Trong hàng trăm nhạc sĩ nhạc vàng nổi tiếng trước năm 1975, nhạc sĩ Trầm Tử Thiêng luôn được nhiều người mền mộ và có một chỗ đứng trang trọng trong làng nhạc miền Nam. Không chỉ được biết đến với tài năng sáng tác, mà Trầm Tử Thiêng còn là một người đức độ, tính tình hiền lành, luôn để lại thiện cảm với đồng nghiệp những người xung quanh.
Những sáng tác của ông rất đa dạng, với riêng dòng nhạc vàng đã có rất nhiều tác phẩm của ông đã trở thành bất tử: Đưa Em Vào Hạ, Chuyện Một Chiếc Cầu Đã Gãy, Bài Hương Ca Vô Tận, và Trộm Nhìn Nhau:
Đôi khi trộm nhìn em
Xem dung nhan đó bây giờ ra sao
Em có còn đôi má đào như ngày nào
Kể từ khi vắng anh, em như tấm vải lụa đào
Thương thâu đêm giấc ngủ xanh xao
Em có bề nào ai đón ai đưa.
Ca khúc Trộm Nhìn Nhau được chia làm 3 phần, để cho ca sĩ “nhìn trộm” 3 người khác nhau. Đó là nhìn trộm em, nhìn trộm anh, và nhìn trộm mẹ. Giai điệu của bài hát nhẹ nhàng, khoan thai, phù hợp với giọng hát chậm rãi và tình cảm của ca sĩ Hoàng Oanh.
Nhưng vì sao phải nhìn trộm? Có lẽ vì như vậy thì mới thấy được người yêu thương của mình trong một hình tượng tự nhiên nhất, không hoa mỹ, không hào nhoáng.
Đôi khi trộm nhìn em, “trộm nhìn” nghe ngộ nghĩnh và dễ thương cho mối tình của đôi trai gái đang yêu, thoảng qua nhìn em “xem dung nhan đó bây giờ ra sao” qua tháng năm dài xa cách nhau, em có còn sắc hương rạng ngời như ngày nào, hay dung nhan trở nên tiều tụy vì thời gian mòn mỏi đợi chờ anh đang bôn ba khắp bốn phương trời
“Kể từ khi vắng anh, em như tấm vải lụa đào”. Tấm vải lụa đào ở đây chắc là phát xuất từ câu ca dao “Thân em như tấm lụa đào. Phất phơ giữa chợ biết vào tay ai”. Người xưa ví người con gái như tấm vải đào vừa xinh đẹp, lại vừa mỏng manh yếu đuối.
Kể từ khi vắng anh, thương em từng đêm xanh xao giấc ngủ chập chờn nghĩ về người yêu đang cách xa biền biệt. Trong thời ly loạn, biết nơi nào là yên bình nên ai cũng lo nghĩ cho nhau, lo lắng “Em có bề nào ai đón ai đưa”…
Cuộc đời là vách chắn là rào thưa
Thương em tiếng hát sang mùa
Một mai mưa ướt áo em áo mỏng đường mềm
Dáng nhỏ chân đêm
Cuộc đời làm ngăn cách mỗi người mỗi nơi, không cho như ý nguyện được sống cùng nhau chung trời êm ấm, người đi xa luôn thương nhớ người ở lại và xót xa cho người con gái mình yêu phải một mình trên đường đời nhiều giông bão. Sợ “một mai mưa ướt áo em áo mỏng đường mềm”, lấy ai đưa đón che chở cho em khỏi ướt áo, không thấy cô đơn giá lạnh trong những chiều mưa đi về một mình.
“Dáng nhỏ chân đêm” gợi nên hình ảnh dáng người con gái liễu yếu đào tơ, cô đơn giữa bóng đêm mịt mù, làm cho người nghe cảm nhận được tâm tình của chàng trai luôn xót xa trăn trở cho người yêu đang một mình bước cô lẻ trên đường đời.
Đôi khi trộm nhìn anh
Xem đôi tay rắn phong trần năm xưa
Anh có còn mê sông hồ qua từng mùa
Kể từ khi vắng anh, em như tấm vải lụa nhầu
Đêm thâu đêm giấc mộng xanh xao
Anh có bề nào ai đón đưa em…
Vẫn là ánh nhìn “trộm” mà ý nghĩa tình tứ yêu thương lo lắng cho nhau, để xem đôi tay anh có còn rắn chắc phong trần như năm xưa, người đàn ông phong trần rắn rỏi cho em nương tựa, cho em gửi cả cuộc đời dưới bờ vai chở che. Mong đợi một ngày anh qua rồi cơn “mê sông hồ” để trở về gặp lại người em bé nhỏ ở quê nhà.
“Kể từ khi vắng anh, em như tấm vải lụa nhầu”. Anh thì nhìn em như “tấm vải lụa đào”, còn em thì lại thấy chính mình như một “tấm vải lụa nhầu”, vì bao ngày tháng xa nhau, vì mòn mỏi đợi anh mà em như cành hoa sầu héo, vắng anh rồi thì em gương lược trang điểm cho ai nhìn ngắm dung nhan?
Cuộc đời là vách núi là tường mây
Quê hương nắng cháy đêm ngày
Mà anh chim vút cánh bay thăm thẳm đường dài
Ít về thăm em…
“Cuộc đời là vách núi là tường mây” ngăn cách đôi ta. Người nghe nhạc thưởng thức được những ca từ hay như “vách núi” và “tường mây”. Đây là nét đặc sắc của nhạc sĩ đã vẽ nên những tượng hình đẹp và độc đáo hình tượng về cuộc đời làm ngăn cách hai người sau vạn nẻo sơn khê.
Em còn từng ngày từng đêm đợi chờ, mà anh còn “chim vút cánh bay” chân trời tít tắp. Đời trai phong sương còn vui bước sông hồ, nên ít về để thăm em.
“Ít về thăm em” những nốt lơ lửng chấm dứt bài hát cho người nghe miên man cảm thương cho phận gái ở quê nhà, phải sống những chuỗi ngày dài cô lẻ xa người yêu, hoặc những cô phụ chờ chồng vò vỏ “xanh xao những giấc mộng đêm thâu”.
Đôi khi trộm nhìn me
Soi gương trang điểm cho đời thêm tươi
Thương tiếc thời
tô phấn hồng
sang nhà người
Rồi mùa xuân cũng qua
Mang theo tuổi dại ngọc ngà
Đêm qua đêm tính gọn tương lai
Mơ thấy một ngày con níu chân cha…
Cuộc đời là bể cả
là dòng sông
Như con nước lớn nước ròng
Mà ta như chiếc lá khô
Nước chảy rời nguồn
lá đành trôi theo..
Ở phiên khúc cuối của bài hát là trộm nhìn lại mẹ. Tuy nhiên nghe như là chính cô gái đang nhìn về tương lai của mình? Giờ đã không còn thời tuổi dại, không còn như thời tô phấn hồng để sang nhà người nữa. Xuân đã qua bao nhiêu mùa, cô gái đến tuổi phải suy nghĩ để tính gọn cho tương lai, và hình ảnh “con níu chân cha” kia thật bình yên, là điều mà hầu như mọi người phụ nữ trưởng thành đều mơ ước nhìn thấy.
Cuộc đời như dòng nước chỉ trôi xuôi theo một dòng, không thể nào quay trở lại được ngày cũ. Và đời người cũng như chiếc lá nhỏ chơ vơ giữa dòng kia, phải chịu qua nhiều con nước lớn, những đoạn đời khúc khuỷu, trước khi mơ về một khoảng trời bình yên nước lặng…
Ca khúc Trộm Nhìn Nhau thể hiện cái nhìn và suy nghĩ của một người con gái trong thời binh biến, với những lo toan, những hy vọng và suy nghĩ của mình qua từng đoạn đời. Bài hát này qua tiếng hát Hoàng Oanh cùng phần hòa âm của nhạc sĩ Lê Văn Thiện có thể xem là một tuyệt tác của nhạc vàng, nghe rất ấn tượng:
Trong bản thu âm cho trung tâm Asia vào năm 1997, ca sĩ Hoàng Oanh có ngâm thêm 4 câu thơ của thi sĩ Lưu Trọng Lư ở đầu:
Em ngồi bên song cửa
Anh đứng dựa tường hoa
Nhìn nhau mà lệ ứa
Một ngày một cách xa.
Click để nghe bản thu âm trên Asia
Trước năm 1975, ca sĩ Hoàng Oanh từng hát bài này và song ca với Thanh Phong. Mời bạn nghe lại:
Click để nghe bản thu âm trước 1975 của Hoàng Oanh và Thanh Phong
Bài: Trương Đình Tuấn – Đông Kha
Bản quyền bài viết của nhacxua.vn