Trước năm 1975, Sài Gòn có những đôi nghệ sỹ rất được ái mộ, có thể kể đến Trịnh Công Sơn – Khánh Ly, Lê Uyên và Phương, Từ Dung – Từ Công Phụng. Lê Uyên Phương gần như là biểu tượng cho tình nhân thời bấy giờ, Trịnh Công Sơn và Khánh Ly thì đã có quá nhiều bài viết, tư liệu, thu âm đề cập đến, nhưng Từ Dung và Từ Công Phụng thì hiếm có tài liệu đề cập hơn. Đến sau này, người ta chỉ còn nhớ đến nhạc của Từ Công Phụng chứ không còn mấy ai từng biết còn có một Từ Dung ca sĩ nữa.
Thông tin về ca sĩ Từ Dung rất ít, có lẽ cũng là vì cô sống khép kín sau cuộc hôn nhân tan vỡ với nhạc sĩ Từ Công Phụng. Có thông tin cho rằng Từ Dung là giao viên tiếng Anh, những ngày ở lại Việt Nam cô có dấu hiệu trầm cảm, ít giao tiếp và cũng rất ít nói.
Mời các bạn nghe giọng hát của Từ Dung trong băng nhạc Tơ Vàng 3 – Tình Khúc Từ Công Phụng đưới đây:
Ngoài ra, xin giới thiệu ở dưới đây thông tin hiếm hoi về ca sĩ Từ Dung, thông qua một bài viết mà cô về mẹ – là bà phu nhân của Hoàng Đạo – Nguyễn Tường Long.
Từ Dung là con của nhà văn nổi tiếng Hoàng Đạo, và Từ Dung cũng là tên khai sinh mà cha của cô đặt cho (chứ không phải là nghệ danh đặt theo tên Từ Công Phụng như người ta nhầm tưởng). Từ Dung nghĩa là “hình dung giống mẹ”, vì ba của cô lúc nào cũng thương nhớ người vợ.
Xin giới thiệu bài viết sau của Từ Dung:
MẸ TÔI
Tôi không biết phải bắt đầu ra sao khi viết về mẹ tôi, vì có rất nhiều điều để nói. Cũng có thể dưới con mắt chủ quan, tôi nghĩ bà là một trong những người phụ nữ phương Đông tuyệt vời nhất trên cõi đời này. Người mẹ dịu hiền mà tôi được may mắn biết đến, với đầy đủ những đức tính về công, dung, ngôn, hạnh của một người đàn bà Á Đông, đã hy sinh cả một cuộc đời mình cho chồng, cho con và cho những nghĩa cử từ thiện ngoài xã hội với nụ cười luôn trên môi cùng chiếc răng khểnh duyên dáng.
Công, Dung, Ngôn, Hạnh
Về mặt dung nhan, vẻ đẹp dịu dàng và đằm thắm của mẹ tôi đã hơn một lần làm rung động những người phái nam có địa vị quan trọng trong nhiều lãnh vực xã hội. Bà cao dong dỏng, thân hình đều đặn thanh tú, nước da mịn màng trắng trẻo, dáng đi yểu điệu và uyển chuyển, khuôn mặt trái soan, cặp mắt hơi hiếng (lé kim), mơ màng nhưng sâu sắc, miệng cười duyên dáng với chiếc răng khểnh và cặp môi đầy đặn.
Tôi có đọc vài cuốn sách viết về mẹ tôi với những lời mô tả thiên lệch bắt nguồn từ những ghen ghét nhỏ mọn. Những người viết này cố tình hạ thấp dung nhan, phẩm hạnh của bà vì đố kị nên những người từng được tiếp xúc với bà vô cùng bất mãn vì những dối trá trắng trợn đó. Theo ý một số những người có dịp tiếp xúc với bà, bà là một trong những người đẹp và hợp thời trang nhất tại Hà Nội vào những thập niên 1930-1940. Ngay cả về sau, khi đã trên bốn mươi tuổi và có bốn người con lớn, bà vẫn là một phụ nữ có vẻ đẹp sang trọng và thanh lịch có tiếng ở Sài Gòn.
Tôi còn nhớ, trong lúc ở giá để nuôi các con ăn học thành tài, mẹ tôi đã từ chối khéo léo và khiêm nhượng những người đàn ông theo đuổi bà và về sau họ vẫn quý mến và nể phục tư cách của mẹ tôi. Một trong những người này đã qua đời đã giữ lòng thương quý mẹ tôi ngay cả khi bà đã tạ thế. Khi ra đi nước ngoài, ông gửi thơ về nhờ tôi đặt lên mộ mẹ tôi một bó hồng đỏ thắm mỗi tuần lễ, như ông vẫn thường làm trước khi ra đi!
Mẹ tôi đã từ chối tất cả những người đàn ông đến sau, vì trong trái tim của bà chỉ có hình bóng của một người yêu duy nhất, đó là ba tôi, Hoàng Đạo Nguyễn Tường Long.
Hoàng Đạo – Nguyễn Tường Long
Về công, tức là tài năng khéo léo, ít có người phụ nữ nào có tài nấu nướng những món ăn Việt cũng như Pháp tuyệt xảo như mẹ tôi. Nào canh bóng, vây, bào ngư, nấm nhồi giò, chả nem rán, bánh chưng gói, món Tây thì súp legume, bò hầm đậu, cua phá xi…
Các ngày giỗ chạp, tiệc rượu linh đình, một mặt mẹ tôi nấu ăn và chỉ dẫn cho người giúp việc, một mặt tiếp đãi khách với nụ cười hiền thục trên môi. Ai cũng phải mến yêu bà. Chị Thu tôi đã lớn thì giúp một tay, còn tôi bé út nhất nhà (cách anh Lân đến 9 tuổi) chỉ chạy chơi và chực ăn trứng luộc trên bàn thờ!
Sau này mẹ tôi mở tiệm Chả Cá Thăng Long (1959) ở đầu đường Phan Thanh Giản. Tiệm rất đắt khách và là một trong những tiệm ăn sang trọng thanh lịch và ngon lành tinh khiết nhất Sài Gòn lúc bấy giờ.
Về ngôn, khoa ăn nói, mẹ tôi ăn nói nhã nhặn, điềm đạm và nhu thuận, lúc nào cũng giữ vẻ bình tĩnh. Bà cũng dạy các con phải ăn nói đàng hoàng. Ngoài phái nam ra, phái nữ cũng thương mến bà, bạn bè và các bà cô, dì hai bên họ đều tìm đến bà khi hoạn nạn, nhưng cũng có một số nhỏ đem lòng ganh tị và tìm cách bôi nhọ thanh danh bà.
Về phẩm hạnh, không ai có thể chối cãi rằng mẹ tôi là một phụ nữ đảm đang, hy sinh cả cuộc đời cho chồng, cho con mà không hề phàn nàn, than vãn.
Thời thơ ấu của mẹ tôi – Ba mẹ tôi gặp gỡ nhau
Sinh ra trong một gia đình quý phái, trưởng giả, mẹ tôi lại có những đức tính đơn giản, tốt bụng hay thương người. Ông ngoại tôi làm tham tá công chánh dưới thời Pháp thuộc, bà ngoại tôi là một mệnh phụ đài các nhưng khôn ngoan, biết quản lý tài sản của ông tôi, biết tiết kiệm. Mẹ tôi lại là con một nên được lo toan rất chu đáo, quá chu đáo đến nỗi mẹ tôi cảm thấy ngộp thở. Bà ngoại tôi tính tình độc đoán, muốn chồng con phải phục tùng theo cách sinh hoạt của bà. Thậm chí mẹ tôi chỉ được quyền chơi những đồ chơi bà ngoại cho phép. Mẹ tôi kể lại rằng một lần ông ngoại lén cho mẹ một con búp bê mà mẹ tôi thích, khi bà ngoại biết được, bà lập tức vứt đi. Mẹ tôi khóc và nhớ mãi chuyện ấy. Bà ngoại rất yêu mẹ tôi, nhưng cụ vẫn giữ tính khắc nghiệt đó nên có những đụng chạm cãi vã không thể tránh được giữa hai mẹ con.
Khi ba mẹ tôi gặp gỡ nhau, họ bị tiếng sét ái tình đánh choáng váng. Một bên cảm vì sắc, một bên mến vì tài. Ba tôi tuy ít nói, nhưng có lối châm biếm khôi hài thật duyên dáng và sâu sắc đã chinh phục được trái tim trong trắng của mẹ tôi. Tính cách khôi hài này được thể hiện trong tập “Trước vành móng ngựa”. Mối tình của ba mẹ tôi là nguồn hứng khởi của mối tình của Duy và Thơ trong “Con đường sáng”. Là một phụ nữ có tâm hồn nhạy cảm và chịu ảnh hưởng phong trào văn hóa mới vì mẹ tôi theo học trường Pháp và tốt nghiệp trường Pháp, bà thông cảm và hỗ trợ chí hướng phi thường của ba tôi, người đã từ chối chức tri huyện khi tốt nghiệp cử nhân luật, sau lại bỏ chức biện lý vì chống lại tòa án Pháp thuộc ngày đó. Điều này thể hiện trong tác phẩm “Trước vành móng ngựa”.
Phải là một phụ nữ phi thường mới thấu hiểu và tôn trọng một tâm hồn phi thường như ba tôi, và mới hy sinh tuổi xuân sắc để giúp đỡ chồng một cách đắc lực trong quá trình tranh đấu cho dân tộc và đất nước.
Lần đầu khi đi xem mắt mẹ tôi tại tòa biệt thự của bà ngoại tôi ở bãi biển Sầm Sơn, ba tôi đã bị tiếng sét ái tình. Mối tình đẹp như thơ đó đã bị cả hai bên gia đình phản đối, bên nội vì lý do bà nội tôi không chuộng gia đình trưởng giả, bên ngoại vì không cho là đủ môn đăng hộ đối. Nhưng ba mẹ tôi đã vượt thắng tất cả để tìm đến nhau và lập gia đình!
Một cuộc hôn nhân đầy hy sinh và chia ly
Chị cả tôi, chị Minh Thu, ra đời năm 1934, là tác phẩm đầu tiên của sự kết hợp tuyệt vời đó. Năm kế là anh Nguyễn Tường Ánh và cách một năm nữa là anh Nguyễn Lân. Ba mẹ tôi những tưởng anh Lân là con út rồi vì lúc đó ba tôi rất ít khi ở nhà, ông đã bị quay vào guồng máy thời cuộc lúc ấy. Khi ba tôi bị bắt, bị tra tấn tại sở mật thám và sau bị đi đày ở Vụ Bản, Chân Lạp Sơn, mẹ tôi rất lo buồn và đi lại tiếp tế nhiều lần. Tháng Tám, 1946, ba tôi dẫn đầu phái đoàn hòa giải, trong đó có cả người của Việt Nam Quốc Dân Đảng, của bên Việt Minh, và có nhân viên bộ Công Chính là kỹ sư Đỗ Xuân Dung để xem tình hình nước lụt ở Việt Trì (ngã ba sông Hồng Đào) và ba tôi bị bắt. Khi được thả ra, ba tôi sang Trung Hoa gặp gỡ bác Nguyễn Tường Tam và các anh em khác. Thời gian đó mẹ tôi thường xuyên mang vật phẩm và tiền bạc sang tiếp tế cho ba tôi và các anh em khác. Ngoài ra, một tay bà lo dạy dỗ các con, chăm sóc mẹ già và cũng một tay bà lo toan hỗ trợ người chồng cách mạng lưu vong nơi xứ người. Phụ nữ như thế không phải ở thời đại nào cũng có!
Ba mẹ tôi lúc ấy như Chức Nữ Ngưu Lang, chẳng được thường xuyên gặp gỡ nên mỗi lần trùng phùng thật quý giá vô cùng! Tôi là kết qủa của một trong những lần gặp gỡ đó. Ba tôi gởi thư về dặn mẹ nếu là con gái thì đặt tên Từ Dung, con trai thì Duy hoặc Giản. Như vậy Từ Dung là tên cúng cơm của tôi chứ không phải tên hát xướng đặt theo một nhân vật khác! Từ Dung có nghĩa là hình Dung giống mẹ, vì ba tôi lúc nào cũng tưởng nhớ mẹ tôi.
Tôi ra đời ngày 30 tháng mười năm 1946 tại Hà Nội trong tình thương yêu của cả nhà. Ba tôi vẫn ở biền biệt bên Trung Hoa nên chẳng thấy mặt tôi, chỉ nhận được tin tức qua thư tín gia đình.
Lần gặp gỡ cuối cùng của ba mẹ tôi năm 1948 tại Hongkong rồi sau đó ba tôi bị một cơn đau tim tạ thế trên đường đi xe lửa về Quảng Châu, lúc đó tôi được 19 tháng. Được tin sét đánh, mẹ tôi phải lo tiền bạc quay trở lại chôn cất ba tôi tại Quảng Châu. Hiện nay không còn biết mộ phần nằm đâu nữa vì các nấm mồ đều bị khai quật dưới chế độ Mao.
Kể từ đó, mẹ tôi ở vậy nuôi con cho đến khi các con khôn lớn. Bố con tôi chỉ biết nhau qua hình ảnh thư từ. Tôi được nghe kể lại về ba tôi qua lời nói của mẹ, của anh chị và của cậu tôi, Như Phong Lê Văn Tiến.
Tôi nghĩ rằng tôi được thừa hưởng óc khôi hài châm biếm của ba tôi, cũng như dòng máu văn chương chảy cuồn cuộn trong tim óc!
Tại Hà Nội, gia đình tôi sống tại đường Lý Thái Tổ, Hàng Vôi. Trường Hàng Vôi là ngôi trường đầu tiên trên con đường học vấn của tôi. Năm 1990, trước khi rời Việt Nam, tôi ghé thăm ngôi nhà gia đình và ngôi trường thơ ấu. Ngôi nhà xinh đẹp hai tầng có cây bàng trước sân giờ đây ngăn ra cho tám hộ ở, phòng ngăn bằng vải rideau. Bàn thờ tổ tiên vẫn còn nguyên chỗ cũ nhưng chỉ còn một ông lão còn nhớ về nguồn gốc căn nhà.
Trở lại năm 1954, chúng tôi rời căn nhà thân yêu lên đường vào Nam trên một chiếc phi cơ quân đội. Tôi mới có 8 tuổi nên chỉ nhớ là mẹ tôi vội trở lại miền Bắc để thanh toán mấy căn nhà ở Hà Nội của bà tôi và gom tiền bạc để sinh sống trong Nam. Lúc đó sắp sửa đóng cửa ra vào hai miền nên các anh chị, tôi lo lắng sợ mẹ tôi bị kẹt lại Hà Nội.
Khi mẹ về, chúng tôi hết sức mừng rỡ. Chúng tôi tạm ở chia với họ hàng bên ngoại một căn nhà đường Đặng Dung, Tân Định. Đó là thời gian đẹp nhất của đời tôi! Mẹ con, anh chị em đoàn tụ yêu mến nhau. Tôi ở tuổi bắt đầu ý thức được tình cảm quý báu của gia đình. Ý nguyện của tôi là anh chị em tôi sẽ trở lại quây quần như thời đó!
Khi đến học lớp Tư trường Huỳnh Thị Ngà thì tôi gặp khó khăn với cô giáo Nam Kỳ với giọng đọc chính tả mới lạ. Tôi có đến mười lỗi trong bài “Lạc vào rừng” vì tôi không hiểu gì cả. Các bạn chế nhạo accent Bắc kỳ và gọi tôi “Bắc kỳ ăn rau muống”. Đó là bài học đầu tiên của tôi về kỳ thị địa phương dạy tôi sau này chống lại mọi thứ kỳ thị trên cõi đời này!
Đời sống tại Saigon
Cùng lúc ấy, mẹ tôi mở tiệm phở và chả cá Thăng Long trên đường Trần Quang Khải, Tân Định, sau chuyển về tiệm chả cá Thăng Long trên đường Phan Thanh Giản. Sau này ngẫu nhiên quán cà phê nhạc Từ Dung của tôi mở năm 1978 cũng lại tọa lạc trên con đường Trần Quang Khải và người hầu bàn trưởng tại chả cá Thăng Long tên là anh Tư lại trở thành người pha cà phê chính của quán Từ Dung.
Tiệm chả cá Thăng Long do họa sĩ Nguyễn Gia Trí trang hoàng có một vẻ Á Đông trang nhã với những chiếc cột đỏ, những tấm bình phong và hình vẽ đặc biệt Việt Nam rất mỹ thuật. Một tấm tranh dân gian của Phạm Tăng treo dọc cả bức tường trong căn phòng riêng của quán. Bức tranh này sau tôi bị một tay văn sĩ hạng b, c gì đó lừa lấy mất!
Căn nhà mẹ tôi mua rộng lớn, một bên mở tiệm, còn một bên gồm năm phòng để gia đình tôi ở. Tiệm luôn đông khách tấp nập và các danh nhân, nghệ sĩ như Mặc Thu, Nguyễn Hoạt, bác Nhất Linh, Chu Tử thường xuyên đến ăn chả cá. Thế nhưng vấn đề tài chính không mấy khả quan vì mẹ tôi quá tốt bụng, luôn nuôi ăn ở và trả lương cho 6,7 người giúp việc nên tiền vào tuy khá nhưng ra cũng lắm. Mẹ tôi không bao giờ từ chối mở hầu bao giúp cho những người đến cầu cứu gia đình tôi!
Lúc đó chị Minh Thu, anh Tường Ánh lập gia đình nhưng lúc đầu anh Ánh vẫn ở chung với mẹ tôi. Các anh chị có gia đình riêng nên không còn gần gũi nhau như xưa. Tôi cảm thấy mẹ buồn nhưng không biết an ủi mẹ ra sao, chỉ biết rúc vào lòng mẹ. Khi anh Ánh và vợ dọn đi ở riêng trong một căn nhà mẹ mua cho anh, tôi được thừa hưởng căn phòng trống cạnh phòng anh Lân. Trước mặt hai căn phòng là một sân cement nhỏ trồng vài cây cảnh như cây trúc đào, cây mận sai trái vì tôi chôn xác con mèo dưới gốc cây.
Đằng sau phòng tôi là một cây trứng cá trái mọng nước và rất ngọt. Căn phòng này đã ghi một ấn tượng sâu đậm về thời thơ ấu của tôi sống êm đềm trong tay mẹ hiền. Có phòng riêng rồi nhưng tôi vẫn đòi ngủ với mẹ để được hít mùi da thịt của bà, thơm mùi nước hoa Guerlain và mùi phấn. Tôi cũng đòi mẹ ngâm thơ Kiều hoặc hát quan họ cho nghe như lúc còn bé tí. Cũng vì vậy mà tôi rất thuộc Kiều và những bài thơ ru em. Mẹ tôi yêu nhạc Đông phương nhưng cũng mê nhạc cổ điển Tây phương, nên khi mẹ mất, gia đình tôi mở nhạc Bach và Beethoven bên quan tài để hương hồn mẹ tôi về thưởng thức, thay vì giọng ê a của các vị sư hay kinh của các cha cố!
Sau này mẹ tôi bắt đầu gặp khó khăn về tài chính nên phải bán đi một số nữ trang. Lúc đó là đầu thập niên 1960, quân đội Mỹ đổ sang Việt Nam nên mẹ tôi theo trào lưu cũng dẹp tiệm chả cá và cho Mỹ thuê một bên nhà để mở nhà hàng có âm nhạc tên là Kontiki. Đêm nào tôi cũng được nghe tiếng đàn hát vọng sang từ bên nhà hàng của ban nhạc Đăng Tiến, thỉnh thoảng tôi cũng sang hát chơi những bản như Autumn leaves, A very precious love, Mona Lisa….
Tôi khoảng 16 tuổi, tuổi đầy mộng đẹp và bắt đầu mơ đến tình yêu!
Mấy năm sau mẹ tôi bán căn nhà rộng lớn đường Phan Thanh Giản và mua căn nhà nhỏ hơn có ba phòng ngủ và một căn gác ở Ngã năm bình hòa đường Chu Văn An. Nhiều người ngăn cản bà mua căn nhà này vì nó nằm cuối ngõ cụt và có mộ phần đằng sau nhà nên theo địa lý rất xấu. Không biết có phải là mê tín không mà sau này mẹ tôi bị ung thư nặng và chết tại nhà đó, bà ngoại tôi cũng chết theo ở tuổi 98 vì quá đau đớn, mẹ tôi là con gái duy nhất của cụ, cậu tôi Như Phong Lê văn Tiến bị bắt giam cũng ở đó, gia đình vợ chồng tôi thì phân tán, chia ly. Năm Mậu Thân 1968 nơi này là tử địa của giặc.
Từ lúc đó mẹ tôi bị ung thư bên cánh tay trái và căn bệnh kéo dài tới năm 1975 thì mẹ tôi mất. Người y sĩ đã hết lòng chữa chạy cho mẹ là bác sĩ Trần Ngọc Ninh, một người bạn thân của gia đình. Hai bác sĩ khác của gia đình tôi là bác sĩ Phan Huy Quát và bác sĩ Kỳ Quan Thân.
Cánh tay xinh đẹp, nuột nà, trắng bóc của mẹ tôi chỉ để đeo những nữ trang qúy giá nay đã bị cắt đi đến hai lần, và sau cùng căn bệnh quái ác đã ăn vào tủy sống làm mẹ hôn mê trong 24 tiếng đồng hồ trước khi từ gĩa cõi đời. Trước khi bị hôn mê, căn bệnh ăn vào tủy làm bà thấy mọi vật nhuộm muôn màu muôn sắc.
Không có gì diễn tả nổi nỗi đau đớn của người mắc bệnh ung thư. Lầu 5 của viện ung thư ở Gia Định phải rào lại vì nhiều người trong cơn đau đã nhảy xuống tự vận. Trong khoảng cuối cùng của cuộc đời đầy hy sinh, chịu đựng, đau đớn, bà vẫn tiếp tục làm phước, giúp người. Bà bảo trợ cho một số người bị ung thư trong viện, trong số đó có một anh binh sĩ trẻ, đẹp trai như Alain Delon. Anh bị ung thư xương chân, chỉ trong vài tháng là từ trần. Mẹ tôi, lúc đó đã phải dùng tới codein cho bớt đau và bò lết dưới đất rên la, cũng vẫn lo cho anh trong những ngày chót của cuộc đời anh!
Tại sao một phụ nữ hiền hậu như mẹ tôi và có lòng thương người lại phải chịu một số phận đớn đau như vậy? Khi mẹ tôi chết đi, bà không bám víu vào một niềm tin tôn giáo nào cả vì bà không tìm thấy đức tin nơi cuối đời. Lúc gần chết, bà cảm thấy hoang mang…
Khi nhìn ngắm xác mẹ trong chiếc áo trắng tôi mặc cho bà và cành hoa lan trắng trước ngực bà, tôi mới ý thức được nỗi mất mát lớn lao đến thế nào. Đã quá muộn để chiều chuộng mẹ, để nói rằng mẹ ơi con yêu mẹ, để cám ơn bà cho tôi đời sống hôm nay và niềm tin ngày mai.
Có một con bướm trắng bay quanh quan tài của mẹ nhiều lần trước khi hạ huyệt, có phải chăng linh hồn mẹ muốn từ giã các con lần cuối?
Từ Dung xin thay mặt người quá cố cũng như các anh chị gửi lời cám ơn anh Sơn con của cô Thế đã lo việc rải tro xuống biển cho bà và mẹ chúng tôi tại Việt Nam để linh hồn bà và mẹ chúng tôi được siêu thoát và xin Chuá ban phước lành cho anh và gia đình anh.
Từ Dung