Ca sĩ Hương Lan – Câu chuyện về một “thần đồng” âm nhạc

Bấy lâu nay, chúng ta hay gặp thần đồng này, thần đồng kia, khi một cô bé hay cậu bé nào đó bộc lộ được khả năng thiên tài từ thuở nhỏ. Tuy nhiên có được mấy thần đồng có thể giữ mãi được “phong độ” đó từ nhỏ cho đến khi đã ngoài lục tuần như trường hợp ca sĩ Hương Lan. Có rất nhiều “thần đồng” trở thành “dân thường” khi đến tuổi trưởng thành, và cũng có rất người có tuổi thơ rất bình thường nhưng khi lớn lại trở thành thiên tài.

Còn Hương Lan lại là một trường hợp đặc biệt.

Ở tuổi lên 3, Trần Thị Ngọc Ánh (tức Hương Lan) đã rành cả sáu câu vọng cổ, những điệu thức hát cải lương dù chưa biết chữ. Thấy con gái lanh lợi, mẹ cô đã dạy cô hát những tích tuồng theo kiểu truyền khẩu và rất nhanh chóng cô đã nằm lòng các vở tuồng “Thầy cai tổng Bồi”, “Lan và Điệp”… Cha cô, nghệ sỹ Hữu Phước, là một tên tuổi sân khấu lừng danh lúc đó. Mẹ cô cũng là nghệ sỹ, còn bà nội cô là một trong những nghệ sỹ cải lương có tiếng ở giai đoạn tiền phong.

Hương Lan lúc 2 tuổi

Trong cái nôi đó, ngay từ tấm bé, Hương Lan đã được sưởi ấm bằng những câu vọng cổ, được tưới tâm hồn bằng những lời ca tiếng đàn. Đến năm 4 tuổi cô đã có làn hơi phong phú và hát rất nhịp nhàng, ca trôi chảy bản “Văn Thiên Tường”, “Tây Thi”, “Lưu Thủy”, “Vọng cổ”.

Thấy con mình có năng khiếu và đang đắn đo không biết có nên cho theo sân khấu hay không, nghệ sỹ Hữu Phước quyết định đi hỏi thầy tướng số. Xem quẻ xong, thầy phán “Con nhỏ nầy ngày sau lớn lên công thành danh toại. Một vợ một chồng, hạnh phúc tới ngày răng long tóc bạc. Danh nổi như cồn. Tài nghệ không ai sánh bằng. Tiền vô như nước”. Hơn 50 năm sau, “con nhỏ” ấy đã hai lần sang đò nhưng nghiệp diễn đúng là “nổi như cồn” và chỉ riêng ở dòng nhạc trữ tình quê hương quả thật “tài nghệ không ai sánh bằng”.

Hương Lan hợp với sân khấu, cô mê ca hát như trẻ con mê đồ chơi. Ngay từ nhỏ, những giờ tập ca là những giờ sung sướng nhất cuộc đời. Ở tuổi lên 5, cô được bà nội dẫn đi ca tài tử tại bar Lệ Liễu và nhiều quán ca tài tử khác. Sau đó, bà bầu Thơ của đoàn Thanh Minh – Thanh Nga phát hiện và đưa Hương Lan vào đoàn và cho hát tuồng, đóng vai em của cô Lan, bé Xuân, đi trao thơ của cậu Điệp cho cô Lan. Lúc đó, lần đầu tiên Hương Lan bước lên sân khấu, nhỏ xíu, phải đóng thêm một cái bục cao mới thòng dây kéo micro tới để mà hát, đó là vở tuồng đầu tiên của cô.

Hương Lan xuất hiện trên sân khấu cải lương cùng nghệ sĩ Thanh Nga

Và bắt đầu từ thời điểm ấy, gia đình quyết định cô cho đi theo “con đường chuyên nghiệp”. Điều đầu tiên là phải có nghệ danh. Lúc ấy, trong giới cải lương miền Nam đã có người mang nghệ danh Ngọc Ánh rồi, vậy thì phải nghĩ tên khác. Soạn giả Kiên Giang hỏi thân phụ của Hương Lan: “Trong giới nghệ sỹ mày thích người nào nhất?”, nghệ sỹ Hữu Phước trả lời “Dạ em thích Thanh Hương với Út Bạch Lan”. Xong soạn giả Kiên Giang quyết luôn: “Vậy tao lấy tên hai người này đặt cho con mày”. Từ đó, sân khấu miền Nam có một thần đồng nhí mới toanh vụt lên thành sao sáng: Hương Lan.

Năm 1961, Hương Lan chính thức ra mắt công chúng với vai phụ trong vở “Thiếu phụ Nam Xương”. Ngày hôm đó, lần đầu tiên người ta thấy một biểu ngữ to căng trước rạp “Vở tuồng có sự tham gia của thần đồng Hương Lan, ái nữ của nghệ sĩ Hữu Phước”. Nhiều người hôm ấy đã rất ấn tượng với hình ảnh một thần đồng bé tẹo. Dưới dàn micro treo, chỗ đứng của Hương Lan kê một cái hộp gỗ đựng quần áo diễn của mọi người trong đoàn cao ngất ngưởng. Cô đứng trên cái hộp ấy, miệng ngậm cái núm vú cao su, cứ khi nào nhạc nổi lên thì lại nhả ra để ca, ca xong kéo cái núm vú ngậm tiếp.

Năm ấy Hương Lan chỉ vừa 5 tuổi.

Giọng hát như dòng sông len lỏi

Lúc đó ở Sài Gòn có vài thần đồng rất được chú ý, Thanh Tuyền (nhạc trẻ) và Quốc Thắng ở mảng tân nhạc, còn Hương Lan đi vào ca cổ. Nhưng không phải thần đồng nào cũng ngự trị được lâu. Mỹ danh “thần đồng” là con dao hai lưỡi, một khi đã nhàm tai công chúng sẽ rất dễ bị lãng quên. Thời điểm ấy ở Ý nổi lên giọng ca Robertino Loretti mới chỉ 13 tuổi mà tiếng hát sơn ca làm mê mẩn cả thế giới. Nhưng chỉ hai năm sau Robertino gần như chỉ còn là cõi nhớ khi anh bị vỡ giọng. Thần đồng tân nhạc Quốc Thắng cũng vậy. 6 tuổi anh đã đoạt giải nhất cuộc thi tuyển lựa ca sĩ nhi đồng do đài Pháp Á tổ chức. Năm ấy (1956) người về nhì là ca sỹ 11 tuổi Khánh Ly. Quốc Thắng được xem là thần đồng và rất được yêu mến nhưng cuối cùng con đường âm nhạc của anh ngày càng mờ dần khi trưởng thành. Nhưng Hương Lan là một trường hợp khác.

Được đào tạo bài bản, có kinh nghiệm và rất có duyên với bất cứ dòng tân/cổ nhạc nào mình thể hiện, hơn 50 năm qua cô chưa từng đánh rơi thành công của mình. Mỹ danh thần đồng là một bệ nâng nhưng chính Hương Lan thừa hiểu bệ nâng ấy sẽ hạ cô xuống bất cứ lúc nào nếu cô không biết thay đổi và rèn luyện mình.

Năm 12 tuổi, từ cổ nhạc Hương Lan “lấn” sang tân nhạc. Cô giải thích rằng không phải vì cô không còn thích cải lương, mà vì lúc đó Hương Lan đã lớn, “Sao làm thần đồng được nữa?”. Và Hương Lan quyết định rời cải lương, bỏ cả học để chuyên tâm theo ca hát. Năm 1969, Hương Lan bắt đầu nổi danh với vai trò là một ca sĩ tân nhạc, hai bài hát được ưa thích nhất lúc ấy của cô là “Ai ra xứ Huế” và “Những đồi hoa sim”.

Việc chuyển ngạch bất ngờ không làm thay đổi đáng kể giọng hát của Hương Lan. Cho đến tận bây giờ, giọng hát của cô chưa bao giờ thiên về kỹ thuật nhưng lại thấu ruột gan người nghe bởi cảm xúc. Thanh quản của cô cất tiếng nhẹ như nước trôi, bảng lảng như khói mà lại xa vời tạo luyến tiếc và vẫn giữ được chút gì đấy vọng lại của ca cổ. Với thanh quản ấy, cùng việc “chuyên trị” những bài tự tình quê hương, đã sớm đưa Hương Lan trở thành giọng ca được yêu thích nhất trong một thị trường công chúng vốn chỉ ưa trữ tình.

Phải nói một cách công bằng rằng, hơn 50 năm qua Hương Lan là một nghệ sĩ thiếu những cao trào, dù là ở Sài Gòn hay khi ra hải ngoại. Nhưng sức mạnh của giọng ca Hương Lan như một con sông len lỏi và rất nhiều thế hệ cũng chảy nhẹ nhàng cùng cô. Những bài hát như “Ai ra xứ Huế”, “Mắt Huế xưa”, “Còn thương rau đắng mọc sau hè”, “Chiếc áo bà ba”, “Cánh thiệp đầu xuân”, “Em đi trên cỏ non”, “Mùa xuân của mẹ”, “Điệu buồn phương Nam”… vẫn được nhớ nhất với giọng hát Hương Lan.

Cuộc đời trôi nổi, từ thần đồng cho đến những lúc làm công việc cuốn chả giò ngày 8 tiếng ở Pháp… nhưng dường như chưa bao giờ làm tiếng hát của Hương Lan bị mệt nhọc. Cô sinh ra để hát và cuộc sống luôn ưu ái dành cho giọng hát ấy những khoảng không nương tựa, cho dù đó có là những thời khắc đau khổ nhất trong đời cô. Giọng hát ấy vẫn len lỏi qua nhiều thế hệ, như một mạch ngầm chảy, như thể cuộc sống, như thể hương ca vô tận.

Theo Nguyên Minh (Báo Đẹp Online)

Exit mobile version