Bài viết về ca sĩ Chế Linh này được cố nhà báo Trường Kỳ viết vào khoảng giữa thập niên 2000, mô tả một cách ngắn gọn nhưng đầy đủ nhất con đường sự nghiệp của danh ca Chế Linh, từ một cậu bé nhà quê người dân tộc Chăm trở thành một đại danh ca được hàng triệu người đất Việt mến mộ trong nhiều thập niên.
—
Chế Linh, người ca sĩ từng có một thời được coi như một hiện tượng trong dòng nhạc vàng mà theo ngôn ngữ bình dân mộc mạc gọi là nhạc sến. Nhạc Sến ở đây phải được hiểu một cách đứng đắn là dòng nhạc mang tính cách phổ thông, được phổ biến rất lớn rộng trong quần chúng, khi thì mặn nồng nàn tình cảm với những cuộc tình đôi lứa, khi thì đậm đà tình tự quê hương với những tâm bình bình dị chân chất, như tâm hồn của những người dân Việt binh thường. Đó là thời điểm những năm 60-70, khi nền tân nhạc Việt Nam đang trong thời kỳ bộc phát mạnh mẽ.
Bây giờ, sau trên 40 năm (tính từ thời điểm thập niên 1960 đến khoảng giữa thập niên 2000, khi tác giả viết bài này) góp tiếng hát của mình vào những sinh hoạt nhạc Việt từ khi còn ở trong nước đến khi ra đến hải ngoại, dĩ nhiên “hiện tượng” Chế Linh chỉ còn là một kỷ niệm đẹp về một thời lẫy lừng tên tuổi. Cũng như “thần tượng” Chế Linh theo luật đào thải đã nhường ngôi vị này cho những tiếng hát của thế hệ tiếp nối bước đi của anh.
Nhưng trải qua bao năm tháng, trường hợp “hiện tượng” hay danh hiệu “thần tượng” cũng đã được gán cho không ít những xuất hiện sau đó. Nhưng không thể so sánh với trường hợp Chế Linh trong những ngày vàng son lâu dài của anh. “Hiện tượng” Chế Linh của những năm tháng xa xưa hiện nay vẫn còn đi hát, vẫn còn tham gia vào những sinh hoạt ca nhạc. Dù thời gian có soi mòn phần nào giọng hát của anh, nhưng khi anh cất tiếng, ai cũng nhận ra cái chất Chế Linh đặc biệt của nam ca sĩ gốc người Chăm này.
Chế Linh, tên theo người Chàm là Chà Len, chào đời vào năm 1942 và lớn lên ở làng Hữu Đức, tỉnh Phan Rang (địa danh theo người Chàm là Paley Hamu Tanran) với bố mẹ đều là người Chăm. Bố anh mất sớm khi Chế Linh mới được 4 tuổi và mẹ anh cũng đã qua đời vào năm 1979.
Anh là người con giữa trong gia đình có 3 người con với một anh và một em gái. Sau khi học hết bậc tiểu học chương trình Pháp ở trường làng và được các linh mục Pháp trong trường hướng dẫn về căn bản nhạc lý, Chế Linh theo học tiếp bậc trung học tại trường Bồ Đề, Phan Rang. Tháng 8 năm 1959, anh quyết định vào Sài Gòn một mình vì cho biết không chịu đựng nổi chính sách anh cho là kỳ thị nặng nề của nền Đệ Nhất Cộng Hoà, thời tổng thống Ngô Đình Diệm.
Chế Linh đã trải qua một thời gian vất vả ngay từ khi một mình đặt chân vào Sài Gòn lần đầu tiên trong đời bằng xe lửa trong một đêm lụt lội, với tâm trạng của một người nhà quê lần đầu tiên lên tỉnh.
Trước đó, Chế Linh không bao giờ nghĩ đến việc sẽ bước chân vào làng tân nhạc Việt Nam. Nếu có hát anh chỉ hát nhạc Pháp, còn nghe thì nghe nhiều cổ nhạc. Hơn nữa, khi còn đi học, anh chỉ học nhiều tiếng Pháp và Chàm.
Nhưng đến năm 1960, anh đã quyết định bước vào những sinh hoạt ca nhạc sau khi đã hội ý với một số người quen cùng sắc tộc. Vì theo họ chỉ có con đường văn nghệ mới có thể đến gần gũi với mọi người và nhất là có thể hòa đồng một cách dễ dàng hơn…
Qua năm 1962, Chế Linh gặp lại vị linh mục người Pháp đã dạy anh trước kia ở trong làng từ vùng cao nguyên Ban Mê Thuột, và một người anh chú bác được thuyên chuyển về làm tại Viện Khảo Cổ, Sài Gòn. Vị linh mục này nhận nuôi anh và khuyến khích anh theo học tiếp.
Một thời gian sau Chế Linh về ở với người anh, và cho đến lúc này anh mới liên lạc với gia đình để nhận được thêm tiền của mẹ gửi lên để có thể tiếp tục ăn học. Người anh bà con có ý định giới thiệu Chế Linh với cô em vợ để đi đến việc hôn nhân nhưng anh không bằng lòng. Mẹ anh cũng muốn như vậy, nhưng Chế Linh cương quyết không chịu, do đó người anh đã đề nghị với mẹ Chế Linh ngưng cung cấp tiền cho anh để gây áp lực…
Một lần nữa Chế Linh lại bỏ nhà ra đi và thường lân la đến những nhà hàng có các nghệ sĩ thường tụ họp và từ đó có dịp làm quen với những tên tuổi như Duy Khánh, Châu Kỳ, Trúc Phương… Tuy được các nhạc sĩ trên khuyến khích nhưng anh còn e ngại vì chưa tìm được cho mình một đường hướng riêng. Trong khi đó những giọng hát vào thời kỳ này mỗi người đã đi theo một con đường riêng biệt như Mai Trường, Anh Ngọc, Hùng Cường, Duy Khánh,…
Trong suốt những năm 1962 đến 1964. Chế Linh đã được giới thiệu vào đoàn văn nghệ biệt chính ở Biên Hòa, tuy nhiên anh cho biết vẫn chưa tìm ra một đường hướng riêng nào cho tiếng hát của mình.
Sau khi đoàn văn nghệ biệt chính giải thể, Chế Linh trốn mọi người, lên núi Bửu Long lái xe chở đá mướn với mục đích chuẩn bị một số bài hát và để luyện giọng ca. Chỉ có nhạc sĩ Bằng Giang là người hiểu rõ ý định của anh, và sau khi nhận thấy anh đủ sức đã khuyên anh “xuống núi”. Chính nhà sư trụ trì trên núi Bửu Long cũng khuyên anh nên trở về Sài Gòn để khai thác giọng hát của mình sau khi đã chứng kiến những lần luyện giọng của anh ở dưới chân núi.
Trong khi Chế Linh chưa quyết định dứt khoát, hai nhạc sĩ Châu Kỳ và Trúc Phương tìm ra chỗ ở của anh và kéo anh trở về Sài Gòn. Anh đề nghị với hai nhạc sĩ này là nếu quả thật muốn anh tham gia vào những sinh hoạt ca nhạc thì cần có cho anh con đường đi rõ ràng, nên đã yêu cầu họ sáng tác cho riêng anh những nhạc phẩm về lính, không nhắm đặc biệt vào một binh chủng nào, và cần nhất lời ca phải dễ hiểu.
Nhận thấy đề nghị của Chế Linh thích hợp với tình trạng thời đó, các nhạc sĩ Châu Kỳ, Mạnh Phát và Trúc Phương đã sáng tác một số nhạc phẩm có nội dung như Chế Linh muốn. Vào cuối năm 1964, hãng đĩa Việt Nam ký hợp đồng với Chế Linh trong nhiều năm. Từ đó anh chính thức tham gia vào làng văn nghệ và tên tuổi của anh càng lúc càng lên cao, đúng với ý nguyện là dùng tiếng hát mình để đưa lại sự gần gũi và thông cảm giữa hai dân tộc Chàm và Việt.
Từ năm 1967, 1968, thêm một trường hợp được gọi là “hiện tượng” khác gây được rất nhiều chú ý là sự xuất hiện của Chế Linh bên cạnh Thanh Tuyền để trở thành một cặp song ca cho đến nay vẫn được nhắc nhở đến, trong khi thỉnh thoảng họ vẫn xuất hiện chung trên một số chương trình.
Hiện tượng này cũng được tạo dựng nên bởi nhạc sĩ Nguyễn Văn Đông vào thời kỳ Chế Linh đang cộng tác với hãng đĩa Continental của ông. Vì muốn có sự thay đổi, và nhất là tránh cho thính giả nhàm chán với những nhạc phẩm đơn ca nên ông đã đưa ra sáng kiến là để Thanh Tuyền song ca với Chế Linh.
Đĩa nhạc đầu tiên trong đó có nhạc phẩm “Hái”Hoa Rừng Cho Em” của nhạc sĩ Trương Hoàng Xuân được tung ra thị trường và trở thành “ăn khách” một cách không ngờ. Những hãng đĩa khác sau đó đã tiếp tục khai thác để mời Thanh Tuyền – Chế Linh hát cặp. Sau này tại hải ngọai cũng vậy, những lần xuất hiện của cặp Chế Linh – Thanh Tuyền luôn được mọi người đón nhận rất nhiệt tình.
Sự thành công của cặp song ca Chế Linh – Thanh Tuyền một phần nhờ ở một hình thức mới lạ, một phần nhờ những nhạc phẩm soạn riêng cho song ca, thích hợp với tâm trạng của những người yêu nhau. Theo Thanh Tuyền một điểm đưa họ đến thành công là chị có một giọng hát rất cao, có thể hát tới dễ dàng những notes nhạc của giọng nam nên đưa tới một sự hài hòa, đồng điệu.
Sáu năm sau khi rời xa quê hương, từ Sài Gòn, Chế Linh trở lại Phan Rang và đã nhận thấy công việc anh theo đuổi là mang tiếng hát mình để hóa giải mọi sự kỳ thị và hiềm khích nơi anh sinh trưởng, đã mang lại một kết quả hết sức khả quan sau khi tên tuổi anh đã được tất cả mọi người biết tới ở đây.
Khi trả lời về nhận xét của nhiều người thường liệt những nhạc phẩm anh hát thuộc loại bình dân, là nhạc sến, anh cho biết thật sự danh từ nhạc sến chỉ được gọi cho vui vì “Âm nhạc là văn hóa, văn học nghệ thuật. Thì ở trong văn học nghệ thuật, ở trong văn hóa không thể phân biệt sến và sang”, theo quan niệm của anh.
Nhưng khi dùng chữ nhạc sến để chỉ loại nhạc anh hát, anh có cho đó là một sự miệt thị hay không? Chế Linh bầy tỏ quan điểm của mình: “Tôi không nghĩ như thế, bởi chữ đó nó không quan trọng. Cái quan trọng là mình làm được cái gì mình đang theo đuổi. Tức là mình có làm tròn trách vụ mình hay không, là mình có diễn tả được những gì mình đeo đuổi hay không”.
Với giòng máu Chàm trong người, Chế Linh cho biết anh rất hãnh diện mà không mang một mặc cảm nào như mọi người lầm tưởng. Vì anh cho rằng: “trên mảnh đất này nói ngay, nó là mảnh đất của tôi, mảnh đất của Chàm thật sự”.
Người ca nhạc sĩ có 4 vợ và 14 người con này vượt biên vào năm 1980 đến Mã Lai và sau đó được nhận định cư tại Toronto, Canada. Tại đây anh có một phòng thu thanh, ngoài việc từng đứng ra khai thác vài cơ sở kinh doanh, nay đã ngưng hoạt động. Thêm vào đó, Chế Linh vẫn thường được mời trình diễn đều đặn tại nhiều nơi tại Mỹ, Canada cùng một số thành phố có người Việt cư ngụ tại Nga, Ba Lan…
Từ năm 1984, Chế Linh đã bắt tay vào việc thực hiện một dự án về văn hóa với trường đại học Sorbonne ở Pháp và đã hoàn tất cách nay khá lâu. Dự án này nằm trong công trình nghiên cứu về nền văn hóa Á Đông, trong đó có dự án về văn hóa Chàm. Chế Linh đã từng qua Pháp trong hai năm để nghiên cứu về nhạc Chàm.
Sau trên 40 năm, cuộc đời ca hát của Chế Linh đã trải qua nhiều giai đoạn thăng trầm trong nghề nghiệp, bên cạnh những hoạt động không ngừng nghỉ trong việc đưa nền văn hóa Champa đến với những dân tộc khác trên thế giới. Hiện anh cư ngụ tại Toronto, Canada.
Về vấn đề nghỉ hát, Chế Linh đã nghĩ tới từ lâu, tuy nhiên anh cho là nếu quyết định như thế quả là khắt khe đối với chính những ước vọng của mình. Bởi vậy anh sẽ còn vừa hát, vừa làm đến khi nào không còn làm nổi thì các con cháu anh sẽ tiếp tục những công việc đó.
Trường Kỳ