Ca khúc Đường Xưa Lối Cũ (nhạc sĩ Hoàng Thi Thơ) và nỗi lòng người ly hương

Nhạc phẩm Đường Xưa Lối Cũ của nhạc sĩ Hoàng Thi Thơ xuất bản năm 1958, đề bút dưới tựa đề của nhạc phẩm là “Kính tặng Mẹ và tặng Em”. Từ khi ra đời cho đến nay, bài hát đã được nhiều người yêu thích, dễ đi vào lòng thính giả nhờ những giai điệu và ca từ buồn thương tiếc nhớ về hình bóng của những người thân yêu đã không còn nữa trên lối cũ về làng xưa. Bài hát này được nhạc sĩ Hoàng Thi Thơ sáng tác khi ông trở về làng Bích Khê ở Quảng Trị sau nhiều năm xa cách vì đất nước loạn lạc.

Đường xưa lối cũ có bóng tre
bóng tre che thôn nghèo
Đường xưa lối cũ có ánh trăng,
ánh trăng soi đường đi

Đường xưa lối cũ có tiếng ca,
tiếng ca trên sông dài
Đường xưa lối cũ có tiếng tiêu,
tiếng tiêu ru lòng ai…

 

Hầu như trong chúng ta, ai mà không có một “đường xưa lối cũ” để mà nhớ mà thương khi đi xa, để hoài niệm về tháng ngày xưa cũ êm đềm chỉ còn trong ký ức. Có lẽ những ai đã từng sống nơi chốn thôn nghèo đều sẽ yêu từng câu từng lời của bài ca Đường Xưa Lối Cũ, tả về cảnh đẹp mộc mạc trăng thanh gió mát của quê nghèo ngày xưa.

Bóng tre xanh rợp đường đê, xanh mát rượi con đường làng và mát cả tâm tình hồi tưởng lại một thời sống với quê, đã đi dưới ánh trong lành của những mùa trăng thôn dã, đã nghe thơm hương đồng gió nội từng đầu cây ngọn cỏ thân quen. Bên đường đê, con sông quê như thức suốt đêm với ánh trăng ngà, lắng nghe tiếng ca tiếng hò của trai gái làng giã gạo suốt đêm trường.

Những đêm trăng thôn nghèo thường có tiếng tiêu trỗi lên, như nỗi lòng của một chàng “Trương Chi” nào đó cám cảm trước đêm trăng thanh nên gửi tâm sự theo tiếng tiêu vọng buồn khắp thôn xóm. Tiếng tiêu là lời ru của quê hương, được mục đồng ngồi vắt vẻo trên lưng trâu thổi lên tiếng tiêu sầu ngân nga như ru lòng người vào những chiều nắng nhạt bờ đê. Sau thập niên 60, tiêu không còn thông dụng nữa mà thay bằng sáo.


Click để nghe Mỹ Thể hát Đường Xưa Lối Cũ

Đường xưa lối cũ có em tôi tóc xanh bay mơ màng
Đường chiều dịu nắng bóng em đi áo nâu in đường trăng
Đường xưa lối cũ có mẹ tôi run run trong hôn hoàng
Lòng già thương nhớ nhớ đến tôi lom khom đi tìm con

Đường xưa lối cũ, có “em tôi” tóc xanh bay mơ màng, nghe thoáng qua nhiều người tưởng “em tôi” ở đây là người yêu. Nhưng không phải như vậy, theo Hoàng Thi Thao – cháu ruột của nhạc sĩ cho biết nhân vật nữ trong bài hát là em gái ruột của nhạc sĩ Hoàng Thi Thơ đã đề tặng như trên bản nhạc. Hơn nữa là suốt bài hát, chúng ta không nghe có lời lẽ nào yêu đương dành cho đôi lứa.

“Đường chiều dịu nắng” của làng quê xưa có bóng em gái thân thương “áo nâu” in đường trăng. Vào thời đó nông dân thường mặc áo màu nâu khi đi làm lụng việc nhà nông, và màu áo nâu bình dị, màu của bùn đất quê hương của người con gái quê vẫn mang nét đẹp đơn sơ giản dị và không kém phần nên thơ, đã in trên đường trăng và in trong ký ức của người anh trai, dù đi xa vẫn không thể nào phai mờ hình bóng thân thương đó.

Đường xưa lối cũ có mẹ già “run run“ trong hoàng hôn nhạt nắng, hình ảnh bà mẹ quê nghèo thương nhớ con, “lom khom” đi tìm con, được diễn tả bằng những ca từ và cung bậc cảm xúc làm cho người nghe rưng rung xúc động trước hình ảnh của mẹ nhớ con, đi tìm con mỗi buổi chiều từ khi con bước chân ra đi.

Khi tôi về, bồi hồi trong nắng
Tưởng gặp người em hân hoan đứng đón anh về
Nào ngờ người em sang ngang khi xuân chưa tàn
Con đò nào đây đưa em tôi vào xa vắng

Khi tôi về, nghẹn ngào trong nắng
Tưởng gặp mẹ tôi rưng rưng đứng đón con về
Nào ngờ mẹ tôi ra đi bên kia cuộc đời
Không lời biệt ly cuối cùng trước khi phân kỳ

Khi trở về đường xưa lối cũ, lòng anh trai bồi hồi tưởng sẽ gặp lại em gái mừng vui đứng đón ngoài ngõ. Nhưng không ngờ người em đã “sang ngang khi xuân chưa tàn”. Em đã sang sông, vì đường xa quá không nhận được tin, bây giờ đường xưa vẫn còn đó mà đã vắng bóng em mừng mừng tủi tủi đứng đón anh trở về. “Con đò nào đây đưa em tôi vào xa vắng” là câu hát làm cho người nghe như cũng buồn lây, lòng xa vắng theo với tâm trạng hoang liêu của người về.

Và còn buồn nào hơn khi trở về không còn bóng mẹ già đứng tựa cửa trông con. Mẹ đã ra đi bên kia cuộc đời mà “không lời biệt ly trước khi phân kỳ”, thật chua xót cho đứa con trai đường xa không hay tin để về tiễn đưa mẹ lần cuối cùng. Người nghe nhạc xúc động thương cảm trước cảnh thương tâm của người con, tưởng gặp lại mẹ già có đâu ngờ khi trở về thì mới biết con đã trở thành mồ côi, không được nghe lời nói sau cùng của mẹ.

Chạnh lòng thương nhớ những phút xưa, phút xưa qua qua rồi
Lạnh lùng tưởng nhớ bóng dáng ai in sâu trong lòng tôi
Đường xưa còn đó, nắng vẫn lên, vẫn trăng treo ven đồi
Mà hình bóng cũ thiếu trong tôi mỗi khi nghe chiều rơi

Đường xưa lối cũ giờ đây không còn những người thân yêu, chỉ còn lại hồi tưởng, càng thêm nhớ càng thêm thương những hình bóng xa xưa bây giờ là “phút xưa qua qua rồi”. “Qua” được lặp lại hai lần, chùng thấp xuống bậc nghe chùng lòng nhớ tiếc không nguôi.

Đường xưa vẫn còn đó, nắng vẫn lên khắp thôn nghèo, trăng vẫn sáng ven đồi. Mà người xưa nay không còn, thì cảnh vật có êm đềm đẹp đẽ cho mấy cũng trở thành buồn bã khi lòng người trở về trở thành trống trải hoang vu.

Những buổi chiều nhạt nắng thường gợi cho lòng nhớ nhung, vẫn đường xưa lối cũ còn đây nhưng ở trong tôi thiếu hình bóng cũ là thiếu tất cả. Chạnh lòng nhớ, xót lòng thương, ngỡ ngàng nghe chiều rơi, tiếng “rơi” chấm hết bài ca, ngỡ ngàng thương tiếc về những thân ái ngày xưa đã rơi theo màu nắng nhạt bên kia đồi.


Click để nghe Thái Thanh hát

Tôi đã nhiều lần nghe bản tình ca buồn thương tiếc nhớ bất hủ này, từ khi còn bé sống vui vẻ êm đềm với những người thân ở chốn quê nghèo. Cho đến khi rời quê bôn ba xuôi ngược khắp nẻo đường, nhớ quê quay về lại thì cảnh quê còn đó mà những người quê xưa không còn. Mới thấm thía thêm từng lời ca, mới “chạnh lòng thương nhớ” theo màu nắng nhạt của từng buổi chiều xa vắng rơi rơi bên sông.

Bài: Trương Đình Tuấn
Bản quyền bài viết của nhacxua.vn

Exit mobile version