Ai lướt đi ngoài sương gió
Không dừng chân đến em bẽ bàng…
Nghe Thái Thanh ca “Buồn Tàn Thu”, ngay câu đầu, giọng hát độc nhất vô nhị của bà đã vuốt chữ rất đặc trưng mà không ai có thể sao chép được: Ai… lướtttt đi ngoài sương gió…
Click để nghe Thái Thanh hát Buồn Tàn Thu
“Lướt đi” được Thái Thanh ngân giọng kéo dài, làm người nghe có thể hình dung ra được hình ảnh người đang đi ngoài sương gió với sự lạnh lẽo, cô độc. Âm nhạc là tượng thanh, đồng thời cũng tượng hình một cách rõ rệt qua giọng hát điêu luyện đó.
Nhắc đến Buồn Tàn Thu, người ta nhớ đến Thái Thanh. Nhưng trước đó, thời kỳ thập niên 1940, vào thuở sơ khai của nền tân nhạc, có một kẻ du ca mang Buồn Tàn Thu đi trình diễn khắp mọi miền đất nước, và là một trong những người hát bài này đầu tiên. Đó chính là nhạc sĩ Phạm Duy, người mà sau đó trở thành bạn tri kỷ của nhạc sĩ Văn Cao – tác giả Buồn Tàn Thu. Nhạc sĩ Văn Cao đã từng viết đề tựa cho Buồn Tàn Thu là: “Tương tiến nhạc sĩ Phạm Duy, kẻ du ca đã gieo nhạc buồn của tôi khắp chốn”.
Nghe bản thu âm của Phạm Duy hát Buồn Tàn Thu vào khoảng thập niên 1950
Ai lướt đi ngoài sương gió
Không dừng chân đến em bẽ bàng
Ôi vừa thoáng nghe em mơ ngày bước chân chàng
Từ từ xa đường vắng
Đêm mùa thu chết nghe mùa đang rớt rơi theo lá vàng
Em ngồi đan áo
Lòng buồn vương vấn
Em thương nhớ chàng
Người ơi còn biết em nhớ mang
Tình xưa còn đó xa xôi lòng
Nhờ bóng chim uyên, nhờ gió đưa duyên
Chim với gió bay về
Chàng quên hết lời thề
Áo đan hết rồi, cố quên dáng người
Chàng ngày nao tìm đến
còn nhớ đêm xưa kề má say xưa
Nhưng năm tháng qua dần mùa thu chết bao lần
Thôi tình em đấy như mùa thu chết rơi theo lá vàng
Nghe bước chân người sương gió
Xa dần như tiếng thu đang tàn
Ôi người gió sương em mơ thương ai bao lần
Và chờ tin hồng đến
Đêm mùa thu chết nghe mùa đang rớt rơi theo lá vàng
Em ngồi đan áo
Lòng buồn vương vấn
Em thương nhớ chàng
Người ơi còn biết em nhớ mang
Tình xưa còn đó xa xôi lòng
Nhờ bóng chim uyên, nhờ gió đưa duyên
Chim với gió bay về
Chàng quên hết lời thề
Áo đan hết rồi, cố quên dáng người
Chàng ngày nao tìm đến
còn nhớ đêm xưa kề má say xưa
Nhưng năm tháng qua dần mùa thu chết bao lần
Thôi tình em đấy như mùa thu chết rơi theo lá vàng…
Nhạc sĩ Văn Cao viết Buồn Tàn Thu khi ông mới 16 tuổi. Trước đó không rõ là có bài hát nào khác hay không, nhưng sau này người ta thường nói Buồn Tàn Thu là sáng tác đầu tay của Văn Cao. Bài hát đầu tay của một thư sinh 16 tuổi, nhưng đã trở thành bất tử, nổi tiếng suốt hơn 70 năm qua.
Ở cái tuổi mà hiện nay người ta vẫn ăn chưa no, lo chưa tới, thì ở thời điểm giữa thập niên 1940, vào cuộc giao thời của lịch sử đất nước đang diễn ra với đầy những mảng tối, có một chàng thư sinh 16 tuổi đã viết được một ca khúc như Buồn Tàn Thu. Đó chính là sự khác biệt của một thiên tài.
Viết nhạc, đối với Văn Cao, như là một năng khiếu bẩm sinh không cần đợi tuổi. Ngoài viết nhạc, ông còn là một họa sĩ, một thi sĩ. Nếu không tìm hiểu về cuộc đời của ông, hẳn người ta sẽ nghĩ rằng một người tài hoa như vậy sẽ rất hào hoa và đào hoa. Nhưng theo mô tả của những người đương thời, nhạc sĩ Văn Cao lại là một “bạch diện thư sinh”, dáng người nhỏ bé, trầm tư ít nói và sống khép kín hơn những người bạn nghệ sĩ đồng trang lứa. Như lời kể của nhạc sĩ Phạm Duy: “Thấp bé hơn tôi, khép kín hơn tôi, nhưng Văn Cao tài hoa hơn tôi nhiều…:
Trở lại với ca khúc Buồn Tàn Thu – bài hát đánh dấu một thiên hướng sáng tác riêng biệt của ông trong buổi đầu tân nhạc – Những ca khúc vương nét cổ phong mang một nỗi sầu miên man, nhưng lạ thay lại có thể mang đến cảm giác rất dễ chịu và thăng hoa cho cả người hát lẫn người nghe.
Ai có thể hiểu được vì sao một chàng thiếu niên 16 tuổi đã có thể cảm nhận thế nào là “kề má say xưa” và “tình xưa còn đó xa xôi lòng”, hay có thể nghe được “tiếng thu đang tàn” xa dần vời vợi ngoài sương gió, như nỗi lòng của một người con gái bẽ bàng vấn vương… Chàng Văn Cao nghe được, hiểu được, và chép lại được bằng nhạc, để hơn 70 năm sau, hậu sinh vẫn có thể nghe được tiếng mùa thu đang chết rơi theo lá vàng.
Ở thời điểm mà Văn Cao vẫn còn đang say sưa viết loại nhạc bay bổng lãng mạn, chưa bị nhuốm màu chinh chiến, người ta có thể thấy được cái chất “thần tiên” trong nhạc của ông. Sử dung chất liệu của văn thơ cổ, giống như bài Trương Chi và Thiên Thai sau này, ca khúc Buồn Tàn Thu mang dấu tích của câu chuyện Chinh Phụ Khúc. Nét cổ phong được thể hiện rõ ở câu hát:
Nhờ bóng chim uyên, nhờ gió đưa duyên
Chim với gió bay về: chàng quên hết lời thề…
Người chinh phụ đêm đêm chờ chồng, nghe những tiếng bước độc hành trong sương gió ngoài kia. Biết bao lần nàng mong đó là bước chân của người yêu trở về. Nhưng hỡi ôi, những ái ân ngày cũ, những lời hẹn thề xưa nay đã trở thành xa xôi, rồi cũng đã cuốn theo những chiếc là mùa thu cuối cùng đang dần tàn rơi.
Từ bản thu đầu tay này, Văn Cao còn bị “ám ảnh” bởi những mùa thu buồn khác sau này, với Thu Cô Liêu, Suối Mơ. Ông đã chia sẻ cảm nhận của mình về mùa thu như sau:
“Có lẽ cuộc đời sinh ra tôi ở mùa thu. Đấy là những ngày sinh nhật của tôi lại vào mùa thu. Và không hiểu tại sao thơ mà tôi chịu ảnh hưởng thì đều là những bài thơ vào mùa thu. Và với bản thân tôi thì mùa thu nó có cái ấm, có cái se lạnh vào cuối mùa, cũng là những ngày có nhiều tưởng tượng nhất”.
Như một định mệnh, nhạc sĩ Văn Cao đã trút hơi thở cuối cùng vào một ngày đầu Thu năm 1995.
Ngoài các phiên bản Buồn Tàn Thu của Phạm Duy và Thái Thanh hát trước năm 1975 đã nhắc tới ở trên, có thể nói phiên bản ca sĩ Mai Hương hát sau năm 75 là một trong những phiên bản hay nhất của ca khúc Buồn Tàn Thu. Mời bạn nghe dưới đây:
Bài: Đông Kha
Bản quyền bài viết của nhacxua.vn