Ca khúc “Về Đâu Mái Tóc Người Thương” – Tuyệt phẩm nhạc vàng đẹp như tranh vẽ của nhạc sĩ Hoài Linh

Nhạc sĩ Hoài Linh nổi tiếng từ thập niên 1950-1960 với rất nhiều những ca khúc có ca từ mượt mà và lời ca đẹp như một bài thơ, khác biệt với hầu hết những bài nhạc vàng phổ thông đại chúng khác.

Nếu bạn là người yêu thích nhạc xưa, hãy theo dõi kênh YouTube này để nghe đọc các bài cảm nhận về âm nhạc (phân tích ý nghĩa, hoàn cảnh sáng tác, tiểu sử ca nhạc sĩ): LINK YOUTUBE  < Click

Trái tim người nghệ sĩ vốn luôn đa sầu, đa cảm, nếu có lỡ tơ vương vài bóng hồng đi qua trong đời để viết nên những nhạc phẩm bất hủ thì cũng là chuyện dễ hiểu. Nhưng với nhạc sĩ Hoài Linh thì khác. Ông là nhạc sĩ hiếm hoi lo cho cho gia đình đông con của mình một cuộc sống thoải mái dư dả chỉ nhờ công việc sáng tác nhưng lại không sa đà vào những cuộc tình bay bướm, trăng hoa.

Theo tiết lộ của gia đình cố nhạc sĩ, vợ là tình đầu và cũng là tình cuối của ông. Hơn nửa thế kỷ sống êm ấm bên chồng con, bà Hoài Linh chưa bao giờ phải mảy may lo nghĩ về việc chồng tơ vương bóng hồng nào khác. Những nhạc phẩm nhạc sĩ Hoài Linh viết đều thấp thoáng bóng dáng của vợ và cuộc tình lãng mạn của họ, trong đó, đặc biệt nhất phải kể đến ca khúc Về Đâu Mái Tóc Người Thương. Dù câu chuyện trong bài hát phần lớn là được nhạc sĩ tưởng tượng ra, nhưng cũng bắt nguồn từ việc vợ của ông có mái tóc dài, dày đen rất đẹp. Mỗi lần gội đầu xong, bà lại ngồi bên thềm nhà hong tóc. Hình ảnh thơ mộng đó được nhạc sĩ Hoài Linh chuyển vào âm nhạc, dệt nên những câu hát nổi tiếng bậc nhất trong âm nhạc Việt:

Hồn lỡ sa vào đôi mắt em
Chiều nao xõa tóc ngồi bên rèm 


Click để nghe Phương Dung hát Về Đâu Mái Tóc Người Thương trước 1975

Từ cổ chí kim, đôi mắt giai nhân luôn là một đề tài nóng hổi trong nghệ thuật. Nói đến sự say đắm trong tình yêu, người ta thường nhắc đến đôi mắt đầu tiên. Bởi đôi mắt là cú chạm đầu tiên của hai người xa lạ, là nơi ẩn chứa những tâm tư, tình cảm chân thật nhất. Đôi khi chỉ một ánh nhìn ngây thơ, một cái liếc mắt đưa tình hời hợt của các cô gái cũng làm các chàng chao đảo, hồn vía lên mây. Và nhạc sĩ Hoài Linh đã bắt được khoảnh khắc chớp nhoáng ấy, tinh tế gửi vào âm nhạc.

Người xưa đã có một đúc kết rất hay gửi gắm trong hai câu ca dao:

Tóc em dài sao em không búi
Để chi dài bối rối dạ anh

Không giống như phụ nữ ngày nay có thể tự do thả tóc, cài cột đủ kiểu ở bất kỳ độ tuổi nào. Phụ nữ xưa hầu như không thả tóc khi đi ra đường, vì vậy mà chàng trai nào may mắn lắm thì mới thấy được mái tóc bung xoã tự do, bay trong gió của các cô gái. Hình ảnh cô gái ngồi hong tóc trước thềm nhà cứ vậy mà nhẹ nhàng đi vào thơ ca nghệ thuật, giống như một chỉ dấu gợi tình, khiến bao chàng bối rối, xốn xang.


Click để nghe Hoàng Oanh hát Về Đâu Mái Tóc Người Thương trước 1975

Thầm ước nhưng nào đâu dám nói
Khép tâm tư lại thôi
Đường hoa vẫn chưa mở lối 

Nhưng phép tắc, lễ nghi nào cho phép chàng trai đường đột. Chàng chỉ đành “thầm ước”, “khép tâm tư”, chờ “đường hoa mở lối”.

Đời lắm phong trần tay trắng tay
Trời đông ngại gió lùa vai gầy 

Khi mới “hồn lỡ sa vào đôi mắt em”, chàng trai hẳn đã nung nấu nhiều mơ ước, thầm mong nhanh chóng công thành danh toại để xứng đáng với nàng, để đón nàng về dinh. Nhưng sự đời vẫn còn là: “Đời lắm phong trần tay trắng tay/ trời đông ngại gió lùa vai gầy”. Với hoàn cảnh “tay trắng”, “vai gầy”, áo mỏng “gió lùa” như vậy, làm sao chàng có tự tin bao bọc, che chở cho nàng, xây đắp cho nàng một mái nhà êm ấm. Hơn nữa:

Lầu kín trăng về không lối chiếu
Gác cao ngăn niềm yêu 

Nàng là tiểu thư khuê các, gia đình quyền quý. Dù tình yêu có sâu đậm, thắm thiết nhiều đến thế nào đi nữa, chàng làm sao vượt qua được bức tường ngăn cách cao vời vợi đó. Chàng đành mãi khép tâm tư, chẳng dám “mơ ước” điều gì: “Thì thôi mơ ước chi nhiều”

Và điều gì đến đã phải đến, không thể tránh khỏi. Nàng lên xe hoa về nhà chồng như bao cô gái tới tuổi thành thân khác.

Bên nhau sao tình xa vạn lý, cách biệt mấy sơn khê
Ngày đi mắt em xanh biển sâu, mắt tôi rưng rưng sầu
Lặng nghe tiếng pháo tiễn ai qua cầu 

Có lẽ chỉ đến khi tiễn nàng lên xe hoa, chàng mới thực sự thấm thía sâu sắc sự cách biệt quá lớn giữa họ: “Bên nhau sao tình xa vạn lý, cách biệt mấy sơn khê”. Chàng lặng lẽ trông theo bóng nàng xa khuất trong niềm đau khổ tột cùng. Dẫu vậy, cho đến tận thời khắc ngang trái, bẽ bàng này, chàng vẫn “chết chìm” trong đôi “mắt xanh biển sâu” của nàng. Tình yêu của chàng dành cho nàng vẫn không hề đổi thay, phôi phai.

Đường phố muôn màu sao thiếu em
Về đâu làn tóc xõa bên rèm
Lầu vắng không người song khép kín
Nhớ em tôi gọi tên, chỉ nghe lá rơi bên thềm 

Dù mọi mong cầu, ước nguyện trong chàng đã vỡ tan như bong bóng nước, dù chàng đã buông xuôi tất cả, nhưng trái tim chàng lại chẳng thể an yên, vẫn mãi không thôi thổn thức, mong chờ, không sao quên được bóng dáng người xưa. Nỗi nhớ thương da diết của chàng trai tràn lên từng câu hát hát, xót xa, sầu thảm vô cùng.


Click để nghe Thanh Thúy hát trước 1975

Ai đó đã nói rằng, tình yêu đơn phương là thứ tình yêu đẹp nhất, bởi tình yêu ấy mộng nhiều hơn thực, nhưng cũng đau khổ nhất, tuyệt vọng nhất. Ca khúc Về Đâu Mái Tóc Người Thương của nhạc sĩ Hoài Linh cũng vậy, thật đẹp đẽ từ ca từ, ý tứ đến giai điệu nhưng cũng sầu buồn vô hạn.

Có một thời gian ca khúc Về Đâu Mái Tóc Người Thương được rất nhiều ca sĩ trẻ hát lại và chiếm được cảm tình của nhiều khán giả trẻ mới bắt đầu nghe nhạc vàng vào thời điểm dòng nhạc vàng được “phục hưng” ở trong nước. Tuy nhiên đã có rất nhiều người trẻ lại lầm tưởng người sáng tác ca khúc này là Hoài Linh – một người diễn hài, chứ không biết rằng đã từng có một nhạc sĩ Hoài Linh đã lừng lẫy từ trên nửa thế kỷ trước, tác giả của rất nhiều ca khúc đã trở thành bất hủ và sống mãi cùng năm tháng.

Bài: Niệm Quân
Bản quyền bài viết của nhacxua.vn

Exit mobile version