Ca sĩ Phương Hồng Quế có tên thật là Nguyễn Thị Quế, sinh tại Sài Gòn vào ngày 19 tháng 6 trong một gia đình có 5 người con gái, được học hát từ khi còn bé, sau đó đã cộng tác nhiều vũ trường tại Sài Gòn, góp mặt trong những Đại Nhạc Hội cũng như là những chương trình truyền thanh và truyền hình trong nước trước năm 75 với những nhạc phẩm được nhiều người ưa thích như: Chuyến Đi Về Sáng, Sương Phủ Đường Khuya, Đèn Khuya…
Sau năm 1969, Phương Hồng Quế đã trở thành Tivi Chi Bảo và là thần tượng của những chàng trẻ tuổi còn nặng nợ sách đèn, và nhất là những anh lính chiến can trường ở nơi tiền đồn xa ánh sáng thành phố. Hầu như tuần nào, cô cũng xuất hiện trong một hoặc hai, ba shows. Trên khung màn ảnh nhỏ đen trắng, cô là một vì sao đang độ sắc hương bừng dậy.
Phương Hồng Quế hát chung cùng Phương Đại trên TV
Những cô ca sĩ xuất thân từ lò Nguyễn Đức với nghệ danh có chữ Phương đứng đầu phần nhiều nổi danh dù họ mang theo tiếng hát học trò để bước vào ca trường nhạc giới: Phương Hoài Tâm, Phương Hồng Hạnh, Phương Hồng Ngọc, Phương Hồng Quế… Còn những cái tên Phương Hồng Chi, Phương Hồng Loan chưa kịp nổi danh thì đã xuất giá vu quy.
Về sau, Phương Hoài Tâm và Phương Hồng Hạnh trau dồi thêm kỹ thuật tiếng hát nên họ hát có nét điêu luyện, hát hay hơn và vững vàng hơn thuở vừa mới ra khỏi lò đào tạo. Còn Phương Hồng Quế không cần vạch một chân trời mới nào cho tiếng hát của mình. Cô đã quyến rũ khán thính giả dễ tính bằng tiếng hát đầu đời của cô thì cô bắt nó thay đổi lột xác làm gì cho mất công? Và nếu được lột xác như rắn mai hoa, khi được thay lông đổi cánh như chim hoàng yến thì chắc gì khán thính giả chuộng giọng hát canh tân ấy, bởi từ bao lâu tiếng hát đầu đời của cô đã đi sâu vào cõi thưởng ngoạn của họ, mắc kẹt luôn ở đó.
Phương Hồng Quế cũng như ba cô Phương nổi danh kia, có tấm nhan sắc trên trung bình. Phương Hoài Tâm hiền hậu đoan trang, Phương Hồng Hạnh cao sang đài các, Phương Hồng Ngọc lộng lẫy và hấp dẫn, còn Phương Hồng Quế sắc sảo như bông hồng quế được trồng trong chậu sứ Giang Tây tráng men thuý lục bóng ngời.
Giọng hát Phương Hồng Quế chỉ là một giọng hát nghe được, khi vút cao thì ẻo lả, nhưng nó không ỏng ẹo quá trớn. Tuy thế, nó có cái nhược điểm trầm trọng là thường nghẹt mũi, mà cô không chịu sửa chữa lại nếu cô không đau mũi. Làn hơi cô tuy không phong phú, nhưng khá dẻo và chắc nịch. Phương Hồng Quế chưa hề ngân nga bao giờ. Cô thường chọn những bài hát vừa với âm vực của giọng hát của cô. Đó là những bài hát mà các phó thường dân có giọng lên cao thì tét, xuống trầm thì nghẹt đều có thể hát được. Phương Hồng Quế hát tuy lưu loát, nhưng giọng cô không làm bài hát tươi rạng hào quang, đạt tình đạt ý. Cô làm cho thính giả cảm thấy cách diễn tả bài hát của cô hơi thiếu thiếu một cái gì. Có thể là thiếu một chút cao sang thánh thoát trong tiếng hát. Và cũng có thể là thiếu chút vững chải ở cách dàn trải làn hơi.
Phương Hồng Quế quen hát những bài o bế nịnh nọt tự ái người lính với lời xưng tụng thả ga cái can trường của họ. Ở những bài đó, cô hát như say sưa với hình ảnh oai hùng của họ, như chiêm ngưỡng những bước khua động trên con đường hành quân của họ mà người đặt lời cho là con đường đi vào lịch sử dân tộc. Và cô dùng tiếng hát để làm nũng với họ chút chút, vuốt ve họ sơ sơ. Cho nên lính tráng xem cô như một thần tượng huy hoàng, để trên bước đường chiến đấu với kẻ thù, họ có một giấc mơ lộng lẫy làm hành trang.
Trích “Chân Dung Những Tiếng Hát” của tác giả Hồ Trường An