Năm 1967, có một giọng ca còn rất trẻ mới 16 tuổi đã đăng ký tham gia cuộc thi tuyển lựa ca sĩ trên đài phát thanh. Cô hát bài Nửa Đêm Ngoài Phố và gây ấn tượng với những người có mặt tại rạp Quốc Thanh đêm đó, khán giả gọi cô là “Thanh Thúy” mới, và trong thanh phần giám khảo cuộc thi có nhạc sĩ Anh Bằng. Ngay lập tức vị nhạc sĩ nổi tiếng này chú ý đến cô gái nhỏ, đề nghị nhận cô làm học trò và đưa cô vào lớp nhạc Lê Minh Bằng vừa mở được không lâu.
Giọng ca đó tên thật là Trương Thị Mỹ Dung, ban đầu cô lấy tên thật là Mỹ Dung để đi hát. Tuy nhiên thời điểm đó đã có một ca sĩ khác tên Mỹ Dung, nên cô chọn nghệ danh là Trang Mỹ Dung (Trang cũng gần nghĩa với họ của cô là Trương).
Sau khi tham gia vào lớp nhạc Lê Minh Bằng của nhóm nhạc sĩ Lê Dinh, Minh Kỳ, Anh Bằng, ca sĩ Trang Mỹ Dung thăng tiến rất nhanh trong sự nghiệp. Trong cùng năm đó, vào tháng 8 năm 1967, cô được nhạc sĩ Anh Bằng giới thiệu thu âm tại hãng dĩa Asia – Sóng Nhạc, nơi nhóm Lê Minh Bằng đang cộng tác và làm cố vấn về âm nhạc.
Ca khúc thu âm đầu tiên của Trang Mỹ Dung tại Sóng Nhạc là một sáng tác mới của nhóm Lê Minh Bằng, được ký tên là Mạc Phong Linh, đó là Hai Mùa Mưa. Sau này Trang Mỹ Dung thừa nhận ca khúc này đã làm thay đổi cuộc đời cô.
Cho dù sau này, Trang Mỹ Dung nổi tiếng với rất nhiều ca khúc khác nữa, cũng như đã có nhiều ca sĩ khác cũng hát Hai Mùa Mưa, nhưng khi nhắc đến ca khúc này là nhớ đến ca sĩ Trang Mỹ Dung, và ngược lại. Giọng ca và bài hát đó như là đã đóng dấu vào nhau và gắn bó với nhau như là định mệnh.
Bản thu âm Hai Mùa Mưa – Trang Mỹ Dung trước 1975 với phần hoà âm điêu luyện của nhạc sĩ Y Vân đã trở thành một huyền thoại, gây ấn tượng cho nhiều thế hệ khán giả suốt hơn 50 năm qua với tiếng còi tàu buồn man mác ở cuối bài. Mời các bạn nghe lại sau đây:
Click để nghe Trang Mỹ Dung hát Hai Mùa Mưa trước 1975
Mùa mưa lần trước anh về đây ghé thăm tôi
Tình xưa bạn cũ gặp nhau đêm ấy mưa rơi
Tách cà phê ấm môi,
Mình ngồi ôn lại những phút vui trôi qua mất rồi.
Này cây phượng vĩ bên đường che nắng ban trưa
Này con đường dẫn vào sân ga tắm trăng mơ
Mái trường khi ấu thơ,
và này căn nhà vắng nằm cạnh nhau nghe đêm mưa.
Hai đứa vui,
chưa vơi tâm sự hôm sau anh lên đường
Tôi tiễn anh
như bao anh hùng hiên ngang ra sa trường
Vì yêu quê hương anh lặng lẽ bước chân đi
Vì thương non sông tôi gạt nước mắt phân ly
Từng cơn mưa vẫn rơi não nề
Anh nói một năm nữa anh về.
Mùa mưa lại đến tôi mừng vui đón tin anh
Đèn khuya một bóng nhìn mưa rơi suốt năm canh
Nghĩ rằng tôi vắng anh
Vì nghiệp trai còn đi giữ quê hương cho chúng mình.
Nhiều khi chờ sáng nghe lòng thao thức canh thâu
Đường ga nhỏ bé nằm đợi mong đã bao lâu
Tiếng còi đêm lướt mau
Đoàn tàu đi về mãi mà bạn thân tôi nơi đâu?
Sau năm 1975, ca sĩ Bảo Tuấn của trung tâm Asia đã trình bày rất thành công bài này. Mời các bạn nghe lại sau đây:
Click để nghe Bảo Tuấn hát Hai Mùa Mưa
Ca khúc Hai Mùa Mưa có nội dung tương đối đơn giản, được viết theo lối kể chuyện, như là lời tâm sự, đã cuốn hút người nghe bằng những hình ảnh dung dị, tình cảm chân thành giữa những người bạn với nhau, trở thành một trong những bài hát được người lính yêu cầu nhiều nhất trên đài phát thanh vào cuối thập niên 1960, là bài hát đầu tiên đưa tên tuổi Trang Mỹ Dung vụt sáng thành ngôi sao trong làng nhạc Sài Gòn khi cô chỉ mới 17-18 tuổi.
Hai Mùa Mưa cũng được xem là một trong những ca khúc nhạc vàng hay nhất viết về mưa. Bối cảnh bài hát là một đêm mưa vào năm trước, có một chàng trai về lại lối xưa tìm thăm bạn cũ, rồi hẹn nhau trong quán vắng ven đường.
Mùa mưa lần trước anh về đây ghé thăm tôi
Tình xưa bạn cũ gặp nhau đêm ấy mưa rơi
Tách cà phê ấm môi,
Mình ngồi ôn lại những phút vui trôi qua mất rồi.
Đêm dần buông, mưa buồn vẫn rỉ rả từng giọt trên mái, giăng đầy ngoài đường khuya vắng, lạnh lẽo từng cơn gió lùa. Trong quán cafe có hai người bạn vẫn thấy lòng thật ấm áp, họ cùng ngồi ôn lại những kỷ niệm xa xưa, quên cả thời gian, quên lạnh lùng mưa khuya.
Có một tranh cãi nhỏ giữa những người nghe nhạc về 2 người bạn này, họ là nam-nam, hay là đôi bạn nam-nữ? Theo ý kiến riêng của người viết bài này, dựa vào những chi tiết nhỏ, có thể suy đoán đó là 2 người bạn nam thân thiết với nhau. Ở cuối bài hát cho chúng ta biết: Đoàn tàu đi về mãi mà bạn thân tôi nơi đâu?
Ngoài ra chỉ có 2 người bạn nam thì mới cùng nhau ngồi quán cafe đến đêm thâu như vậy. Phụ nữ đoan trang ngày xưa thường khó có khả năng đi quán cafe tâm sự với bạn thân là nam đến thâu đêm như vậy.
Này cây phượng vĩ bên đường che nắng ban trưa
Này con đường dẫn vào sân ga tắm trăng mơ
Mái trường khi ấu thơ,
và này căn nhà vắng nằm cạnh nhau nghe đêm mưa.
Hai đứa vui,
chưa vơi tâm sự hôm sau anh lên đường
Tôi tiễn anh
như bao anh hùng hiên ngang ra sa trường
Tình bạn giữa 2 người trai vào thời loạn thật đáng trân quý, và sự gắn bó của họ thường vượt qua tình bạn thông thường, đó là là tình bằng hữu, tình non sông giữa thời binh đao. Trong ký ức của họ, quê hương vào thuở ấu thơ thật dung dị, đơn sơ nhưng đẹp lạ thường: cây phượng vĩ bên con đường dẫn vào sân ga vắng tràn ngập ánh trăng, và những căn nhà vắng lạnh nằm cạnh nhau nghe đêm mưa.
Hai đứa vui,
chưa vơi tâm sự hôm sau anh lên đường
Tôi tiễn anh
như bao anh hùng hiên ngang ra sa trường
Vì yêu quê hương anh lặng lẽ bước chân đi
Vì thương non sông tôi gạt nước mắt phân ly
Từng cơn mưa vẫn rơi não nề
Anh nói một năm nữa anh về.
Trò chuyện đến thâu đêm nhưng vẫn chưa vơi nỗi niềm tâm sự sau thời gian xa vắng. Họ lưu luyến tiễn chân nhau, một người lặng lẽ bước chân đi, một người thì gạt nước mắt phân ly. Cơn mưa đêm dường như cũng hiểu nỗi lòng của đôi người, làm rơi những giọt buồn não nề tiễn đưa.
Người hẹn một năm nữa sẽ về.
Rồi một năm cũng qua, mùa mưa lại đến lần nữa:
Mùa mưa lại đến tôi mừng vui đón tin anh
Đèn khuya một bóng nhìn mưa rơi suốt năm canh
Nghĩ rằng tôi vắng anh
Vì nghiệp trai còn đi giữ quê hương cho chúng mình.
Nhiều khi chờ sáng nghe lòng thao thức canh thâu
Đường ga nhỏ bé nằm đợi mong đã bao lâu
Tiếng còi đêm lướt mau
Đoàn tàu đi về mãi mà bạn thân tôi nơi đâu?
Mùa mưa này vẫn dài lê thê, rả rích suốt năm canh trường, nhưng lần này đã thiếu đi người bạn thân nên có những đêm lòng chợt thao thức với mưa khuya, vì cứ canh cánh bên lòng lời hẹn cũ vẫn chưa thành.
Sân ga ngập tràn ánh trăng năm xưa vẫn đang chờ đợi, tiếng còi tàu đã lướt qua đây đã bao lần, tàu đêm vẫn đi và về đã bao nhiêu ngày tháng, nhưng người đã hẹn thì vẫn chưa thấy về cùng.
Tâm trạng chờ mong của người bạn trong Hai Mùa Mưa có lẽ cũng là tâm trạng chung của hàng bao người, nên vì vậy mà bài hát này dễ đi vào lòng người, đượ công chúng đón nhận và trở thành một trong những bài nhạc vàng nổi tiếng nhất
Thành công ngoài mong đợi với Hai Mùa Mưa, nhạc sĩ Anh Bằng và nhóm Lê Minh Bằng viết tiếp 2 ca khúc khác có cùng nội dung là Mưa Đầu Mùa và Cuối Mùa Mưa, để nối tiếp cùng một dòng tâm sự đó. 3 bài hát này, cộng với bài Chuyện Ba Mùa Mưa cũng của Lê Minh Bằng đều được Trang Mỹ Dung hát đầu tiên. Đó đều là những ca khúc về mưa, những mùa mưa thật buồn, thích hợp với giọng hát trầm buồn của Trang Mỹ Dung. Cũng từ đó mà cô được nhiều người đặc cho biệt danh “Giọt Buồn Trong Mưa”, người ca sĩ của những ca khúc mưa buồn sống mãi theo năm tháng.
Bài: Đông Kha
Bản quyền bài viết của nhacxua.vn