Tiếp nối loạt bài viết về những người vợ các của nhạc sĩ nổi tiếng, những câu chuyện tình cùng tình sử trong các ca khúc quen thuộc của các nhạc sĩ, trong phần 3 này xin gửi đến bạn đọc một bài viết đặc biệt. Đây là câu chuyện về những người vợ nhạc sĩ, đồng thời cũng là những ca sĩ, những danh ca tài năng bậc nhất của tân nhạc Việt Nam. Đó là danh ca Thái Hằng (vợ của nhạc sĩ Phạm Duy), danh ca Minh Trang (vợ nhạc sĩ Dương Thiệu Tước) và danh ca Châu Hà (vợ nhạc sĩ Văn Phụng).
Danh ca Thái Hằng
Trong số những người vợ của nhạc sĩ sẵn sàng hy sinh sự nghiệp của bản thân để yên phận làm vợ, làm mẹ, chăm sóc lo lắng cho gia đình để chồng toàn tâm toàn ý phát triển sự nghiệp sáng tác lên đến đỉnh cao rực rỡ nhất, người nổi tiếng nhất có lẽ là danh ca Thái Hằng, hiền thê của nhạc sĩ Phạm Duy.
Thái Hằng tên thật là Phạm Thị Quang Thái, sinh năm 1927 tại Hà Nội, là chị ruột của danh ca Thái Thanh và nhạc sĩ Phạm Đình Chương, là thân mẫu của các ca sĩ nổi tiếng Duy Quang, Thái Hiền, Thái Thảo và nhạc sĩ Duy Cường.
Danh ca Thái Hằng bắt đầu sự nghiệp ca hát trong những năm chống Pháp. Trong những năm đó, bà cùng các anh em là nhạc sĩ Phạm Đình Chương, ca sĩ Thái Thanh… theo các đoàn văn công đi khắp các chĭến khu.
Thời trẻ, Thái Hằng là một trong những hoa khôi được nhiều văn nhân nghệ sĩ săn đón, “trồng cây si”… khi bà sống vùng tản cư ở Thanh Hóa, trong số đó có thi sĩ Đinh Hùng, họa sĩ Bùi Xuân Phái, nhạc sĩ Ngọc Bích…
Trong hồi ký Phạm Duy, ông kể lại thời gian “tạm trú” ở quán Thăng Long (là quán bán phở – cà phê của gia đình Thái Hằng), cùng với sự gặp gỡ định mệnh với Thái Hằng như sau:
“Vào đầu năm 1949, sau khi tất cả mấy anh em Phạm Đình Viêm (tức Hoài Trung), Phạm Đình Chương, Thái Hằng, Băng Thanh (tức Thái Thanh) đã gia nhập các ban văn nghệ quân đội của Liên Khu IV rồi thì hai ông bà Thăng Long cũng rời Chợ Đại di cư vào Thanh Hoá để được sống gần gũi các con.
Hai ông bà tới một nơi gọi là Chợ Neo, cách làng Ngò khoảng vài cây số, thuê lại căn nhà lá của một nông dân tên là Cò Mại và mở một quán phở vẫn lấy tên là Quán Thăng Long.
Chợ Neo là một chợ quê rất bé, trước kia chỉ có lèo tèo vài gian nhà trống dùng làm nơi họp chợ của dân điạ phương, bây giờ thì có thêm khoảng trên hai chục cửa hàng là những túp nhà lá do dân di cư dựng lên. Quán Thăng Long nằm ở ngay trước mặt một ngôi chùa nhỏ, chung quanh chùa có đào nhiều hố tránh máy bay.
Vì cùng là đội viên của đoàn văn nghệ quân đội và vì không có ai là người quyến thuộc cho nên vào những ngày nghỉ, tôi thường hay theo Phạm Đình Viêm và Thái Hằng về chơi quán Thăng Long.
Đã quen biết hai ông bà từ ngày ở Chợ Đại cho nên tôi được ưu đãi. Tôi được ăn uống, nghỉ ngơi và ngủ luôn tại quán, giường ngủ là hai cái bàn trong quán ăn kê xát lại nhau. Cùng với Viêm, Chương, Thái Hằng, Băng Thanh, chúng tôi ngồi đàn hát với nhau suốt ngày hoặc cùng với đội viên của đoàn văn nghệ đóng quân ở gần đây, kéo nhau ra sông máng để tắm táp, bơi lội.
Khi nhìn thấy mấy cô trong đoàn mặc maillot de bain nhảy plongeon xuống nông giang thì bộ đội đi hành quân trên bờ đê đã… điên lên.
Khi còn ở Chợ Đại, tôi cũng thoáng biết tới cô con gái lớn của Quán Thăng Long, được nghe cô đánh đàn guitare hawaiwenne và hát chung với mấy người anh, nhưng lúc đó tôi không năng tới quán ăn này để tán tỉnh nàng – như thường lệ mỗi khi gặp bất cứ người đẹp nào – bởi vì tôi còn đang quá bận bịu với những chuyện vui chơi của tôi.
Vả lại lúc bấy giờ cũng có khá nhiều cây si được trồng tại quán Thăng Long. Các chàng si này, nếu phải mài kiếm dưới trăng để so kiếm, lại toàn là những tình địch trong nghề như Đinh Hùng, Huyền Kiêu, Bùi Xuân Phái, Ngọc Bích…
Vào tới Khu IV, tuy cùng hoạt động chung với nhau trong đoàn văn nghệ, nhưng tôi và Thái Hằng chỉ là hai người bạn đồng đội và sống riêng biệt. Mới đầu tôi chỉ thấy Thái Hằng là người hiền lành, xinh xắn, dễ thương nhưng ít vui và rất hà tiện trong sự biểu lộ tình cảm. Nay được ở gần nàng luôn luôn và vì tôi là người lém lỉnh cho nên nàng không thể im hơi lặng tiếng được nữa. Thế là chuyện này chuyện nọ được trao đi đổi lại như giữa bất cứ một đôi trai gái nào.
(…)
Sau gần sáu tháng đi chung với nhau trong đoàn văn nghệ cũng như ở chung với nhau tại Quán Thăng Long và sau khi đã ôm được nàng vào lòng rồi, tôi chính thức hỏi Thái Hằng làm vợ…”
Họ kết hôn với nhau năm 1949, sau khi có người con đầu lòng thì di cư vào Sài Gòn vào năm 1951. Từ sau đó, Thái Hằng hiếm khi hát trên sân khấu, chỉ xuất hiện trên đài phát thanh Sài Gòn và tham gia Ban Hoa Xuân của nhạc sĩ Phạm Duy, đồng thời là một thành viên không thường trực của ban hợp ca Thăng Long lừng danh. Ngoài ca hát, Thái Hằng còn tham gia đóng kịch trên đài phát thanh, ngâm thơ trong ban Tao Đàn của thi sĩ Đinh Hùng.
Tuy nhiên sự tham gia văn nghệ đó của Thái Hằng chỉ rất hạn chế, bởi vì khác với người em nổi tiếng Thái Thanh (vốn là người sau khi lập gia đình vẫn tiếp tục sự nghiệp ca hát đỉnh cao), Thái Hằng đã chấp nhận hy sinh sự nghiệp để chăm sóc gia đình, đặc biệt là sau khi sinh người con đầu Duy Quang năm 1950, sau đó lần lượt những người con khác ra đời được đặt tên rất liền mạch: Quang, Minh, Hùng, Cường, Hiền, Thảo, Đức, Hạnh.
Từ đầu thập niên 1970, khi các con đã lớn, Thái Hằng ngưng hoạt động trình diễn. Sau khi qua Mỹ năm 1975 gia đình bà đã trở lại sân khấu, cùng Phạm Duy, Thái Hiền và Thái Thảo đi lưu diễn khắp thế giới đến năm 1978, khi các con trai từ Việt Nam qua Mỹ thì bà cũng ngưng hoạt động âm nhạc.
Thái Hằng được bạn bè nhìn như một người vợ thảo, mẹ hiền kiểu mẫu theo lối Việt Nam cổ truyền. Khi ở Việt Nam cũng như khi qua Mỹ, gia đình đều sống quây quần, trong một mái nhà hay ở nhà bên cạnh. Ngoài bổn phận làm vợ và làm mẹ thì Thái Hằng coi sự nghiệp ca nhạc chỉ là phụ, suốt đời không bao giờ phải lo lắng về cuộc sống, ngoài những bổn phận trong gia đình.
Nhạc sĩ Phạm Duy nói rằng trong 52 năm sống chung, hai người không bao giờ phải lớn tiếng với nhau.
Thái Hằng có những đức tính không phải người vợ nào cũng có, đó nhiều lần tha thứ cho bản tính bay bướm của chồng, hoặc là bà đã chấp nhận số phận đó khi quyết định đồng ý lấy chồng là một nhạc sĩ tài hoa bậc nhất của âm nhạc Việt Nam.
Lúc sinh thời, nhạc sĩ Phạm Duy nói trên một tạp chí như sau: “Khi tôi không còn, các con tôi sẽ kể lại cho nghe tôi có bao nhiêu cuộc tình. Các con tôi biết hết, vợ tôi cũng biết. Trước khi ra đi, bà ấy còn nói với các con: ‘Chuyện của bố mày tao biết hết, tao để cho bố mày làm vì nghệ thuật'”.
Về tính cách của bà Thái Hằng, được nhà văn Văn Quang (hàng xóm của gia đình Phạm Duy) kể lại như sau:
“Thái Hằng là người rất bình dị. Chưa bao giờ chị chứng tỏ mình là “một cái gì”, ít ra cũng là vợ một nhạc sĩ có tên tuổi. Nói khác đi, chị không phải là bà Phạm Duy nổi tiếng và cũng chẳng phải là một nữ danh ca thượng thặng trong ban hợp ca Thăng Long.
Chị sống chan hòa như một người chị mẫu mực, hiền hậu. Đối với mọi người trong xóm, chị sống hết sức bình dị, không se sua, không làm dáng.
Mỗi buổi sáng, quần ta, áo cánh xách giỏ đi chợ như mọi bà nội trợ bình thường khác. Chị thân thiện chân thành chứ không phải sự “nhún mình” để che giấu một thứ hào quang sau gáy.
Suốt hơn 10 năm, sống gần gia đình chị, từ khi Duy Quang, Duy Cường, Duy Minh còn rất nhỏ cho tới khi các cháu lớn lên, tôi chưa hề thấy chị to tiếng với bất kỳ cháu nào và chị cũng chưa từng làm mất lòng ai trong xóm. Sự khoan hòa dung dị của chị có thể là một tấm gương lớn cho nữ giới.”
Click để nghe Thái Hằng hát bài Bà Mẹ Quê của nhạc sĩ Phạm Duy
Danh ca Thái Hằng qua đời năm 1999, trong những ngày tháng cuối đời của bà, nhạc sĩ Phạm Duy hầu như không bước ra khỏi nhà, từ chối mọi cuộc gặp gỡ bên ngoài, luôn ở bên cạnh giường bệnh của vợ. Những ngày cuối cùng Thái Hằng được bình an và hạnh phúc bên chồng với các người con đã trưởng thành, và thân quyến, bạn bè luôn đến thăm hỏi.
Danh ca Minh Trang
Minh Trang là ca sĩ hát tân nhạc nổi tiếng từ cuối thập niên 1940. Bà là thân mẫu của cố ca sĩ Quỳnh Giao, là vợ của nhạc sĩ Dương Thiệu Tước, đã có những đóng góp không nhỏ cho sự phát triển rực rỡ của tân nhạc thời kỳ đầu thập niên 1950.
Vào cuối thập niên 1940, khi Thái Thanh, Thái Hằng, Tâm Vấn… và nhiều ca sĩ khác vẫn còn sinh hoạt văn nghệ ở miền Bắc, chưa di cư vào Nam, thì có thể xem Minh Trang là đệ nhất danh ca của Sài Gòn thời điểm đó. Nếu so về tuổi đời, Minh Trang (sinh năm 1921) cũng lớn hơn tất cả danh ca ở Sài Gòn.
Danh ca Minh Trang tên thật là Nguyễn Thị Ngọc Trâm, sinh quán ở Huế, là con gái của quan Tổng đốc Bình Định Nguyễn Hy (sau này ông còn làm Tổng đốc Thanh Hóa, rồi Thượng thư Bộ Hình). Minh Trang còn là cháu ngoại của công chúa Mỹ Lương (còn gọi là Bà Chúa Nhứt) – chị ruột vua Thành Thái.
Năm 23 tuổi, bà lấy người chồng đầu tiên là cụ Ưng Quả – cháu nội Tuy Lý Vương Miên Trinh (em của vua Thiệu Trị). Cưới nhau được 3 năm, Minh Trang và Ưng Quả có 2 người con là Bửu Minh và Đoan Trang (tức ca sĩ Quỳnh Giao). Sau này khi hát cho đài Pháp Á, Danh ca Minh Trang đã ghép 2 tên người con để làm nghệ danh cho mình.
Vì tình hình đất nước loạn lạc từ năm 1946, cụ Ưng Quả vốn là một giáo chức phải chạy loạn, họ xa nhau từ đó, ban đầu chỉ nghĩ là tạm thời, nhưng không ngờ là xa nhau mãi mãi, vì cụ Ưng Quả qua đời vì bệnh năm 1951.
Năm 1948, Minh Trang mang 2 con vào Sài Gòn, quyết tâm tự lập và xin được vào làm xướng ngôn viên Pháp ngữ và biên tập cho đài phát thanh Pháp Á. Từ một xướng ngôn viên, trong một dịp tình cờ, vì đài thiếu ca sĩ nên Minh Trang được mời hát thử, không ngờ giọng hát của bà đã chinh phục được tất cả mọi người, rồi sau đó trở thành một danh ca nổi tiếng.
Thời điểm cuối năm 1948, ở Hà Nội có danh ca Minh Đỗ, ở Huế có danh ca Minh Diệu (vợ của nhạc sĩ Mạnh Phát), và ở Sài Gòn có danh ca Minh Trang, cùng là những người có tên lót chữ Minh tạo thành thế “chân vạc” của tân nhạc cân bằng ở 3 miền.
Thuở ấy hầu hết những nhạc sĩ nổi tiếng nhất ở Hà Nội đều tò mò về một giọng hát thanh thoát mới nổi ở phương Nam được phát đi từ làn sóng phát thanh, và rồi sau đó họ cũng có dịp được tận mắt nhìn giai nhân.
Năm 1949, Thủ hiến Bắc kỳ là Nguyễn Hữu Trí vì mến mộ giọng hát Minh Trang nên đã đích phát công văn chính thức để mời bà từ Sài Gòn ra Hà Nội trình diễn trong Hội chợ Đấu Xảo tổ chức hàng năm. Đây là dịp để các nhạc sĩ hào hoa xứ Bắc được chiêm ngưỡng nhan sắc của một giai nhân ở trời Nam. Tuy đã có hai con nhưng Minh Trang lúc ấy vẫn giữ được một vẻ đẹp quý phái làm say đắm những công tử đất Bắc, đặc biệt là nhạc sĩ Dương Thiệu Tước.
Sau này Minh Trang kể lại: “Mặc cho các bạn Thẩm Oánh, Nguyễn Thiện Tơ, Dzoãn Mẫn… rối rít, ông ấy (Dương Thiệu Tước) im lặng từ đầu đến cuối. Chỉ nhìn thôi. Lâu lâu mới mỉm cười. Sự xa cách, lặng lẽ này khiến tôi càng thêm chú ý. Trước khi gặp gỡ, tôi đã từng hát nhạc của ông ấy nên tôi cũng rất ao ước được gặp mặt con người tài hoa này.
Sau đó tôi về Sài Gòn, chúng tôi thư từ cho nhau, thấy hợp, rồi thành.
Khi tôi mới vào lại Sài Gòn, vì nhớ tôi mà anh Tước viết bài Sóng Lòng. Dạo ấy anh còn sáng tác Ngọc Lan là để tặng riêng cho tôi. Tuy đó là tên một loài hoa, nhưng người ta có thể thấy được trong lời ca là mô tả người thiếu nữ…”
Nếu nhìn lại tờ nhạc bản gốc của Nhà xuất bản Tinh Hoa (1953) sẽ thấy tất cả những chữ Ngọc Lan trong bài hát đều được viết hoa:
Ngọc Lan
giòng suối tơ vương
mắt thu hồ dịu ánh vàng…
Theo ca sĩ Quỳnh Giao (con gái của Minh Trang), thì Dương thiệu Tước viết bài Ngọc Lan tại đất thần kinh năm 1953, khi cùng Minh Trang về Huế thăm đại gia đình đã xa cách lâu ngày.
Click để nghe Lệ Thu hát
Ngay từ năm 1950, Dương Thiệu Tước sáng tác ra nhiều tình khúc và ký tên là Dương Thiệu Tước – Minh Trang, bắt đầu bằng ca khúc Bóng Chiều Xưa, nhờ những lần thư từ và được Minh Trang góp ý về lời ca.
Chuyện tình định mệnh của Minh Trang – Dương Thiệu Tước đã được dự báo trước đó, khi cả 2 vẫn chưa gặp nhau thì nhạc sĩ Dương Thiệu Tước đã sáng tác ca khúc nổi tiếng nhất trong sự nghiệp của mình mang tên Đêm Tàn Bến Ngự trong một lần lênh đênh trên sông Hương vào cuối thập niên 1940. Điều thú vị là Minh Trang được sinh ra ngay trên Bến Ngự, cũng là người trình bày rất thành công Đêm Tàn Bến Ngự trên đài phát thanh Pháp Á ngay sau đó.
Click để nghe Minh Trang hát Đêm Tàn Bến Ngự
Hoàn cảnh sáng tác của ca khúc này, danh ca Minh Trang kể lại như sau:
“Anh Tước viết bài đó sau hai tháng trời sống dưới đò trên sông Hương, nghe ca Huế. Viết xong anh gửi cho Minh Đỗ, nhưng nhạc miền Trung có một cái nét đặc thù của nó mà Minh Đỗ không quen hát, nên không hát. Sau đó anh gửi cho tôi.
Mỗi ca sĩ có một cách hát, nhưng riêng bài Đêm Tàn Bến Ngự, có thể nói là tôi hát một cách tự nhiên, vì từ nhỏ tôi đã đàn tranh, đã hát Kim Tiền – Lưu Thủy rồi, nên khi cầm bản Đêm Tàn Bến Ngự lên đọc qua đã thấy quen thuộc. Những chỗ láy cho ra Huế, nó đến với tôi một cách tự nhiên, không một chút cố gắng nào cả. Tuy tôi nói giọng Quảng nhưng vì ca Huế nó nằm sẵn trong huyết quản mình…”
Năm 1951, nhạc sĩ Dương Thiệu Tước chuyển vào Sài Gòn sinh sống và thành hôn với Minh Trang. Họ sinh được 5 người con, 1 trai là Dương Hồng Phong, 4 gái là Vân Quỳnh, Vân Khanh, Vân Hoà, Vân Dung, trong đó Vân Quỳnh là ca sĩ đã hát rất nhiều bài nhạc Trịnh Công Sơn trong dĩa Kinh Việt Nam.
Trong một bài báo đăng đầu thập niên 1960, nhà văn nổi tiếng Mai Thảo đã viết về chuyện tình Minh Trang – Dương Thiệu Tước như sau:
“Đó là một mối tình cực kỳ thơ mộng. Nó phảng phất cái cốt cách Tố Tâm, thấp thoáng cái không khí Tuyết Hồng Lệ Sử. Đó là sự chắp nối kỳ diệu của hai “lỡ một đường tơ” thành một chuyện điệu đàn. Đó là những nắng nắng mưa mưa, những gió gió bão bão, những chìm chìm nổi nổi của hai cuộc đời, nếu riêng biệt, có thể sẽ cô đơn và buồn thảm ngần nào, nhưng hợp lại, nắng đã lên, mùa xuân đã về, và hạnh phúc đã lại.
Mối tình đó, mối tình Minh Trang – Dương Thiệu Tước xứng đáng được mệnh danh là mối tình của Âm Nhạc và Làn Sóng Điện. Một Âm Nhạc làm bà mai. Và một Làn Sóng Điện làm gã đưa thư.
Bởi vì họ gặp nhau bằng tiếng hát
Bởi vì họ yêu nhau qua không gian.”
Sau năm 1975, các cô con gái đã lập gia đình đều theo chồng rời Việt Nam, nhưng ông bà Dương Thiệu Tước còn ở lại Việt Nam, lý do là con trai duy nhất của hai người là Dương Hồng Phong vào quân ngũ năm 1972 bị kẹt tại Chu Lai và bị làm tù binh.
Lúc đó nhạc sĩ Dương Thiệu Tước đi dạy lục huyền cầm với số lương ít ỏi nên gia đình phải sống rất chật vật. Bà Minh Trang kể lại là suốt trong những ngày đen tối đó, công việc của bà là ngồi lượm sạn và bông lúa để lo bữa cơm cho chồng con.
Năm 1978, khi Dương Hồng Phong ra tù, bà nghĩ đến việc phải rời Việt Nam, nhưng nhạc sĩ Dương Thiệu Tước vì thường đau ốm nên không muốn đi. Bà Minh Trang cùng ba con còn lại đến Thái Lan vào cuối năm 1979, sau đó đi định cư tại Virginia. Tại Việt Nam, nhạc sĩ Dương Thiệu Tước sống chung cùng người vợ khác tại Bình Thạnh, sau đó ông qua đời năm 1995. Năm 2010, danh ca Minh Trang qua đời, thọ 90 tuổi.
Danh ca Châu Hà
Trong số những người vợ nhạc sĩ, không có nhiều người được gọi bằng 2 tiếng danh ca. Ngoài danh ca Thái Hằng, danh ca Minh Trang, còn có danh ca Châu Hà, là hiền thê của nhạc sĩ Văn Phụng. Chuyện tình của Châu Hà và Văn Phụng có nhiều trắc trở, sóng gió, và họ chỉ được trọn vẹn ở bên nhau sau khi cả 2 cùng trải qua một lần đò.
Ca sĩ Châu Hà kể lại lần đầu gặp Văn Phụng như trên đài RFA như sau:
“Ngày xưa, ở Hải Phòng, ba của anh Phụng mướn nhà của ba tôi. Một hôm, anh Phụng đến thăm ông cụ. Lúc đó, tôi ngồi ở trên lầu vừa hong tóc vừa dạo đàn. Anh ấy nghe thấy tiếng đàn Piano ở trên lầu, mới tò mò bước lên cầu thang, và đứng ở ngưỡng cửa.
Tôi đang dạo đàn thì trông thấy bóng người đứng ở ngưỡng cửa, tôi quay ra thì ra là một chàng trai, không quen biết. Anh ấy cúi đầu chào và tự giới thiệu “Tôi là Văn Phụng, tôi đến thăm thày tôi ở dưới nhà mà tôi nghe thấy tiếng đàn ở trên này, tôi đánh bạo lên đây để làm quen. Thì ra cô đang đánh đàn.
Anh ấy nhìn tôi kỹ hơn, khi thấy tóc tôi dài chấm đất thì anh ấy buột miệng nói: “Suối Tóc”!
Rồi anh ấy quay lại hỏi tôi là cô đang dạo bài gì đó mà sao nghe hay thế. Tôi trả lời là của Eddy Duchin thì anh ấy mới bảo “Xin phép cô cho tôi dạo thử một tí được không?” Tôi bảo “Vâng, mời anh ngồi”. Anh ấy đàn thì tôi mới biết rằng tôi vừa mới múa rìu qua mắt thợ. Anh nhìn bản nhạc và đàn hay quá. Mặc dù lần đầu chơi cái bản nhạc này mà anh ấy đàn như mưa như gió, rất là hay! Thành đó là một cái kỷ niệm rất đẹp trong đời chúng tôi. Năm đó là năm 1952”.
Những lời mà danh ca Châu Hà đã kể này đã được nhạc sĩ Văn Phụng ghi lại vào trong âm nhạc, với ca khúc Tiếng Dương Cầm bất hủ:
Đi mãi tìm ai yêu đàn
Bước chân lạc nơi đây chốn nao
Trên lầu ai kia cất cao
Vang tiếng dương cầm thiết tha…
Click để nghe Thái Thanh hát Tiếng Dương Cầm trước 1975
Cũng trong phút giây gặp gỡ đó, khi nhạc sĩ Văn Phụng bị mất hồn bởi suối tóc tơ dài như nhung của người con gái lần đầu tiên gặp mặt, ông đã sáng tác ngay ca khúc mang tên Suối Tóc, để kỷ niệm cho lần gặp gỡ:
Tôi muốn đưa em qua miền rừng núi xanh
Chúng ta cùng thăm con suối dịu êm
Nhưng thiên nhiên không êm như tóc huyền
Nhưng thu qua không trong như đôi mắt em
Click để nghe danh ca Châu Hà hát Suối Tóc trước 1975
Tuy nhiên lần gặp gỡ định mệnh đó chưa mang lại kết quả nào, một phần vì lúc đó Châu Hà là tiểu thư lá ngọc cành vàng sống ở lầu son gác tía, còn Văn Phụng chỉ là một chàng thanh niên còn tay trắng. Vì vậy dù có thể là đã có phần cảm mến lẫn nhau, nhưng không thể có lời hẹn ước nào trong một lần gặp gỡ thoáng qua vội vã như vậy.
Số mệnh đã cho họ tái hợp vài năm sau đó, tại một vùng đất khác, đó là Sài Gòn. Cả Văn Phụng và Châu Hà đều di cư vào Nam năm 1954, nhưng khi đó thì cả 2 đều đã có gia đình riêng.
Nhạc sĩ Văn Phụng là nhạc trưởng của Đài Phát thanh Quân đội, đồng thời phụ trách chương trình ca nhạc trên Đài Phát thanh Sài Gòn, còn Châu Hà là một trong những ca sĩ chính của đài phát thanh, từ đó công việc đã làm cho họ gặp nhau thường xuyên. Chính Văn Phụng là người đề nghị kết hợp 3 giọng hát thượng thặng thành bộ ba Châu Hà, Kim Tước, Mộc Lan, sau đó trở thành ban tam ca nổi tiếng khắp miền Nam, hợp tác với nhau một thời gian rất dài trong các chương trình phát thanh và sau đó là truyền hình.
Tại Sài Gòn, Văn Phụng và Châu Hà gặp nhau như 2 người bạn cũ, tỏ ra quyến luyến và quý mến nhau, nhưng cả 2 thì đều đã có gia đình.
Đến một thời gian sau, vì gần như làm việc chung với nhau suốt cả từ sáng đến tối, tình cảm nảy nở và lớn dần trên mức những người đồng nghiệp hay là người bạn, đó là năm 1957, nhưng vì rào cản gia đình và dư luận nên họ có một thời gian dài nhớ nhung khổ sở. Ca khúc Tôi Đi Giữa Hoàng Hôn đã ra đời trong hoàn cảnh đầy những bộn bề, trái ngang đó. Lời bài hát này là những tâm sự của người đàn ông khi đã có gia đình nhưng còn vương vấn tình xưa:
Nhớ đêm nào, trên bến tìm sao
Hai đứa nhìn nhau, không nói một câu
Như thầm mơ ước, ước mơ dạt dào
Như thầm hẹn nhau mùa sau…
Ngoài ra, một ca khúc khác được nhạc sĩ Văn Phụng sáng tác trong thời gian này là Mưa Trên Phím Ngà. Danh ca Châu Hà kể lại rằng khi đó 2 người chỉ là bạn, đều đã có gia đình riêng nhưng quý mến nhau, ông không biết tương lai sẽ ra sau nên rất buồn, ngồi vào đàn vừa sáng tác vừa khóc, giọt nước mắt rơi chính là những giọt mưa trên phím ngà:
Bạn hỡi, khi chúng ta còn thơ ấu
Chân bước trên hoa thơm đường vui
Dần trôi ngày tháng trong tiếng cười
Từng xuân qua hồn vẫn say hương đời…
Vì hoàn cảnh, vì những lời dị nghị, họ phải chờ một thời gian dài nữa để cuối cùng được trở thành đôi bạn đời vào năm 1963, để rồi từ đó không bao giờ xa rời nhau lần nào nữa cho đến khi nhạc sĩ Văn Phụng qua đời vào ngày 17/12/1999 tại bang Virginia.
Ngoài 4 ca khúc đã nhắc tới là Suối Tóc, Tiếng Dương Cầm, Tôi Đi Giữa Hoàng Hôn, Mưa Trên Phím Ngà, nhạc sĩ Văn Phụng còn sáng tác cho Châu Hà nhiều ca khúc bất tử khác: Giã Từ Đêm Mưa, Yêu Và Mơ, Tiếng Hát Với Cung Đàn… Trong đó ca khúc Giã Từ Đêm Mưa được ông viết khi hai người chưa chính thức là vợ chồng, hẹn hò và đi bên nhau dưới cơn mưa rả rích trên đường Trần Hưng Đạo dài thăm thẳm. Danh ca Châu Hà nói rằng khi đó 2 người đã cùng khoác chung tấm áo mưa và đi bên nhau rất lãng mạn, không ai muốn giã từ đêm mưa ấm áp đó:
Ði trong đêm mưa mưa rơi tầm tã
Hoang mang, bâng khuâng, ai mong từ giã?
Hạt mưa, rơi ướt mi nàng, se thắt tim chàng
Giây phút ngỡ ngàng, đôi lứa thôi đành
Giã từ đêm mưa…
Dù sống với nhau giữa đất Sài Gòn nhưng Văn Phụng và Châu Hà vẫn giữ thói quen và cách sinh hoạt của người Bắc. Hai vợ chồng luôn “tương kính như tân” khiến ai gặp một lần cũng ngưỡng mộ. Khi đã lớn tuổi, họ vẫn giữ cách nói chuyện của người Bắc xưa, hai vợ chồng trân trọng nhau như khách quý. Đây không phải cách cư xử xã giao mà là sự văn minh hiểu biết của một cặp vợ chồng nghệ sĩ luôn yêu thương và giúp đỡ nhau suốt bao năm. Cả hai luôn dành những từ ngữ trân quý khi nói về nhau.
Ca sĩ Phương Dung từng kể về mối tình của họ như sau:
“Tôi có một thời gian làm việc với nhạc sĩ Văn Phụng. Lúc đó tôi còn bé lắm, đi lên đài phát thanh thì tôi thấy anh Văn Phụng và chị Châu Hà, hai bên đã có gia đình nhưng họ có ánh mắt nhìn nhau đắm đuối, là mình biết họ có tình yêu với nhau. Giữa anh chị em nghệ sĩ, người nào cũng thông cảm cho mối tình này. Sau vài năm, hai bên mới có thể đi đến cuộc sống hạnh phúc.
Lúc đó, tôi làm việc với anh Văn Phụng trong một cuốn phim. Mỗi lần đi quay, tôi thấy hai anh chị dắt theo một bé gái chừng 5, 6 tuổi mà hai người cưng lắm. Đó là kết quả cuộc tình qua nhiều tháng năm gian truân, chờ đợi, yêu nhau và cuối cùng được sống với nhau. Anh Văn Phụng là người rất đẹp trai, thân thiện, lần nào đi cùng đoàn cũng pha trò rất vui để mọi người cười”.
Khi nhạc sĩ Văn Phụng qua đời năm 1999, danh ca Châu Hà đã khắc tên mình lên bia mộ chồng. Lúc đó nhiều người đã nói với bà đó là điềm gở, nhưng bà mặc kệ, nói rằng nếu thật là điềm gở thì cũng là may mắn cho bà vì được đi theo chồng. Trong vòng 10 năm sau khi chồng mất, ca sĩ Châu Hà không đi đâu, chỉ ở nhà.
Trước khi qua đời, Văn Phụng biết là ông sắp ra đi nên viết ra 3 ca khúc gửi lại vợ là “Vĩnh Biệt Châu Hà”, “Em ở Lại” và “Anh Đi”…
Đông Kha (nhacxua.vn) biên soạn