lấn sân trở lại âm nhạc không thành công, Vô Thường vẫn miệt mài tập luyện ngón nghề guitar của mình và thường trình diễn cho bạn bè nghe mỗi dịp tụ tập, hội họp. Được sự ủng hộ và khuyến khích của nhiều người, ông quyết định thực hiện các sản phẩm âm nhạc đầu tiên của mình.
Ngày 19 tháng 4 năm 1987 tại quán Phở Ngon ở Cali, trước khoảng 200 bạn bè, thân hữu và quan khách, Vô Thường cho ra mắt hai cuốn băng nhạc hoà tấu mang tên Ru Khúc Mộng Thường 1 và 2. Vượt ngoài mong đợi của tác giả, cuốn băng được đón nhận nồng nhiệt và bị vét sạch rất nhanh sau đó. Số tiền 800$ bán băng thu được tại buổi ra mắt, Vô Thường đem gửi tặng cho Ủy ban cứu trợ quốc tế (International Rescue Committee) để hỗ trợ những đứa trẻ mồ côi trong các trại tỵ nạn Đông Nam Á. Những cuốn băng này sau đó được tái bản nhiều lần và trở thành một hiện tượng trong làng nhạc hải ngoại, bởi dù “nghiệp dư” nhưng nó lại chất lượng hơn hẳn nhiều sản phẩm âm nhạc “chuyên nghiệp” khác.
Hai tháng sau sự kiện ra mắt, tháng 6 năm 1987, Vô Thường tiếp tục tung ra cuốn băng “Hạnh Phúc Nửa Vời” gồm những bản nhạc cho chính ông sáng tác và đàn cho ca sĩ hát. Tuy nhiên, băng nhạc này đã không thành công, bởi tiếng đàn guitar trác tuyệt của ông mới là thứ người hâm mộ say mê và mong ngóng.
Trong suốt sự nghiệp âm nhạc 16 năm từ năm 1987 – 2003, Vô Thường đã thực hiện khoảng 150 băng nhạc, tức là khoảng 1500 bài với nhiều thể loại khác nhau như: nhạc tiền ᴄhιến, hoà tấu, khiêu vũ, nhạc ngoại quốc, nhạc tình ca, nhạc đồng quê,… Tất cả các bài nhạc đều được Vô Thường tuyển chọn kỹ lưỡng, tự thu âm, tự sản xuất và phát hành. Đặc biệt, bìa băng nhạc bao giờ cũng được Vô Thường chú trọng, trình bày vô cùng trang nhã và thẩm mỹ. Đôi khi, ông còn cho in những tóm tắt, ghi chú về cuộc đời các nhạc sĩ, tác giả của những bản nhạc mà ông trình diễn hoặc những lời cảm tạ chân thành:
“Cảm tạ ơn Trên, Cảm tạ Cha Mẹ, Cảm ơn Đời, Cảm ơn các Nhạc sĩ sáng tác, Cảm ơn Quí thính giả mến mộ, Cảm ơn những tình bạn bè… Với một chút nghệ sĩ tính do ơn trên và cha mẹ đã ban cho tôi, nếu tiếng đàn lời nhạc có chia sẻ và mang lại chút vui chút buồn nào đó, Vô Thường xin cảm tạ và ghi nhớ mãi những thân thương này”.
Những năm tháng cuối đời, Vô Thường ấp ủ dự định trở lại viết ca khúc và thực hiện CD Tình Ca Vô Thường, trong đó có tiếng hát của chính ông và nhiều ca sĩ khác như Bạch Yến, Quỳnh Lan, Đức Minh nhưng đã không kịp hoàn thành.
Đời sống cá nhân
Vô Thường kết hôn lần đầu tiên vào khoảng cuối thập niên 1960 và có hai người con gái với vợ đầu. Tuy nhiên, ông đã không kịp đem theo gia đình, vợ con khi theo đoàn di tản. Tuy nhiên, sau này, ông đã bảo lãnh 2 cô con gái sang đoàn tụ và lo cho các cô một cuộc sống ổn định.
Người vợ thứ 2 của Vô Thường là nữ nhạc sĩ Lê Tín Hương. Hai người đã có một mối tình khá đẹp trên đất Mỹ trước khi tiến tới hôn nhân vào năm 1991. Nhạc sĩ Trần Quang Hải kể về mối tình này như sau:
“Khi anh sang thăm chúng tôi tại Paris vào đầu thập niên 90, anh Vô Thường giới thiệu Tín Hương, một người đàn bà miền Trung rất đẹp. Một bài nhạc đã được viềt ra trên đất Pháp, dọc sông Seine, giữa thành phố Paris hoa lệ”.
Đó chính là ca khúc “Một Chút Tình Bỏ Quên” với những câu hát nồng nàn, gợi cảm:
Paris dường như đã
Nghe tình lên trong ta
Từ Anh lặng lẽ tới
Cho nhung nhớ đầy vơi
Cho mộng tràn chăn gối
Hai người có một CD hoà tấu chung mang tên Hương Vô Thường (đặt theo tên ghép của hai người) bao gồm các nhạc phẩm của riêng Lê Tín Hương. Ngoài ra với sự động viên của Vô Thường, Lê Tin Hương đã sáng tác và ra nhiều CD nhạc riêng như: Có Những Niềm Riêng, Con Đường Tôi Về, Dòng Đời Mong Manh…
Dù đến với nhau bằng tình yêu, cùng hỗ trợ nhau trong sự nghiệp nhưng cuộc hôn nhân họ đã không thể dài lâu. Cuối năm 1999, hai người chia tay, Lê Tín Hương viết ca khúc Vùi Trên Lối Mòn xót xa cho mối duyên tình đứt đoạn:
Giờ ta chia phôi, cố quên tháng ngày
Hạnh phúc trong tay, giờ đã xa bay
Như giấc cô miên mối tình muộn phiền
Hãy cố quên những lời thề ước
Hãy xóa đi những lời yêu nồng
Ôi trái tim đầy những nát tan
Cơn bão yêu càng thêm phũ phàng
Hãy cố quên mối tình đã lỡ
Hãy xoá đi mối tình hững hờ
Ôi trái tim giờ đây héo hon
Như cỏ non vùi trên lối mòn
Năm 2003, ở tuổi 63, Vô Thường đột ngột qua đời tại California sau thời gian dài chống chọi với căn bệnh ung thư phổi. Theo di nguyện của ông, gia đình không nhận phúng điếu nhưng hàng trăm vòng hoa đã được gửi đến để tiễn biệt người nghệ sĩ kỳ tài đã đem ngón đàn tuyệt thế dâng hiến cho đời.
Bài: Niệm Quân
Bản quyền bài viết của nhacxua.vn