Cảm xúc về ca khúc “Mắt Lệ Cho Người Tình” (Phạm Mạnh Cương) – “Biệt ly, hôn nhau lần cuối – giá băng tơ trời…”

Trong thể loại nhạc trữ tình Việt Nam, có 2 ca khúc có tựa đề gần giống nhau của 2 nhạc sĩ khác nhau, đều nổi tiếng và được yêu thích, đó là Mắt Lệ Cho Người Tình của nhạc sĩ Phạm Mạnh Cương và Mắt Lệ Cho Người của nhạc sĩ Từ Công Phụng.

Nếu bạn là người yêu thích nhạc xưa, hãy theo dõi kênh YouTube này để nghe đọc các bài cảm nhận về âm nhạc (phân tích ý nghĩa, hoàn cảnh sáng tác, tiểu sử ca nhạc sĩ): LINK YOUTUBE  < Click

Nhạc sĩ Từ Công Phụng thuộc thế hệ sau, và ca khúc Mắt Lệ Cho Người cũng được sáng tác sau nhưng nổi tiếng hơn nên có thể có người không biết đến ca khúc Mắt Lệ Cho Người Tình nổi tiếng với giọng hát Khánh Ly, Lệ Thu từ trước năm 1975.

Bài hát này được nhạc sĩ Phạm Mạnh Cương ký tên là “Phạm Mạnh Cương và n.ch”. Đã có không ít người thắc mắc về cái tên bút danh đặc biệt “n.ch” này.

Đám cưới nhạc sĩ Phạm Mạnh Cương và xướng ngôn viên Như Hảo

Theo chính nhạc sĩ Phạm Mạnh Cương thì sau khi lấy vợ là nữ xướng ngôn viên xinh đẹp Như Hảo, ông muốn dùng một bút danh được ghép từ tên của hai người, đó là Cương – Như Hảo, viết tắt thành C-NH, đảo chữ một chút thì lại thành n.ch, dùng để ký tên trong 2 ca khúc viết về Đà Lạt là Thung Lũng HồngMắt Lệ Cho Người Tình:


Click để nghe Lệ Thu hát Mắt Lệ Cho Người Tình trước năm 1975

Rồi đây, mây trên đồi vắng, 
lang thang tìm phiến đá xưa rêu mòn
Rồi đây, mưa ru ngàn lá, 
mưa bay mờ xóa rừng thông lắng buồn

Tình anh như thông đầu núi, 
trăng thanh chìm suối, tháng năm vời vợi
Tình em như sương chiều xuống mênh mông đồi núi, 
mờ trong bóng đêm.

Bài hát này không có chữ nào nói đến Đà Lạt, nhưng lời hát và giai điệu mang được không khí hoang lạnh man mác của một vùng đồi núi chập chùng có sương giăng mắc, có mây trên đồi, có rừng thông và suối vắng, nên chỉ cần nghe đoạn đầu thì có thể thấy được cả một Đà Lạt khói sương hiển hiện.

Nhạc sĩ Phạm Mạnh Cương còn có một bài nổi tiếng khác viết về Đà Lạt nữa là Thung Lũng Hồng, và cả 2 bài này đều gắn liền với tên tuổi của Khánh Ly, là ca sĩ đã có thời gian sinh sống và gắn bó với Đà Lạt.

Bài hát Mắt Lệ Cho Người Tình như một bức tranh vẽ phong cảnh Đà Lạt, thật đẹp, thơ mộng, nhưng cũng thật buồn. Nơi đó đang có một người lãng khách đang bâng khuâng tìm lại những kỷ niệm tình yêu xưa đã từng có ở nơi này. Tình người lữ khách kia như là thông ở đầu núi, như trăng thanh lồng bóng dưới suối trong, ở lại muôn đời cùng với tháng năm dài vời vợi. Còn tình của người con gái thì lãng đãng như bụi sương chiều thoáng tụ lại tan, trải mênh mông trên đồi núi rồi phủ xuống đời, chàng phải đi lạc hoài trong những nhạt nhòa sương giăng đó trong cả phần đời còn lại này.

Biệt ly, hôn nhau lần cuối
trông nhau lần cuối 
giá băng tơ trời
Bài hát chia phôi ban đầu, 
vắng tiếng kinh chiều cầu cho tình ái

Biệt ly, hôn nhau lần nữa 
xa nhau lần nữa, nói sao cho vừa
Chỉ thấy ánh mắt u hoài, 
nuối tiếc ân tình, trọn đời khó phai

Ngày nói lời biệt ly, nụ hôn lần cuối sao vội vàng, nàng quay mặt đi để quên lại cơn ngọt ngào còn tê dại trên môi như có thể làm lịm chết được cả hồn chàng. Chàng trai chỉ kịp nhìn thấy thoáng qua nỗi u hoài trên khóe mắt nàng, giọt lệ ngấn trong đáy mắt đó ngàn đời không thể nào quên được.

Rồi đây anh như ngàn gió 
phiêu du từ đó biết đâu hẹn hò
Rồi đây em phương trời cũ 
quê hương tình ái còn vương mắt lệ

Tình yêu mong manh là thế 
xa xôi là thế xót xa tình buồn
Tình yêu thương đau từ đấy
dư âm còn đấy
Lệ trong mắt ai

Rồi đây ngả rẽ đường đời sẽ chia thành 2 lối, người ở lại phương trời cũ cùng với những ân tình mới, còn một người sẽ nén vào lòng những đau thương xót xa để làm kiếp phiêu du như gió ngàn và không biết đâu là bến bờ, nỗi cô đơn sẽ thả dài mãi trên đường độc hành không đích hướng.

Ca sĩ Khánh Ly kể lại rằng vào năm 1967, khi cô mới chân ướt chân ráo từ Đà Lạt trở lại Sài Gòn thì cô được nhạc sĩ Phạm Mạnh Cương đến tìm và giao cho hát bài Mắt Lệ Cho Người Tình đầu tiên trong dĩa nhựa. Sau đó ca khúc cũng được Lệ Thu hát lại trong băng nhạc Phạm Mạnh Cương.

Sau năm 1975, ca sĩ Khánh Ly có thu âm lại, nhưng hát bị sai khác một số chỗ so với lời trước 1975:


Click để nghe Khánh Ly hát sau 1975

Sau đây là phiên bản Sĩ Phú, với giọng ca nồng ấm nhiều tâm sự:


Click để nghe Sĩ Phú hát

Bài: Đông Kha
Bản quyền bài viết của nhacxua.vn

Exit mobile version