Tiểu sử ca sĩ Bảo Yến – Đỉnh cao của nhạc Việt trong nước thập niên 1980

Là một nữ ca sĩ thành danh sau năm 1975, cái tên Bảo Yến đã để lại một dấu ấn sâu đậm trong lòng người yêu nhạc cả trong và ngoài nước. Với chất giọng thiên phú, đa năng, Bảo Yến có thể hát rất tốt nhiều thể loại âm nhạc từ dân ca Nam Bộ, Trung Bộ, đến ca trù Bắc Bộ, hát từ nhạc trẻ sôi động, nhạc bolero trữ tình đến nhạc ngoại,… nhưng nổi bật nhất vẫn là dòng nhạc trữ tình với những dấu ấn sâu đậm trong lòng khán giả yêu nhạc.

Lớn lên cùng âm nhạc 

Danh ca Bảo Yến tên thật là Nguyễn Khắc Kim Yến. Cô sinh ngày 27 tháng 2 năm 1958 tại đồn Mang Cá, Thành Nội Huế. Tuổi thơ của Bảo Yến lớn lên bên dòng sông Hương, núi Ngự, được cha là ca sĩ Thuỷ Triều nuôi dưỡng và bồi đắp cho tâm hồn âm nhạc ngay từ khi còn nhỏ. Trong gia đình, cả ba chị em Bảo Yến gồm hai gái và một trai đều nối gót cha theo nghiệp cầm ca. Ngoài Bảo Yến thành danh và được yêu mến, hai người còn lại là ca sĩ Nhã Phương và nhạc sĩ Kim Tuấn cũng gây dựng được những vị trí đáng kể trong làng nhạc.

Khi Bảo Yến được 7 tuổi, gia đình cô rời Huế chuyển đến Cần Thơ định cư. Biết các con có tư chất âm nhạc, cha mẹ Bảo Yến không ngần ngại đầu tư, mời riêng một ông thầy dạy nhạc người gốc Miên đến nhà dạy cho cả ba chị em. Suốt thời đi học, hai cô con gái là Nhã Phương và Bảo Yến đều là những cây văn nghệ của lớp, của trường.

Năm 1981, trong khi cô em gái Nhã Phương tham gia và giành huy chương vàng trong cuộc thi Những giọng ca Phương Nam do đài truyền hình tổ chức thì Bảo Yến cũng được Đài truyền hình Tp. HCM mời về cộng tác trong vai trò một diễn viên thanh nhạc, chuyên ghi hình và thu âm cho những chương trình ca nhạc riêng của đài. Thời gian này Bảo Yến gặp gỡ và yêu nhạc sĩ Quốc Dũng khi đó đang làm công việc biên tập và hoà âm phối khí tại Đài truyền hình. Họ kết hôn với nhau vào năm 1983 và cùng nhau thăng hoa trong địa hạt âm nhạc.

Bảo Yến và Quốc Dũng

Năm 1982, lần đầu tiên Bảo Yến xuất hiện trên sân khấu chuyên nghiệp trong một chương trình âm nhạc quy mô được tổ chức tại nhà hát Hoà Bình do nhạc sĩ Dương Thụ biên tập. Nhạc sĩ Kim Tuấn chính là người đã đề xuất giọng ca của cặp đôi chị em Bảo Yến – Nhã Phương cho nhạc sĩ Dương Thụ. Bởi khi đó nhạc sĩ Dương Thụ mới từ Hà Nội vào Sài Gòn làm chương trình và ông đã hỏi ý kiến những đồng nghiệp trong Nam khi chọn lựa những giọng ca cho chương trình của mình.

Không phụ sự tin tưởng của các nhạc sĩ, hai chị em Bảo Yến đã khiến sân khấu nhà hát Hoà Bình vỡ oà trong tiếng vỗ tay của khán giả. Bằng giọng hát nội lực, phong cách biểu diễn trẻ trung, năng động, Bảo Yến và Nhã Phương đã thổi một làn gió tươi mới vào sân khấu ca nhạc vốn vẫn còn rất trầm lắng sau biến cố năm 1975. Khác với cô em Nhã Phương đã được biết đến và thành danh từ sau cuộc thi Những giọng ca Phương Nam, giọng ca Bảo Yến chỉ thực sự ghi được dấu ấn từ sau đêm biểu diễn tại nhà hát Hoà Bình. Thời kỳ này, cùng với Nhã Phương, Bảo Yến trở thành giọng ca không thể thiếu của các sân khấu và đài truyền hình.

 

Hai chị em Bảo Yến và Nhã Phương

Băng nhạc Chiều Hạ Vàng và dấu ấn Bảo Yến

Thành công chói loà đến với Bảo Yến năm cô 27 tuổi, khi ra mắt băng nhạc Chiều Hạ Vàng bao gồm 10 ca khúc mới nhất của nhạc sĩ Hoàng Phương. Nữ ca sĩ từng kể: “Anh Hoàng Phương bất ngờ gõ cửa và tự giới thiệu, sau đó nhờ Yến hát giùm 10 bài mới sáng tác của anh”.  

Thập niên 1980, nhạc sĩ Hoàng Phương viết nhiều ca khúc trữ tình về những vùng quê, vùng biển hiền hoà, êm ả, đặc biệt là vùng đất Gò Công quê hương ông. Vì vậy, một số ca khúc của ông còn được gọi tên là “dòng nhạc Gò Công”. Và Bảo Yến chính là nữ ca sĩ đã đưa “dòng nhạc Gò Công” đến với đông đảo công chúng yêu nhạc.

Năm 1986, nhạc sĩ Hoàng Phương bỏ công bỏ việc lặn lội lên Sài Gòn tìm gặp hai người bạn cũ là nhạc sĩ Quốc Dũng và nhạc sĩ Lê Hựu Hà ngỏ ý nhờ làm nhạc. Bởi sau nhiều năm tự sáng tác rồi lại tự làm nhạc, tự phát hành mà không thành công, Hoàng Phương nhận ra ông đã quá nghiệp dư, hoàn toàn không có chuyên môn về hoà âm, phối khí. Vốn có nền tảng tài chính mạnh, Hoàng Phương mời hai chị em Bảo Yến và Nhã Phương thu thanh và tự bỏ tiền túi ra để làm nhạc. Những người bạn nghệ sĩ hoàn toàn không phải chịu bất kỳ áp lực nào về tài chính hay kinh doanh. Toàn bộ băng nhạc được thực hiện vô cùng ngẫu hứng và mới mẻ với trống điện tử và âm nhạc từ cây đàn Yamaha.

Tuy nhiên, vượt ngoài sức tưởng tượng của chính những người làm nhạc, băng nhạc dù không được đưa ra kinh doanh mà chỉ chuyền tay nhau để nghe, đã bất ngờ được đông đảo khán giả yêu nhạc mến mộ, tìm nghe. “Dòng nhạc Gò Công” và băng nhạc Chiều Hạ Vàng theo giọng hát truyền cảm của Bảo Yến và Nhã Phương đi đến khắp mọi miền của đất nước trên các chuyến xe đò, chuyến tàu, những rạp hát, từ Sài Gòn lan xuống Cà Mau, rồi lan ra Trung, ra Bắc. Nhiều đài phát thanh địa phương cũng phát lại những bản nhạc này trên các chương trình ca nhạc thường kỳ.


Click để nghe Bảo Yến hát nhạc Gò Công

Có thể nói, thập niên 1980 chính là thời kỳ hoàng kim đỉnh cao của tiếng hát Bảo Yến. Ở trong nước, Bảo Yến được xưng tụng là ngôi sao số 1 của dòng nhạc trữ tình quê hương. Cho đến tận ngày nay, nhiều ca khúc của Bảo Yến thể hiện khi đó vẫn được khán giả nhắc lại với sự mến mộ không thuyên giảm như: Chiều Hạ Vàng, Mẹ Gò Công, Thương Một Người Ở Xa, Chuyện Tình Hoa Muống Biển,… Và băng nhạc Chiều Hạ Vàng trở thành một sự kiện đặc biệt trong dòng chảy âm nhạc Việt, đánh dấu sự trở lại của dòng nhạc trữ tình trong một vóc dáng tươi mới và gần gũi hơn. Bên cạnh thành công với “dòng nhạc Gò Công”, Bảo Yến còn khá thành công với những album nhạc Huế, nhạc về miền Trung.

Sự thoái lui bất ngờ và những ẩn ức sâu kín

Đầu thập niên 1990, khi đang ở đỉnh cao sự nghiệp, Bảo Yến bất ngờ rút lui khỏi các hoạt động nghệ thuật của giới showbiz, từ chối mọi lời mời biểu diễn. Sự biến mất đột ngột của Bảo Yến kéo theo nhiều lời đồn đại ác ý như cô đã hết thời, hoặc cô đã quá giàu nên không muốn đi hát nữa. Rất ít người biết rằng, Bảo Yến tuy có vẻ ngoài gai góc và một giọng hát nội lực độc đáo, lại là một người phụ nữ rất nhạy cảm và dễ bị trầm cảm.

Mãi tận sau này, khi nhìn lại quãng thời gian khó khăn đó, Bảo Yến tâm sự rằng, cô cảm thấy sợ hãi với những va chạm, thị phi, chèn ép trong môi trường phức tạp của showbiz, cộng với đời sống gia đình có nhiều biến cố, trắc trở khiến Bảo Yến mất đi nhiệt huyết với sân khấu. Tuy nhiên, dù chọn cách lánh xa ánh đèn màu sân khấu, Bảo Yến vẫn nhận ghi âm ca khúc theo yêu cầu từ các nhà sản xuất, các nhạc sĩ, vậy nên dù không xuất hiện rầm rộ, tiếng hát Bảo Yến vẫn vang vọng đâu đó trong các chương trình phát thanh, những băng caset.

Thập niên 2000, khi bước sang độ tuổi 40, tâm lý có lẽ đã vững vàng hơn, Bảo Yến quyết định quay trở lại với sân khấu âm nhạc sau gần 10 năm vắng bóng. Sự xuất hiện cầm chừng của cô trên các sân khấu âm nhạc dẫu không ồn ào nhưng cũng đủ để giải cơn khát của những khán giả vẫn dõi theo và yêu mến giọng hát đặc biệt của cô.

Năm 2007, Bảo Yến sang Mỹ tham gia các chương trình Asia số 53,54,55 và gây ấn tượng với những ca khúc như Đưa Em Vào Hạ, Anh Còn Nợ Em…

Những năm gần sau này, sau những biến cố mệt mỏi của đời sống hôn nhân, ca sĩ Bảo Yến cũng tìm lại được sự bình yên trong gia đình khi người chồng đa tình của cô là nhạc sĩ Quốc Dũng “hồi tâm chuyển ý”, quay lại vun vén cho gia đình.

Bài: Niệm Quân
Bản quyền bài viết của nhacxua.vn

Exit mobile version