Ca sĩ Thanh Tuyền và những câu chuyện “bây giờ mới kể”

Trong chương trình livestream của trung tâm Thúy Nga vào năm 2018, ca sĩ Thanh Tuyền đã có buổi tâm sự về chuyện đời, chuyện nghề của mình, kể về những điều chưa từng tiết lộ trước đó. Đôi lúc cô đã bật khóc khi nhớ lại những kỷ niệm xưa.

Nhạc sĩ Nguyễn Văn Đông giận đến 2 năm liền không nhìn mặt tôi

Khởi đầu câu chuyện, ca sĩ Thanh Tuyền cho biết: “Tôi đến với Thúy Nga từ buổi ban đầu, khi trung tâm mới thành lập từ trước năm 1975. Ngày đó,tôi là bạn của Thúy (bà chủ trung tâm Thúy Nga). Thời tuổi trẻ, tôi ham chơi lắm, nên nghe chị Thúy rủ rê làm cuốn bằng tiếng hát của mình thì làm luôn. Đó chính là bộ 3 băng nhạc Tiếng Hát Thanh Tuyền trước năm 1975”.

Bộ 3 băng nhạc Tiếng Hát Thanh Tuyền phát hành vào đầu thập niên 1970 là những cuốn băng nổi tiếng nhất của nhạc vàng trước 1975, đặc biệt là cuốn số 1 đã đã doanh số kỷ lục và đến nay vẫn còn nhiều người nghe thường xuyên. Tất cả những bài hát trong cuốn băng này đến nay đều trở thành bất tử, sống mãi cùng thời gian. Mời các bạn nghe lại sau đây:


Click để nghe băng Tiếng Hát Thanh Tuyền 1 thu âm trước 1975

Tuy nhiên cũng vì cuốn băng này mà Thanh Tuyền đã phạm sai lầm với chính người thầy, cũng là ân nhân của cô trong sự nghiệp, đó là nhạc sĩ Nguyễn Văn Đông. Cô kể tiếp:

“Cô Thúy hồi trẻ rất mê âm nhạc, lại mơ mộng lắm, nên cứ nghĩ làm chơi thôi, không ngờ cuốn băng đó lại nổi tiếng như thế.

Tôi không biết rằng, việc thu cuốn băng đó lại khiến tôi phạm phải sai lầm với thầy tôi là nhạc sĩ Nguyễn Văn Đông. Trung tâm âm nhạc của ông hoàn toàn đủ điều kiện để tôi thu băng mà tôi lại đi làm với Thúy Nga.

Sau đó, nhạc sĩ Nguyễn Văn Đông giận đến 2 năm liền không nhìn mặt tôi. Ông mắng tôi toàn quyền làm mọi thứ, không chịu hỏi ý chú. Tôi phải xin lỗi vì biết ông thương tôi”.

Ca sĩ Thanh Tuyền trong 1 lần về nước thăm thầy Nguyễn Văn Đông

Sau năm 1975, ca sĩ Thanh Tuyền sang Mỹ, gia đình bà Thúy Nga sang Pháp. Khoảng năm 1982, bà Thúy có sang Mỹ ở nhà Thanh Tuyền và bày tỏ mong muốn tái lập trung tâm Thúy Nga tại Pháp. Nữ ca sĩ kể:

“Lúc đó, con tôi còn nhỏ xíu, mà tôi sẵn sàng để lại Mỹ để bay qua Pháp, ở nhà Thúy suốt 2 tháng trời để quay phim. Điều kiện lúc đó khá khó khăn, nhiều lúc mưa gió không quay được. Tôi không ngủ được nên hôm sau đi quay như mộng du vậy, thế mà vẫn phát hành thành công.

Được như vậy là nhờ vào cái đam mê âm nhạc của chị Thúy và anh Tô Văn Lai (chủ trung tâm Thúy Nga). Nhiều khi tôi giận anh Lai lắm, vì anh ấy hà tiện từng đồng một. Anh ấy muốn tiết kiệm chi phí cho Thúy Nga ít nhất có thể”.

Từng ra méc thầy vì lời nói đùa của danh ca Chế Linh

Thanh Tuyền và Chế Linh có thế xem là đôi song ca nhạc vàng nổi tiếng nhất từ trước đến nay. Hai giọng ca, một cao chót vót, một trầm ấm ngọt ngào đã hòa quyện và rất ăn ý trong nhiều bài hát, đầu tiên là Hái Hoa Rừng Cho Em năm 1968, sau đó là Con Đường Xưa Em Đi, Tình Bơ Vơ, Đừng Nói Xa Nhau.

Mặc dù thời gian sau đó, Thanh Tuyền song ca với nhiều nam danh ca khác như Duy Khánh, Nhật Trường, Tuấn Vũ…, còn Chế Linh cũng song ca với nhiều nữ ca sĩ, đặc biệt là Thanh Tâm, nhưng khán giả sẽ không thể nào quên sự kết hợp Chế Linh – Thanh Tuyền đã trở thành một huyền thoại.

Thanh Tuyền tâm sự về mối duyên được hát song ca với danh ca Chế Linh như sau:

“Người song ca ăn ý nhất với tôi là Chế Linh. Cái duyên giữa tôi và Chế Linh bắt nguồn từ thầy Nguyễn Văn Đông. Hồi đó, thầy thấy anh đang đi cạnh anh Duy Khánh và được nghe kể anh hát hay lắm nên muốn cho song ca với tôi.

Sau đó, thầy bảo tôi song ca với Chế Linh. Thầy bảo sao thì tôi nghe, nên tôi cũng đồng ý thu âm chung và thành công từ ấy. Các hãng đĩa đổ xô mời chúng tôi thu âm. Chúng tôi trở thành một hiện tượng.


Click để nghe hài hát song ca đầu tiên của Chế Linh – Thanh Tuyền

Tôi còn nhớ một kỷ niệm với Chế Linh. Sau khi thu xong bài Hái Hoa Rừng Cho Em, Chế Linh có cầm tay tôi nói: “Cho hôn cái nha, tay gì mà như chuối mắn vậy”.

Tôi nghe vậy liền ra mách thầy: “Con không hát với anh này đâu. Anh ấy nói tay con như nải chuối”. Điều này khiến Chế Linh phải ra giải thích.

Tôi với Chế Linh là bạn tri kỷ với nhau, chúng tôi hát với nhau rất hợp vì cùng tông giọng với nhau, có thể lên cùng nốt. Giọng tôi là như vậy, tôi phải hát cao mới đã, chứ hát thấp thì không ra. Tuy vậy, chúng tôi chưa bao giờ yêu nhau”.

Không quen khi bị gọi là tượng đài, nữ hoàng, công chúa

Ngày nay, có thể thấy rằng âm nhạc Việt Nam bị lạm phát danh xưng, nhiều ca sĩ được gọi, hoặc tự nhận là “ông hoàng, bà chúa”, hay là “tượng đài âm nhạc” một cách bừa bãi, điều này làm mất đi giá trị của danh xưng đó. Đối với thể loại nhạc xưa, có một danh xưng thường dùng cho những ca sĩ đã cống hiến trọn đời cho âm nhạc, đó là “danh ca”, thường dùng cho những tên tuổi lớn và có những bước đường mang tính khai phá, tiên phong trong âm nhạc, như là Thái Thanh, Anh Ngọc, Duy Trác, Tâm Vấn, Kim Tước, Châu Hà…

Riêng đối với Thanh Tuyền, nếu xét về tuổi đời, tuổi nghề và những cống hiến dành cho nhạc vàng, cô hoàn toàn xứng đáng là một tượng đài của nhạc vàng, tuy nhiên cô nói rằng mình không quen với những danh hiệu xa lạ như vậy:

“Chỉ có sân khấu thì tôi mới sống được, không có sân khấu tôi không sống được. Khi lên sân khấu, tôi chỉ biết hát thôi, không còn biết gì cả. Có thầy bói còn bảo tôi: “Hát tới khi nào vào quan tài thì thôi”.

Thần tượng của tôi là nhạc sĩ Nguyễn Văn Đông và nhạc sĩ Mạnh Phát. Nếu không có hai người thì không có Thanh Tuyền.

Họ dạy tôi từ nhạc lý tới cách sống, đúng theo tiên học lễ hậu học văn. Thầy tôi còn dạy, trong nghề ngày mà cứ đố kị thì sẽ mất duyên. Bởi vậy, ân tình của khán giả dành cho tôi, tôi nhớ mãi.

Thầy Nguyễn Văn Đông có nói với tôi một câu mà tôi nhớ mãi: “Ở cuộc đời này phải biết nhún nhường. Mình càng cao bao nhiêu lại càng phải hạ mình bấy nhiêu”.

Bởi vậy, bây giờ người ta cứ gọi tôi là tượng đài, nữ hoàng hay công chúa gì đó, tôi không quen. Tới bây giờ, trải qua 54 năm đi hát, tôi chưa bao giờ nghĩ mình là siêu sao. Các đồng nghiệp mà thành công là tôi vui”.

Tổng hợp

Exit mobile version