Vào đầu năm 2021, một bậc tiền bối của làng nghệ thuật Việt Nam – nhạc sư Vĩnh Bảo – đã qua đời ở tuổi 104, để lại tiếc thương cho rất nhiều người, đặc biệt là những thế hệ nghệ sĩ đã từng được nhạc sư Vĩnh Bảo chỉ dẫn, cùng với những khán giả yêu mến cổ nhạc.
Tiếng đàn của cụ Vĩnh Bảo cho đến nay vẫn được xem là độc nhất vô nhị, được gói gọn chỉ trong 4 chữ nhưng lột tả đầy đủ ý tứ để diễn tả tiếng đàn lẫn cốt cách của một tài năng: tinh tường, tinh tế. Cách sống nhẹ nhàng, thanh tao của ông đã vận vào tiếng đàn làm nên những âm thanh làm say lòng người.
Nhiều người đã thắc mắc rằng vì sao gọi cụ Vĩnh Bảo là “nhạc sư”?
Không có quy định cụ thể như thế nào thì sẽ được gọi bằng danh hiệu “nhạc sư”, và từ trước đến nay cũng có rất ít nghệ sĩ được gọi bằng danh hiệu này. Ngoài cụ Vĩnh Bảo thì hình như chỉ còn có 2 nghệ sĩ trong lĩnh vực tân nhạc được gọi là “nhạc sư” – Đó là Lê Văn Thiện và Nghiêm Phú Phi – là 2 trong số những nhạc sĩ nổi tiếng nhất trong lĩnh vực hòa âm phối khí.
Vậy “nhạc sư” có nghĩa là gì?
“Nhạc sư”, nếu dịch sát nghĩa thì là “thầy dạy nhạc”, cũng giống như “võ sư” là thầy dạy võ. Tuy nhiên đối với cụ Vĩnh Bảo, thì “sư” ở đây cũng có thể hiểu là 1 master, bậc tiền bối, sư phụ về nhạc có trình độ cao hiếm thấy. Cụ Vĩnh Bảo cũng là thầy của nhiều thế hệ nghệ sĩ trình diễn nhạc cụ cổ nhạc.
Tuy nhiên, không phải là nhạc sĩ nào dạy nhạc thì cũng gọi là “nhạc sư”. Ví dụ như bộ 3 nhạc sĩ Lê Dinh, Minh Kỳ, Anh Bằng mở lớp dạy nhạc một thời gian dài, đào tạo ra nhiều ca sĩ nổi tiếng, nhưng không được gọi là “nhạc sư”, dù họ đều rất tài năng. Như vậy, việc được gọi là “nhạc sư” không có một quy định cụ thể nào. Rất có thể là chỉ những nhạc sĩ có am hiểu sâu rộng về âm nhạc thì mới vinh dự được gọi bằng danh hiệu này. Như trường hợp Giáo sư – nhạc sĩ Trần Văn Khê, cũng là một người nghiên cứu rất sâu về âm nhạc Việt Nam tự cổ chí kim, đồng thời cũng là thầy dạy của nhiều thế hệ nghệ sĩ, nhưng người ta không gọi ông là “nhạc sư”, là bởi trong cụm danh từ “Giáo sư – nhạc sĩ” đã mang hàm ý đó rồi.
Nếu như nhạc sư Vĩnh Bảo chuyên về nhạc cổ truyền Nam Bộ, thì ở miền trung có nhạc sư Nguyễn Hữu Ba, là nhà nghiên cứu cổ nhạc và là bậc nhạc sư về ngành cổ nhạc Việt Nam, bút hiệu Đạo Tâm, quê làng Đạo Đầu, huyện Triệu Phong, tỉnh Quảng Trị.
Thuở nhỏ ông học ở Huế, đến năm 8 tuổi bắt đầu học đàn. Năm 16 tuổi (1930), ông đã hoà nhạc cổ truyền vào dĩa hat Beka của Đức phát hành rộng rãi tại Việt Nam thời đó. Năm 1932, ông lại áp dụng hệ thống ký âm pháp Tây phương vào cổ nhạc Việt Nam được giới âm nhạc tại Huế rất tán thưởng.
Năm 1938 ông đoạt giải nhất đàn nhị huyền tại Hội chợ Huế.Năm 1940, ông viết cuốn “Tự học đàn nguyệt”, sau đó tiếp tục nghiên cứu và từng bước hoàn chỉnh ký âm pháp Việt Nam.
Năm 1938, ông đậu Thủ khoa về đàn nhị, được triều đình Huế tặng thưởng Huy chương Long Bội Tinh và vinh tặng Hàn Lâm viện Đãi chiếu vào năm 1950.
Là một người yêu nước, ông có ca khúc Thu Khói Lửa cổ vũ tinh thần chống Pháp:
Click để nghe song ca Ngọc Cẩm – Nguyễn Hữu Thiết hát Thu Khói Lửa
Một trường hợp khác là “nhạc sư” Lê Văn Thiện, là một trong những nhạc sĩ hòa âm nổi tiếng nhất Việt Nam với số lượng bài hát nhiều kỷ lục.
Trước năm 1975, nhạc sĩ Lê Văn Thiện là trưởng ban của nhiều ban nhạc, từ đài phát thanh, truyền hình cho đến các phòng trà. Ông đã soạn hòa âm cho gần hết các trung tâm băng nhạc như Shotguns, Asia Sóng Nhạc, Thương Ca, Hương Quê, Trường Sơn, Diễm Ca, Nhã Ca, Họa Mi, Hoàng Oanh…
Sau 1975, sau khi sang đến Mỹ đầu thập niên 1980, ông đã hòa âm cho hầu hết các trung tâm lớn nhất ở hải ngoại là Làng Văn, Giáng Ngọc, Diễm Xưa, Thanh Thúy, Thanh Lan, Asia…
Chỉ trong vòng hơn 20 năm, nhạc sĩ Lê Văn Thiện đã hòa âm cho hơn một ngàn cuốn băng/CD ở hải ngoại, chưa kể các loại băng dĩa trước 1975. Đó là một kỷ lục chưa từng có của thế giới.
Trong nhiều bài viết, người ta gọi Lê Văn Thiện là nhạc sư. Ngoài ý nghĩa là một “master” về nhạc, danh hiệu này cũng có thể hàm ý nói rằng Lê Văn Thiện là thầy của nhiều ca sĩ nổi tiếng, ví dụ như danh ca Thanh Thúy đã từng nói rằng cô gọi nhạc sĩ Lê Văn Thiện là thầy, có lẽ là vì trong những lúc thu âm, ông đã có chỉ dẫn thêm cho các ca sĩ về cách hát sao cho đúng và truyền cảm. Ngoài ra Lê Văn Thiện cũng là người đã phát hiện và đào tạo ca sĩ Dạ Hương từ lúc cô mới vừa bước chân vào lĩnh vực ca hát.
Một nghệ sĩ khác được vinh dự gọi bằng danh hiệu “nhạc sư” là nhạc sĩ Nghiêm Phú Phi. Cũng giống như Lê Văn Thiện, cùng với nhạc sĩ Văn Phụng, Y Vân thì Nghiêm Phú Phi là 1 trong 4 nhạc sĩ hòa âm danh tiếng nhất của tân nhạc Việt Nam.
Nhiều người nghe nhạc Việt Nam không có thói quen để ý đến nhạc sĩ hòa âm cho ca khúc. Khi nghe một bài nhạc yêu thích, chuyện đầu tiên là người ta tìm hiểu để biết tên ca sĩ. Tiếp theo mới đến tên ca khúc và sau cùng là tên người sáng tác. Chỉ có những người mong muốn tìm hiểu rất sâu về ca khúc thì mới đi tìm thông tin về hoàn cảnh sáng tác bài hát, và người hòa âm bản thu âm đó.
Nhạc sĩ hòa âm cho ca khúc, tuy ít được nhắc tới nhưng lại đóng một vai trò rất quan trọng trong sứ mạng mang ca khúc từ tay người sáng tác đến với đại chúng nghe nhạc.
Hòa âm cho một ca khúc tức là dùng âm thanh của các nhạc khí để khắc họa lại nội dung bài hát theo một bố cục nhất định. Để có được một bản hòa âm thành công cho một ca khúc, người nhạc sĩ hòa âm cần lĩnh hội được một số kiến thức nhất định về thanh nhạc và cá tính của từng nhạc khí. Nhưng ngần ấy thì chưa đủ. Người nhạc sĩ hòa âm còn cần một khả năng sáng tạo phong phú để mang những âm thanh của các nhạc khí hòa quyện với giai điệu của bài hát tạo thành một cấu trúc không thể tách rời để nâng giọng hát của người ca sĩ đang trình bày ca khúc lên một tầng cao mới và mang cảm xúc đến giới thưởng ngoạn một cách sâu lắng nhất, tuyệt vời nhất có thể.
Từ những lý do đó, những nhạc sĩ hòa âm tài năng như Lê Văn Thiện, Nghiêm Phú Phi, Văn Phụng phải là những người rất giỏi về nhạc lý, là một bậc “master” thực thụ. Đó là lý do mà nhiều người gọi họ là những “nhạc sư”.
Ngoài 2 nhà âm nhạc dân tọc học là Vĩnh Bảo, Nguyễn Hữu Ba và 2 nhạc sĩ hòa âm đại tài là Lê Văn Thiện và Nghiêm Phú Phi thường được gọi danh xưng nhạc sư, trong nền âm nhạc Việt Nam còn có nhạc sư Hùng Lân tác giả những ca khúc hùng ca nổi tiếng như Khỏe Vì Nước, Việt Nam Minh Châu Trời Đông, Tiếng Gọi Lên Đường, Rạng Đông…, Ngoài ra nhạc sĩ Hùng Lân còn là người khởi xướng dùng tiếng Việt để hát thánh ca và đặt lời Việt cho bài Silent Night nổi tiếng có tựa đề là Đêm Thánh Vô Cùng, với các lời hát quen thuộc với công chúng suốt hưn 70 năm qua:
“Đêm Thánh vô cùng,
giây phút tưng bừng…”
Nhạc sĩ Hùng Lân cũng là một giáo sư âm nhạc nổi tiếng, là một trong những nhà sư phạm âm nhạc đầu tiên của tân nhạc Việt Nam. Ông cũng soạn ra nhiều sách dạy nhạc bằng tiếng Việt đầu tiên, với các bộ sách giáo khoa âm nhạc dạy ở trường phổ thông từ trước năm 1954. Vì vậy nên danh xưng “nhạc sư” hoàn toàn xứng đáng với nhạc sĩ Hùng Lân.
Bài: Đông Kha (nhacxua.vn)