Nhạc sĩ Trầm Tử Thiêng sinh năm 1937 tại Quảng Nam, mất năm 2000 tại Mỹ. Những thăng trầm trong cuộc đời 63 năm của ông gắn liền với thân phận người Việt trong cuộc bể dâu trường kỳ của đất nước. Gần như Trầm Tử Thiêng dành cả đời mình để cống hiến cho âm nhạc, kết duyên cùng âm nhạc, không mệt mỏi cho đến tận những ngày tháng cuối cùng của cuộc đời. Và kết tinh của mối duyên tình bền bỉ giữa người nhạc sĩ tài hoa ấy và âm nhạc là khoảng 200 ca khúc được phát hành và yêu mến. Qua từng giai đoạn, mỗi biến cố của thời cuộc đều ảnh hưởng rất lớn đến ca khúc của ông.
Nhà thơ Du Tử Lê, người bạn vong niên từ thời trẻ của nhạc sĩ Trầm Tử Thiêng đã chia sẻ về tính cách “khép kín” của ông: “Ông ấy ít tâm sự với bằng hữu về đời sống tình cảm, chỉ một vài người biết thôi. Ông ấy là người đối xử với bằng hữu rất tử tế, như bát nước đầy. Đó là một người đối với bằng hữu hay lắm, nhưng lại là một người rất kín đáo về đời sống riêng”. Ít chia sẻ, ít tâm sự với bạn bè có lẽ bởi mọi tâm tư, cảm xúc, suy tư, cảm hứng… trong ông đã dành trọn cho người tình âm nhạc.
Nhạc sĩ Trầm Tử Thiêng từng nói rằng, trong mỗi tác phẩm của ông, đều có sự hiện diện của tình yêu, hoặc thân phận con người qua mọi biến chuyển của cuộc sống, trong từng giai đoạn. Nó xen lẫn nỗi đau thương và cả niềm hạnh phúc. Tưởng Niệm là một nhạc phẩm như vậy, là khúc ca vĩnh biệt của con người, hát cho tình yêu và thân phận con người trong bước chuyển cuối cùng của đời sống.
Trầm Tử Thiêng viết Tưởng Niệm năm 1972, năm của Mùa Hè Đỏ Lửa kinh hoàng. Những phận người ngã xuống như rơm như rạ. Những ai oán, xót xa thống thiết trên phận người, trên tình người và cả trong tình yêu đã được người nhạc sĩ 35 tuổi nén lại, dồn chặt trong nội tâm sâu thẳm “khép kín” của mình, không thể chia sẻ, không thể kêu gào, chỉ có thể bùng nổ trong âm nhạc.
Đúng như tên gọi của ca khúc, “Tưởng Niệm” là dành để tưởng niệm. Nhưng không chỉ để tưởng nhớ người nằm xuống mà để tưởng niệm đời sống, tưởng niệm tình yêu đã mất đi, thứ của cải vô giá mà con người vừa chợt nhận ra trong những giây phút cuối cùng hiện diện trên đời sống. Toàn bộ ca khúc giống như một thước phim quay chậm, soi rọi tâm tư thầm kín của những số phận con người trong những giây phút cuối cùng của cuộc đời.
Ta nghiêng tai nghe lại cuộc đời,
thì hãi hùng hoàng hôn trờ tới
Cuộc hành trình của mỗi con người trong đời sống, dù ngắn dù dài luôn sẽ có một điểm dừng. Khi điểm dừng đó xuất hiện, có người nhận ra sớm, có người nhận ra muộn, có người bất thình lình chạm mốc, không trăn trối, không chuẩn bị. Nhân vật tự sự trong hai câu hát này rõ ràng đã đi qua gần hết một đời người, đã nhìn thấy điểm dừng của mình từ sớm, đã “nghiêng tai nghe lại cuộc đời”, và “nghiêng vai soi lại tình người”. Nhưng dù có chuẩn bị kỹ càng đến mấy, thì khi giây phút cuối cùng đó gõ cửa, khi “hoàng hôn trờ tới”, tâm trạng “hãi hùng” vẫn là không tránh khỏi. Bởi những vương vấn còn lại với đời, với người giống như tơ sen, càng kéo càng dài, càng rút càng đau. Chỉ khi đứt lìa hẳn mới hết đau đớn, hết hãi hùng.
Ở câu này có một chữ thường bị hát sai, hoặc nghe sai thành chữ khác. Theo bản viết tay của nhạc sĩ thì chữ đúng là “hoàng hôn trờ tới”, chứ không phải là “chợt tới” hay là “chờ tới”. Chữ “trờ” này thật đắt giá, thể hiện sự hiện diện bất thình lình của tuổi hoàng hôn xế bóng.
Ta nghiêng vai soi lại tình người,
thì bóng chiều chìm xuống đôi môi
Tại sao lại phải “nghiêng tai” để “nghe lại cuộc đời”? Sao phải “nghiêng vai” để “soi lại tình người”? Tại sao không “thẳng” mà phải “nghiêng”? Nhạc sĩ Trịnh Công Sơn cũng đã từng sử dụng chữ “nghiêng” này với một ý nghĩa tương tự:
Hãy nghiêng đời xuống.
Nhìn suốt một mối tình
Chỉ lặng nhìn không nói năng (Để Gió Cuốn Đi)
“Nghiêng” để nghe cho rõ hơn, nhìn cho thấu hơn, soi cho kỹ. Nghiêng ở đây là nghiêng xuống, cúi xuống, đặt cái bản ngã của mình xuống, để nhìn đời, nhìn người, để đồng cảm, để yêu thương và để tha thứ nhiều hơn. Trong những giây phút cuối cùng của đời người, mọi hỷ, nộ, ái, ố, ngạo nghễ, tranh đua, thiệt hơn,… trong đời đều chẳng còn ý nghĩa gì nữa. Nhưng khi người ta nhận ra được điều đó, thấu được tình đời, tình người thì “bóng chiều chìm xuống đôi môi” mất rồi, không thể nói năng chi được nữa. Những lời nói trăn trối nếu còn có lúc này, chẳng thể nào chuyển tải được hết tâm tư, tâm sự chất chứa cả một đời.
Click để nghe Tuấn Ngọc hát Tưởng Niệm
Người đã nhìn thấy điểm dừng của mình từ sớm, đã chuẩn bị tinh thần ra đi mà còn “hãi hùng”, còn hối tiếc vì những điều chưa kịp làm, chưa kịp nói. Huống chi là những người chưa hề có sự chuẩn bị gì, như đoạn hát tiếp theo:
Đang mân mê cho đời nở hoa,
chợt bàng hoàng đến kỳ trăn trối
Đang nâng niu cuộc tình lộng lẫy,
bỗng ngỡ ngàng hụt mất trên tay
Đó là những phận người bị bứt khỏi đời sống khi đang trên đỉnh dốc của đời người, với bao hoài bão, bao khát vọng về cuộc sống, về tình yêu. Nhưng thời khắc cuối cùng đã điểm, mọi cố gắng “cho đời nở hoa”, mọi trân trọng, nâng niu cho “cuộc tình lộng lẫy” của họ bỗng “hụt mất trên tay”, giống như bị cướp đi, tước đoạt đi.
Những lời ca là tiếng kêu oán thán của muôn vạn phận người nằm xuống.
Ta khổ đau một đời, để chết trong tình cờ
Ta tìm nhau một thời, để mất nhau vài giờ
Những câu hỏi thống thiết, uất hận, oán thán dội lên từng lời hát, xiết chặt trái tim của người nghe. Ta chịu “khổ đau một đời” không phải chỉ “để chết trong tình cờ”, chết không trăn trối, chết không nhắm mắt, chết vì mưa bᴏm bãᴏ đɑn vô tình? Những đôi tình nhân mãi mới tìm được nhau, vượt qua bao khó khăn để bên nhau, không phải “để mất nhau” trong “vài giờ”? Nhưng tất cả chỉ rơi vào thinh lặng, không một lời đáp trả. Chỉ có những phận người rớt xuống, rơi rụng tơi bời trong sự xót xa, bất lực đến cùng cực của người nhạc sĩ:
Bàn tay làm sao níu, một đời vừa đi qua
Bàn tay làm sao giữ, một thời yêu thiết tha
Không gì có thể cứu vãn, không gì có thể níu kéo. Cuộc sống, tình yêu cũng như thân phận con người, chìm trôi trong cuộc bể dâu của thời đại.
Mang ơn em trao tình một lần, là kỷ niệm dù không đầm ấm
Mang ơn em đau khổ thật đầy, là nắng vàng rũ nhốt trong mây
Mang ơn trên cho cuộc đời ta, là vạn ngày gió cuồng mưa lũ
Dẫu vậy, trong thời khắc cuối cùng của đời người, khi hồi chuông vĩnh biệt gióng lên giục giã, nhạc sĩ đã trao vào trái tim con người, những phận người bạc bẽo, cái nhìn ấm áp, tươi sáng, và đầy độ lượng để cuộc đưa tiễn được thanh thản, vẹn toàn. Khi nói lời vĩnh biệt, con người dù có một cuộc đời sung sướng hay cực khổ, hạnh phúc hay khổ đau đều rồi sẽ như nhau. Vậy nên, dù cuộc đời “nở hoa” hay “vạn ngày gió cuồng mưa lũ”, dù tình yêu có thăng hoa một “cuộc tình lộng lẫy” hay chất đầy những “kỷ niệm không đầm ấm”, đau khổ như “nắng vàng rũ nhốt trong mây”, thì vẫn xin tri ân cuộc đời, xin tạ ơn em, tạ ơn tình yêu, tạ ơn đời, tạ ơn người. Bởi chỉ có lời tri ân chứ không phải lời oán thán mới giữ con người, tâm hồn con người lại gần nhau, bên nhau dù còn đang hiện diện trên cõi đời hay đã đi về nơi quá vãng:
Trong cơn đau một vừng nhang khói, kéo ta về, về cõi hư vô
Cơn đau ập tới như một nhát kéo cắt đứt mối tơ vương giữa con người và đời sống. Người đã đi vào cõi hư vô, bỏ lại cuộc sống, bỏ lại tình yêu, bỏ lại những bạc bẽo của phận người trôi nổi. Không còn ước mơ, không còn khát vọng, không còn những đau khổ ở đời. Ca khúc khép lại, tiếng hát lặng đi, chìm vào thinh không. Nhưng những khoảng trống vẫn còn để lại, khoảng trống mà lẽ ra ở đó những phận người sẽ đi hết hành trình nhân sinh của mình. Những khoảng trống giống như luồng gió xoáy vô hình, nhưng dữ dội, xoáy vào tim người nghe một nỗi buồn bi thiết, không phôi phai…
Click để nghe Lệ Thu hát Tưởng Niệm
Bài: Niệm Quân
Bản quyền bài viết của nhacxua.vn